Thứ Ba, tháng 12 08, 2015

Bất Chiến Tự Nhiên Thành Liệt



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 151207
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Chống khủng bố bằng võ khí nào?

* Thuật quỷ biển: kết nạp đặc công khủng bố trên không gian ảo * 


Hoa Kỳ lại vừa bị quân khủng bố tấn công, lần này là một mục tiêu mềm rất khó bảo vệ là một trung tâm sinh hoạt dân sự hẻo lánh trong thành phố San Bernardino tại miền Nam California vào buổi trưa Thứ Tư mùng hai. Sau vụ 9-11, đây là nạn thảm sát nghiêm trọng nhất, làm 14 người tử vong và 21 người bị thương.

Điều bất ngờ là phản ứng rất nhanh của cảnh sát địa phương. Bốn phút sau, họ đã có mặt tại hiện trường và tìm ra nơi trú ngụ của hai nghi can để kết thúc vụ tàn sát trong một cuộc đấu súng. Đây là sự may mắn cho cư dân địa phương, nếu không, các hung thủ - hết là nghi can – đã có thể gây nhiều tổn thất sinh mạng hơn nữa.

Sau mấy ngày điều tra, nhà chức trách mới dần dần hiểu rõ hơn nội vụ.

Hai hung thủ là cặp vợ chồng chưa từng được tổ chức khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIS liên lạc, kết nạp và huấn luyện để tiến hành vụ khủng bố theo một kế hoạch trù tính từ xa. Họ ủng hộ mục tiêu của ISIS, tự chuẩn bị lấy việc trang bị võ khí tàn sát, kể cả bom thủ công nghệ, tập bắn để gieo rắc cái chết ngay trong lòng xã hội Hoa Kỳ.

Đấy là một hướng mới của phong trào khủng bố xưng danh Thánh Chiến Hồi giáo: khủng bố tự phát. 

Khi biến cố vừa bùng nổ và chưa ai biết động lực của vụ tàn sát, Tổng thống Barack Obama có phản ứng của một chính trị gia, không của nhà lãnh đạo một quốc gia đang gặp thảm kịch. Ông xoay vấn đề thành chuyện bạo động, quá nhiều, vì luật lệ kiểm soát súng quá lỏng lẻo. 

Bốn ngày sau, ông mới điều chỉnh tác xạ qua một bài diễn văn long trọng trình bày từ Phòng Bầu Dục, vào tối Chủ Nhật mùng sáu. Ông xác nhận rằng vụ San Bernardino là nạn khủng bố, nhấn mạnh đến chiều hướng mới của tổ chức khủng bố ông gọi là ISIL, nhưng không đưa ra một chiến lược rõ rệt hơn về cách đối phó. 

Người ta có thể - và nhiều người đã – bình luận về bài diễn văn này. Nhìn từ bên ngoài, người viết xin nói về chuyện khác. Về bệnh quên trí nhớ - rồi quên trách nhiệm.

Về chuyện quên trí nhớ đã. Từ khi Hoa Kỳ còn là một thuộc địa của Đế quốc Anh, người da đen vẫn nằm trong chế độ nô lệ và tất nhiên không có quyền hạn gì, kể cả quyền có súng. Nước Mỹ phải trải qua một cuộc nội chiến mới chấm dứt được chế độ nô lệ. Một trăm năm sau đó, người da đen mới được giải phóng, từ giữa thập niên 1960.

Nỗ lực chấm dứt chế độ nô lệ xuất phát từ đảng Cộng Hòa, với vai trò quyết định của Tổng thống Abraham Lincoln. Sau cuộc Nội chiến (1861-1865), đảng Dân Chủ mới là lực lượng cưỡng chống trào lưu tiến hóa. Nhiều người trong số phản động này còn lập ra tổ chức Ku Klux Klan (ba đợt: 1865-1871, 1915-1944 và từ 1946 đến… ngày nay) trong mục tiêu ban đầu là tàn sát người da đen như súc vật. Khi ấy, bên đảng Cộng Hòa mới có nỗ lực vận động cho dân da đen được có quyền mang súng để tự vệ. 

Từ khi lập quốc, các thế hệ tiên phong đã khai phá và lập ra Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đều có khuynh hướng sùng chuộng quyền mang súng. Theo đà tiến hóa của xã hội, tổ chức bảo vệ quyền mang súng còn cải tiến kỹ thuật nhằm huấn luyện thành viên cách sử dụng súng cho an toàn. Năm 1871, Hiệp hội National Rifle Association (NRA) ra đời với tinh thần đó. Một trong các Chủ tịch của NRA cũng chính là Tổng thống Ulysses S. Grant, cận tướng của Tổng thống Lincoln trong Nội chiến, và là người tranh đấu cho quyền lợi của dân da đen. Ông cũng xây dựng hệ thống luật lệ để ngăn chặn KKK và cho quân đội truy lùng các tay súng của lực lượng KKK.

Sau đấy, thời cuộc đổi thay mà ngày nay nhiều người đã quên mất.

