Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140528
Ba tuần sau khi Bắc Kinh đặt giàn khoan trong thềm lục địa Việt Nam,
tình hình vẫn căng thẳng qua nhiều vụ va chạm và chiều Thứ Hai 26 một
ngư thuyền Việt Nam bị tầu cá của Trung Quốc đâm chìm ở cách giàn khoan
17 hải lý. Song song, nhiều người Việt cũng bất mãn về việc kinh tế Việt
Nam quá lệ thuộc Trung Quốc nên sợ là có thể bị họ bắt chẹt. Trong nỗ
lực bảo vệ độc lập và chủ quyền, làm sao Việt Nam ra khỏi bóng rợp kinh
tế Trung Quốc? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia Nguyễn-Xuân
Nghĩa qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây:
Vỏ cứng, ruột mềm
Vũ Hoàng: Kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, quan hệ giữa Việt
Nam với Trung Quốc vẫn căng thẳng sau ba tuần đầy biến động khiến cả thế
giới chú ý vì hai quốc gia này gắn bó về ý thức hệ lẫn ngoại giao và
kinh tế. Khi quan hệ suy đồi hơn thì người ta cũng thấy kinh tế Việt Nam
quá lệ thuộc vào Trung Quốc như chúng ta có dịp phân tích cách nay hai
tuần. Trong chương trình kỳ này, xin được hỏi ông với tư cách một chuyên
gia kinh tế và đã theo dõi tình hình Trung Quốc từ lâu, ông nghĩ Việt
Nam có thể làm gì để thoát dần khỏi sự lệ thuộc đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo thông lệ thì tôi nghĩ là ta cần nhìn
bối cảnh từ rộng tới hẹp và tìm hiểu về những việc cần làm ngay đặt
trong viễn cảnh trường kỳ. Nói về từ rộng tới hẹp thì trước tiên ta cần
đánh giá lại Trung Quốc để thấy ra ưu nhược điểm của xứ này mà đừng quá
sợ. Và nói từ gần đến xa thì mình mới nghĩ đến các biện pháp kinh tế căn
cứ trên sự đánh giá đó.
- So với Việt Nam thì quả là Trung Quốc có sức mạnh kinh tế và quân sự
đáng kể và trong mọi tình huống thì dĩ nhiên Việt Nam nên tránh chiến
tranh với xứ này. Nên tránh chứ không hẳn là vì sợ mà thúc thủ. Và khi
đã phải đối đầu thì cũng lượng định nhược điểm và rủi ro của họ.
Vũ Hoàng: Ông đang dẫn vào bối cảnh, thưa ông những nhược điểm ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc mới phục hưng từ 30 năm sau gần
200 năm nhục nhã. Trên đà phục hưng, giới lãnh đạo và trí thức của họ
không nhớ lại vì sao lại lầm than lụn bại mà chỉ nói đến mối nhục phải
rửa. Từ đó mới có thái độ kiêu căng và gây khó chịu cho thế giới. Chuyện
thứ hai, mặc cảm của Trung Quốc tập trung vào cái nước giàu mạnh nhất
hiện nay là Hoa Kỳ, với chủ đích không là gây chiến mà chỉ dọa già nhằm
làm Mỹ e dè mà nhường cho họ không gian hùng cứ là khu vực Á Châu. Tức
là họ theo chủ nghĩa bá quyền nước lớn, y như cách họ đả kích Hoa Kỳ.
Thứ ba, chưa thấy Hoa Kỳ tỏ thái độ rõ rệt thì Trung Quốc đã thực tế gây
hấn với các lân bang như Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước Á Châu khác. Nói
tóm lại, Trung Quốc có nhiều bạn hàng mà thật ra rất ít bạn nếu so với
các cường quốc như Mỹ, Nhật hay Âu Châu. Đó là về cái vỏ cứng, bên trong
là cái ruột mềm.
Có mấy ai muốn hợp tác với một chế độ ngang ngược như vậy? Và nếu có, thì thiên hạ cũng thủ kỹ, đòi hỏi điều kiện cao để tránh nạn ăn cắp vặt và ăn cướp sống. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Hãy tìm hiểu về cái ruột mềm đó, phải chăng là những nhược điểm nội bộ của họ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu Trung Quốc có đạt tốc độ tăng trưởng
cao trong 30 năm thì họ cũng hủy hoại môi trường sinh sống của họ với
tốc độ tự sát. Không xứ nào bị ô nhiễm môi sinh nặng như Trung Quốc.
