Thứ Năm, tháng 5 22, 2014

Bầu Cử và Cải Cách tại Ấn Độ


Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày140521
Diễn đàn Kinh tế 


042_NZEN_6771_80537-305.jpg
* Thủ tướng mới của Ấn Độ Narendra Modi tại Ahmedabad hôm 20/5/2014. AFP * 


Hôm nay 21 Tháng Năm, Ấn Độ chính thức có Thủ tướng mới sau cuộc bầu cử Quốc hội kéo dài năm tuần với hơn 800 triệu người tham dự. Là một quốc gia dân chủ đông dân nhất địa cầu, xứ Ấn Độ đang gặp quá nhiều vấn đề kinh tế và xã hội khiến liên minh của một đảng chính trị thuộc loại kỳ cựu nhất thế giới bị thất cử sau gần nửa thế kỷ cầm quyền như liên tục. Lãnh đạo mới của Ấn Độ có thể nào giải quyết các vấn đề ấy hay không? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm câu trả lời qua phần trao đổi sau đây của Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

 

Đánh dấu nhiều đổi thay

Vũ Hoàng: Thưa ông, thế giới tuần qua chú ý đến kết quả bầu cử tại Ấn vì nó đánh dấu nhiều đổi thay của một nước dân chủ đông dân nhất địa cầu. Kể từ Thứ Tư 21 này, ông Narendra Modi của đảng Nhân Dân Bharatiya Janata lên làm Thủ tướng để khởi đầu một chương trình cải cách rộng lớn sau nhiều năm trì trệ và ách tắc. Kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho thính giả của chúng ta vấn đề của Ấn Độ và bài toán của lãnh đạo mới. Nhưng trước hết, xin ông trình bày cho bối cảnh của câu chuyện này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Với dân số hơn một tỷ 200 triệu, Cộng hoà Ấn Độ là quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới, và từ mùng bảy Tháng Tư đến 12 Tháng Năm đã có hơn 800 triệu người đi bầu lại Hạ viện khóa 16. Theo thể chế Đại nghị, đảng đa số trong Quốc hội cũng đề cử lãnh đạo và nhân vật lên làm Thủ tướng là ông Narendra Modi, nguyên là Thủ hiến của bang Gujarat ở miền Tây xứ Ấn Độ, và cầm đầu chính đảng đối lập có tên là đảng Nhân Dân Ấn, hay gọi tắt là BJP.

Trong bối cảnh chung là sự bất mãn của quần chúng với đảng Quốc Đại đã cầm quyền quá lâu, đảng Nhân Dân BJP còn có ưu thế nữa từ lãnh tụ. Ông Modi xuất thân bần hàn, có tài hùng biện và bản lĩnh táo bạo. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Về bối cảnh, đáng chú ý là đảng cầm quyền có tên là Quốc Đại, hay gọi tắt là đảng Congress, đã ra đời từ năm 1885 và có công trong đấu tranh cho độc lập. Sau thời độc lập từ năm 1947, đảng này lãnh đạo liên tục gần nửa thế kỷ với đặc điểm là có bốn đời Thủ tướng là bốn thế hệ từ một gia đình. Theo xu hướng xã hội chủ nghĩa, đảng này có chuyển về hướng trung dung hơn mà không giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế của Ấn Độ. Tình trạng cầm quyền quá lâu còn gây ra nạn tham nhũng và cấu kết làm cử tri bất mãn. Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng Quốc Đại chỉ được 44 ghế trong một Hạ viện có 543 dân biểu, tức là một vụ thất bại mang kích thước lịch sử.

