Nguyễn-Xuân
Nghĩa - Người Việt 150316
"Hoa
Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Những Hư và Thực của Quyền lực Mỹ, Tầu, Nga
* Ban tam ca Mỹ Tầu Nga bỗng lạc điệu *
Trong
có một tuần, ba cường quốc quân sự đứng đầu thế giới là Mỹ, Nga, Tầu, bất ngờ dàn
ra ba chuyện sáng trưng - mà làm thiên hạ thấy tối mù.
Tại
Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama hành xử như một... Thủ tướng ham đọc báo. Ban
tham mưu của ông cho biết rằng Tổng thống biết mọi tin chấn động là nhờ báo chí!
Tuần qua, Obama đi thăm một trung tâm của bộ Cựu Chiến Binh tại Phoenix và để nhân
sự của các bộ khác giải quyết hay giải thích các vấn đề công vụ nóng hổi. Ông
tránh đề cập đến chuyện nóng của thế giới như chiến lược chống quân khủng bố Hồi
giáo, hay lời kêu gọi yểm trợ quân sự của Tổng thống Ai Cập, hoặc rủi ro đụng độ
quân sự tại Ukraine, v.v....
Mà
Tổng thống Mỹ có nói thì cũng thừa vì dư luận lại chú ý đến chuyện khác.
Cựu
Ngoại trưởng Hillary Clinton đang vật vã cứu vãn cuộc tranh cử tổng thống chưa
thông báo đã có thể vãn tuồng. Có thẩm quyền tất nhiên - như con ong chúa giữa
bầy ong thợ - sẽ ra tranh cử năm tới, Hillary lại tự đốt với vụ tai tiếng là
khi cầm đầu ngành ngoại giao vào nhiệm kỳ đầu của Obama (2009-2013), bà không sử
dụng hệ thống điện thư chính thức, có bảo vệ và tự nhiên được lưu trong công khố
thông tin của chính quyền. Mà chỉ dùng trương mục email riêng "cho tiện", để tự tiện giữ lại hoặc xoá đi mọi
dấu tích liên lạc công và tư trong bộ máy công vụ.
Đấy
là việc trái với quy định như chính Hillary đã thông báo trước đây cho bộ máy
ngoại giao. Nay thì con ong chúa chỉ còn trông cậy vào bầy ong thợ, các cảm tình
viên trung kiên sẽ rót mật cho bà chúa tới cùng. Họ đang vò vẽ như ong.
Trong
nền dân chủ Mỹ, sự việc đó dẫn tới câu hỏi là tính chất đáng tin của một người
muốn được quốc dân bầu lên để lãnh đạo quốc gia. May cho Hillary là khi bị quay
như chong chóng thì thiên hạ lại hỏi Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang
Nga đang ở đâu!
Từ
mươi hôm nay, không thấy Putin xuất hiện. Hai thượng đỉnh quan trọng bị hủy vào
giờ chót mà Phủ Tổng thống chẳng có lời giải thích thỏa đáng ngoài sự kiện là ông
vẫn khỏe. Thiếu tin là thiên hạ đồn về một Tổng thống có sức khoẻ của một tay đô
vật. Có khi nhảm nhí như ông lén qua Thụy Sĩ thăm một đào nhí vừa sanh con. Có
khi rợn mình như ông đã bị ai đó đảo chính.
Theo
Hiến pháp Nga, nếu Putin có mệnh hệ gì thì đương kim Thủ tướng Dmitri Medvedev
– nguyên Tổng thống ngồi làm vì cho Putin trong các năm 2008-2012 - sẽ tạm kế
nhiệm trước khi dân Nga bầu ra tổng thống khác. Nhưng các nhân vật thân tín kia
của Putin có chịu vậy không? Hay là sẽ ra tay, hoặc đã ra ray?
Khác
với thế giới Mỹ, là khi Obama đi chơi cù với các đại gia yểm trợ tài chánh, hay
uống bia ở đầu ngõ với phó thường dân, thì bàn dân thiên hạ đều được biết, hành
tung của Tổng thống Nga lại thuộc diện bí mật quốc gia. Cũng bí mật như khi một
đối thủ chính trị của Putin là Boris Nemtsov bị hạ sát ngay tại thủ đô chỉ ba
ngày trước khi ông ta xuống đường biểu tình.
Nhưng
lần này, long thể của Putin lại là vấn đề an ninh, hay hòa bình toàn cầu.
Trước
hết, tình hình Ukraine đang gây nhức tim vì khả năng đụng độ quân sự mạnh khi
Hoa Kỳ tiếp vận võ khí sát thương cho Chính quyền tại Kyiv và gửi lính qua huấn
luyện cách sử dụng. Tức là lính Mỹ đang nằm dưới tầm đạn của pháo Nga. Hay nhìn
ngược từ nước Nga, binh lính của Minh ước NATO, mà Hoa Kỳ là thành viên, lại xớ
rớ gần biên giới Nga.