Lãnh đạo có thể bất cần tới phản ứng quốc tế chứ người dân lại cực kỳ
bất mãn vì môi trường đó là không gian sinh tồn, là khí trời và nước
uống, của các thế hệ về sau.
- Thứ hai, người dân còn bất mãn hơn nữa vì nạn bất công xã hội, cửa
quyền và sự phè phỡn của thiểu số có chức có quyền và đám thân tộc ở
trên. Lãnh đạo có thể ru ngủ người dân rằng rồi đây ai cũng sẽ là trung
lưu khá giả, nhưng dân chúng chỉ thấy đám thượng lưu ăn trên ngồi chốc.
Chiến dịch diệt trừ tham nhũng không đẩy lui sự căm phẫn của quần chúng
mà còn cho thấy một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị cũng có thể là trùm tham
ô, với tay chân hay bí thư nay vào Trung ương đảng và thành đại gia, tài
phiệt.
- Thứ ba, sức ép các sắc tộc thiểu số đã gây sức bật, là phản ứng bạo
động của dân Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo khiến an ninh của Trung Quốc gặp
hai vấn đề. Với ngân sách quốc an còn cao hơn ngân sách quốc phòng để
nuôi bộ máy Cảnh sát Võ trang đông đảo, lãnh đạo xứ này vẫn phải đưa
quân đội vào bảo vệ an ninh tại các thành phố lớn sau hàng loạt những vụ
khủng bố của dân Duy Ngô Nhĩ. Vấn đề thứ hai là họ mở cửa cho các lực
lượng khủng bố Hồi giáo xưng danh Tháng Chiến như kiểu al-Qadeda sẽ nhập
cuộc để hỗ trợ dân Hồi giáo bên trong.
- Chuyện thứ tư mới là kinh tế. Thật ra Trung Quốc căng phồng như trái
bóng sắp bể với một núi nợ xấu sẽ sụp. Chúng ta đã đề cập tới vụ này từ
nhiều năm nay, có lẽ tuần tới sẽ tập trung vào chuyện này. Trong khi đó
và đây là điều có liên hệ đến Việt Nam, xã hội Trung Quốc sớm bị lão
hóa, người dân chưa giàu đã già. Xứ này mất dần ưu điểm nhân công nhiều
và rẻ và hết là hãng xưởng ráp chế toàn cầu nên giới đầu tư quốc tế đang tìm
nơi có lợi hơn. Khi động loạn xã hội bùng nổ bên trong thì họ chạy còn
nhanh hơn nữa. Điều này, chúng ta đã nói từ năm ngoái và sẽ còn phải nói
lại vì mở ra một cơ hội cho Việt Nam.
Vũ Hoàng: Như ông vừa tóm lược thì Trung Quốc có đến bảy
tám rủi ro vì các nhược điểm trầm trọng bên trong. Đó là tình trạng mà
ông ví von là "vỏ cứng ruột mềm". Nhưng điều ấy có lợi gì cho Việt Nam
trong tương quan hiện nay?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thuần về kinh doanh hay kinh tế thì chẳng
ai sợ Việt Nam mà xứ nào cũng ngại khi làm ăn với Trung Quốc. Nếu vì mối lợi
hiển nhiên là có thì họ vẫn tính đến rủi ro bất ngờ, trong đó có rủi ro
tráo trở của Trung Quốc. Một cách cụ thể thì đến Tháng Tám này, giàn khoan chưa hút lên một giọt dầu nào nhưng Bắc Kinh đã mặc nhiên làm chủ và cai
thầu khai thác tài nguyên ngoài Đông hải. Có mấy ai muốn hợp tác với một
chế độ ngang ngược như vậy? Và nếu có, thì thiên hạ cũng thủ kỹ, đòi
hỏi điều kiện cao để tránh nạn ăn cắp vặt và ăn cướp sống.
- Nhìn cách khác, khi đối chiếu thì ta thấy Việt Nam phải làm nổi bật
ưu điểm của mình là không có những chứng tật của Trung Quốc. Tức là nên
ráo riết cải cách hạ tầng cơ sở luật lệ lẫn vật chất để có môi trường
kinh doanh và sinh sống lành mạnh hơn. Song song, nên tạo ra hình ảnh
của một dân tộc cần cù và đáng tin. Chúng ta đang tiến dần vào trọng tâm
kinh tế của đề tài này.