Vũ Hoàng: Thế còn đảng đối lập vừa thắng cử và lên cầm quyền thì sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đảng Nhân dân BJP này ra đời từ năm 1980, có tinh thần quốc gia và chủ trương tự do về kinh tế. Trong bối cảnh chung là sự bất mãn của quần chúng với đảng Quốc Đại đã cầm quyền quá lâu, đảng Nhân Dân BJP còn có ưu thế nữa từ lãnh tụ. Ông Modi xuất thân bần hàn, có tài hùng biện và bản lĩnh táo bạo, nhất là có thành tích phát triển bang Gujarat sau hơn 13 năm làm Thủ hiến. Nhờ vậy mà trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng của ông chiếm 283 ghế, là hơn đa số tuyệt đối tại Hạ viện. Nếu kể thêm các đảng thân hữu trong Liên minh Quốc gia Dân chủ theo xu hướng trung hữu thì đảng Nhân Dân có đa số cực lớn là 337 ghế, nên khả dĩ lãnh đạo trên thế mạnh trong năm năm tới. Đấy là một hy vọng đáng kể cho việc cải cách vì quả thật là Ấn Độ phải trải qua một cuộc cải cách rộng lớn.

 

Vì sao cần cải cách?

016_20140516-5-250.jpg
Kiểm phiếu tại Bhopal, Ấn Độ hôm 16/5/2014. AFP PHOTO.

Vũ Hoàng: Thưa ông, ta bước qua việc chẩn bệnh để tìm hiểu vì sao Ấn Độ cần cải cách?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có một nghịch lý mà ta nên nhìn ra ở đây. Đảng Quốc Đại xuất phát từ lý luận "xã hội chủ nghĩa" theo tinh thần cấp tiến thật ra lại thành một đảng thủ cựu và duy trì hiện trạng vì quá gắn bó với dĩ vãng. Ngược lại, đảng Nhân Dân BJP vừa đại thắng thì theo chủ nghĩa quốc gia nên cứ được coi là đảng bảo thủ, thật ra lại có chủ trương cải cách rất mạnh, là trở thành một đảng cấp tiến. Nói vắn tắt thì cầm quyền quá lâu cũng gây ra nạn lão hóa và tụt hậu!

- Chi tiết thứ hai đáng chú ý là lần đầu tiên từ 30 năm nay mà nền dân chủ Ấn Độ có một đảng cầm quyền chiếm đa số tuyệt đối sau một cuộc bầu cử có sự tham dự của 66% cử tri, rất nhiều người thuộc giới trẻ mới đi bỏ phiếu lần đầu. Với cái thế mạnh, đảng Nhân Dân khỏi cần thỏa hiệp là nương theo đòi hỏi của các đảng nhỏ trong liên minh để cầm quyền. Ngược lại, ông Modi có cơ hội ban hành việc cải cách rộng lớn và cho lâu dài hầu thoát khỏi những ách tắc đã qua.

Vũ Hoàng: Những ách tắc đó là gì, thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì cầm quyền quá lâu, đảng Quốc Đại bị soi mòn nên phải dung hợp với các đảng nhỏ ở địa phương để có đủ đa số cầm quyền. Hậu quả là Ấn Độ có một chính quyền trung ương rất yếu trước thế lực của các địa phương trong 28 tiểu bang, mai này sẽ là 29 bang. Ách tắc của Ấn Độ xuất phát từ đó.

Vũ Hoàng: Xin hỏi ngay một câu thưa ông. Nhiều người thường lý luận rằng nền dân chủ gây ra hỗn loạn hoặc bế tắc nên khó có được chính quyền mạnh để phát triển quốc gia. Vì vậy họ mới chủ trương xây dựng chính quyền mạnh nhờ thế độc quyền độc đảng, như tại Trung Quốc hay Việt Nam. Nạn ách tắc tại Ấn Độ có chứng minh rằng chế độ độc tài mới là ưu điểm hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng người ta đã lầm to về khái niệm "chính quyền mạnh".

- Một chính quyền độc tài thực ra không mạnh vì chính sách không toả sâu vào xã hội và bộ máy nhà nước không tiếp cận với thị trường để có tác động thực tế. Ngược lại, chính quyền độc tài lại bất tài mà gây tốn kém để duy trì hệ thống kiểm soát có thể rất rộng mà cũng rất nông. Trong chế độ độc tài, các nhóm lợi ích đều ngăn chặn và phá hoại chính sách quốc gia ngay từ gốc và gây ra bất công trong xã hội lẫn tham nhũng và lãng phí trong kinh tế.

