Nguyễn-Xuân
Nghĩa - Tuần báo Sống, ngày150303
"Vùng Oanh Kích Tự Do"
Nước mất thì
ai được? Ta hay địch?
* Tranh vui và ý nghĩa của Sống - Những con chuột xã tắc? *
Thời
Bắc Ngụy bên Tầu (từ 386 đến 534), Thái Võ đế Thác Bạt Đảo (sinh năm 408, trị vì
từ 424 đến 452) thuộc họ Thác Bạt của sắc tộc du mục Tiên Ti, là người ban đầu
có đởm lược hùng tài.
Ông
chinh phục và bình định được miền Bắc sau hơn trăm năm nhiễu nhương thời Ngũ Hồ Thập lục quốc - có 16 nước! Từ lãnh
thổ rộng lớn miền Bắc, Thác Bạt Đảo tranh hùng với Lưu Tống tại miền Nam và mở
ra giai đoạn "Nam-Bắc triều",
kéo dài từ 420 đến năm 589. Có dông dài với chồng lịch thì mới hiểu "khi
nước Tầu có loạn" là chuyện dằng dặc!
***
Triều
Thái Võ đế có đại thần Cổ Bật nổi tiếng cương trực, không xu nịnh, dám can hoàng
đế.
Thời
ấy, Thác Bạt Đảo muốn xây vườn ngự uyển Thượng Cốc trên một vùng bát ngát trùm
lên đất canh tác của bá tánh. Cổ Bật nhiều lần xin Võ đế cho thu hẹp phân nửa ngự
uyển để dân còn đất cấy cầy. Võ đế không nghe, dù trước đó ông là người đạm bạc
chẳng ưa nếp sống xa xỉ và trọng Lão giáo. Không nản lòng, một hôm Cổ Bật lại vào
cung để cố xin cắt vườn thượng uyển.
Đến
nơi, thấy Hoàng đế đang ngự trên long sàng đánh cờ với viên cấp sự trung là Lưu
Thụ. Ván cờ đến hồi gay cấn, người người nín thở theo dõi từng nước cờ của hai kỳ
thủ. Cổ Bật ngồi đợi rất lâu như kẻ chầu rìa ngoan ngoãn - mà chẳng thấy Hoàng
đế ngước nhìn xuống.
Ông
bèn nảy kế lạ.
Bỗng
cả cung đình bàng hoàng thấy quan đại thần Cổ Bật nhổm dậy, chồm tới nắm đầu Lưu
Thụ kéo khỏi giường mà vật xuống sàn. Rồi cứ thế, một tay giữ chặt vành tai Lưu
Thụ, tay kia đánh tới tấp vào lưng như kẻ bật bông. Miệng mắng liên hồi:
"Này Lưu Thụ, triều đình mà bê trễ công việc là lỗi ở ông!"
Trên
long sàng, Hoàng đế thất kinh vội đặt quân cờ xuống: "Này! Không nghe lời
tâu là lỗi ở trẫm, Lưu Thụ chẳng có tội gì cả. Buông ông ấy ra!"
Bấy
giờ, Cổ Bật mới thả Lưu Thụ và quỳ gối trình bày lại chuyện thu hẹp vườn thượng
uyển cho dân nhờ. Tim còn như hồi trống trận trước biến cố bất ngờ, Thái Võ đế
bèn chuẩn theo lời tâu.
Cổ
Bật xin xong, mặt không đổi sắc mà tự lột mũ tháo giày, đòi chân đất đi qua
dinh hữu tư để nhận tội chết....
Thác
Bạt Đảo bèn gọi giật: "Trẫm có nghe chuyện lấn đất của dân để xây ngự uyển
là điều hại nước. Khanh làm việc cẩn trọng như vậy là ta được thần giáng phúc,
chứ khanh có tội gì đâu? Phàm việc gì ích nước lợi dân thì phải cố làm, chứ đừng
băn khoăn tính toán!"
Nghe
xong, Cổ Bật quay lại đội mũ, đi giày và xin cáo lui. Ngần ấy tấu thư đã dâng
thiên tử quả là chẳng công hiệu bằng một đòn không thủ của đô vật ngay bên long
sàng!
"Nhưng
bố này vừa tung thủ cấp mình vào cuộc cờ!" Khách có kẻ đứng bên thừa cơ bàn
về ván cờ sinh tử của Cổ Bật. "Vậy mà ông ta ra về, cổ không rời áo. Tại
sao?" Luận rồi, khách còn gặng hỏi! Đúng là quý khách đầu Xuân.
Biết
giải làm sao đây?
