Thứ Tư, tháng 5 14, 2014

Việt Nam Có Thể Làm Gì?

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày140514
Diễn Đàn Kinh Tế 

Kinh tế Việt Nam là Công ty Vệ tinh của Trung Quốc?  

Vị trí của giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam
* Vị trí giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa Việt Nam - RFA files * 
 


Khi Bắc Kinh đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì người Việt có thể làm những gì? Câu hỏi này đang khiến nhiều người ở trong và ngoài nước cùng thắc mắc. Tiết mục Diễn đàn Kinh tế nêu vấn đề với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Là tư vấn kinh tế cho đài Á Châu Tự Do, lại theo dõi tình hình Trung Quốc từ nhiều năm qua, ông đã nhiều lần phân tích động thái của Bắc Kinh trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Điển hình là hai bài liền trong Tháng Bảy năm 2012 khi tập đoàn Dầu khí Hải dương CNOOC của họ tiến sâu vào thềm lục địa và phạm vi 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để mở ra chín lô cho quốc tế thăm dò. Vì vậy, có lẽ ông chẳng ngạc nhiên khi tập đoàn này đưa giàn khoan tối tân nhất của họ vào một khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam và gây căng thẳng trong vùng biển Đông Nam Á từ đầu tháng Năm. Thính giả gần xa của chúng ta nêu câu hỏi là trong hoàn cảnh đó, Việt Nam có thể làm những gì khi kinh tế lại có nhiều quan hệ gắn bó với Trung Quốc? Ông nghĩ sao về thắc mắc này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ đây là vấn nạn nan giải vì ta cần hỏi ngược là Việt Nam nào ở đâu? Nhưng xin hãy nói về bối cảnh, về những gì có thể là mục tiêu của Trung Quốc. Nếu biết họ muốn gì, vì sao, may ra mình sẽ thấy được những khả năng ứng xử. Còn lại, làm được không thì tùy theo vị trí và tầm nhìn xa gần.

Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ khởi đi từ câu hỏi đó. Theo nhận xét của ông thì Trung Quốc muốn gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ nhiều năm nay, diễn đàn này nhận định rằng Trung Quốc là xứ đói ăn, khát dầu và cần trao đổi với thế giới bên ngoài, nhưng vì đa nghi và sợ sệt nên đòi kiểm soát sự trao đổi ấy. Nhiều nước Đông Á cũng cần trao đổi buôn bán như vậy mà giải quyết theo cách hoà bình và sòng phẳng. Trung Quốc giải quyết theo lối khác, có thể qua ba bước tuần tự.

- Thứ nhất, do yêu cầu kiểm soát vùng biển cận duyên như vùng trái độn quân sự, năm năm về trước, họ mập mờ đưa ra lưỡi bò chính khúc, rồi gọi là khu vực "quyền lợi cốt lõi" để biện minh cho việc can thiệp. Đó là ăn cướp bằng pháp lý ngoa ngụy nếu các nước không phản ứng đồng loạt. Kế tiếp là bước khai thác lợi thế chiến thuật tại nơi họ đã chiếm của xứ khác, như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và mời quốc tế vào khai thác để vì lòng tham mà các nước mặc nhiên hợp thức hóa sự cưỡng đoạt. Việc mở rộng khu vực kiểm soát phòng không năm ngoái cũng nằm trong hướng đó. Bước thứ ba là sẽ còn lặng lẽ nâng cao khả năng quân sự để mở tầm kiểm soát ra khỏi vùng biển cận duyên mà không gây ra phản ứng đồng loạt của các lân bang.

- Việc họ đưa giàn khoan tối tân vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không là bất ngờ vì nằm trong bước thứ hai, là khai thác lợi thế chiến thuật đã có sau khi chiếm Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, rồi một phần Trường Sa năm 1988 và chiếm Bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân vào năm 2012 mà không gặp sự chống đối chung.