- Chế độ dân chủ có ưu điểm là công khai hóa nhiều việc và giúp cử tri có thể kiểm soát và để cử lại người đại diện cho mình. Trường hợp Ấn Độ đang minh diễn điều ấy mà còn đáng suy ngẫm hơn vậy vì xứ này đã từng bị khủng bố Hồi giáo tấn công ở bên trong, lại có mâu thuẫn và xung đột với nước láng giềng là Pakistan ở bên ngoài, chưa nói gì đến mối nguy Trung Quốc. Nếu muốn một chính quyền mạnh thì qua bầu cử người dân có thể ào ạt dồn phiếu cho một đảng, nhưng vẫn còn quyền kiểm soát và thay thề nếu sau này đảng cầm quyền làm không được việc.

 

Vấn đề xã hội và kinh tế


Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần cải cách mà chính quyền tân cử tại Ấn sẽ thực thi sau này. Thưa ông, Thủ tướng Modi có thể sẽ làm những gì?

Một chính quyền độc tài thực ra không mạnh vì chính sách không toả sâu vào xã hội và bộ máy nhà nước không tiếp cận với thị trường để có tác động thực tế. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thuần về kinh tế, Ấn Độ đang bị suy trầm khi đà tăng trưởng sút giảm nhiều năm liền và còn bị hai khiếm hụt là nạn bội chi và nhập siêu. Nhưng vấn đề cơ cấu bên trong lại trầm trọng sâu xa hơn. Khi tranh cử, đảng Nhân Dân BJP chưa đưa ra chương trình hành động chi tiết nên người ta còn chờ xem chính quyền mới sẽ làm những gì qua dự thảo ngân sách sẽ đệ trình trong trăm ngày đầu tiên. Nhưng căn cứ trên thành quả mà ông Modi đã đạt tại bang Gujarat và các luận điểm tranh cử thì giới kinh tế quốc tế dự đoán một số ưu tiên sau đây.

- Thứ nhất, với chủ trương nâng đỡ tư doanh đã thấy tại Gujarat và do nhu cầu gia tăng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để tìm lực đẩy, Chính quyền Ấn sẽ đón nhận đầu tư quốc tế vào mọi lĩnh vực kinh doanh, trừ hệ thống bán lẻ thì vẫn giữ nguyên để bảo vệ tiểu doanh thương. Tư nhân sẽ được khuyến khích và nâng đỡ để vào khu vực năng lượng và xây dựng hạ tầng. Hai thị trường chứng khoán của Ấn Độ có dự đoán điều này nên tăng giá rất mạnh theo đà thắng thế khi ông Modi tranh cử. Thực ra, thị trường cổ phiếu của Ấn Độ còn lên giá chứ không sụt giá nặng như thị trường của Trung Quốc và điều ấy cũng là chuyện đáng kể.

- Thứ hai, Chính quyền Ấn sẽ cải tổ thuế vụ với chính sách thuế khóa tinh giản mà có sức thu cao hơn. Chính sách này tạo cơ hội cho tiểu doanh và thành phần trung lưu mà cũng khai thông nhiều bế tắc và tranh luận với các doanh nghiệp ngoại quốc.

Vũ Hoàng: Theo phản ứng ban đầu của doanh giới quốc tế thì Chính quyền tân cử có hy vọng thực hiện được các chương trình cải cách này. Nhưng cái khó nhất hình như lại không nằm ở thành phố mà ở thôn quê thật ra vẫn còn nghèo, có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng là một phần khó của việc cải cách lại liên hệ tới số phận của gần 800 triệu dân tại nông thôn. Đa số vẫn là nông dân nghèo, cần trợ cấp khi canh tác trong một hệ thống nông nghiệp lạc hậu. Gánh trợ cấp cho nông dân và nói chung, chính sách trợ giá nhiều mặt hàng nhu yếu như xăng dầu đã gây hao hụt ngân sách, sản sinh ra tinh thần bao cấp, tham ô và lạm dụng công quỹ để mua phiếu. Khi tranh cử, ông Modi có đề nghị kế hoạch cải tiến nông nghiệp và thủ công nghiệp để nâng cao năng suất cho tương lai. Nhưng bước đầu phải là giảm dần chế độ trợ giá để kích thích sản xuất vì có tăng trưởng thì mới xoá đói giảm nghèo được.

