Việt Long & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 150325
"Diễn đàn Kinh tế"
... Tiền Mỹ lên giá quá mạnh khiến tư bản chảy ngược về Mỹ
Một mối nguy đang đe dọa Âu Châu và các nền kinh tế nhỏ trên thế
giới. Đó là tiền Mỹ lên giá quá mạnh khiến tư bản chảy ngược về Hoa Kỳ.
Nếu Ngân hàng Trung ương Mỹ lại tăng lãi suất làm tiền Mỹ càng lên giá
thì tình hình còn nguy ngập hơn nữa. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện ấy
qua cuộc phỏng vấn sau đây của Việt Long với chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa
ông, sáu tháng về trước, ông phân tích việc Mỹ kim lên giá so với các
ngoại tệ khác và nói rằng việc đó có thể dẫn đến nhiều biến động cho
các nền kinh tế đang phát triển trong năm 2015 này. Quả nhiên là chúng
ta thấy ngay một vụ khủng hoảng về ngoại hối vào Tháng 10 năm ngoái khi
Liên bang Nga đột ngột tăng lãi suất để vực giá đồng bạc mà tiền Nga vẫn
rớt giá. Tuần qua, người ta còn chứng kiến việc tư bản Âu Châu cùng
nhiều xứ khác tiếp tục chảy về Mỹ và chiều hướng này sẽ gia tăng khi
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nâng lãi suất trong mấy tháng tới. Vì vậy,
kỳ này, chúng ta tìm hiểu về việc vì sao Hoa Kỳ có thể tăng lãi suất và
hậu quả sẽ là những gì cho các nước khác.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được bắt đầu với chuyện Âu Châu,
rồi mình sẽ theo dõi tình hình các nước khác, sau đó mới phân tích
chuyện lãi suất tại Hoa Kỳ.
- Trước hết, Âu Châu chưa ra khỏi khủng hoảng và hồ sơ Hy Lạp đe dọa sự
vẹn toàn của đồng Euro khi xứ này đã cạn tiền mà phải trả nợ theo một
lịch trình rất khắt khe từ nay đến cuối năm. Tình trạng đó đã là một mối
nguy khiến tiền Âu Châu mất giá so với tiền Mỹ và sẽ còn mất giá nữa.
- Chuyện thứ hai là khi các thị trường quốc tế đều theo dõi từng lời
phát biểu của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ để dự đoán về quyết định tăng
lãi suất hay không và bao giờ sẽ tăng thì Ngân hàng Trung ương Âu châu
vẫn duy trì lãi suất thấp và khởi sự chương trình bơm tiền để kích thích
kinh tế. Hai chiều hướng đó khiến giới đầu tư tìm nơi có tiềm năng sinh
lời cao hơn và đấy là thị trường Hoa Kỳ. Họ đổi tiền qua đô la để đầu
tư vào nước Mỹ.
Âu Châu chưa ra khỏi khủng hoảng và hồ sơ Hy Lạp đe dọa sự vẹn toàn của đồng Euro khi xứ này đã cạn tiền mà phải trả nợ theo một lịch trình rất khắt khe từ nay đến cuối năm. Tình trạng đó đã là một mối nguy khiến tiền Âu Châu mất giá so với tiền Mỹ và sẽ còn mất giá nữa - Nguyễn-Xuân Nghĩa
Việt Long: Thưa ông, Liên hiệp Âu châu có 28 quốc
gia và chỉ có 19 nước là sử dụng đồng Euro, còn nhiều xứ khác tương đối
vẫn còn vững mạnh. Thế thì vì sao giới đầu tư không rót tiền về các xứ
đó mà lại chọn thị trường Mỹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việc tư bản Âu châu ra khỏi khối Euro để
dồn vào các nước Âu châu khác đã xảy ra, như khi người ta mua đồng Phật
lăng của Thụy Sĩ hay đồng Krone của Đan Mạch. Nhưng hậu quả là lại làm
các đồng bạc Âu châu ngoài khối Euro lên giá và gây bất lợi cho việc
xuất khẩu nên các xứ này cũng ráo riết cắt lãi suất, bơm thêm tiền, thậm
chí còn bắt giới ký thác phải trả thêm tiền thay vì được thưởng khi đem
tiết kiệm bỏ vào ngân hàng. Vì thế mà tư bản mới tháo khỏi Âu Châu mà
chảy về Mỹ. Ngoài ra, nhiều xứ Trung Đông hay Đông Á cũng tính như vậy
và dồn tiền về Mỹ cho an toàn và có lời hơn. Mà điều ấy cũng gây bất lợi
cho Hoa Kỳ vì làm cho đồng đô la và Công khố phiếu càng lên giá.
