Thứ Ba, tháng 3 17, 2015

"Made in China 2025"

Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa RFI - Ngày 150317
 "Tạp chí Kinh tế RFI"

Bắc Kinh tăng cường củng cố các tập đoàn kinh tế quốc doanh

 * Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày bế mạc kỳ họp của Quốc hội *



Trung Quốc đề ra mục tiêu cải tổ doanh nghiệp nhà nước để tạo ra những đại tập đoàn theo kiểu nhữngchaebol của Hàn Quốc hay “zaibatsu” của Nhật Bản. Cùng lúc Bắc Kinh lại muốn mở cửa các tập đoàn quốc doanh cho tư nhân. Hai quyết định đó có mâu thuẫn với nhau hay không?
 
Thủ tướng Lý Khắc Cường trong ngày đầu tiên khóa họp 12 Quốc hội Trung Quốc, báo trước là kinh tế nước này đang đứng trước nhiều thách thức. Tổng sản phẩm nội địa trong năm 2015 sẽ chỉ đạt 7 %. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh cởi trói kinh tế.

Kết thúc kỳ họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, cũng ông Lý Khắc Cường cho là ngay cả mục tiêu tăng trưởng 7 % cũng không dễ hoàn thành, nhưng Bắc Kinh hiện có trong tay «hàng loạt công cụ» để hỗ trợ kinh tế.

Ở giữa khóa họp, báo chí tiết lộ nội trong tháng 3/2015 sáng kiến mang tên «Made in China 2025» sẽ được trình làng. Một trong các điểm chính của kế hoạch đó nhằm tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước. Bắc Kinh theo đuổi hai mục đích: một là xây dựng một mô hình các đại tập đoàn như của Hàn Quốc và Nhật Bản để nâng cao khả năng cạnh tranh và bung ra thị trường quốc tế. Hai là các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đang đứng trước một thực tế: có tới 2/3 trên tổng số khoảng 155. 000 doanh nghiệp nhà nước cần được tổ chức lại, do nợ quá lớn, hiệu quả kinh tế thì quá thấp.

Kế hoạch «Made in China 2025» sắp được Trung Quốc công bố bao gồm những gì? Tính khả thi của chương trình cải tổ sâu rộng đó? Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa lần lượt trả lời các câu hỏi trên.


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012, lãnh đạo mới của Bắc Kinh gồm có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nói đến yêu cầu chuyển hướng kinh tế từ đầu năm 2013. Sau cả năm thảo luận trong Ban Chấp hành Trung ương qua các Hội nghị kỳ ba và bốn, việc chuyển hướng đã có vẻ nhúc nhích nhưng trong bối cảnh tăng trưởng chậm hơn và mỗi năm một chậm. Chỉ tiêu cho năm 2015 chỉ còn là 7%. 

- Bên trong cơ chế kinh tế, người ta chú ý đến hai chuyện. Thứ nhất là gánh nợ quá lớn của Trung Quốc, có thể lên tới 250% hay 280% của tổng sản phẩm nội địa GDP, tùy theo sự phân tích của các trung tâm nghiên cứu quốc tế. Số nợ đó tương đương với từ 26 đến 28 ngàn tỷ đô la cho một nền kinh tế một năm sản xuất chừng từ 9 đến 10 ngàn tỷ đô la. 

- Thứ hai là Trung Quốc có chừng 155 ngàn doanh nghiệp nhà nước, với núi nợ do Bộ Tài chính Bắc Kinh ước lượng vào cuối năm 2013 là khoảng 10 ngàn 700 tỷ đô la. Ngày nay tất nhiên là cao hơn ít ra gấp rưỡi, là 15 ngàn tỷ đô la, trong khi họ lại có mức doanh lợi trung bình chỉ bằng phân nửa lãi suất ngân hàng loại trung bình là khoảng 7% một năm. Chuyện ấy bất thường vì các doanh nghiệp nhà nước đều được vay với điều kiện ưu đãi và cho thấy hiệu năng rất kém. 