Giữa
tình cảnh căng thẳng ấy, hôm Thứ Tư 11, Đô đốc William Gortney cầm đầu hệ thống
phòng thủ NORAD tại Bắc Mỹ - tiếp cận với khu vực cực Bắc của Nga – báo với Quốc
hội Mỹ sự kiện là năm qua các oanh tạc cơ hạng nặng của Nga đã có nhiều phi vụ ra
khỏi không phận thường xuyên, chuyện chưa từng thấy từ hồi Chiên tranh lạnh. Ông
Gortney còn nói đến chi tiết Nga có thể phóng hỏa tiễn tầm xa từ phi cơ, chiếm
hạm và tầu ngầm, cho nên hệ thống NORAD sẽ gặp rủi ro lớn.
Khi
ấy, ta mới chú ý đến chuyện Hoa Kỳ nhắc Hà Nội về việc cho oanh tạc cơ của Nga sử
dụng căn cứ Cam Ranh, với khả năng bắn hỏa tiễn có đầu đạn hạch tâm. Dường như
thế giới đang trôi về chốn cũ, thời Chiến tranh lạnh, mà con người có máu lạnh
là Putin lại im lặng vô tuyến!
Đấy
là lúc giới quan sát quốc tế nhìn qua Bắc Kinh.
Chủ
tịch Tập Cận Bình đã củng cố uy quyền ngang tầm Đặng Tiểu Bình, mà với màu sắc
sùng bái lãnh tụ kiểu Mao Trạch Đông. Chiến dịch diệt trừ tham nhũng của ông mở
rộng và biến thể thành cuộc tranh trừng rộng lớn. Họ Tập khóa chặt hệ thống thông
tin và triệt hạ mọi đối thủ gần xa trước sau - kể cả hai chục tướng lãnh và tay
chân của hai cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào là Tăng Khánh Hồng và Lệnh
Kế Hoạch. Ông lại còn đảo lộn hệ thống tình báo nội bộ trong Bộ Quốc An.
Tập
Cận Bình xiết chặt hàng ngũ để cứu đảng hay cứu mình?
Nhìn
từ bên ngoài, họ Tập đang gặp bài toán của Mikhael Gorbachev khi mở ra để cứu vãn
chế độ Xô viết mà lại làm Liên Xô tan rã. Từ kinh nghiệm đó, Tập Cận Bình mới chọn
ngả khép vào, mà chưa chắc đã cứu được chế độ khi kinh tế lại trôi vào một chu
kỳ suy trầm và giảm phát.
Gorbachev
lấy hư làm thực, Tập Cận Bình lấy thực làm hư - mà sau cùng vẫn có thể hư chuyện!
Nhìn từ bên ngoài, thì Hoa Kỳ may mắn hơn nhiều....
***
Ngay
sau cuộc bầu cử 2014, các chính khách Mỹ đã lật qua tờ lịch 2016 để đánh dấu cuộc
tổng tuyển cử sắp tới, khi cử tri sẽ đề cử một tổng thống mới.
Vì
bên Cộng Hoà là một sân trống sau tám năm ngồi ngoài Hành pháp nên có gần hai
chục nhân vật trực tiếp hoặp gián tiếp xuất hiện như chuẩn ứng viên. Lộ trình rắc
rối của họ sẽ là nhiều trận đánh trước và sau vòng sơ bộ tại từng tiểu bang cho
đến khi được đa số trong đảng chọn làm thụ ủy của liên danh Cộng Hoà - gồm ứng
cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống. Những người có tầm nhìn hay tham vọng lớn
nhất đều nhắm vào hai vị trí đó trong khi vẫn phải vận động ra tiền cho cuộc chạy
việt dã băng đồng.
Đấy
là một trận "marathon" xuyên bang trải qua 21 tháng khi mà thành tích
và từng lời phát biểu từ vài chục năm trước lại được phơi bày hoặc bị phanh
phui. Thành phần tích cực nhất thì chỉ ngó vào gà nhà cho tới ngày phải đổi ý và
tìm ra người hy vọng đắc cử để phần nào thực hiện sở nguyện của mình. Tình trạng
bát nháo ấy cũng là cơ hội cho cử tri chọn lựa.
Bên
Dân Chủ thì tin chắc rằng Hillary đã tự chuẩn bị cho cuộc đua từ hai chục năm
trước, rồi đang giật mình nghĩ lại. Nhưng tính ra thì cũng còn hai chục chính
khách có thể giật bó đuốc heo hắt từ tay Hillary để dẫn đảng trở lại Tòa Bạch
Cung. Dù có được truyền thông công khai hay kín đáo yểm trợ, họ vẫn gặp quy luật
phũ phàng của bầu cử, là có thể bị đánh bại.
Trong
suốt 21 tháng này, bộ máy công quyền vẫn chạy, và thị trường vẫn lên xuống theo
quy tắc quái đản là chẳng có gì vĩnh viễn trường cửu! Và chẳng ai là không thay
thế được.
Dân
Mỹ sướng hơn dân Tầu và dân Nga nhiều, vì nếu mua hớ thì vẫn có quyền đổi ý.
______________________
Chuyện chỉ có ở nước Mỹ?
Tối Thứ Bảy 14, Jose Espinoza tại Quận
Madura ở miền Trung California vừa vồ xế hộp thì bị cảnh sát rượt về tội ăn cắp
xe. Biết thống kê tội phạm tại Hoa Kỳ, anh bèn xịt sơn đen lên mặt thanh người
da đen để tẩu thoát. Mà chẳng thoát. Cảnh sát thoát tội cố tình chiếu cố dân da
đen!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét