Nguyễn-Xuân
Nghĩa - Người Việt Ngày 150309
"Kinh
Tế Cũng Là Chính Trị"
"Trạng
thái bình thường mới" là từng chùm sao chổi...
* Tay không chống trời, Giời ơi! *
Hôm Thứ
Năm mùng năm, tại phiên họp kỳ ba của Quốc hội khóa 12, Thủ tướng Lý Khắc Cường
thông báo chỉ tiêu tăng trưởng năm nay của kinh tế Trung Quốc sẽ là 7%.
Từ
ba năm nay, Bắc Kinh liên tục điều chỉnh chỉ tiêu theo hướng thấp hơn, khi đà tăng
trưởng thực tế luôn luôn thấp hơn chỉ tiêu. Tốc độ 10% của ba thập niên vừa qua
đã hết, kinh tế Trung Quốc đi vào giai đoạn suy giảm, được Tổng lý Quốc vụ viện
Lý Khắc Cường dán nhãn hiệu là "tân thường thái" - trạng thái bình
thường mới - với hy vọng "hạ cánh nhẹ nhàng" khi phải chuyển lực tăng
trưởng từ đầu tư qua tiêu thụ nội địa.
Sau
cả chục năm nức nở ngợi ca phép lạ kinh tế Trung Quốc, giới quan sát Tây phương
cũng trước sau điều chỉnh nhận thức, và đây đó nói đến nguy cơ "hạ cánh nặng
nề". Từ "soft landing" qua "hard landing" là kịch bản
mới.
Mà
vẫn lạc quan!
***
Nói
đến chuyện hạ cánh, hãy tưởng tượng đến một phi cơ khi cất cách.
Nhờ
lực đẩy rất mạnh lúc ban đầu, phi cơ có thể bốc khỏi mặt đất với giác độ cao, có
khi 45 độ. Nhưng nếu tiếp tục như vậy thì nó... bay khỏi tầng khí quyển. Cho nên,
tới một cao độ nào đó thì phi cơ gặp trạng thái bình thường. Mọi nền kinh tế đã
áp dụng quy luật thị trường đều qua giai đoạn ấy, sau khi đạt mức tăng trưởng
8-9% một năm thì vài chục năm sau lại hài lòng với đà 3-4%. Trong khoảng thời
gian ấy, kinh tế có thể trải qua nhiều chu kỳ thăng giáng, và nếu tăng trưởng
thiếu phẩm chất thì suy trầm có thể là suy thoái - hoặc khủng hoảng.
Trung
Quốc thì khác vì có dân số đông và lãnh đạo mắc bệnh chủ quan duy ý chí khởi đi
từ mặc cảm tự ti đi cùng tinh thần tự tôn.
Họ
áp dụng quy luật thị trường có chọn lọc, vận trù dưới hệ thống chính trị độc tài,
để tập trung tài sản và sức mạnh vào nhà nước. Dân số đông đảo được giải phóng
lúc ban đầu có góp phần tăng trưởng ngoạn mục hơn nhiều tiền lệ, từ Hoa Kỳ, Âu
Châu, tới Nhật Bản hay Nam Hàn. Nhưng vì tăng trưởng thiếu phẩm chất – không cân
đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững, ít ra là "bốn không"
như thế hệ lãnh đạo trước là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã nhận định - nên Trung
Quốc không phát triển mà tích lũy nhiều nhược điểm.
Nhiều nhược điểm nhất, ở xứ
này thì cái gì cũng nhất!
Sau
Đại hội khóa 17 vào năm 2007, đáng lẽ thế hệ Hồ-Ôn đã có thể cải sửa nhược điểm
"bốn không" khi tái phân phối lợi tức và đầu tư cho các thành phần và
địa phương bị thất thế để tìm đà tăng trưởng quân bình và bền vững hơn. Nhưng họ
lại bị một tai họa từ Hoa Kỳ.
