Thứ Năm, tháng 3 26, 2015

Lý Quang Diệu - Con Sư Tử Tóc Xoăn



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống - Ngày 130326
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Từ Cầu Nhiêm Khách Đến Lũ Óc Xoắn


 * Lý Quang Diệu khi còn trẻ *


Tính trung bình thì vào đầu năm 2015 này, dân Singapore có lợi tức đồng niên cao hơn Hoa Kỳ: hơn 58 ngàn Mỹ kim so với 57 ngàn của dân Mỹ. Là hải cảng với hơn sáu chục cù lao vây quanh, Singapore nằm sát Eo biển Malacca nối liền Ấn Độ dương với Thái Bình dương. Xứ này thiếu đất nên ném đất ra biển để có lãnh thổ. Từ hơn 580 cây số vuông vào thời lập quốc, nửa thế kỷ sau, là ngày nay, họ có diện tích là 780 cây số vuông. Và sẽ có thêm 100 cây vuông vào năm 2030 này.

Cái may cho Singapore là họ không biết thành ngữ Hà Nội: “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa!” Ở giữa biển, Singapore phải nhập cảng nước ngọt. Nhưng du khách yên tâm là nơi nào cũng có máy phân phối nước uống tinh khiết. Ngoài ra, du khách còn thấy Singapore thiếu rác: chẳng ai xả rác ra đường!

Những ai am hiểu thì khâm phục một nhân vật đã lập thành tích cả thắng thiên nhiên lẫn thói tật của con người và các chủ nghĩa linh tinh. Ông ta có tên là Harry Lee, nhưng được thế giới tiếc thương dưới cái tên Lee Kuan Yew. Ta gọi là Lý Quang Diệu. Ông vừa tạ thế ngày 23, ở tuổi 91….

Đã nói về địa dư thì phải lộn về lịch sử.

Trong Thế Chiến II, không chỉ có Việt Nam mới bị quân Nhật chiếm đóng. Singapore trải qua ba năm tàn phá cho đến khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945. Khi ấy, Singapore là gì? Trở về ách thuộc địa của Anh, cho tới khi Anh quốc rút lui và nhường thế giới cho… Chiến tranh lạnh.

Khi ấy, Singapore chỉ có cách tồn tại là trở thành một phần của Liên hiệp Mã Lai. Thủ tướng Harry Lee ngả theo giải pháp ấy vào năm 1963 - năm đại loạn của Việt Nam với sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa. Là một nhà chính trị theo xã hội chủ nghĩa - thiên tả - Harry Lee lại sáng suốt nhìn ra thực tế. Giẻo đất này có đa số là người gốc Hoa, như ông, sống bên một xứ Mã Lai với dân Mã Lai rất có ảnh hưởng. Nhưng, dưới chế độ thuộc địa của Anh, di dân Ấn Độ cũng được đưa vào đó nắm giữ nhiều quyền lợi kinh tế.

Thời ấy, ba thành phần sắc tộc bị hút qua ba góc. Người Hoa thì thiên về Trung Hoa với sự quyến rũ của ý thức hệ cộng sản do tác động của Bắc Kinh. Người gốc Mã Lai thì ngả về chính trị vì muốn xứ này là một phần của Vương quốc Mã Lai Á – Malaysia, tên gọi chính thức từ năm 1963. Còn người Ấn thì nghĩ đến kinh tế và Ấn Độ. Trong cái thế quân bình bất ổn đó, đa số người Hoa đã liên tục nổi loạn và còn được cộng sản xúi giục nên bạo động đã bùng nổ.

Lý Quang Diệu có sáng kiến ghê người là ra khỏi Liên hiệp với Mã Lai Á. Và tuyên bố độc lập vào năm 1965. Để mọi người phải chung sống cùng nhau trong một quần thể thống nhất. Cứ chia rẽ là mỗi người chỉ có một manh chiếu rách, mượn của xứ khác.

Đây là một sáng kiến “nhân tạo”, nghĩa là giả tạo vì do con người làm ra! Không thể có chuyện chia đặc quyền hay đặc lợi - chia ghế và chia tiền - theo dân số, màu da, ngôn ngữ hay tôn giáo. Đâm ra, dân ta ca “Nam Bắc Trung một nhà”, họ nói “Hoa Ấn Mã một nước!”

