Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống Ngày 130331
"Vùng Oanh Kích Tự Do"
Từ vong căn thất cước đến lãnh đạo một nước hùng cường….
* Hình nhỏ góc trái, Singapore vào thập niên 1940 - và ngày nay *
* Hình nhỏ góc trái, Singapore vào thập niên 1940 - và ngày nay *
Trong lễ quốc táng của
Lý Quang Diệu vào hôm Chủ Nhật 29, khi Thủ tướng Lý Hiển Long cầm lệ đọc bài điếu
văn dài 40 phút dành cho bậc Quốc phụ mà cũng là thân phụ, chúng ta nên suy
nghĩ. Trước nhiều vị nguyên thủ của quốc tế và quốc dân Singapore, ông đọc điếu
văn bằng tiếng Anh, rồi tiếng Mã Lai, sau đó mới là tiếng Hoa…. Tiếng mẹ ghẻ rồi mới là tiếng mẹ đẻ?
Người ta kể rằng, nửa thế kỷ về trước, khi Lý Quang Diệu lên
làm Thủ tướng Singapore thì ông vẫn còn một bà chị họ xa đang sống tại Cù lao
Phố của Biên Hòa. Điều ấy có thể là đúng, dù chẳng ai kiểm chứng được.
Mà thật ra cũng vô nghĩa.
Điều ấy có thể là đúng nếu ta nhớ lại vai trò khai khẩn của nhiều
đợt lưu dân gốc Hoa trên vùng đất mới, thời ấy còn có tên là Trấn Biên chứ chưa
được là Biên Hòa. Trấn là nén xuống, để gìn giữ an ninh. Và Biên là biên thùy,
ranh giới. Nói theo kiểu Mỹ thì đấy là đất… Viễn Tây của thế hệ tiên phong mở
mang lãnh thổ.
Nhìn cho sâu và rộng, từ giữa thế kỷ 17, nhiều võ tướng nhà
Minh không chấp nhận nền cai trị của tộc Mãn Thanh mà phiêu dạt vào Đàng Trong.
Họ tự xưng là “bồ thần” của các Chúa Nguyễn.
Như mọi khi, khách có kẻ bỗng nhảy vào cuộc, với câu hỏi như
tra tấn: “Bồ thần là gì vậy, nhà bác?”
Bèn tra vấn từ điển: Chữ “bồ”, thuộc bộ “Bao” trong tiếng Hán,
có nghĩa là khúm núm, bò bằng tay, với ý khiêm cung hèn hạ. Rồi ta hối lộ khách
một chung rượu, để gõ tiếp trên phím những cung bậc của nhân gian….
***
Thời ấy, cả một khu vực rộng lớn của xứ Chân Lạp cũng là “đất
mới” của các Chúa Nguyễn.
Một thế kỷ sau khi Nam Tiến từ đất Thuận Hóa thì các bậc anh
hùng ấy Tây Tiến đến tận Hà Tiên và nhân đôi diện tích của lãnh thổ. Các Chúa đưa
dân đi chiếm lấy đất vùng đất phì nhiêu của các tiểu vương quốc đã bị nước Chân
Lạp thôn tính từ trước. Thời ấy, đấy là quy luật bình thường.
Được các Chúa trọng dụng, lớp võ tướng nhà Minh như Trần Thượng
Xuyên có mặt trong số tiên phong khai phá biên thùy. Với tài tổ chức, họ Trần
quy tụ được nhiều đợt lưu dân người Hoa từ Quảng Đông hay Phúc Kiến đến chọn nơi
này làm quê hương và góp phần đáng kể cho các Chúa. Và cho nước Việt. Vào thời ấy,
Trấn Biên đã trở thành trung tâm của vùng đất mới.
Như Dương Ngạn Địch hay Mạc Cửu tại miền Tây, Trần Thượng
Xuyên tại Trấn Biên hết là “bồ thần” lê lết kiếp lưu vong. Ông được các Chúa
vinh danh là “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”. Nghĩa
nôm là họ Nguyễn làm vương, họ Trần làm tướng, đời đời công khanh chẳng dứt. Thời
Minh Mạng và Thiệu Trị thì ông được tôn là “Thượng đẳng công thần” - của nước Đại
Nam.
Mãi về sau, có thể là trong lớp con cháu của các di dân gốc
Hoa ấy, mới có tổ tiên của Lý Quang Diệu.