Việt Nam nên làm gì?
Vũ Hoàng: Từ mấy tuần qua, thế giới đã có dịp so sánh. Thưa
ông, liệu rằng nạn bạo động vừa xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp ngoại
quốc tại Việt Nam bị thiệt hại có khiến cho các nước xa lánh hay rút
khỏi thị trường Việt Nam không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một câu hỏi rất hay vì có hai khía cạnh trong ngoài.
- Với bên trong, những người theo dõi vụ việc ở tại chỗ thì cho rằng vụ bạo
động là kết quả của một âm mưu khiêu khích nhằm gây thiệt hại cho Việt
Nam vì mất bạn và có lợi cho Trung Quốc vì kẻ cướp lại thành nạn nhân.
Người dân có thể đoán ra mà cần biết là những ai trong lớp lãnh đạo đã
cho tiến hành việc khiêu khích đó? Đây là dịp minh chứng giá trị lời nói của những
người trên thượng tầng. Nếu không, toàn bộ vụ giàn khoan chỉ là sự dàn
dựng giữa Bắc Kinh và tay sai ở tại Việt Nam.
- Với bên ngoài, các nước chưa quên phản ứng thô bạo của dân Trung Quốc
với doanh nghiệp Nhật Bản vào cuối năm kia do vụ tranh chấp về chủ
quyền trên quần đảo Senkaku của Nhật mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Vì vậy, các
nước cho rằng dân Việt Nam cũng phản ứng như vậy, mà chỉ có một ngày. Do đó tôi không nghĩ là giới đầu tư nước ngoài sẽ tháo chạy khỏi Việ Nam. Đấy là về mặt
tiêu cực, chứ về mặt tích cực thì phải nghĩ xa hơn thì mới ra khỏi bóng
rợp kinh tế của Trung Quốc.
Trong hạn một tuần, các cơ quan hữu trách lập tức kiểm tra số tồn kho nguyên liệu nhập từ TQ để xem khả năng xoay trở của doanh nghiệp VN là bao nhiêu và bao lâu nếu mâu thuẫn kéo dài. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Bước qua phần đó, ông cho là Việt Nam nên làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là ba tháng nữa thì mọi
chuyện sẽ như ba tháng trước, tức là Bắc Kinh kéo giàn khoan đi nơi khác
sau khi khẳng định được cái quyền phi pháp của họ trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam. Nhưng dù mọi việc sẽ có vẻ như đã dịu, Việt Nam vẫn nên khẩn
cấp rút tỉa bài học mà thi hành việc thoát hiểm.
Vũ Hoàng: Thưa ông, việc đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, trong hạn một tuần, các cơ quan
hữu trách lập tức kiểm tra số tồn kho nguyên liệu nhập từ Trung Quốc để
xem khả năng xoay trở của doanh nghiệp Việt Nam là bao nhiêu và bao lâu
nếu mâu thuẫn kéo dài. Phải khởi đi từ kịch bản tồi tệ là Bắc Kinh cấm
vận để gây sức ép, và đừng tưởng rằng họ không dám làm vì có thể mất một thị trường
90 triệu dân. Thực tế thì họ mua vào một lại bán ra hơn hai chục lần
cho Việt Nam nên sẽ gây áp lực.
- Rồi từ việc kiểm tra đó, nội hai tuần phải tính đến các giải pháp
thay thế để chuẩn bị, dù là có gặp bất lợi. Và nên công khai hóa chuyện
lợi hại ấy, với lệnh nghiêm cấm đầu cơ tích trữ vì làm vậy là tiếp tay
Trung Quốc xiết cổ dân ta. Chế độ thừa công an làm việc đó, nếu họ không
toa rập với ngoại bang để trục lợi. Nhiều người cứ lãng mạn hỏi theo ca
khúc của Lưu Hữu Phước, rằng "Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến?"
Nhưng khi nói đến chữ "hy sinh" – dù mới chỉ là quyền lợi kinh tế nhỏ
nhoi - thì mấy ai dám? Tôi nghĩ rằng đây là lúc thật sự nguy biến rồi!
