Thứ Bảy, tháng 5 03, 2014

Bồ Câu Xanh Mắt Vì Diều Hâu Mỏi Cánh



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140502


Khi Dân Mỹ Ngần Ngại, Dại Gì Mà Không Chơi Bạo?



 * Hình bìa số báo mới của tờ The Economist *



Với nhiều người Mỹ, khi kinh tế chỉ tăng trưởng có 0,1% trong Quý I và dân thất nghiệp nản chí chẳng còn muốn kiếm việc thì đất Crimea hay miền Đông Ukraine thuộc về hành tinh khác.

Thiểu số uyên bác nhắc họ bài học địa dư, rằng Ukraine nằm tại Âu Châu chứ có ở đâu xa? Nhưng họ lại lồng vào lời khuyên năm xưa của bậc Quốc phụ George Washington: "Mắc mớ chi mà giàng vận mệnh, hòa bình và sự thịnh vượng của ta vào một mảnh nào đó bên Âu Châu vì những tham vọng, mâu thuẫn hay tranh chấp của họ?"

Thành phần thực tiễn nhất của Hoa Kỳ, lãnh đạo các đại tổ hợp như Boeing, Goldman Sachs, Citigroup, Visa, PepsiCo, hay Caterpillar, v.v... thì chẳng ngoái về phía sau. Họ nghĩ đến St. Petersburg của Nga vào tháng này, nơi tổ chức Diễn đàn Kinh tế Quốc tế với sự tham dự của Tổng thống Vladimir Putin. Đấy là cơ hội mà họ không để lỡ, hoặc nhường cho các tập đoàn sản xuất Âu Châu....

Vào hoàn cảnh đó, ta nên thông cảm với Tổng thống Barack Obama khi chàng lom khom leo thang được... vài phân trong các biện pháp trừng phạt Putin.


***

Hôm 28 vừa qua, Chính quyền Obama đặt thêm bảy nhân vật thuộc bộ máy quyền lực của Putin vào thành phần bị Mỹ cấm vận. Tính đến nay thì Hoa Kỳ chiếu cố Ngân hàng Nga và 27 viên chức, kể cả ba người trong Bộ Chính Trị của điện Kremlin, và nhiều tài phiệt đang giữ tay hòm chìa khóa cho Putin. Họ là những ai thì bài này khỏi cần nhắc tới vì vài chân lý sơ đẳng sau đây.

Trước đây 15 năm, tiền tài còn chi phối được quyền lực của nhân vật mới nổi là Putin. Ngày nay, quyền lực mới tạo ra tiền, và chế độ Putin đã khôn ra nên găm kỹ ở nhà. Nếu có đem ra ngoài thì cũng để đầu tư vào các doanh nghiệp Tây phương, nên việc trừng phạt sẽ gây hại cho các đại gia Âu-Mỹ! Hèn gì, họ vẫn chạy qua St Petersburg gặp Putin để nói chuyện làm ăn. Vả lại, sau khi chơi bạo tại Ukraine, Putin đang thành người hùng của dân Nga! Mỹ càng vùng vẫy thì ngôi sao Putin càng toả sáng.

Nói lại cho gọn: Obama chỉ cố phủi bụi để phô diễn sự dũng cảm với dư luận và Quốc hội ở nhà, chứ không để đẩy Putin vào đất hiểm mà đổi chánh sách và triệt thoái khỏi Ukraine. Huống hồ, chàng đánh hơi được sự xoay chuyển của lòng người: 53% dân Mỹ ngày nay cho là Hoa Kỳ nên giảm dần việc can thiệp vào xứ khác!

Lần đầu tiên kể từ 20 năm, không, từ 50 năm, mà dân Mỹ lại muốn thoái bộ tới độ sâu như vậy.

Nhưng cũng lòng dân, qua cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của tờ Wall Street Journal và truyền hình NBC, lại đặt ra bài toán khác cho Tổng thống Mỹ: 55% dân chúng nghĩ rằng Obama không gây đủ ấn tượng cần thiết về sức mạnh của Hoa Kỳ, là phải dám đối đầu với kẻ thù và bảo vệ những giá trị tinh thần của nước Mỹ.

Diễn giải mâu thuẫn này cho gọn thì dân Mỹ muốn lãnh đạo phải hăm dọa để khỏi dụng binh. Nói thật lớn mà cầm cây gậy nho nhỏ thôi.

Nhưng đấy là bi kịch của Obama.

Chính quyền Obama đã nhiều lần cầm gậy kẻ vạch ngang dọc trên cát mà sau cùng lại đọc truyện Doãn Quốc Sĩ. Vết Chân Cát Xoá! Khi xoá tội cho Syria tại Trung Đông hay việc Bắc Kinh đơn phương mở rộng khu vực kiểm soát phòng không ADIZ, Hoa Kỳ mặc nhiên cổ võ cho lãnh đạo Nga, Bắc Hàn, và Iran. Con diều hâu Mỹ đã mỏi cánh.