Tàu hải cảnh TQ phun nước vòi rồng qua tàu kiểm ngư Việt Nam để đuổi ra khỏi khu vực
Tàu hải cảnh TQ phun nước vòi rồng qua tàu kiểm ngư Việt Nam để đuổi ra khỏi khu vực. AFP

Đó là ăn cướp bằng pháp lý ngoa ngụy nếu các nước không phản ứng đồng loạt. Kế tiếp là bước khai thác lợi thế chiến thuật tại nơi họ đã chiếm của xứ khác, như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và mời quốc tế vào khai thác để vì lòng tham mà các nước mặc nhiên hợp thức hóa sự cưỡng đoạt.  Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Suy như vậy, mục tiêu của giàn khoan 981 không hẳn là để tìm dầu trong một hạn kỳ có ba tháng. Họ thử xem phản ứng của nước thế nào thì tiến tới bước thứ ba là mở rộng tầm kiểm soát quân sự ra khỏi vùng biển cận duyên mà khỏi đụng với Hoa Kỳ. Qua từng bước, Bắc Kinh khai thác lòng tham và nỗi sợ của các nước để đạt mục tiêu là kiểm soát và nếu được thì thôn tính.


Vũ Hoàng: Phải chăng cũng do lòng tham hay nỗi sợ mà Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN đã không có một lập trường thống nhất về quy tắc hành xử với Bắc Kinh sau hội nghị cấp cao vừa qua tại Miến Điện hoặc như trong thượng đỉnh năm kia tại Cam Bốt?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta bắt đầu bước vào phần tìm hiểu về cách ứng xử của Việt Nam và các nước trong khu vực. Trước hết, cả vùng Đông Á này đáng khinh và không là gương mẫu vì chọn con đường lý tài hơn lý tưởng và biến người dân thành sinh vật kinh tế. Nếu còn vài ngoại lệ thì đấy là Nhật Bản và Đại Hàn mà thôi, khi lãnh đạo hai xứ này còn nhắc nhở đến những giá trị tinh thần trong các quyết định.

- Ngẫm lại thì với tất cả tội ác thời thực dân và những hạn chế ngày nay trong hành động, các nước Âu Châu và cả Hoa Kỳ đều đề cao một số nguyên tắc có giá trị toàn cầu, là tự do kinh tế, xã hội cởi mở và dân chủ chính trị với nhân quyền được tôn trọng. Không chỉ đề cao, họ cố thực hiện điều đó cho xứ khác và kịch liệt đả kích khi có vi phạm trong các xã hội Âu-Mỹ của họ.

- Đông Á thì không. Dù có nhiều nền văn hoá cổ xưa với giá trị tinh thần đáng kính, các nước Đông Á ngày nay, nhất là tại Đông Nam Á, đều theo chủ nghĩa thực dụng, coi quyền lợi kinh tế còn quan trọng hơn nhân quyền, hay chủ nghĩa dân tộc và độc lập quốc gia. Vì vậy, các nước mặc nhiên rơi vào cái bẫy "trọng thương" và lý tài của Trung Quốc. Ở xa tầm đạn thì tham, ở gần thì sợ nên tự khuất phục. Người ta quên một khái niệm đã từng làm nên lịch sử là "chính nghĩa", là cái lẽ phải khiến con người có thể hy sinh tài sản lẫn mạng sống.

- Việt Nam là nơi mắc bệnh lý tài Đông Á nặng nhất, từ trên đầu xuống, nên khó kêu gọi xứ khác cùng sát cánh trước bạo lực bành trướng. Trong môi trường văn hóa ấy, chủ nghĩa bá quyền và chính sách thực dân mới của Trung Quốc có sự thuận lợi hiển nhiên và Bắc Kinh dễ phân hóa lập trường của tập thể ASEAN.


Vũ Hoàng: Từ một chuyên gia kinh tế, nhận xét về văn hoá này của ông quả là đáng chú ý!

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng từ nếp văn hóa lý tài đó mới có chính sách kinh tế tai hại đấy. Ai cũng biết hệ thống kinh tế nhà nước có vấn đề mà sửa không được thì lại theo để kiếm chút cháo, mặc cho tư doanh cò con bị chết lâm sàng. Rồi còn viện dẫn thành quả ảo của Trung Quốc làm lẽ biện minh cho hệ thống kinh tế bất công và bất lực đó. Thực tế lại còn thê thảm hơn vậy nữa.



Giàn khoan HD 981 trên Biển Đông
Giàn HD 981 trên Biển Đông (ảnh Xinhua)


Vũ Hoàng: Ông nói thê thảm hơn là thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta hãy nhìn vào thực tế Việt Nam mà có lẽ người Mỹ cũng biết.