RFI: Thủ tướng Lý Khắc Cường nói đến việc tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước với phần tham gia của tư nhân. Đồng thời lại thông báo kế hoạch củng cố các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất để thành mũi nhọn cạnh tranh trên toàn cầu từ nay đến 2025 mà Bắc Kinh gọi là "Made in China". Hai chuyện ấy có mâu thuẫn với nhau không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cho đến khi Bắc Kinh thông báo chi tiết của kế hoạch này vào cuối tháng 3/2015, tôi chỉ có thể dự đoán hai chuyện song hành theo kiểu tôi gọi là " chẵn lẻ gì thì nhà cái cũng ăn ". 

- Thứ nhất, Bắc Kinh có khoảng 10 vạn xí nghiệp quốc doanh cần tái cơ cấu. Nôm na là "cổ phần hóa" hay "tư nhân hoá", là định giá tài sản là trị giá bao nhiêu rồi bán một phần vốn cho tư nhân mua. Đấy là chiều hướng Thủ tướng Lý Khắc Cường gọi là áp dụng "quy luật thị trường" trong kế hoạch cải cách.

- Nhưng thực chất là kêu gọi tư nhân bỏ tiền ra mua cổ phần để hùn vốn và trả tiền hùn hạp cho nhà nước, mà không chắc được mua đa số và có thẩm quyền về quản trị. Tôi gọi đó là chuyện "tậu voi chung với Đức Ông ", nghĩa là vừa phải đánh cồng vừa phải rửa phân.

- Thứ hai là với các tập đoàn lớn thì Bắc Kinh lại có chủ trương trái ngược. Đó là sát nhập để củng cố các cơ sở kinh doanh do trung ương quản lý thành những đại tổ hợp có khả năng cạnh tranh quốc tế trong các lãnh vực họ coi là chiến lược như 1) năng lượng là dầu khí và thậm chí nhà máy nguyên tử, 2) tài nguyên khoáng sản như kim loại quý, sắt thép hay đất hiếm, 3) vô tuyến viễn thông, 4) xe hơi, 5) máy bay, v.v...

- Đấy là chiều hướng xây dựng "Trung Quốc Mộng" của ông Tập Cận Bình để Trung Quốc tiến dần lên vị trí cường quốc kinh tế có thể đứng ngang hàng nước Mỹ .

RFI: Riêng về kế hoạch «Made in China» thì liệu rằng điều ấy có khả thi hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nhìn thấy hai khía cạnh trong này: thứ nhất là chính trị, thứ nhì mới là kinh tế.

- Về chính trị thì từ hai chục năm nay, sau khi thế hệ lãnh đạo thứ ba là Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ tiến hành cải cách doanh nghiệp và dẹp bớt các công ty quốc doanh lỗ lã, thì các tập đoàn kinh tế còn lại đều trở thành cơ sở kinh doanh và chính trị của các đảng viên cao cấp. Họ cấu kết với nhau để trục lợi dù có hiệu năng rất kém và ngày nay đã trở thành những thế lực cưỡng chống việc cải cách của thế hệ lãnh đạo thứ năm là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. 

- Với kế hoạch chấn chỉnh, tăng cường và sát nhập các tập đoàn lớn thành mũi nhọn cạnh tranh có kích thước và khả năng quốc tế nhờ ưu thế gần như độc quyền, ông Tập Cận Bình có cơ hội thay thế nhân sự và gạt các đại gia trong các tập đoàn ấy ra ngoài.

- Đấy là việc có vẻ chính đáng và nhẹ nhàng hơn là quy kết tội tham nhũng như ta đã thấy trong giới quản lý các doanh nghiệp dầu khí dưới trướng của nguyên Trưởng ban Chính pháp Trung ương và xưa kia một ông trùm về dầu khí là Chu Vĩnh Khang.  Vì vậy, về chính trị thì kế hoạch tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, có vẻ thuận lý và khả thi vì ông Tập Cận Bình có cơ hội đưa thành phần trung kiên với mình vào các vị trí then chốt về kinh tế .