Và đấy là thảm kịch của thiên hạ.

Thiên hạ ở xa là Âu Châu. Trên số báo ra ngày ba Tháng Năm với chủ đề về chánh sách đối ngoại của Mỹ (What Would America Fight For?), tạp chí The Economist liệt kê lập trường của 150 nước đông dân nhất. Trong số này, có 99 nước là đồng minh (58) hay thiên về Mỹ (41), 25 nước giữ thế trung lập, chỉ có 21 quốc gia thì ngả theo hướng chống Mỹ. Tỷ lệ 21/150 cho thấy trào lưu chống Mỹ không là phổ biến. Ngược lại, Hoa Kỳ không đơn độc nếu cần huy động hậu thuẫn của các nước. Nhưng vấn đề nằm tại Hoa Kỳ.

Kỷ niệm ba năm sau khi hạ sát Osama bin Laden, hôm mùng một Tháng Năm, một nhân vật sáng giá của đảng Dân Chủ (từng là Tổng trưởng Quốc phòng và Giám đốc CIA của Obama, Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống và Giám đốc Ngân sách của Tổng thống Bill Clinton sau khi là Dân biểu California, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện), là Leon Panetta có bài tham luận trên tờ Wall Street Journal. Bài viết nêu ra nhiều vấn đề nội bộ, giữa Quốc hội và Hành pháp, khiến Hoa Kỳ thiếu khả năng ứng chiến trong một thế giới đầy nguy hiểm.

Về bối cảnh, ông Panetta là chính khách ôn hòa, lão luyện, không thuộc trường phái chủ chiến mà cũng chẳng có tham vọng chính trị cho bản thân nên nói ra sự thật đáng ngại sau khi liệt kê ra năm mối đe dọa cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Sự thật đó là các đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ đều thấy Hoa Kỳ giảm dần khả năng ứng chiến, trong khi giới lãnh đạo lại trì hoãn giải quyết cho tới sau bầu cử. Vì vậy, đồng minh thì hoài nghi và đối thủ mới không sợ.

Am hiểu thủ tục ngân sách, hay việc vận động hành lang trước khi đảm trách việc bảo vệ an ninh và quyền lợi của Hoa Kỳ, ông Panetta chấm vào tử huyệt của nền dân chủ Mỹ: trong cuộc tranh luận về ngân sách về nhu cầu giảm chi, giải pháp an toàn chính trị cho các Dân biểu Nghị sĩ là cắt giảm khả năng ứng chiến của quân đội.

Đâm ra, có nền kinh tế giàu nhất và quân lực mạnh nhất, Hoa Kỳ thiếu ý chí đối phó với những thách đố trong trường kỳ. Nói ngược lại, lãnh đạo chỉ chạy theo sự phân vân bất nhất của đám đông mà không hướng dẫn, thuyết phục người dân về quyền lợi lâu dài. Tức là không lãnh đạo mà chỉ theo đuôi, và mở ra một khoảng trống.

Khoảng trống đó là nguồn cám dỗ cho các chế độ hung đồ và nỗi âu lo cho các đồng minh đang nằm trong tầm đạn của hung đồ. Từ vùng biển Baltic tới Đông Âu, qua Trung Đông tới Ấn Độ dương đến Đông Á, các nước đều đắn đo về lẽ chiến hòa. Và bọc xuôi theo bạo lực có thể là giải pháp hấp dẫn, của việc tự sát.


***


Nhìn về dài thì Tổng thống George W. Busch có phần trách nhiệm khi căng dây cung quá lâu vào một hướng Hồi giáo, nên mới gây phản ứng mệt mỏi trong dân chúng.

Nhưng sau khi lên lãnh đạo từ năm năm trước, Obama đã chùng phím tơ trong lời vái tứ phương. Và triệt để minh chứng sự nhu nhược khi vẽ lằn ranh xanh đỏ rồi thôi. Chẳng những vậy, chàng tuổi trẻ vốn dòng lẻo mép còn mời đầu gấu Putin vào góp sức giải quyết những vụ vi phạm tại Syria hay Iran trước sự hoài nghi của các đồng minh. Vì thế, Putin chẳng dại gì mà không xấn tới. Và tháng này, sẽ qua Bắc Kinh trao đổi kinh nghiệm về món bồ câu quay.

Nói cho nghiêm túc để có vẻ là bình luận, thì khi con diều hâu mỏi cánh nhìn thiên hạ sự với đôi mắt bồ câu, lũ sài lang sẽ xuất hiện....