- Từ năm năm nay, hải quân của Việt Nam mới gia tăng ngân sách từ hơn trăm triệu lên khoảng 400 triệu đô la vào năm tới. So với bao nhiêu tỷ bạc đã bị thất thoát thì đấy là điều mỉa mai. Thành phần lãnh đạo xứ này sẵn có bãi đáp ở nước ngoài, không Mỹ thì Canada hay Úc. Họ có chân chạy nên tài sản và con cháu đều có chân đứng ở ngoại quốc. Ở dưới, phần tử ưu tú của xứ sở vì tương đối khá giả hơn quần chúng thì cũng mong con cái được học bên Mỹ để có tương lai khá hơn quá khứ 40 năm vừa qua của họ. Như vậy trước mối nguy Trung Quốc thì còn lại những ai? Là người chỉ sợ mất tiền trên thị trường cổ phiếu, những người vừa được phép biểu tình hay những người còn trong tù vì đã biểu tình chống Trung Quốc hay đòi dân chủ?

Một ví dụ là nếu có xung đột và cần võ khí tự vệ, dù mới chỉ là một bích chương cổ động chứ chưa nói tới súng đạn, thì lãnh đạo lại sợ võ khí này sẽ nhắm vào họ! Những người lãnh đạo sợ mất đảng hơn là mất nước nên cột tay đa số ở dưới. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Ngày nay, không thiếu người ở trong nước coi chuyện giàn khoan CNOOC là vở kịch được Bắc Kinh và Hà Nội dàn dựng để trục lợi với Mỹ. Vì lòng dân hoang mang bất định tới mức đó, hồi nãy tôi mới hỏi là Việt Nam nào, ở đâu? Một ví dụ là nếu có xung đột và cần võ khí tự vệ, dù mới chỉ là một bích chương cổ động chứ chưa nói tới súng đạn, thì lãnh đạo lại sợ võ khí này sẽ nhắm vào họ! Những người lãnh đạo sợ mất đảng hơn là mất nước nên cột tay đa số ở dưới.

Vũ Hoàng: Nếu những người có tâm huyết và thiết tha đến tương lai Việt Nam mà muốn làm gì đó, dù chỉ là kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, thì điều ấy có nên chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi ngờ rằng ta sẽ rơi vào cái chủ nghĩa lý tài tai hại, với lý luận bùi tai là nên dàn xếp qua thương thảo, chứ đừng cản trở việc giao lưu buôn bán vì đã làm ăn với nhau thì khó nã súng vào nhau. Lý luận đó chỉ là biện minh cho lẽ cầu an! Cho nên người ta vẫn có thể mở chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc để huy động lòng dân và để thử lòng người, chứ không nên chờ đợi là gây thiệt hại cho Trung Quốc. Thuần về kinh tế, có lẽ ta nên nhìn khác.

Vũ Hoàng: Thưa ông nhìn khác là như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc vì lãnh đạo có phân công lao động với Bắc Kinh như các nước chư hầu Đông Âu với Liên Xô thời xưa. Hà Nội chả mắc bẫy giao thương với Bắc Kinh mà đã đẩy cả nước vào cái bẫy đó. Tôi xin giải thích.