Vụ
khủng hoảng tài chánh vào năm 2008 dẫn tới sự hốt hoảng về nhận thức tại Hoa Kỳ
và gây ra nạn Tổng suy trầm trên toàn thế giới năm 2008-2009. Vì kinh tế cũng là
chính trị, nhiều người nông nổi kết luận là Hoa Kỳ trôi vào bế tắc và tư bản chủ
nghĩa đang dẫy chết. Bắc Kinh cũng thực tin vậy và tống ga đạp tới để qua mặt
Nhật Bản rồi sẽ bắt kịp Hoa Kỳ.
Từ
cuối năm 2008, họ ráo riết tăng chi ngân sách và bơm ra lượng tín dụng lên tới
26 ngàn tỷ đô la khiến kinh tế mắc nợ ít nhất là tới 250% Tổng sản lượng, một kỷ
lục có kích thước vĩ đại – và có màu sắc Trung Hoa là "coi vậy mà còn tệ hơn
vậy"!
Sáu
năm sau, ngày nay, năm nay, Trung Quốc đến giờ tính sổ.
***
Ngay
trước mắt, lãnh đạo Cộng đảng gặp ba loại nan đề cùng nguy ngập, mà các biện pháp
giải quyết vấn đề này lại đẩy mạnh vấn đề kia. Hãy nghĩ đến các thần y cỡ Hoa Đà
hay Biển Thước đang thi đua bốc thuốc trừ bệnh, mà cứ trừ được bệnh này lại đổ
ra bệnh khác.
Kinh
tế xứ này đang bị hiện tượng "giảm
phát", hay lạm phát ngược, là
khi hàng hóa hạ giá mà vẫn ế và càng sản xuất thì càng chất thêm tồn kho. Nguyên
nhân là vì ào ạt bơm tiền thổi lên bong bóng đầu cơ cho tới khi bóng xì và bể. Hậu
quả là lãi suất thật bốc lên trời, còn doanh lợi của xí nghiệp thì rơi xuống đất.
Biện pháp kích thích sản xuất bằng cách hạ lãi suất - ba lần trong ba tháng, lần
cuối là hôm Thứ Tư tuần trước – có tác dụng thật chính là kềm hãm tín dụng, gây
ra nạn "ách tắc tín dụng" hay "credit crunch" như nhiều nước đã bị sau vụ khủng hoảng 2008.
Vì
chủ quan duy ý chí trong tinh thần tranh đua với Mỹ, Bắc Kinh giàng giá đồng
Nguyên vào Mỹ kim, như Chú Cuội bám lấy cây đa để leo lên Cung Quế vuốt mặt Chị
Hằng. Nhưng ngược với nhận thức của nhiều người, kinh tế Mỹ đã có sức hồi phục
khá hơn cả, dù chưa là xuất sắc, nên Mỹ kim tăng giá mạnh so với các ngoại tệ
khác. Hậu quả, đồng Nguyên trở thành đồng "Nhân dân rất tệ" là cũng tăng
giá so với đồng tiền của các bạn hàng khác, như Brazil, Nhật, Âu, Nga, v.v....
Đồng Nguyên lên giá thì khó xuất cảng và đẩy mức tăng trưởng thật xuống cõi âm.
Sau
khi lầm tưởng Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ kỷ lục, là chủ nợ số một của Mỹ và
chủ đầu tư có thế giá của thiên hạ, ngày nay người ta mới thấy chuyện ngược là
Bắc Kinh chẳng mua vào mà đang bán ra trái phiếu. Trong quý bốn năm ngoái đã bán
nhiều hơn mua tới 91 tỷ đô la. Dự trữ ngoại tệ đang bị bào mỏng vì biện pháp
can thiệp hối đoái ấy, nhằm ngăn ngừa nạn tẩu tán tài sản của các đại gia. Biện
pháp phá giá đồng Nguyên để kích thích xuất cảng và sản xuất thì gây hiệu ứng
ngược là càng khiến tư bản đỏ tháo chạy.
Dân
Trung Quốc đang ôm tiền và cả con cái, có khi chưa đẻ, ra khỏi "Trung Quốc
Mộng" của Chủ tịch Tập Cận Bình!