RFI: Còn tính chất khả thi về kinh tế, Trung Quốc sẽ thành công chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Trung Quốc tưởng là học kinh nghiệm Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20, Nhật Bản vào giữa thế kỷ 20 hay Nam Hàn vào 50 năm trước. Đó là chính quyền yểm trợ các đại tổ hợp kinh doanh sắt thép, năng lượng, cơ khí, như Carnegie, Ford, General Electric, Standard Oil, Mitsubishi, Mitsui, Samsung, v.v... để tìm lực đẩy cho kinh tế quốc dân.  Bắc Kinh tiếp tục chiến lược đó với các " zaibatsu"  của Nhật hay " chaebols " của Đại Hàn, nhưng mà mang màu sắc Trung Quốc.

- Tuy nhiên, Trung Quốc không nhìn thấy sự khác biệt là: các doanh nghiệp Mỹ, Nhật, Hàn đều là của tư nhân, không phải của nhà nước; họ phải cạnh tranh thật sự trong khung cảnh kinh tế thị trường chứ không có thể giữ thế độc quyền; nếu được bộ máy nhà nước yểm trợ thì vài chục năm sau là mất sức cạnh tranh; và có khi bị khủng hoảng như đã thấy tại Nhật từ năm 1990 và Nam Hàn từ năm 1997-1998. Sau đó là các doanh nghiệp này đều phải tự cải cách để tồn tại và thành công, nếu không là vỡ nợ và tiêu vong.

- Chuyện thứ ba, quan trọng nhất, ngần ấy tập đoàn lớn của Trung Quốc đều đang có vấn đề về nợ nần và hiệu năng quản lý. Cho nên nếu muốn chấn chỉnh thì Bắc Kinh sẽ mất ít ra cả ngàn tỷ đô la cho các công ty quản lý tài sản của trung ương để bù vốn đắp nợ cho các tập đoàn bị lỗ lã.

- Sau đó, nếu các tập đoàn này không có quyền tự trị và khả năng quản lý hiện đại hơn thì chưa chắc là các sản phẩm cao cấp "Made in China" đã có thể cạnh tranh được với các tổ hợp quốc tế. Trong khi đó, ta không quên rằng với cơ cấu dân số hiện tại đang bị lão hóa, ưu điểm nhân công rẻ có năng suất cao của Trung Quốc cứ giảm dần trong khi các thị trường Đông Nam Á có hơn 600 triệu dân lại sẵn sàng trám vào khoảng trống của Trung Quốc. Nghĩa là trên thì khó cạnh tranh với tổ hợp tiên tiến của Âu-Mỹ-Nhật-Hàn, dưới lại bị các nước đi sau lấn tới.

- Trong những năm tới, các nước đi sau tại Đông Nam Á có thể là nơi tiếp nhận đầu tư Âu-Mỹ-Nhật-Hàn để trực tiếp cạnh tranh với các tập đoàn Trung Quốc. Cho nên, tôi không tin rằng chiến lược mới của Trung Quốc sẽ thành công. Mà thật ra nó cũng chỉ là chiến lược cũ đã từng thất bại. Yếu tố chính ở đây là khả năng cạnh tranh bằng sự sáng tạo và tùy vào quyền tự do trong loại hình kinh tế tri thức. Nhà nước không thể nghĩ thay và làm thay cho thị trường được .

RFI: Bên cạnh việc đánh cuộc vào các đại tập đoàn để chinh phục thị trường quốc tế, Trung Quốc đang phác họa ra một lộ trình phát triển mới vào thời điểm mà nền kinh tế nước này đang hụt hơi. Tỷ lệ tăng trưởng trong quý 4/2014 rơi xuống còn 7,4 % mức thấp nhất từ 24 năm qua. Bên cạnh đó, động lực chính là xuất khẩu cũng đang bị chựng lại. Bắc Kinh đề ra mục tiêu tăng trưởng cho khu vực xuất khẩu là 7 % trong năm 2014 trên thực tế, tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm qua của các nhà sản xuất Trung Quốc chỉ tăng có 3,4 %.