- Trong lúc giao thời thì chính quyền cần bảo đảm mức sống tối thiểu cho dân nghèo, vì vậy, có lẽ thách đố lớn nhất cho ông Modi là cân bằng được hai yêu cầu trái ngược là xã hội và kinh tế.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, đâu là nhược điểm có thể làm Chính quyền mới bị thất bại?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông Narendra Modi là người có tài thu hút và huy động quần chúng, mà cũng dám lấy quyết định táo bạo nên có lắm kẻ thù. Năm 2002, ông đã mạnh tay trấn áp vụ xung đột giữa người dân theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo khiến nhiều người Hồi giáo thiệt mạng và ông ta bị nhiều chính quyền Tây phương như Anh, Mỹ kết án là vi phạm nhân quyền, thậm chí không cấp chiếu khán để xuất ngoại. Sau chiến thắng long trời lở đất vừa qua, ông ta có thể lại chủ quan duy ý chí mà coi thường dư luận, nhất là báo giới có xu hướng thiên tả và chống đối nên mọi khó khăn sẽ bị khuếch đại.

- Một nhược điểm khác là hiện tượng say đòn trên đài quyền lực. Đó là quên hứa hẹn ban đầu là xây dựng chế độ công minh, công khai minh bạch, để người dân biết và phê phán. Trong từng bước thực hiện việc cải cách, nếu ông ta cũng lại che giấu sự thật thì sẽ bị phản công rất mạnh.

- Tuy nhiên vì hiện trạng Ấn Độ đã quá tồi tệ cho nên nếu Thủ tướng Modi làm được dù chỉ một phần những gì đã thực hiện ở Gujarat thì cũng giúp dân Ấn lấy lại niềm tin. Và tinh thần quốc gia mà ông Modi triệt để phát huy có thể đem lại niềm tự hào cho người dân trước sự hung hăng của Trung Quốc hay những rủi ro từ Pakistan, khiến họ cho ông cơ hội thành công trong một kế hoạch cải cách thật ra có rất nhiều trở ngại tích lũy từ lâu.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.



8 nhận xét:

  1. thưa bác, cháu thấy Obama cũng xuất thân từ bần hàn, cũng có tài hùng biện vào bậc nhất, và cũng có những suy nghĩ táo bạo nhưng tại sao bác lại không khen ổng mà lại khen nhân vật Modi của Ấn Độ , trong khi lại chê Obama

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em đọc báo Âu-Mỹ nhiều (quá) mà không chịu suy nghĩ nên đánh giá sai.

      Barack Obama học giỏi, nói hay, mà chưa hề làm một việc điều hành cụ thể, dù chỉ là quản lý một gánh hàng xén hay cửa tiệm bách hóa, để biết đếm và cân nhắc lợi hại trong từng quyết định thực tế của đời sống. Vì vậy, ngày nay người ta mới thấy ra quá nhiều trục trặc trong bộ máy hành pháp, từ kế hoạch cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế đến các dự án năng lượng hay việc phục vụ các cựu chiến binh (khủng hoảng trong Bộ Cựu Chiến Binh). Suy nghĩ táo bạo có thể là hay nếu dám áp dụng những giải pháp mới mẻ, nhưng phải áp dụng đã!

      Về đối ngoại cũng thế, lời nói hoa mỹ không giải quyết được những khó khăn của nước Mỹ với nhiều hồ sơ ngổn ngang của thế giới, làm đồng minh thất vọng và đối thủ coi thường.