***
Thời
xưa - mà thời nay cũng thế ở một số nơi – dù có làm quan lớn thì cũng chẳng thể
mó vào cái vẩy ngược của con rồng. Thác Bạt Đảo hiển nhiên là đã rõ ý của vị đại
thần tận tụy. Nhưng biết đâu chừng, ông có ưu tiên khác, hoặc chưa muốn giải
quyết?
Thế
rồi, trong một cuộc cờ với kẻ thân cận trên cái phản chân quỳ có khảm đầu rồng,
ông đang dốc trí vào bàn cờ thì bỗng có kẻ chẳng sợ oai trời mà đùng đùng nhảy
vào nắm gáy Lưu Thụ quăng xuống đất. Rồi tới tấp thụi vào lưng kẻ đang hầu cờ.
Ngay trước mặt Hoàng đế!
Trong
cơn thảng thốt, Thác Bạt Đảo phải lui một nước mà lên tiếng can ngăn, và cho Cổ
Bật cơ hội giãi bày. Đấy là cái mưu giỡn mặt tử thần của vị đại phu.
Nhưng
sau khi vuốt râu rồng, Cổ Bật lập tức biến thành con giun.
Ông
tự hài tội và xin đi vào chỗ chết. Trao thân cho cơ quan hữu tư thì cũng tựa như
đi vào Sở Bảo Vệ Chính Trị hay KGB của đại lãnh tụ vậy! Từ đòn cực hung ông lùi
về chốn cực nhũn.
Là
ông vua anh minh, Thái Võ đế không thể không hiểu ý nghĩa của cử chỉ thô bạo.
Thật
ra, Cổ Bật muốn trừng phạt chính nhà vua về tội chểnh mảng công vụ, mà vì không
thể bợp tai Hoàng đế, ông tẩn thuộc hạ! Lý do của hành vi kinh động này là ngôi
vườn thượng uyển làm khổ dân hại nước. Thác Bạt Đảo biết vậy nên mới từ chỗ cực
yếu lại dời qua thế cực mạnh: chuẩn nhận lời yêu cầu của Cổ Bật, rồi còn buông lời
khen của bậc trưởng thượng - và nói lên trời. Nhờ Thần linh giáng phúc nên ta mới có
trung trần như khanh!
Một
vở kịch nhức tim mà có hậu!
Bề
tôi đã mưu như thế thì Hoàng đế chẳng thể kém tài. Trong giây phút mà cả hai đều
diễn đúng vở. Cổ Bật khỏi mất đầu, Hoàng đế chẳng mất người trung lương, dân đen
lại được đất trồng trọt.
***
Khách
đa sự ngồi bên bèn tấm tắc: "Nhà bác lại muốn nhắc đến dinh cơ hoành tráng và
sáng loáng của gã Nông Đức Mạnh trong kia chứ gì? Mẹ kiếp! Lãnh tụ cách mạng gì
mà sống như Hoàng đế thời xưa vậy... Bẩn thật!"
-
Rõ nỡm! Ta rỗi hơi hay thừa đạn mà oanh kích vào đó?
Thời
nay chẳng có Cổ Bật mà rặt lũ cổ rụt. Đứa nào cũng dinh thự nguy nga bất kể đến
dân sống trong nguy ngập. Bầy thú thờ Tầu này chẳng nhớ lời Hàn Phi. Trong 47 điềm
mất nước tại thiên Vong Trưng của bộ Hàn Phi tử thì họ đã gồm thâu quá nửa! Nói
cũng bằng thừa....
***
Trở
lại chuyện Thác Bạt Đảo (ta cũng gọi là Đào, với bộ hoả dưới chữ thọ), ông đã
chọn Thôi Khiết làm quan Tư đồ, với vai trò như Tể tướng.
Là người Hán, Thôi
Khiết có công Hán hóa tộc Tiên Ti mà cũng gây hiềm khích với quý tộc Thác Bạt. Năm
431, Thái Võ đế còn cử Thôi Khiết cùng các văn nhân tú sĩ biên soạn bộ chính sử
của nước Ngụy, với lời giặn là phải dựa vào thực tế - là viết theo lối thực lục. Chi tiết nhỏ: chúng ta cũng
quen viết Thôi Khiết là Thôi Hạo.
Cuốn
quốc sử của Bắc Ngụy thành hình đúng yêu cầu.
Nhưng
thay vì giữ bộ sử cho hoàng thất tham khảo riêng, có người nêu ý kiến là nên...
đưa lên Internet.
Thời đó là khắc vào
bia đá cho bá quan cùng xem. Công trình biên khảo và điêu khắc này được dựng
hai bên đường gần đàn tế trời ở ngoài kinh đô. Bộ quốc sự rất thật, vì kể rõ
nhiều điều nhạy cảm khi... Cách mạng chưa thành công, kể cả nhiều hành vi dâm bôn
hay đa sát thời trước, khiến người dân khoái trá loan truyền khắp nơi.