Nhưng biết đâu chừng, chi họ Lý này tiếp tục Nam tiến đến những
vùng đất xa xôi hơn, tại bán đảo Mã Lai hay quần đảo Nam Dương. Cho tới đời ông
thì mới dừng chân tại thuộc địa của Anh mà ta gọi là Tân Gia Ba, khi ấy còn là
đất muỗi mòng sình lầy của một làng chài lưới, chứ chưa được như xứ Biên Hoà thịnh
vượng. Nội việc đó cũng thấy ông là di dân rất sáng.
Vì lý do văn hóa và hành chánh, thuộc địa của Anh thường khá
hơn là thuộc địa của Pháp!
Cậu Lý con trong tay Lý cha - tranh của gia đình
***
Chúng ta quên hẳn chuyện di dân rồi.
Trong hơn ngàn năm, từ Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn, qua các quốc
hiệu nào Đại Việt, Hoàng Việt hay Đại Nam, An Nam hay Việt Nam, v.v… dù là “di
dân nội địa” mọi người đều dần dần ý thức rằng ta có quốc có gia. Là dân Việt của
nước Nam. Ý thức ấy bao trùm lên gốc tích Thuận Hóa hay Quy Nhơn, Gia Định hoặc
Thăng Long, Thanh Hóa hay Bình Thuận, An Giang…. Di cư mới cũ gì thì cũng là
con dân đất Việt trời Nam.
Chứ Lý Quang Diệu đôi khi đã tự hỏi, rằng mình là ai? Gốc
Hoa hay gốc Hẹ? Là một chi xa xôi của họ Lý đến từ Trấn Biên? Hay thần dân của
Đế quốc Anh có gốc tích Hoa-Việt xửa xưa mà nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa và bập
bẹ cả tiếng Nhật trên cái làng chài Tân Gia Ba này?
Sau khi quân Nhật rút, dưới cái tên thuận tai hợp thời là
Harry Lee, ông qua Anh học tại London School of Economics rồi tốt nghiệp rất
cao từ trường luật Cambridge, có lẽ chỉ thua một nàng Kha Ngọc Chi mà ông lấy làm
vợ. Sáng thật!
Vậy mà Lý Quang Diệu vẫn kém nhiều bậc tiền bối của chúng ta
cũng đã qua Pháp đi học. Các cụ của chúng ta dù có du học bên Tây thì vẫn là
người Việt và có nước Nam để trở về.
Còn Harry Lee đi về đâu?
Harry Lee với mũ áo luật sư tại Anh quốc
Mà sau khi Nhật Bản thua trận năm 1945, Tân Gia Ba hay Chiêu
Nam Đảo hoặc Singapore của ông là gì? Là gieo đất chênh vênh với di dân người
Hoa người Ấn hay Mã Lai dưới sức ép lẫn sức hút đa chiều.
Đất Mã Lai là của dân Mã Lai theo Hồi giáo, họ rất e ngại
tinh thần quá biến báo của người Hoa. Xứ Nam Dương, một thuộc địa của Hòa Lan vừa
mới trở thành một quốc gia thì chẳng che giấu ý đồ chinh phục cửa ải trên biển
này, gọi đó là “konfrontasi”, nôm na
là đối đầu. Còn Trung Quốc được Mao Trạch Đông giải phóng thì coi mũi nhọn ấy là
“chó săn của Đế quốc Anh-Mỹ”. Nên gửi cán bộ qua gieo trồng hạt nhân cách mạng,
và vun xới bằng bạo lực.
Tổng lý Chu Ân Lai của Quốc vụ viện Bắc Kinh nói gọn tâm sự
của Harry Lee: Nhĩ thị hương tiêu. Ngươi
là quả chuối! Họ Chu miệt thị Lý Quang Diệu, rằng da ngoài màu vàng chứ bên
trong là thịt trắng. Ngụy danh đế quốc, tội tầy trời!
Khi ấy, hẳn là Lý Quang Diệu cũng phân vân với tâm sự Hồ Trường. Rằng ta biết rót về đâu?
Là người thật sự vong
căn thất cước, ông đã thuần thục ngôn ngữ và học thuật của mẹ ghẻ là nước
Anh, nhưng về sống trên mom đất khi thủy triều của Anh đã rút. Biết rót về đâu
cái tâm huyết của mình? Số của ông là chọn nơi đó làm quê hương mà chưa có tổ
quốc. Sau khi ông đưa Singapore vào Liên hiệp Mã Lai thì bị đuổi ra năm 1965. Còn
cộng đồng gốc Hoa của ông lại chỉ muốn làm loạn do sự xúi giục của Bắc Kinh.