Nợ công của khu vực kinh tế nhà nước, của các chính quyền địa phương thì không ngừng gia tăng. Trong bối cảnh đó từ ba năm qua, Bắc Kinh cố gắng xoay trục mô hình kinh tế, dựa trên cả xuất khẩu lẫn sức tiêu thụ nội địa. Có điều trước mắt, tiêu thụ trong nước vẫn chưa khởi sắc để có thể hy vọng tiếp tay với khu vực xuất khẩu, tạo ra tăng trưởng cho đất nước với gần 1,5 tỷ dân này....

2 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa !

    Bác cho cháu hỏi là trong đoạn bác viết " Tuy nhiên, Trung Quốc không nhìn thấy sự khác biệt là: các doanh nghiệp Mỹ, Nhật, Hàn đều là của tư nhân, không phải của nhà nước; họ phải cạnh tranh thật sự trong khung cảnh kinh tế thị trường chứ không có thể giữ thế độc quyền; nếu được bộ máy nhà nước yểm trợ thì vài chục năm sau là mất sức cạnh tranh; và có khi bị khủng hoảng như đã thấy tại Nhật từ năm 1990 và Nam Hàn từ năm 1997-1998 " thì cháu nên hiểu là " nếu ĐƯỢC bộ máy nhà nước yểm trợ " hay hiểu là " nếu KHÔNG ĐƯỢC bộ máy nhà nước yểm trợ " ạ ?

    Cháu không có ý vặn vẹo chuyện chữ nghĩa nhưng thật sự cháu không hiểu hết đoạn này !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em không hiểu cái ý then chốt của cả đoạn này. Chính là vì được nhà nước yểm trợ mà các doanh nghiệp ỷ thế làm liều mà không tự cải thiện nên mới mất dần sức cạnh tranh. Sự yểm trợ còn có nghĩa là yểm trợ ai, doanh nghiệp nào - cho nhà nước quyền quyết định thay thị trường - và dễ đưa tới hiện tượng "tư bản thân tộc" và tham nhũng.

      Thí dụ hiện đại là nhà nước loại xã hội chủ nghĩa hay thiên tả cứ yểm trợ doanh nghiệp nhà nước với tín dụng ưu đãi và gây ra khủng hoảng vì nợ nần, sản xuất thừa và kinh doanh lỗ lã....

      Em so sánh các doanh nghiệp sản xuất năng lượng mặt trời được chính quyền Obama "yểm trợ" với các doanh nghiệp khai thác kỹ thuật fracking để sản xuất dầu khí - loại năng lượng bị Obama và đám cận thần ghét bỏ - thì rõ. Được tài trợ 500 triệu, Solyndra thì phá sản còn dầu thô của Mỹ tràn ngập làm giá dầu sụt mạnh.

      Nhà nước chỉ nên yểm trợ môi trường kinh doanh bằng luật lệ thông thoáng, và áp dụng bình đẳng cho mọi người, mọi doanh nghiệp. (Dân chủ là sự bình đẳng của mọi người dân trước luật lệ).

      Trong môi trường đó, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau mà không nên nhất nhất trông đợi vào nhà nước.

      Nhà nước Mỹ không yểm trợ Apple, và Samsung cạnh tranh với Apple ngay trên thị trường Mỹ mà không do nhà nước Nam Hàn yểm trợ ở đằng sau.... Tại sao các tổ hợp xe hơi của Nhật Bãn và Nam Hàn đã lập nhà máy và sản xuất thành công ngay tại Hoa Kỳ trong khi ba đại gia kia của Mỹ bị khủng hoảng 10 năm về trước và cầu cứu nhà nước yểm trợ?

      Phải nhìn cái lẽ được thua qua vài chục năm thì mới thấy ra được.

      Xóa