Và nước giàu dân mạnh không là khẩu hiệu mà là chánh sách. Trên luồng giao lưu Đông Tây, đảo quốc này phải là hải cảng trù phú, được bảo vệ bởi chế độ quân dịch theo phương pháp tổ chức của Israel. Và củng cố bằng ngoại giao “toàn phương vị” – chơi với mọi người, nhưng dưới sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Xứ nào cũng cần làm ăn với nhau và bộ máy công quyền rất liêm chính của Singapore bảo đảm việc đó cho thiên hạ! Ly kỳ nhất là ở bên trong, thành phần đa số là người gốc Hoa lại sống tại khu vực của người không thuộc gốc Hoa. Hết trò lãnh chúa có màu sắc Trung Hoa.

Thành tích đó là kỳ công của Lý Quang Diệu, cha đẻ ra Cộng hoà Singapore. Và “Mô thức Singapore” là sản phẩm hấp dẫn trong các thị trường Mã Lai Á, Nam Hàn, Miến Điện, thậm chí Rwanda tại Phi Châu hay Trung Quốc tại Đông Bắc Á.

Người viết gõ được một hơi về chuyện họ Lý thì có khách bước vào… phá rối trị an!
 
Trầm ngâm đọc bài viết rồi khách mới hỏi – ra chiều uyên bác – rằng hình như chữ Singapore này là gốc tiếng Ấn hay tiếng Phạn gì đó có nghĩa là Sư Tử Thành, phải không? - Dạ không sai!

Là người lãng mạn, tức là hay vỗ sóng mạn thuyền, khách liền nghĩ đến truyện chưởng của Kim Dung và nhân vật Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, con sư tử lông vàng. Lý Quang Diệu mới là con Sư Tử của Đông Nam Á. Khách khoái trá thốt lời vàng ngọc.

Còn lãng mạn hơn khách, nhìn tấm hình Lý Quang Diệu ở tuổi trung niên, thấy ông có mái tóc đen nháy và hơi xoăn, người viết này bèn kể truyện xưa…

Lý Quang Diệu quyền biến và phúc hậu khi về già


***


Trong các truyện ngắn thuộc loại anh hùng và lãng mạn nhất của Trung Hoa, có chuyện Cầu Nhiêm Khách, một gã râu xoăn.

Truyện này xuất hiện vào đời Đường, sau được Lâm Ngữ Đường viết lại dưới thể văn ngôn và cả thế giới đã đọc bản dịch. Nguyễn Hiến Lê có dịch truyện này….

Thời Tùy Mạt, anh hùng hào kiệt nổi dậy khắp nơi để lật đổ chế độ hôn ám của Tùy Dạng Đế.

Trong số ấy có một chàng bán văn bán võ, mà võ nhiều hơn văn, là Lý Tịnh. Chàng được một kỳ nữ họ Trương, tự khai tên là Hồng Phất Nữ - cô gái với cái chổi phất trần màu hồng - vừa trốn khỏi dinh của quan Tư không Dương Tố để “đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”.

Hai vợ chồng trẻ cùng nghe nói đến một tay có “chân mạng đế vương” là Lý Thế Dân, con trai thứ của lãnh tụ Lý Uyên.

Thế rồi có kẻ thứ ba xuất hiện.

Khách xưng họ Trương, râu đỏ hung và xoăn tít, phong thái phi phàm, cử chỉ đường bệ, nói chuyện binh thư và khởi nghĩa thì xứng là bậc thầy của Lý Tịnh. Ba người đều cùng nhau tìm gặp Thế Dân với các thầy tướng hay đạo sĩ có thực tài về tướng pháp. Nhận xét của họ: Thế Dân thật có số là Hoàng đế!

Gã râu quăn Cầu Nhiêm Khách nghe thấy là sụp vai, xuống giọng ngậm ngùi:

- Hai em mà theo ta thì chẳng nên cơm cháo gì đâu. Đây là dinh cơ của ta, với tài sản là mươi vạn lượng để chuẩn bị cho đạo quân khởi nghĩa. Từ nay, hai em là chủ kho tàng này. Hãy chiêu binh mãi mã theo Lý Thế Dân mà làm nên nghiệp lớn trong năm năm mười năm nữa.

Thế còn đại ca? 

- Ta có mưu riêng chứ không chịu kém ai ! Mười hai năm nữa, nếu ngươi nghe thấy báo lên, rằng ngoài biên cương có người chinh phục dị vực mà kiến quốc xưng vương, thì đấy là cố nhân này!

Quả nhiên về sau, đệ nhất công thần Lý Tịnh của Hoàng đế Đại Đường được tin là có kẻ đem năm vạn quân từ biển vào chinh phục nước Phù Dư và làm vua một cõi rất xa xăm. Mãi tận mạn Bắc của bán đảo Triều Tiên thì phải !


 Lý Quang Diệu xứng vai Hoàng đế Mãn Thanh


***


Khách nghe truyện Cầu Nhiêm Khách là quên ngay Tạ Tốn. Vuốt chòm râu lởm chởm, vẻ suy nghĩ mông lung, khách phán như thánh: - Với cái tài của mình, Lý Quang Diệu còn giỏi hơn khách râu xoăn vì có thể đưa một nước vài trăm triệu dân lên hàng cường quốc. Uổng thật, đất Singapore chỉ có năm triệu dân thôi!

Thế mà là uổng?

Ngày xưa, Lý Quang Diệu chỉ mong là Singapore sẽ được bằng Việt Nam. Nào ngờ Việt Nam lại bị một lũ óc xoắn!

Và bọn óc xoắn tại Hà Nội - Hý họa của tuần báo Sống

3 nhận xét:

  1. Cháu từng học tập và ở Singapore khoảng 1 năm rưỡi. Mở 1 công ty tại Sing thì rất dễ dàng, nhanh chóng. Economics Freedom Ranking của Singapore và HongKong thì năm nào cũng đứng nhất nhì. Tự do kinh tế như vậy nhưng trên wiki, 1 số báo và cũng như bác Nghĩa nêu ở trên là Lý Quang Diệu theo tư tưởng XHCN ( central planned economy). Nên cháu vẫn cảm thấy có gì đó không hợp lý, mặc dầu cháu biết Lý Quang Diệu từng bỏ tù lãnh đạo đảng đối lập.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời thuộc địa, Lý Quang Diệu theo xã hội chủ nghĩa khi còn trẻ, như nhiều người lý tưởng khác. Nhưng khi đã biết đời và đời sống thực tế thì phải đổi.

      Ông triệt để áp dụng quy luật kinh tế thị trường và tạo ra phép lạ kinh tế thật nhờ tự do kinh tế chứ không theo tinh thần "kinh tế chỉ huy". Thí dụ là Tập đoàn đầu tư Temasek là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng có quyền độc lập về kinh doanh và phải cạnh tranh như tư nhân chứ không là nơi trục lợi của các đảng viên của đảng cầm quyền. Khác với TQ và VN! Họ liêm chính hơn nhiều.

      Nhưng ngược lại, ông Lý kiểm soát báo chí và chính trị rất chặt chẽ - thậm chí hà khắc theo tiêu chuẩn của Tây phương. Và dĩ nhiên là bị phê phán về chuyện ấy. Lý Quang Diệu rất nghiệt ngã khi bảo vệ kỷ cương xã hội chứ không phóng túng như cánh tả tại Tây phương.

      Bài toán lập quốc của Singapore khó hơn của Việt Nam thời 45 nhưng thành công là nhờ Lý Quang Diệu. Nhưng dù sao, Singapore chỉ là một đảo quốc nhỏ nên hoàn cảnh có khác với nhiều quốc gia kia.

      Xóa
  2. Câu quan trọng của bài này là LQD có xu hướng thiên tả, nhưng lại sáng suốt nhìn vào thực tế.
    Hơn 40 năm về trước, người viết này có qua Singapore cho một cuộc hội thảo quốc tế học được một điều rất nhỏ về tính chất thực tế ấy.

    Bên dưới các công thự hay ngân hàng có nhiều bãi đậu xe. Mỗi chiều, khi mọi người ra về, bãi trống này lại là trung tâm của các hàng quán. Nhiều xe bán mỳ, hủ tiếu hay đặc sản địa phương giăng bạt kéo ghế bán hàng trên bãi, với đầy đủ tiện nghi về điện nước có sẵn ở dưới. Du khách tản bộ qua đó có dịp thưởng thức nhiều món ăn truyền thống như tại nhiều xứ Đông Nam Á khác, mà chắc chắn là lành và vệ sinh hơn. Thế rồi đến khuya, mọi hàng quán đều thu dọn và rửa sạch các bãi đậu xe cho ngày hôm sau.

    Họ sử dụng từng thước vuông với hiệu năng và ngăn nắp. Tấc đất tấc vàng là vậy!

    Với một người như Lý Quang Diệu, nếu có một lãnh thổ trù phú như Việt Nam thì đã thừa sức nuôi được 200 triệu dân - và là cường quốc chẳng ai dám bắt nạt hết. Và không chơi dại đòi giải phóng hay cách mạng khiến xứ sở bị tàn phá từ vật chất đến tinh thần...

    Than ôi!

    Trả lờiXóa