- Song song, giới hữu trách ở trung ương phải rà lại toàn bộ chuỗi cung
ứng hay "supply chain" của Việt Nam, là mua gì ở đâu, về cho ai làm ra
sản phẩm gì, để bán cho xứ nào? Mục đích là để xác định vị trí của sản phẩm
Trung Quốc trong chuỗi mua bán và chế biến đó của Việt Nam. Nếu không có hàng Trung
Quốc thì Việt Nam xoay trở thế nào, có sản phẩm gì ờ đâu khả dĩ thay thế sau
này? Từ việc rà lại chu trình cung cấp, Việt Nam nên chuẩn bị giải pháp
thay thế từ năm tới.
- Việt Nam đang yêu cầu Nhật Bản cung cấp cho tầu tuần tra, là điều chỉ
có trong vài năm. Nhưng Việt Nam nên xin Nhật viện trợ kỹ thuật để xem
là sau vụ thiên tai hồi Tháng Ba năm 2011 khi chuỗi cung ứng của doanh
nghiệp Nhật bị đứt đoạn bất ngờ, họ giải quyết ra sao? Mình có thể học
được nhiều lắm để làm cơ sở cho chính sách đầu tư và sản xuất của mình sau này.
Vũ Hoàng: Ông đi từ chuyện cấp bách đến ngắn hạn, trong trường kỳ thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là về trường kỳ, phải chặt cái neo
đã giàng kinh tế Việt Nam như cái phao của Bắc Kinh để bung lên cao
hơn. Giới đầu tư đều đang tìm thị trường khả dĩ thay thế thị trường Hoa
lục vì có tay nghề mà lương thấp hơn. Việt Nam là loại thị trường đó,
còn khá hơn Bangladesh hay Miên, Lào. Nếu có năng suất cho những ngành
đòi hỏi mức công nghệ cao như thấy được qua các dự án lớn của Intel and
Samsung, thì Việt Nam vẫn thừa khả năng vươn lên trong trung hạn. Miễn
là lãnh đạo kinh tế phải thấy ra điều đó mà sớm tiến hành.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, phải chăng vấn đề là giải phóng nội lực?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hình như có ông nào đó trong Bộ Kế hoạch và
Đầu tư của Hà Nội cũng nói đến việc "tăng cường nội lực" khi bị Trung
Quốc cắt đứt quan hệ kinh tế. Tôi xin đề nghị cách nhìn khác: đầu tư
trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam không bằng của Nam Hàn, Đài Loan
hay Nhật Bản vậy mà sao họ vẫn chi phối được kinh tế Việt Nam? Vì không
chỉ đầu tư vào doanh nghiệp, Trung Quốc đầu tư vào con người, vào những
người đang lãnh đạo. Cho nên nội lực Việt Nam bị triệt từ trên đầu
xuống, làm sao mà tăng cường?
- Tổng hợp lại, Trung Quốc là vấn đề của thế giới thì thế giới phải lo.
Nhưng Trung Quốc cũng là vấn đề của Việt Nam thì dân Việt phải lo. Vấn
đề ấy là đảng cầm quyền lại tiếp tay cho Bắc Kinh. Cho nên người Việt
phải giải quyết vấn đề chính trị ấy thì mới ra khỏi bóng rợp kinh tế của
Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Bác Nghĩa !
Trả lờiXóaTrong bài cháu không thấy bác nhắc tới TPP khi Việt Nam thoát khỏi Trung Quốc. Khi nền kinh tế Việt Nam đang rất phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc ( bản chất ở Việt Nam không có ngành công nghiệp phụ trợ ) nên phải nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc từ cái đinh vít cho đến sản phẩm công nghệ cáo. Cháu nghĩ để tìm thị trường thay thế cho Trung Quốc thì ngoài nhưng biện pháp " dài hạn " như bác phân tích ở trên thì cháu thấy lãnh đạo Việt Nam nên chấp nhận thay đổi đáp ứng tiêu chí vào TPP. Như vậy trong dài hạn thì nền kinh tế VIệt Nam mới có thể đứng ngang hàng với Trung Quốc được ?
Đúng lắm Thành ơi!
XóaNhưng chuyện TPP không hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam. vấn đề rộng lớn hơn ở là nếu muốn và nếu nhịn thì được. Điều chính là Việt Nam phải muốn thoát đã.
Nếu muốn, và coi đây là quốc sách, thì mới hạ quyết tâm thi hành kế hoạch trong một năm, ba năm, năm năm sẽ từng bước giảm sự lệ thuộc vào nguyên vật liệu Trung Quốc bằng loại điền thế, và song song nâng cao phẩm chất của vật liệu Việt Nam.
