Thứ Ba, tháng 5 06, 2014

Mâu Thuẫn Của Hoa Kỳ



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140505
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Làm sao vẹn cả đôi đường nghĩa lợi?

 * Vênh vênh váo váo - rồi húp cháo rùa *


Cuối năm ngoái, có hai tác giả trinh thám gián điệp thuộc vào loại không may. Họ tạ thế trước khi hai tác phẩm mới nhất được xuất bản.

Từ Paris, đó là Gérard de Villiers, sinh năm 1929 và mất ngày 31 Tháng 10 năm 2013, ngay trước khi cuốn truyện thứ 200 của ông xuất hiện dưới cái tên là "La Vengeance du Kremlin" - vụ Trả thù của điện Kremlin. Tại Baltimore của tiểu bang Maryland bên Mỹ, đó là Tom Clancy, sinh năm 1947 và mất ngày mùng một Tháng 10 năm 2013, vài ngày trước khi cuốn truyện mới của ông xuất hiện dưới tựa đề là "Command Authority".

Nếu còn sống, dù chỉ vài tháng, hai nhà văn Pháp và Mỹ có thể mỉm cười, hoặc bận rộn trả lời phỏng vấn. Lý do là cả hai cuốn truyện đều có cùng chủ đề là đầu lãnh Vladimir Putin của Liên bang Nga. Và đáng xuất hiện trên mục thời sự vì tính cách tiên báo thần tình.

Truyện của Gérard de Villiers viết về bàn tay hắc ám của Putin đằng sau cái chết bí ẩn của tài phiệt Nga Boris Berezovsky. Ai đó đã "tự sát" nhân vật đối lập với Putin sống lưu vong tại Anh quốc. Tác phẩm của Tom Clancy còn thời sự hơn khi dựng giả thuyết Nga xua quân uy hiếp Estonia mà để tấn công... Ukraine, với tình tiết về thân thế mờ ám của lãnh tụ Putin.

Các bậc đạo cao đức trọng ít khi nhận là họ đọc loại sách nhảm nhí đó, nhất là truyện rất dâm và ác của Gérard de Villiers, một người viết trung bình mỗi năm ba bốn cuốn, nhiều khi còn đi sớm hơn thời cuộc khiến tờ New York Times chú ý và giới thiệu....  

Người viết này không thuộc loại đứng đắn đầu đường như vậy.

Và giống nhiều nhà xã hội học hay phê bình thì tìm đọc vì để ý đến sự dụng công của hai tác giả khi họ dựng truyện quá sát với thời sự. Trong một chế độ có kiểm duyệt báo chí, hai tác giả sẽ được mời lên "làm việc" để thành thật khai báo là tìm chi tiết tình báo ở đâu mà viết cứ như thật vậy!

Lòng vòng chuyện ấy chỉ để thấy là chả nên ngạc nhiên về những gì đang xảy ra tại Ukraine. Hoặc sẽ xảy ra tại nhiều nơi khác. 

Rồi nêu câu hỏi là vì sao lãnh đạo Hoa Kỳ lại có vẻ lúng túng trước sự thể nhiều người biết trước? 


***


Khi ấy, ta nên trở lại bài diễn văn quan trọng nhất trong năm của Tổng thống Mỹ, mà Barack Obama đọc hôm 28 Tháng Giêng năm nay, khi Ukraine đã có biến.

Nói về trọng điểm của chánh sách lãnh đạo cho năm mới, Obama nhắc sơ về đối ngoại: sẽ triệt thoái khỏi Afghanistan, khởi sự đàm phán với Iran, tháo gỡ hệ thống võ khí hoá học tại Syria, thi đua thu hút đầu tư quốc tế ra khỏi tayTrung Quốc. Và về Ukraine thì Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do phát biểu và chọn lựa tương lai của người dân xứ này, như tại mọi nơi khác.

Đúng ngày Tổng thống Mỹ đọc bài diễn văn về Tình hình Liên bang (gọi tắt là SOTU, độc giả có thể tìm trên trang nhà của Phủ Tổng thống) thì Victoria Nuland, Phụ tá Ngoại trưởng Đặc trách Âu Châu và Âu-Á Sự Vụ, có cuộc điện đàm với Đại sứ Mỹ là Geoffrey Pyatt tại Ukraine với một nhận xét ít nữ tính và thiếu ngoại giao về vai trò của Liên hiệp Âu châu. Xin miễn nhắc lại cho khỏi rườm.