- Việt Nam bán hàng nhiều nhất là cho các thị trường Âu Châu, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản rồi mới đến thị trường Trung Quốc. Bán hàng gì? Đa số là hàng chế biến với nguyên vật liệu nhập từ bên ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc. Tức là Việt Nam chỉ là trạm trung chuyển các bán chế phẩm của Trung Quốc bán vào các thị trường Âu-Mỹ với phần gia công hay trị giá gia tăng là của công nhân Việt Nam. Hậu quả là Việt Nam nhận đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc, chỉ kém đầu tư của Nam Hàn và Nhật Bản, mà đạt xuất siêu với các thị trường Âu-Mỹ chừng nào thì nhập siêu với Trung Quốc chừng đó. Nôm na thì Việt Nam nhận làm công ty vệ tinh cho đại tổ hợp Trung Quốc và được thế giới nâng đỡ chừng nào thì dâng lại lợi thế đó cho Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Tháng Tám năm ngoái, nói về sự thoái trào của Trung Quốc vì đà tăng trưởng chậm mà lương bổng đắt hơn, ông có gợi ý về một cơ hội mới cho Việt Nam để thu hút đầu tư của thiên hạ và góp phần thay thế vai trò "công xưởng toàn cầu" của Trung Quốc. Thưa ông, liệu rằng vụ tranh chấp hiện nay với Trung Quốc có giúp kinh tế Việt Nam thoát khỏi cảnh ngộ vệ tinh kinh tế của Trung Quốc hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cứ mong như vậy. Thật ra, hòn đá thử vàng để trắc nghiệm thực tâm của lãnh đạo Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc phải khởi đi từ việc tôn trọng và tin tưởng người dân chứ đừng là công cụ của Trung Quốc để đàn áp người dân của mình. Sau đó, nếu lãnh đạo nói đến chuyển hướng kinh tế để ra khỏi quỹ đạo Bắc Kinh, từ các dự án bô xít Tây Nguyên đến chuyện buôn lậu ở biên giới thì người dân mới tin. Nếu được giải phóng như vậy, người dân sẽ ngăn được nạn đảng viên cán bộ tiếp tay Trung Quốc gieo họa cho kinh tế Việt Nam.
Nếu nhà cầm quyền Việt Nam không làm nổi việc đó thì họ bị đào thải vì người dân sẽ nổi dậy sau khi Việt Nam bị mất chủ quyền vào tay Trung Quốc. Chẳng ai muốn một cơn chấn động như vậy nhưng điều ấy vẫn có thể xảy ra, như đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử của xứ này.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.


9 nhận xét:

  1. Chính quyền Manila vừa cảnh báo hôm 13: 10 ngày sau khi đưa giàn khoan vào thêm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc bắt đầu xây một phi đạo tại bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa họ đã lấy của Việt Nam năm 1988.

    Quý độc giả có muốn bình gì thêm không?

    NXN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa giáo sư, nếu Do Thái là Việt Nam, họ sẽ làm gì với những biến cố vừa qua?

      Xóa
    2. Lê Minh ơi,

      Do Thái không là Việt Nam. Lãnh đạo của họ yêu nước và có bản lỉnh hơn lãnh đạo Hà Nội ngày nay. Người dân cũng không sợ "biển người" Á Rập lại có dầu hỏa ở chung quanh.

      Sau thời "lập quốc" vào năm 1948, đã có lúc họ muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở bên trong và kết giao với Liên Xô ở bên ngoài, nhưng không vì ý thức hệ xã hội chủ nghĩa mà vì quyền lợi của quốc gia Do Thái. Khi đụng trận, họ cũng biết xé lẻ địch thủ để cầu hòa với từng nước hầu phân tán sự thống nhất của khối Á Rập.

      Ngày nay, Việt Nam có hoàn cảnh như Philippines mà nguy ngập hơn vì ở gần Trung Quốc hơn. Khi đụng trận, Việt Nam chưa kết giao được với một mình Philippines trong khối ASEAN mà đã lại gây mâu thuẫn với Đài Loan và cả Nam Hàn vì đập phá cơ sở đầu tư của họ.

      Bước kế tiếp mà Bắc Kinh chờ đợi là việc người Việt hành hung kiều dân của họ tại Việt Nam như đã thấy tại Hà Tĩnh.

      Kịch bản Ukraine kiểu Putin tái diễn: "Bảo vệ kiều dân Trung Quốc, hay những người nói tiếng Hoa, là việc làm... có chính nghĩa!"

      Dân ta có chính nghĩa mà không tranh thủ được lòng người, lại tự cô lập và gây thêm kẻ thù. Ai là người để xảy ra những chuyện đó? Ai có lợi khi chuyện đó xảy ra?

      Người nào mà có ý thức mà đứng ra kêu gọi tự chế và cùng áp dụng một chiến lược đấu tranh tinh vi hơn thì lập tức bị Công an hỏi giấy. Hoặc bị các phần tử khiêu khích hành hung và vu cáo là có ý đồ bênh vực Trung Quốc.

      Sau mấy chục năm bị giải giới, hình như dân ta mất sự bén nhạy trong lối đấu tranh quần chúng này.

      Nhiều người khác từ bên ngoài về còn muốn gây hiểu lầm rằng họ - và Việt Nam - có hậu thuẫn của Hoa Kỳ.