Việt Long: Bây giờ ta mới trở lại chuyện nước Mỹ có thể tăng lãi suất. Sự thể ấy là như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đầu tiên, ta cần phân biệt lãi suất dài hạn và lãi suất ngắn hạn.
- Tại Hoa Kỳ, lãi suất dài hạn được thả nổi cho thị trường quyết định theo quy luật cung cầu. Đấy là “phân lời” hay yield
của tờ Trái phiếu là tờ giấy nợ. Nó tăng hay giảm là do thị trường. Nếu
tiền nhiều và đi vay dễ thì trị giá trái phiếu sẽ tăng mà phân lời lại
giảm. Đấy là điều bất lợi cho ai có tiết kiệm vì được trả tiền lời quá
thấp. Khi theo dõi tin tức thị trường, ta nên nhớ đến quy luật đó, giả
dụ như qua đề tựa của bản tin là “Trái phiếu lên giá” thì có nghĩa là
tiền lời giảm. Ngược lại, khi có tin là “Trái phiếu sụt giá”, điều ấy có
nghĩa là phân lời tăng.
Việt Long: Thưa ông, đấy là lãi suất dài hạn. Còn lãi suất ngắn hạn thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãi suất ngắn hạn là thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
- Đây là định chế độc lập có quyền quyết định về lãi suất ngắn hạn theo
hai yêu cầu là 1) ổn định tiền tệ, là không để lạm phát xảy ra tại Hoa
Kỳ và 2) là tạo điều kiện phát triển kinh tế cho dân Mỹ có công ăn việc
làm, tức là giảm thiểu nạn thất nghiệp. Định chế này có một ủy ban hữu
trách về chính sách tiền tệ và tín dụng, gọi tắt là FOMC, thường thì sáu
bảy tuần lại họp một lần, một năm tám lần, để rà soát tình hình kinh tế
và quyết định về lãi suất ngắn hạn nếu thấy cần.
- Lãi suất ấy được gọi là “federal funds rate”, hay Fed Fund,
hay lãi suất liên ngân hàng mà các ngân hàng tính cho nhau khi nhất
thời thiếu thanh khoản hay bạc mặt. Từ lãi suất nền đó, các ngân hàng
tính thêm nhiều nấc tiền lời cho thân chủ đi vay tùy mức rủi ro. Nếu lãi
suất cơ bản này mà thấp thì người ta vay tiền rẻ và dễ hơn nên sẽ nâng
mức lưu hoạt kinh tế. Ngược lại, nếu tiền quá rẻ thì dễ gây ra lạm phát
nên lãi suất có thể tăng, làm lượng tiền lưu hành trong kinh tế lại
giảm.