Trong hiện tại, nếu doanh nghiệp chế biến (như hàng dệt sợi, may mặc và giày dép) mà dùng nguyên liệu Việt Nam thì sợ lỗ vì đắt hơn mà phẩm chất vẫn kém hàng Trung Quốc và bán qua thị trường Âu-Mỹ không nổi. Nhà nước Việt Nam không nhìn ra và chẳng giải quyết được chuyện sơ đẳng ấy vì người ta chưa muốn thoát!
Sẽ còn phải nói thêm và nói nữa cho đến khi thay đổi tư duy.
NXN
Bác Nghĩa !
XóaCháu nghĩ nếu lãnh đạo Việt Nam không có những sự thay đổi căn bản trong cơ chế thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI .....thì cháu nghĩ trong trung hạn Việt Nam rất khó có thể cạnh tranh được với các môi trường đầu tư khác trong khu vực như Myanma, Malaixia.....Nếu môi trường đầu tư ở Việt Nam không có sự cải thiện trong vài năm nữa thì coi như Việt Nam đã chậm chân trong việc thu hút nguồn tư bản khi nó đã rút khỏi Trung Quốc. Điều này không còn ở dự đoán hay nhận định nữa mà thực chất môi trường đầu tư tại Việt Nam đã mất sức hút trong vài năm trở lại đây.
Về vấn đề gia nhập TPP cháu nghĩ lãnh đạo Việt Nam muốn nhưng họ không muốn từ bỏ cái " riêng " để đem lợi ích cái " chung " ! Họ không muốn thay đổi, không muốn chấp nhận đáp ứng tiêu chí khi đàm phán.....Họ hành động giống với văn hóa nông nghiệp của mình, rất muốn vào TPP để nhận được những lợi ích nhưng họ không muốn mất quyền lợi của mình. Và TPP không bao giờ chấp nhận một thành viên có tư duy như vậy .
Dear all,
Trả lờiXóaBài phỏng vấn này, KTG Nguyễn Xuân Nghĩa muốn nói rằng:
Thế giới phải lo giải quyết "vấn đề Trung Quốc" của thế giới, chứ không riêng của VN. Còn vấn đề TQ của VN nó nằm ở Ba Đình.
Cách nay 3 ngàn năm, Quản Trọng đã dạy rằng:
"Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
Chung thân chi kế mạc như thụ nhơn
Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã
Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã
Nhứt thu bách hoạch giả, nhơn dã"
Sự nghiệp "trồng người" của Trung Nam Hải đã hoàn tất.
Cụ Lý rất tinh chứ không toét.
XóaVấn đề Trung Quốc của thế giới, các nước phải lo và Việt Nam sẵn sàng hợp tác trong phạm vi và khà năng của mình. Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam thì nằm tại Hà Nội, là đảng Cộng sản Việt Nam.
Vấn đề ấy, dân Việt Nam phải giải quyết lấy - chứ không thể trông chờ thế giới, nhất là vào Mỹ và loại tổ chức đấu tranh ỡm ờ cho biết là có Mỹ ở đàng sau!
Còn về chuyện trồng người, Trung Quốc đã trồng người tại Việt Nam từ thời nào?
Từ năm 1924, 1926, 1930, 1949, 1954? Chuyện ấy quá xa nên các nhà viết sử của ta có thể đã quên! Nói gần hơn, từ 1991 hay 1996, hoặc còn gần hơn nữa? Những cây họ trồng, ngọn đã lên tới đâu, rễ sâu đến mức nào, có ai dám đo và dám nói để người dân dám nhổ?
Sự nghiệp trồng người của Trung Nam Hải đã hoàn tất.
Sự nghiệp đốn cây nhổ cỏ của dân ta đang bắt đầu, từ trên đầu xuống.
NXN
Thực trạng kinh tế hiện nay là (nhân)quả của cái cây đó thôi. Cần thay đổi cây chứ không phải quả, có phun thuốc thì cũng chỉ được vài mùa quả thôi. Bác Nghĩa chắc cũng ủng hộ điều đó chứ?
Trả lờiXóaHoàn toàn đồng ý, và vì vậy mới chú ý đến thế hệ nối tiếp, những người trẻ ở lớp tuổi 30-40. Hy vọng là họ không cầu an hay xi ních (cynical) và khâm phục Trung Quốc vì học thói tật này ở lớp người đi trước. NXN
XóaHD 981 có thể là bước khởi đầu chăng??? Mong.
Xóa