4 nhận xét:

  1. Bắc Nghĩa !
    Trong tháng 4 cũng đánh dấu sự giảm mạnh số người thất nghiệp ở Mỹ từ 6,7% trong tháng 3 xuống còn 6,3% trong tháng 4. Bác có thấy sự mẫu thuẫn nào giữa việc tăng trưởng trong quý I thấp mà tỷ lệ thất nghiệp lại giảm mạnh không ạ ?

    Bác đã từng nói là những số liệu về tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ không sát thực tế, nhưng FED vẫn dựa vào những số liệu này để định hướng chính sách của mình nên theo bác thì sau khi tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh thì có thể sẽ tiếp tục giảm QE3 không ạ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thành ơi,

      Em không theo dõi kỹ tin tức và số liệu thống kê. Từ nhiều năm nay Dainamax đã có nhiều bài về chuyện này.

      Cứ Thứ Sáu đầu tháng thì Bộ Lao Động lại công bố dữ kiện về nhân dụng của tháng trước, chủ yếu là qua hai cuộc khảo sát. Một là khảo sát các hộ gia đình xem có những ai ở tuổi lao động muốn kiếm việc làm trong sáu tuần qua mà chưa tìm ra. Hai là khảo sát các doanh nghiệp ngoài canh nông xem là họ tạo thêm bao nhiêu việc làm trong tháng qua.

      Cuộc khảo sát hộ gia đình cho con số thất nghiệp (U1) là 6,3% không chính xác, vì nhiều người nản chí không kiếm việc làm nữa. Phải đọc xuống dưới, tới con số U6 thì mới có giá trị tiêu biểu hơn.

      Fed không theo dõi con số U1 này đâu, chỉ có báo chí nông cạn mới nháng ra con số đó. Các chính trị gia của nhà nước thì dựa vào đó coi như thành tích.

      Trong khi đó, cũng thống kê lao động còn cho biết lực lượng lao động tại Mỹ giảm 806 nghìn người - từ 1981 đến nay mới có loại sút giảm nặng như vậy. Lực lượng lao động giảm vì nhiều người ở trong tuổi lao động lại không muốn tìm việc hoặc đi làm bán thời cho qua ngày.... Con số đó mới đáng chú ý vì cho thấy tình trạng khiếm dụng hay thất nghiệp trá hình.

      Chuyện thứ ba, đi vào chi tiết về thành phần và lương giờ, v.v... thì tình hình thật ra chưa khá, và lợi tức nhờ lương bổng không tăng mạnh.

      Fed đã và sẽ tiếp tục mỗi tháng giảm bớt 10 tỷ bơm vào kinh tế, tức là vẫn bơm mà ít hơn, chứ chưa đến giai đoạn hút lại số tiền bơm ra và tăng lãi suất.

      Kết luận: sống trong nền dân chủ mệt hơn là trong chế độ độc tài vì phải suy nghĩ - để thấy ra sự gian manh của bọn làm chính trị hay sự dốt nát của truyền thông khi chỉ loan tin ở ngọn. Nhưng ít ra thì người dân còn có quyền nói, nếu biết....

      Chúc em chân cứng đá mềm.

      NXN

      Xóa
  2. Bác Nghĩa,
    Cho cháu hỏi là ở Mỹ có nhiều ý kiến của các chuyên giống như của bác không ạ (là nói thẳng ra vấn đề) và những ý kiến như thế có được mọi người chú ý tới không bác. Vì cháu nghĩ nếu không thì về lâu dài tình hình nó chỉ càng trở nên xấu hơn mà thôi.
    Cháu xin hỏi bác 1 câu nữa là: có vẻ như GDP của Trung Quốc nếu tính theo PPP sẽ vượt qua Mỹ trong năm nay, theo như cháu hiểu thì cách tính này họ quy ra đô la Mỹ, thế nếu tính theo Nhân dân tệ thì sẽ như thế nào ạ? Và mình nên hiểu như thế nào về dự báo đó thưa bác? Cháu không phải là dân kinh tế nên hơi thắc mắc, mong bác giải đáp.
    Chúc bác luôn mạnh khỏe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về câu thứ nhất thì nhiều người cũng nghĩ như vậy, duy có cái dòng chính, main stream như người ta gọi ở đây, thì hơi an phận (hèn) lại giỏi ngụy biện nên mới ra cơ sự hiện nay.

      Về câu thứ hai thì chuyện so sánh PPP này là tầm phào và chính lãnh đạo Bắc Kinh cũng chối đây đẩy! Sẽ có bài giải thích khía cạnh chuyên môn của việc so sánh này. Không đáng để ý.

      NXN

      Xóa