Tại Hoa Kỳ, lãi suất dài hạn được thả nổi cho thị trường quyết định theo quy luật cung cầu. Đấy là “phân lời” hay yield của tờ Trái phiếu là tờ giấy nợ. Nó tăng hay giảm là do thị trường. Nếu tiền nhiều và đi vay dễ thì trị giá trái phiếu sẽ tăng mà phân lời lại giảm - Nguyễn-Xuân Nghĩa
Việt Long: Thưa ông, khi người ta nói rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ bơm tiền hoặc in bạc thì chuyện ấy có nghĩa cụ thể như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi ta nghe tin Ngân hàng Trung ương bơm
tiền hoặc in tiền thì đấy không là việc có ai vào nhà máy in của viện
phát hành bấm nút để in ra vài tỷ bạc rồi đưa cho ai đó xài. Việc “phát
hành tiền tệ” là do hành động của các ngân hàng và người đi vay để tiêu
thụ hay sản xuất. Mỗi nghiệp vụ đi vay hay chi tiêu lại là một quyết
định phát hành tiền tệ của thị trường và lãi suất cao thấp là quyết định
của Ngân hàng Trung ương để điều tiết lượng tiền hút vào hay bơm ra của
thị trường. Lãi suất ấy có thể chỉ nhích vài điểm - một điểm cơ bản là
một phần trăm của 1% - là ảnh hưởng đến nhiều tỷ bạc và đến trị giá của
đồng đô la. Tức là một cách gián tiếp và trong lâu dài sau nhiều tháng
thì lãi suất ngắn hạn ấy cũng chi phối phân lời trái phiếu, là lãi sất
dài hạn của thị trường.
Việt Long: Bây giờ ta mới tìm hiểu về yếu tố quyết
định của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Như ông vừa trình bày thì có phải là
định chế này tập trung chú ý vào tình hình vật giá hay thất nghiệp tại
Hoa Kỳ chứ chẳng mấy quan tâm đến hậu quả rộng lớn cho các nước khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi rất hay vì cho thấy cơ quan
chuyên môn này có chức năng phục vụ các mục tiêu viết trên giấy trắng
mực đen dưới sự giám sát của Quốc hội. Nội việc đó cũng đã không dễ, mà
Ngân hàng Trung ương Mỹ còn hay bị phê phán theo hai hướng. Xu hướng
thiên tả thường muốn có lãi suất hạ và tiền nhiều mà chẳng sợ lạm phát.
Xu hướng hữu khuynh bảo thủ thì cho là nên canh chừng lạm phát và nâng
lãi suất để giới tiết kiệm có lời khi gửi tiền vào ngân hàng cho người
khác vay. Cả hai xu hướng này đều không mấy quan tâm đến hiệu ứng cho xứ
khác.
- Điều ấy cho thấy là nhiều người có thể nghĩ sai khi lý luận rằng Hoa
Kỳ có âm mưu tăng lãi suất hay nâng giá đồng bạc để đánh gục kinh tế của
một xứ nào khác, thí dụ như Nga hay Tầu!
Việt Long: Ra khỏi lập luận thiên về chính trị như
ông vừa giải thích mà chỉ lưu tâm vào quyền lợi của Hoa Kỳ theo hai mục
tiêu là ổn định vật giá và giảm thiểu thất nghiệp với hậu quả lâu dài là
làm hạ lãi suất dài hạn, thì giới chức Ngân hàng Trung ương Mỹ họp hành
tính toán ra sao?
Nhìn vào tình hình vật giá tại Mỹ. Lãi suất có thể tăng khi lạm phát lên gần tới 2%, nhưng các chỉ số đều cho thấy vật giá của nhu yếu phẩm như lương thực và xăng dầu lại giảm. Việc dầu thô sụt giá có góp phần làm giảm nguy cơ lạm phát nên Ngân hàng Trung ương Mỹ chưa vội tăng lãi suất - Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Định chế này có cả chục trung tâm nghiên
cứu rất có uy tín của hệ thống ngân hàng dự trữ ở 12 khu vực trên toàn
quốc và tại trung ương họ cũng có bộ phận thường xuyên theo dõi tình
hình kinh tế Hoa Kỳ để dự đoán về tương lai. Từ nhiều năm nay, họ thông
báo là sẽ áp dụng một chính sách
- Vì lãi suất ngắn hạn được duy trì quá lâu ở gần số không, khi thất
nghiệp tại Mỹ đã giảm tới mức 5,5%, các thị trường tài chính tại Hoa Kỳ
và quốc tế đều cho là lãi suất tại Mỹ sẽ tăng. Họ theo dõi các thống kê
kinh tế lẫn từng lời phát biểu của Ngân hàng Trung ương để dự đoán là
tăng bao nhiêu điểm qua mấy đợt, vào thời điểm nào, như Tháng Sáu hay
Tháng Chín, Tháng 10 năm nay hay năm tới. Các phát biểu và bình luận ấy
đều tác động ngay vào thị trường theo kiểu biện chứng.