Cứ
như truyện họ Hồ và hậu duệ tại Ba Đình vậy!
Các
gia đình công thần cách mạng của tộc Tiên Ti bỗng ốt dột! Họ bèn cáo với Võ đế.
Rằng Thôi Khiết và các sử thần cố tình bêu riếu chế độ từ ba đời trước, khởi đầu
với Đạo Võ đế Thác Bạt Khuê đến đương kim Hoàng thượng. Thái Võ đế nghe tâu thì
nổi lôi đình, hạ lệnh bắt hết mọi kẻ tham gia ghi chép quốc sử để hài tội.
***
Trong
số sử thần dưới trướng Thôi Khiết có Cao Doãn, một văn quan đang làm phụ đạo,
thầy dạy học của Đông cung Thái tử Thác Bạt Hoảng. Thái tử nghe thấy hoảng, bèn
mời thầy vào cung nói nhỏ: "Có gì, tiên sinh cứ theo ý tôi mà trả lời và tránh nói
khác thì mới khỏi tội."
Cao
Doãn không là người như thế.
Trước
bệ rồng, ông khẳng khái tâu bầy: "Vì quan Tư đồ Thôi Khiết bận quá nhiều việc nên
hạ thần cùng mấy người khác mới là những người viết quốc sử." Thái tử Hoảng nhảy
vào can mà Cao Doãn vẫn không đổi ý. "Tội không ở Thôi Khiết, mà hạ thần thì thấy
sao viết vậy."
Trọng
tư cách Cao Doãn, Thái Võ đế tha chết, nhưng bắt thảo chiếu thư hài tội Thôi
Khiết và đòi chém cả nhà.
Vậy
mà cây bút của Cao Doãn lại tắc mực! Nhiều lần Hoàng thượng phái người sang giục
mà viết không ra một chữ, lại còn xin vào triều tâu lại: "Thần không rõ
quan Tư đồ còn phạm tội gì khác với Bệ hạ, chứ nếu chỉ vì viết quốc sử thì đừng
nên xử tội chết!"
Thái
tử van mãi, Hoàng đế mới nguôi giận mà đuổi ra.
Về tới nhà, Cao Doãn mới giải
thích với Thái tử Hoảng: "Điện hạ hết lòng cứu thì tôi vô cùng cảm kích. Nhưng tôi
có chấp bút vào bộ quốc sử, sao trút hết tội cho Thôi Khiết để cầu sống? Vả lại,
những việc làm đúng sai của triều chính thì phải viết cho thực. Phụ hoàng có ghét
Thôi Khiết về tội ưa tự đề cao thì cứ xử tội đó, chứ chẳng nên quàng vào cái án
viết sử!"
Cuối
cùng thì năm 450 Thái Võ đế vẫn sai chém cả nhà Thôi Khiết và mấy người thân thích.
Như họ Liễu ở Hà Đông, họ Lư tại Phạm Dương, họ Thôi ở Thanh Hà và họ Quách ở
Thái Nguyên. Sau này, chính Thái Võ đế công nhận là nếu Cao Doãn không thẳng thắn
can gián thì có lẽ mấy ngàn người đã chết cùng Thôi Khiết!
Thế
rồi năm 452, Ngụy Thái Võ đế cũng bị hoạn quan là Tông Ái ám sát. Còn Thái tử
Hoảng thì đã chuyển sang từ trần trước đó một năm vì quá hãi sợ những cảnh chém
giết ở chung quanh.
Hình
như đời sau ưa gán tội đa sát cho bọn thiểu số Tiên Ti. Cứ làm như vì họ chưa được
Hán hóa nên chưa thấm nhuần nét ảo diệu nhân đức của văn hóa Trung Hoa vậy! So
với công trình hiếu sát của Mao Trạch Đông thì đòn phép họ Thác Bạt mới chỉ là
trò tập sự.
***
Khách
vẫn không tha! Cứ ngồi bên vặn hỏi như trạng sư thầy cãi: Thế còn chuyện cạo sửa lịch
sử của họ Hồ và bè lũ tại Việt Nam? Tội giết người hàng loạt, hay cái tội xây dựng
đài tạ nguy nga của đám hậu duệ ngày nay? Bác nghĩ sao mà không viết ra?
Viết
ra cái gì? Cái điềm mất nước ư? Hiển nhiên là vậy. Nhưng chúng mất nước thì ai
được? Dân Ta hay dân Tầu? Then chốt là ở đó.
Cách
ngôn của ngụ ngôn: "chúng mất ngai thì dân khỏi mất nước!"
Bài viết rất nên đọc...cảm ơn tác giả nhiều.
Trả lờiXóa