Tình báo Nga đã lén ghi âm cuộc điện đàm, tới mùng sáu Tháng Hai thì phóng lên You Tube để cho thấy Hoa Kỳ và các nước Âu Châu có can dự vào biến động chính trị tại Ukraine, và trong vụ này, Mỹ khinh thường khả năng tác động của Liên Âu. Một đòn ly gián Âu-Mỹ rất vui!

Sau đó, mọi chuyện đã thành lịch sử.

Sau ba tháng biểu tình, dân Ukraine truất phế Tổng thống thân Nga, Viktor Yanukovych trốn khỏi thủ đô Kyiv và đào thoát qua Moscow. Rồi Putin đưa đặc công Nga ngụy trang dân quân chống phát xít và thổ phỉ vào "giải phóng" bán đảo Crimea, nay đang quậy phá các tỉnh miền Đông của Ukraine. 

Khi ấy, là ngày nay, cả Hoa Kỳ và Âu Châu đều ấp úng về cách ứng xử và dật dờ với biện pháp trừng phạt Putin - miễn sao là khỏi phương hại đến kinh tế Âu-Mỹ.

Nhìn từ bên ngoài, ta thấy sự tương phản giữa lý tưởng mà Hoa Kỳ đề cao với quyền lợi mà nước Mỹ phải bảo vệ. Giữa quyền tự quyết của dân Ukraine với việc làm ăn của doanh nghiệp Mỹ, Tổng thống phải chọn lựa. Khi ấy, ta phải hỏi lòng dân....


***


Nhìn từ bên trong thì lòng dân là sự phân vân - và lãnh đạo là sự bất nhất.

Hiến pháp Mỹ có đặc tính hạn chế vai trò của Chính quyền. Trong Chính quyền thì Tổng thống bị Quốc hội, Tối cao Pháp viện và cả Ngân hàng Trung ương thu hẹp khả năng hành động, cho nên chỉ còn nơi biểu dương tư thế là đối ngoại, ra cái điều ta lãnh đạo Hoa Kỳ và Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới. Vì vậy mà thế giới cứ tưởng thật!

Chứ khi đi bầu, dân Mỹ rất ít khi chú ý tới ngoại giao vì họ cần lãnh đạo là người giải quyết cho họ vấn đề của họ, của nước Mỹ. Khi tranh cử, các chính khách chỉ nêu vài khái niệm mơ hồ về đối ngoại giao để ra vẻ, nhưng rồi lập tức bị thực tế đào thải nên lại đảo ngược quyết định. Hoa Kỳ mang tiếng lật lọng cũng vì chuyện điên đảo này.

Chỉ vì thế giới lại không dễ bảo và các nước, cả bạn lẫn thù, đều có ảnh hưởng riêng, làm Tổng thống Mỹ bị tréo giò hụt cẳng và chạy theo thời cuộc. Vài thí dụ xưa để hâm nóng ký ức:

Trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 1972, dân Mỹ chán ngán với cuộc chiến Việt Nam nhưng lại chê ứng viên phản chiến là George McGovern vì thấy nhục, mà bầu cho con diều hâu két tiếng chống cộng là Richard Nixon. Thế rồi, chuyện đảo điên, sau khi đắc cử với số phiếu kỷ lục, lại Nixon hợp tác với Trung Quốc và tháo chạy khỏi Việt Nam.

Gần đây, khi tranh cử năm 2000, Thống đốc George W. Bush nói... như Obama sau này: chúng ta nên khiêm cung với thiên hạ và tránh đòi xây dựng quốc gia hay dân chủ theo kiểu của mình cho xứ khác. Lên làm Tổng thống thì Bush lãnh vụ khủng bố 2001, nên đảo ngược chủ trương, trở thành Sáu Quậy rồi rơi vào những vấn đề mà chính ông đã cảnh báo!

Khi tranh cử năm 2008, Obama đòi triệt thoái khỏi Iraq rồi lại làm như Bush là dồn quân đánh tới ở Afghanistan làm phe phản chiến thất vọng. Ông cũng chủ trương chuyển trục về Châu Á rồi khiến các đồng minh Đông Á bẽ bàng. Khi tranh cử năm 2012, ông đòi hoà dịu, "reset", để cùng Nga giải quyết các hồ sơ nóng của thế giới, từ Iran tới Syria. Với dân Mỹ ngày nay, đây cũng là thất bại lớn.

Thế thì dân Mỹ muốn gì?