Vấn
đề thứ ba mới là biểu hiện chói lọi của "kinh tế cũng là chính trị".
Việc
tăng chi để kích cầu và hiện tượng giảm thu vì bóng bể đã gây ra nạn bội chi ngân
sách – chi nhiều hơn thu - tới mức kỷ lục là 10% Tổng sản lượng. Bắc Kinh đang
tập trung lại quyền lực kinh tế vào trung ương và rà soát lại việc chi thu quá
lạm của các địa phương. Không chỉ có ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc đang
bị nạn thiếu thanh khoản mà chính ngân sách của trung ương cũng tới hồi cạn láng.
Liều
thuốc giảm chi để quân bình lại ngân sách là phương cách chính đáng của thầy Hoa
Đà nhưng đổ bệnh cho Biển Thước: kinh tế khắc khổ càng đánh sụt đà tăng trưởng
và làm giảm số thu.
Như
trong một trận xa luân chiến, cả ba vấn đề ngắn hạn này đang thách đố khả năng
xoay trở của lãnh đạo Bắc Kinh. Trạng thái bình thường mà Thủ tướng Lý Khắc Cường
đã nói tới thật ra báo hiệu nhiều chuyện bất thường.
***
Đấy
là lúc ta nhìn vào viễn cảnh dài của Trung Quốc.
Một
ngày trước khi nhóm họp thì Quốc hội đã ban hành một quyết định của Bộ Chính trị
là lập thí điểm thử nghiệm chính sách cải cách ruộng đất tại 33 trong tổng số
ba ngàn quận huyện trên toàn quốc. Quý độc giả không đọc sai đâu. Cải cách ruộng
đất để cải cách hệ thống công chi thu của các địa phương, tức là ngân sách, và
cải thiện tình hình xã hội đến hồi động loạn vì nạn cường hào ác bá địa phương
cướp đất của dân. Nếu mọi chuyện bình thường như họ Lý đã giải, thì kế hoạch cải
cách này phải mất cả chục năm mới có hy vọng thành công.
Mọi
chuyện lại không bình thường. Trước khi Quốc hội nhóm họp lại có tin lạ là việc
thanh trừng đảng viên cao cấp về tội tham nhũng của Tập Cận Bình đã lên tới hệ
thống tình báo của đảng. Và ra khỏi lãnh vực tham nhũng, vốn dĩ rộng như lưới
trời, mà mở ra lãnh vực an ninh của một chế độ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.
Trong
giai đoạn bất thường, điềm bất tường như sao chổi đang xuất hiện - từng chùm tựa
pháo bông!
Bác Nghĩa !
Trả lờiXóaTrong đoạn bác viết " Từ cuối năm 2008, họ ráo riết tăng chi ngân sách và bơm ra lượng tín dụng lên tới 26 ngàn tỷ đô la khiến kinh tế mắc nợ ít nhất là tới 250% " thì cháu nhận thấy số liệu bác đưa ra cháu không hiểu được ạ ????
Cháu nhớ là cuối năm 2008 chính quyền Bắc Kinh đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 587 tỷ USD và bơm một lượng tín dụng vào nền kinh tế vào khoảng 1400 tỷ USD . Trong đoạn đó bác viết Trung Quốc bơm ra nền kinh tế tới 26 000 tỷ USD ?????Thật sự cháu không hiểu được ạ . Cháu mong bác giải thích thêm ạ !
Cháu chúc bác nhiều sức khỏe !
Còn nhiều cái Thành không hiểu lắm, nhất là về Trung Quốc, cho nên hãy ngồi yên và học thêm đi. Độc giả Lý Toét đã nhắc như vậy!
XóaCon số 26 ngàn tỷ đô la hay 250% GDP là còn thấp, chứ theo McKinsey thì có thể bằng 282% GDP, tương đương với hơn 28 ngàn tỷ! Em lấy số 1.400 tỷ từ đâu, vào thời nào? Từ cuối năm 2008 đến nay, trái đất đã quay mấy vòng rồi mà em cứ bám vào cái cọc 1.400 tỷ!