Cũng như đã quên là khi tư thất bị đặt bom vào năm 1956, Mục sư Martin Luther King nộp đơn xin được quyền có súng mà bị Chính quyền tiểu bang Alabama từ chối. Tinh thần “nội chiến” vì vậy vẫn kéo dài, âm ỉ và đôi khi bùng phát trong thiểu số cực đoan ở cả hai phía. Việc một người da đen lên làm Tổng thống vẫn không đẩy lui được phản ứng kỳ thị ấy, mà còn gây hậu quả trái ngược. Đấy mới là bối cảnh của cuộc tranh luận về súng trong xã hội Hoa Kỳ. 

Nhưng xã hội Hoa Kỳ cũng đã đổi khác từ vụ khủng bố 9-11…. Chúng ta “fast forward” đến chuyện khủng bố ngày nay và về trách nhiệm của những ai.

Trong bài diễn văn về vụ khủng bố tại San Bernardino, Tổng thống Obama có nêu vấn đề, rằng nếu quốc dân muốn có đạo luật minh bạch về quyền sử dụng quân đội cho cuộc chiến chống khủng bố ISIL, Quốc hội nên biểu quyết đạo luật này. Lại một phản ứng của chính trị gia, không phải là lãnh đạo một quốc gia lâm nạn.

Chỉ một ngày trước khi súng nổ tại San Bernadino, Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ là Ash Carter và Đại tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân, đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện. Nói về nhu cầu ngăn chặn tổ chức ISIL tại Iraq, hai nhân vật cao cấp nhất của bộ máy quân sự Hoa Kỷ đều cho là trong hoàn cảnh hiện tại, Chính quyền không cần thêm một đạo luật Authorization for Use of Military Force (AUMF). 

Trong một nền dân chủ, cơ sở luật pháp của việc dụng binh phải được minh định rõ ràng. Nên người ta có thể tranh luận về định nghĩa và mục tiêu của “dụng binh”, đấy là phạm vi và tài nghệ của các chính khách, thường rất giỏi về luật. Về chính trị thì từ quan điểm của người cầm đầu bộ máy chiến tranh, hai ông Ash và Dunford có trả lời các dân biểu trong buổi điều trần, rằng dù khỏi cần thêm luật lệ, nếu Quốc hội biểu quyết thêm một đạo luật AUMF khác thì sẽ khích lệ tinh thần binh lính. Vì họ biết là có quốc dân hậu thuẫn nỗ lực hy sinh của mình. 

Chúng ta giải thích thế nào về mâu thuẫn bi thảm này? 

Đó là nỗi cô đơn và sự hoang mang của người lính chiến khi khó biết về chính nghĩa của cuộc chiến, nếu lâm trận còn phải thận trọng để tuân thủ “thể thức giao tranh”, rules of engagement, hầu khỏi vi phạm quân lệnh, trước một kẻ thù đang mở ra một cuộc đấu tranh toàn diện!

Hoa Kỳ lâm vào một cuộc chiến chống khủng bố từ gần 15 năm qua, nay phong trào khủng bố đã chuyển hóa. Rồi lan rộng với hiện tượng khủng bố tự phát ngay trong lòng xã hội Mỹ. 

Hung thủ Syed Farook là người sinh tại Hoa Kỳ, không thuộc loại lầm than bất mãn mà còn đầy triển vọng chinh phục “giấc mơ Hoa Kỳ”. Nhưng chỉ vì sự lung lạc của người vợ mà trở thành tòng phạm của một vụ tàn sát thường dân và đồng nghiệp. Vấn đề hết là chiến lược, pháp chế hay chính trị, mà là văn hóa: chẳng lẽ sự cảm hóa và hội nhập của xã hội Hoa Kỳ, với quyền tự do và trình độ kỹ thuật rất cao, lại thất bại trước lời kêu gọi của tội ác? 

Nói đến lời kêu gọi của tội ác, tổ chức ISIS hay lực lương Al-Qaeda và các nhóm phái sinh đang sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại của Tây phương, trước nhất là của Hoa Kỳ, để tuyên truyền cho mục tiêu của họ. Vì vậy, dù chẳng cần được ISIS hay Al-Qaeda tiếp xúc, kết nạp, huấn luyện và trang bị, nhiều người vẫn có thể trở thành đặc công và gieo rắc cái chết trong một xã hội tự do thịnh vượng nhất. Từ nạn thảm sát tại Paris ngày 13 Tháng 11 đến vụ San Bernardino vào tuần qua, người ta thấy ra một khía cạnh đáng sợ hơn của khủng bố. 

Nó không xảy ra trong vòng ba tuần mà đã phải có trước đó từ lâu. Nhưng chúng ta không thấy.

Bây giờ đã thấy, người ta nên làm gì? 

Các chính trị gia thì xoay vào vòng tranh luận về trách nhiệm của Chính quyền, về luật mang súng, về hệ thống kiểm soát an ninh hay về chiến lược, v.v…. Nhưng người dân, hay xã hội công dân, không thể thụ động chờ đợi kết quả từ trên ban xuống. 