      Những chuyện như vậy là quá nguy hiểm....

      NXN

      Xóa
  2. Còn bình gì nữa bác Nghĩa ơi. Giờ nếu có đụng độ thì chỉ người dân vô tội như Mèo là hy sinh thôi, cho cái gì và vì cái gì? Nếu lãnh đạo sáng suốt, thì theo Mèo, cần thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, trước hết về kinh tế, lần lần sau đó là các việc khác. Nhưng nếu có một thể chế lành mạnh, một nền kinh tế vững vàng, thì lãnh đạo ăn gì? Trong lịch sử đâu đã có tấm gương nào của một đảng CS vì dân đâu bác. Nên giờ chuyện biển đảo, hãy dành cho lãnh đạo lo. Phận con sâu cái kiến như Mèo, chỉ mong, nếu không hoặc chưa thoát được VN, thì cần mẫn lo làm ăn nuôi nấng con cái là đủ rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Từ khi giành được chính quyền, đảng CSVN đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Xin mở ngoặc, thắng lợi của đảng không đồng nghĩa với thắng lợi của công chúng Việt Nam.

    Có được thắng lợi đó là nhờ sự ủng hộ của Trung Quốc. Kinh nghiệm của việc Chối bỏ này là "Hợp tác toàn diện với Liên xô 1978" đưa kinh tế VN vào kiệt quệ cho đến khi diễn ra Hội nghị Thành Đô.

    Dân trong nước mơ hồ đoán ra một âm mưu gì đó. Và không phải họ không có lý. Sự kiện "giàn khoan" Hải Dương Khoan Cơ 981 nhằm để che dấu một sự kiện khác.

    Nghi ngờ không phải chờ đợi lâu đã được bật mí. Đó là, xây dựng sân bay trên đảo Gạc Ma. Đây là một kế cổ nhưng vẫn hiệu quả, kế "Giương Đông, kích Tây". Nghĩa là, nhử phía HY-981 để đánh ở phía Gạc Ma.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người họ Lý xưng tên là Toét mà đôi mắt sáng như dao!

      Dù Trường Sa ở xa lãnh thổ Trung Quốc hơn là Hoàng sa, và vì vậy khó kiểm soát hơn, Bắc Kinh vẫn chẳng ngại... đường xa. Trên khoảnh đá khoảng 4km x 2km nằm giữa quần đảo Trường Sa, phi đạo này sẽ giúp họ khống chế được các đảo hay bãi vẫn còn do Việt Nam kiểm soát. Và vĩnh viễn hợp thức hóa việc họ kiểm soát được Trường Sa, để có khả năng linh động hơn về không quân và hải quân trong cả khu vực. Philippines có thấy từ đầu năm, chẳng lẽ Việt Nam không thấy?

      NXN

      Xóa
  4. Nhiều người đưa ra giả thiết ngớ ngẩn: TQ dùng "kịch bản Crimea" để thôn tính VN. Trong Binh pháp, Thắng mà không cần động binh thì cần gì phải đánh.

    Một là, Trung Quốc đã và đang tự do đi lại trên Biển Đông. Hai là, nhập siêu của VN từ TQ tăng trưởng 20-50% hàng năm, năm rồi đạt 23.7 tỷ đô. Cần gì phải thôn tính.

    Trả lờiXóa
  5. Ngán ngẩm cho xã hội Việt Nam quá bác nhỉ. Cái đảng đó làm khổ cả dân tộc, ko biết bao giờ mới thoát. Bài phỏng vấn rất có ý nghĩa. Cám ơn bác Nghĩa

    Trả lờiXóa
  6. I wanted to sign a petition to condemn China and ask the world to speak up.
    Can somebody create one? One that makes sense for the readers and especially the recipients (such as US federal and state officials, etc...) can act on because it makes sense. There will be an election in June 2014 so this might be a way for politicians to act in return for our votes (the Vietnamese voters). This is our chance.

    Where is the law and justice in this world?
    There are so many political organizations to fight against the Vietnamese government, but I have yet to find one to fight China for their bully actions and policies. I don't want to take side (Quoc Gia, Cong San) here, just to fight for the country. I understand Cong San is the problem but leave them out for the time being.

    Anthony Pham
    San Diego.

    Trả lờiXóa