      Narenda Modi đã là Thủ hiến, cầm đầu hệ thống hành pháp của một tiểu bang trong hơn 10 năm, với nhiều thành tích hiển nhiên trước khi mơ ước việc lãnh đạo quốc gia. Trong suốt giai đoạn ấy, ông ta phải lấy nhiều quyết định, có đúng có sai, có lợi có hại và chịu trách nhiệm (hoặc bị phê phán) về những quyết định ấy.

      Cánh tả của Hoa Kỳ và truyền thông Mỹ (đại đa số thiên tả) cứ tâng bốc Obama cho đến bây giờ mới thấy ra sự thật.

      Điều an ủi: những ai sợ nước Mỹ hung hăng ngang tàng đòi lãnh đạo thế giới có thể yên tâm. Với Tổng thống Obama còn tại chức thì điều ấy không thể xảy ra được!

      NXN

      Xóa
    2. dạ, em lại được mở mắt thêm, cám ơn!

      Xóa
    3. Khi học ở trong trường college hay uni, họ mang tiếng là dạy về critical thinking, nhưng họ nhồi nhét tư tưởng ý thức hệ vào trong đó, nếu không tìm hiểu kĩ, sẽ rất dể bị gạt, vì những cái họ nói nghe có vẻ rất hợp lý nhưng nghe hợp lý thì chưa hẳn là chính xác. Mình còn nhớ họ cho mình xem những film của Michael Moore, mà rất nhiều lớp từ ENglish Writing cho đến political cũng có. Mà trong lớp cũng có rất nhiều người tin sau khi coi film. Bạn có tin là bệnh viện ở Cuba tốt hơn ở nước Mỹ không, nhưng nhà làm film như Michael Moore lại dạo 1 vòng Cuba và phán Cuba có nền y tế tốt hơn tại Mỹ vì ở đó họ có universal healthcare, bệnh viện tốt. Rồi những film về outsource ở Flinn. Toàn bộ đều gài vào đầu người xem film sự bất mãn với những người điều hành General Motor làm cho hàng trăm ngàn dân cư tại Flinn mất việc, nhưng không ai lại đặt ra câu hỏi là Detroit và Flinn của Michigan đều là những thành phố giàu có tại Michigan vào những năm 60 nhờ công nghiệp xe hơi nhưng tại sau chỉ sau vài chục năm nền kinh tế thành phố lại chỉ quá tập trung vào 1 ngành nghề. Và cũng không ai nói về quan hệ của UAW và General Motors khiến GM không thể cạnh tranh nổi với Toyota. Những chuyện mình nói hơi đi xa ngoài đề tài Obama, nhưng khi đọc tin tức của báo đài thì nên đọc thêm những tin trái chiều. Khi đọc blog dainamax tribune của bác Nghĩa mình cũng hay research lại xem thông tin bác nói có đúng hay không. Hơi mất thời gian, nhưng bạn sẽ biết thêm nhiều thứ. Mình cũng muốn bác Nghĩa để source cho 1 số thông tin trong bài viết, vì đôi khi đọc tiếng Việt, nhưng search lại bằng tiếng anh những thông tin đó thì cũng mất 1 số thời gian.

      Xóa
    4. Bác Nghĩa !
      Cháu nghĩ khi bác nhận định " với Tổng thống Obama còn tại chức thì điều ấy không thể xảy ra được " không hẳn vì Tổng Thống Obama có trình độ quản lý kém mà nó liên quan đến tư tưởng, chính sách của đảng Dân Chủ thiên về hướng nội, chú trọng an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước. Nó khác với tư tưởng của Đảng Cộng Hòa hướng ngoại có tư tưởng làm bá chủ thể giới !

      Xóa
    5. Lại sai rồi em!

      Đảng Dân Chủ quan tâm về xã hội hơn kinh tế, nhưng trong đảng cũng có chủ trương can thiệp vào chuyện quốc tế như can thiệp vào kinh tế quốc nội. Những Tổng thống như F.D. Roosevelt, Kennedy hay Johnson đều nổi tiếng về chuyện quốc tế cả, và ngay Bill Clinton cũng từng bị phê phán là hay can dự vào chuyện thiên hạ. Đảng Cộng Hoà quan tâm về kinh tế hơn xã hội, và chủ trương bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ, nhưng trong đảng cũng có khuynh hướng tự cô lập (lo lấy việc nhà chứ không cưu mang chuyện thế giới).