Theo cuộc thăm dò mới đây, đa số cho rằng Hoa Kỳ nên lo việc riêng hơn là xía vào chuyện thiên hạ. Nhưng cũng đa số lại cho là Obama quá yếu trên trường quốc tế làm các nước coi thường. Chỉ có 38% dân Mỹ là hài lòng với chánh sách đối ngoại của Obama, con số thấp chưa từng thấy! 

Một chiến lược gia là Robert Kagan có nói đến mâu thuẫn đó. 

Bản thân ông ta cũng là một mâu thuẫn. Từ một gia đình đại trí thức, Kagan thuộc diện "lưỡng đảng" vì hợp tác với các Chính quyền Cộng Hoà từ 30 năm trước để xiển dương sức mạnh của Hoa Kỳ, và đi làm cố vấn cho Nghị sĩ John McCain trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2008 rồi lại cố vấn cho Ngoại trưởng Hillary Clinton. Bà vợ ông chính là Phụ tá Ngoại trưởng Victoria Nuland!

Robert Kagan thấy là dân Mỹ rất thiết thực quan tâm đến quyền lợi của họ, mà cũng hơi xấu hổ khi Obama chả ngó ngàng đến việc của xứ khác. Vẫn là mâu thuẫn giữa quyền lợi và lý tưởng?

Người viết này có một cách lý giải khác.

Hoa Kỳ là siêu cường rất mới với người dân còn trẻ về nhận thức lịch sử. Là siêu cường thì biết nhiều hơn thiên hạ, ít ra cũng hơn các nhà văn viết truyện giải trí! Là xứ quá trẻ, Hoa Kỳ có thể lạc quan tin là làm gì cũng được, kể cả lên cung trăng. Mà lại dễ hốt hoảng khi gặp bài toán thuộc loại "cũ người, mới ta". Khi lạc quan thì đòi thay đổi bộ mặt thế giới, khi hốt hoảng thì ù té tháo chạy. 

Sau đó người dân lại chê lãnh đạo là chẳng có thành tích gì với thiên hạ!

Obama kết tinh cho sự bất nhất đó: có thủ thuật gian trá của Nixon ở bên trong nước Mỹ lẫn sự bất lực của Jimmy Carter với bên ngoài. Chỉ vì con người hùng biện này không biết giải thích cho người dân hai mặt tương phản của lãnh đạo: phải huy động được lý tưởng để bảo vệ quyền lợi.

Đấy là thành tích mà Obama không có, nên mới được có 38 điểm!

_____________________________

Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ

Tanya Weyker tại tiểu bang Wisconsin hàm oan ba lần. Tháng Hai năm ngoái bà bị xe tông đến trọng thương, mất cả triệu bạc tiền y tế và còn ra toà vì tội lái xe khi say rượu. Hàm oan vì không uống rượu, chính kẻ tông xe đã vượt đèn đỏ, nhưng lại là viên chức cảnh sát. May là bà sống tại Hoa Kỳ. Bà mất cả năm làm thủ tục khiếu nại để rửa sạch thanh danh và đòi tiền bồi thường. Ớ xứ ta thì có khi Tanya còn lãnh thêm tội phỉ báng công quyền - và có âm mưu lật đổ nhà nước....

2 nhận xét:

  1. Bac Nghia phan tich rat dung tam trang cua nguoi My hien gio, Nam 2008 vi qua met moi voi cuoc chien tai Iraq, Afghanistan, them vao suy thoai kinh te nen nguoi dan My da chon Obama de thay doi nen chinh tri luc bay gio.

    Sau 6 nam tai chuc, nguoi My da nhan ra su yeu kem cua Obama nen rat that vong va dang Dan Chu chac se khong co hy vong nhieu trong cuoc bau cu nam 2016 sap toi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng đảng Dân Chủ vẫn có thể tin vào biệt tài "tự bắn vào chân" của đảng Cộng Hoà, vốn ngây ngô cố chấp và không giỏi biện luận bằng đảng Dân Chủ. Chưa kể tới sự thiên lệch của truyền thông, đa số khuynh tả và ngả theo phe Dân Chủ. Nếu Chính quyền Cộng Hoà mà lại gian trá trong vụ Benghazi và dùng sở thuế IRS làm công cụ thì hãy tưởng tượng là truyền thông Mỹ đã ồn ào đến chừng nào, còn hơn vụ Watergate thời Nixon nữa!

      Cho nên xin hãy chờ xem....

      NXN

      Xóa