- Thí dụ như hôm Thứ Sáu mùng sáu đầu tháng, khi Bộ Lao động cho biết
thất nghiệp đã giảm thì lập tức cổ phiếu tại Mỹ sụt giá mạnh. Tức là một
tin vui về kinh tế dẫn tới kết luận là lãi suất sẽ tăng, mà lãi suất
tăng thì doanh lợi giảm nên thị trường chứng khoán mất giá. Cùng lúc ấy,
thị trường hối đoái hay ngoại hối cũng biến động vì lãi suất tăng sẽ
làm đô la lên giá nữa và nếu đô la lên giá thì các tập đoàn thiên về
xuất khẩu sẽ khó bán hàng hơn và mất lời, nên cổ phiếu của các doanh
nghiệp này cũng sụt giá từ một tin vui!
Việt Long: Phải theo dõi từng loạt tin tức và những
chuỗi lý luận theo kiểu liên hoàn mắc mứu với nhau như vậy thì ông dự
đoán ra sao về lãi suất ngắn hạn tại Hoa Kỳ, và về đồng đô la?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta thật khó biết trước được vì hoàn
cảnh tôi xin gọi là “tranh tối tranh sáng” hiện nay. Quả thật là thất
nghiệp đang trở lại mức bình thường trên bề mặt, nhưng bên dưới thì phẩm
chất vẫn rất kém vì số người thật sự tham gia thị trường lao động còn ở
mức thấp nhất từ mấy chục năm nay. Xét theo một khía cạnh khác thì lợi
tức của lực lượng lao động này, đo ở mức lương bình quân, thì cũng còn
quá thấp mà đa số thành phần kiếm ra việc đều có lương thấp nên hy vọng
có thể tăng mức tiêu xài và kích thích sản xuất thật ra vẫn còn mong
manh. Vì thế, chưa chắc là lãi suất tại Mỹ sẽ tăng vào Tháng Ba này như
một số người dự báo.
- Huống hồ là ta nhìn vào tình hình vật giá tại Mỹ. Lãi suất có thể
tăng khi lạm phát lên gần tới 2%, nhưng các chỉ số đều cho thấy vật giá
của nhu yếu phẩm như lương thực và xăng dầu lại giảm. Việc dầu thô sụt
giá có góp phần làm giảm nguy cơ lạm phát nên Ngân hàng Trung ương Mỹ
chưa vội tăng lãi suất. Vì thế người ta thiên dần về kịch bản lãi suất
tại Hoa Kỳ chỉ tăng rất nhẹ từ Tháng Chín, Tháng 10, qua tới năm sau mới
nhúc nhích. Nhưng chẳng vì vậy mà đô la sẽ ngừng lên giá vì hối suất
hay tỷ giá đồng bạc này còn tùy vào các nền kinh tế và ngoại tệ khác.
- Kết luận ở đây là Hoa Kỳ lấy quyết định là vì quyền lợi của mình,
nhưng các quyết định ấy đều có thể chi phối xứ khác và người ta nên mở
tầm nhìn thật rộng để hiểu ra các yếu tố có thể tác động vào lợi tức,
tài sản hay sự an toàn của mình.
Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về việc phân tích này.
Bác Nghĩa !
Trả lờiXóaBác có thể giải ảo thêm cho cháu về sự kiện một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Áo, Đức, Luxembourg và Thụy Sĩ, Úc... có ý tham gia vào Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á do Trung Quốc khởi xướng không ạ ? Nó có khác gì về bản chất so với việc Trung Quốc muốn lập một Ngân hàng chung của nhóm BRICS không ạ ?
Cháu cảm ơn bác ạ !
Thành ơi, có một đài quốc tế đang phỏng vấn tôi về chuyện này, nên sẽ nói sau. Tờ Economist tuần trước cũng có bài nhận định và đồng nghiệp của tôi đã luộc lại rồi! Ngây ngô.
Xóa