Chí lớn của Lý Quang Diệu không là theo Mác, Mao, Molotov,
Thomas Moore hoặc Montesquieu, mà là rót ngay tâm huyết xuống dưới đất: xây dựng
nếp văn hóa mới cho một quốc gia không có chốn chạy. Bên trong, mọi thành phần
di dân từ thập phương tứ xứ đều chỉ có một tổ quốc mới, rất nhân tạo mà thực dụng,
là Singapore.
Lý Quang Diệu trở thành nhà sáng lập Singapore từ những trăn
trở như vậy.
Vốn gốc Hoa, từng theo xã hội chủ nghĩa kiểu Anh, ông là tay
chống cộng thứ thiệt để bảo vệ quốc gia Singapore. Không nói ra, chứ có lẽ họ Lý
rất hiểu “Coup de Jakarta” năm 1965
khi Quốc gia Nam Dương nay có tên là Indonesia đã có cuộc phản cách mạng đẫm máu
- giết luôn nửa triệu người gốc Hoa theo Bắc Kinh đang đòi làm cách mạng!
Sau khi Lý Quang Diệu tạ thế, thế giới đã có ngàn bài ngợi
ca thành tích lập quốc của ông. Phát triển từ Đệ tam lên Đệ nhất Thế giới, đất giầu
mà sạch, mỗi năm tăng trưởng 7% trong 40 năm liền. Người dân ngày nay đã giầu hơn
dân Mỹ - và rất hãnh diện là người Singapore.
***
Ra khỏi màn sương của Lưu Linh, gạt chai rượu qua một bên,
khách nheo mắt hỏi: “Lần này, nhà bác định oanh kích vào đâu vậy?”
Vậy mà cũng hỏi! Người ta có gia mà chưa có quốc. Ta đã có
quốc thì đem tế ngoại bang.
Người ta dồn nỗ lực biến dải đất nghèo, không có tài nguyên
và thiếu cả nước ngọt, thành viên ngọc quý được cả thế giới bảo vệ để cùng làm ăn.
Sự thành hình của một quốc gia từ viễn kiến của một cá nhân được toàn dân hưởng
ứng. Dân ta lại khác, đã có quốc gia lại biến lãnh thổ thành công cụ của quốc tế
và biến vùng đất phì nhiêu gấp ngàn lần thành một bãi rác! Cái khác giữa bậc Quốc
phụ Lý Quang Diệu với “cha già dân tộc” họ Hồ là như vậy! Phú quý giật lùi vào
cái hố đen.
Để khách trầm ngâm dưới cái hố đen, người viết này luận tiếp về nhà… Hậu Lý.
Từ Đệ tam Thế giới
của các nước nghèo hèn nhảy vọt vào vị trí đệ nhất, Singapore cũng gặp bài toán
của các nước đi trước: lão hóa dân số. Càng giàu thì càng đẻ ít và sống lâu hơn
nên tỷ trọng cao niên phải tăng. Bên trong, thành phần gốc Hoa đông nhất mà đẻ ít
nhất vì khá giả nhất, nên tỷ lệ thua dần dân gốc Ấn và nhất là dân Mã Lai.
Chưa nguy bằng
nhiều nan đề khác: Singapore thiếu nhân công nên nhận lao động từ ngoài vào để
cùng đẩy bộ máy phát triển.
Sự dị biệt giữa
quy chế thường trú và tạm trú bắt đầu xảy ra. Trong thành phần lao động “nhập cảng”,
người giàu kiến thức và tay nghề cao có gây áp lực về lương bổng và gia cư
hay lạm phát cho công dân bản địa ngày một lớn tuổi và hiếm muộn hơn. Ở bên dưới,
lao công kém tay nghề từ Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vào cũng trở
thành đông hơn. Họ đòi quyền sống và quyền sướng cho bằng với người khác. Và sẽ
có ngày đe dọa “bản sắc Singapore”…
Từ ba năm nay, Chính
quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long phải chật vật xoay trở với bài toán ấy. Vài chục
năm nữa, Singapore sẽ mất dần ưu thế. Đấy là lúc đảo quốc này gặp sức ép của một
quận huyện Trung Quốc. Là Việt Nam, có dân số trẻ, biết tay nghề, với lãnh đạo là
những
Bên cạnh, hình như
khách bật lên tiếng khóc Tháng Tư.