      Barrack Obama có tư tưởng cực tả chứ không chỉ thiên tả, và do xuất thân khá đặc biệt, nhìn nước Mỹ như thế giới nghèo hèn ở bên ngoài nhìn nước Mỹ: khó chịu về sức mạnh của Hoa Kỳ. Ưu tiên của ông ta là cải tạo xã hội Mỹ và với thế giới bên ngoài thì chẳng có chủ đích gì rõ rệt, trong dàn cố vấn cũng có nhiều người chủ trương can thiệp vào chuyện quốc tế vì lý do nhân quyền hay nhân đạo.

      Việc Obama quản lý dở đã gây ra nhiều vấn đề, như với Bộ Gia cư và Công dân vụ (HUD), kế hoạch y tế ACA, Bộ Cựu chiến binh (VA), Bộ Tư Pháp (DoJ), v.v... Nhưng không chỉ dở mà còn gian nên mới có những vụ tai tiếng là che giấu sự thật về Benghazi, sở Thuế Liên bang IRS.

      Tuy nhiên, như Dainamax thường viết, Tổng thống Mỹ không là tất cả và có toàn quyền. Xã hội Hoa Kỳ vẫn còn nhiều cơ quan chức năng lẳng lặng nghiên cứu mọi chuyện và tìm ra nhiều giải pháp... để đó. Khi lãnh đạo cần, hoặc cần thay đổi, họ cũng có sẵn bài bản.... Sau khi thấy Hoa Kỳ bị mất uy tín và thế lực, lãnh đạo mới cần xoay chuyển, thí dụ như vào năm 2017, thì họ xoay cũng nhanh.

      Trong hoàn cảnh thế giới gặp nhiều nước hung đồ như hiện nay, Hoa Kỳ cần có lãnh đạo cứng rắn và quả quyết hơn. Nhưng cũng chính vì sự nhu nhược bất nhất của Obama mà thế giới càng có thêm hung đồ. Gánh nặng cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp!

      NXN



      Tính chất nhu nhược và bất định khi tiếp xúc với lãnh đạo xứ khác khiến họ biết ngay là có thể lợi dụng được. Và coi thường.

      Xóa
    6. Nếu muốn biết rõ hơn về Obama và đảng Dân Chủ, xin chịu khó tìm đọc trên Việt Báo, tác giả Vũ Linh có bài vào mỗi Thứ Ba.

      Ông là một chuyên gia ngân hàng, từ cả chục năm nay được yêu cầu tập trung vào vấn đề chính trị bên trong Hoa Kỳ và làm nổi bật những sai lầm bên đảng Dân Chủ chỉ vì truyền thông Mỹ quá thiên về đảng Dân Chủ nên thiếu khách quan.

      Không phải vì vậy mà cái gì đảng Cộng Hoà làm là cũng đúng cả đâu!

      Khi nào Cộng Hoà nắm Hành pháp thì có lẽ cũng sẽ có mục tập trung phê phán những mặt tiêu cực...

      Xóa
  2. Các độc giả tò mò về chuyên môn và muốn tìm hiểu về việc cải cách kinh tế Ấn Độ thì nên chú ý đến Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, ông Raghuram Rajan, một kinh tế gia lỗi lạc. Hãy Google để tìm ra, xem một chuyên gia phải xử trí chuyện kinh tế chính trị và kinh tế quốc tế như thế nào.

    Cũng vậy, nên để ý tới Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Haruhiko Kuroda, đang xoay trở thể nào với chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.

    Có tìm hiểu và thấy ra thì mới kết luận về tình trạng lạc hậu chính trị của Việt Nam với những bài toán kinh tế hiện nay...

    NXN

    Trả lờiXóa