Xã hội công dân, dân sự hay thường dân mới là nạn nhân của khủng bố khi chúng tấn công vào các mục tiêu “mềm”, định nghĩa là dân sự. Chính là họ, tức là chúng ta, phải suy ngẫm thêm về trách nhiệm tự vệ của mình, ngay từ động thái thường nhật là lướt sóng trên không gian ảo và tham gia các mảng truyền thông xã hội, nơi bọn khủng bố đang tung hoành. Nền dân chủ đòi hỏi điều ấy. 

Nếu không, bất chiến sẽ tự nhiên thành liệt. Và đấy mới là mục tiêu của khủng bố…. 

16 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa,
    Cháu xin có 1 câu hỏi:
    1. Liệu theo chiều hướng hiện tại có sinh ra chiến tranh trên quy mô rộng như giữa Tây phương với xã hội Hồi giáo không?
    Vì cháu cảm thấy mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt và gần như chẳng có dấu hiệu vãn hồi, đặc biệt dù bên Tây phương cố gắng chìa tay chừng nào...thì lại bị mấy anh Hồi giáo lợi dụng chừng đó để khuếch tán tôn giáo hơn là xem lại tôn giáo của mình, đem lại dân chủ cho xã hội Hồi giáo và giải trừ nạn độc đoán tôn giáo.
    Cháu lo xã hội Âu Mỹ sẽ đến ngưỡng chịu đựng và rồi sẽ thẳng thắn về Hồi giáo (dù họ gồm rất nhiều nhánh nhưng đa số đều tuân theo giáo luật nhánh sunni...rất nguyên thủy, đó là vấn đề) chả khác gì Cộng Sản hay Phát xít (đều là các hệ tư tưởng với chủ thuyết toàn trị, chẳng qua Hồi giáo có màu sắc thần thánh).
    Gần đây, Donald Trump mị dân về chuyện tạm thời để người Hồi giáo không vào nước Mỹ. Nhưng nghĩ kĩ lại thì không phải hoàn toàn vô lý dù có hơi hấp tấp nếu nhìn rộng ra vì có thể gây phản ứng lớn. Ngay cả nếu nó không vô lý thì người làm chính trị...cũng không nên nói "huỵch toẹt" như vậy.
    Cháu xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình thấy thế giới lại hồ hởi sảng( mượn từ của bác Nghĩa) về việc IS sắp bị diệt.Bạn có rảnh thì đọc lại hồi Lenin mới nắm quyền ở Nga, liên quân can thiệp ra sao, kết quả ra sao?

      Xóa
    2. Nếu chịu khó tìm hiểu về cộng đồng người Mỹ theo đạo Hồi, thật ra họ có mức sống và trính độ kiến thức rất cao, hơn trung bình của người Mỹ, và da trắng. Chỉ thua người Mỹ gốc Do Thái mà thôi. Họ đã đến Mỹ từ lâu và thật ra cũng có ảnh hưởng trong chính sách chống khủng bố Hồi giáo. Donald Trump mị dân và ăn nói hỗn hào nên chưa bằng lãnh tụ cực hữu Marine Le Pen của Pháp.

      Hoa Kỳ đến hồi suy bại khi lãnh đạo cả hai đảng đang gây hại cho quốc gia. Xúi giục tinh thần kỳ thị da trắng bên đảng Dân Chủ hay da màu bên đảng Cộng Hòa đều là thủ thuật chính trị nguy hiểm.

      Nói ra rất kỳ, "bọn man rợ đã vào đến cổng" (the barbarian at the gate) là phạm trù ăn khách trong lịch sử, nhưng tại Hoa Kỳ, bọn man rợ đầy tính kỳ thì đã vào tới nhà trên! Vì vậy, chúng ta sẽ còn phải giải ảo và nhìn qua bên kia màn khói...

      Trong khi ấy, về giáo dục và đấu tranh chống khủng bố Hồi giáo, người dân tại Hoa Kỳ sẽ phải trực tiếp tiến hành, chứ không thể trông đợi vào Nhà nước. Sức mạnh của Hoa Kỳ không đến từ Nhà nước, mà từ người dân. Họ thường hồ hởi sảng, rồi hốt hỏang bậy, nhưng học bài rất mau!

      Xóa
    3. Thưa bác Nghĩa,
      Cháu vừa xem một vài thống kê của NYTimes năm 2011 thì cộng đồng đạo Hồi tại Mỹ với mức thu nhập trung bình theo gia đình trên 75k hơi khác với bác nói, tức họ thuộc nhóm có mức thu nhập thấp lẫn học thức không cao bằng nhóm Jews (không nhất thiết theo đạo Do Thái), nhóm Hindus, nhóm Chính Thống giáo, nhóm Phật giáo và một số nhánh bên Tin Lành và cũng thấp hơn nhóm "thế tục hóa tôn giáo"...
      Trong thống kê của Pew Reaserch năm 2009 thì cộng đồng Hồi giáo tính chung vẫn thuộc một trong vài nhóm có thu nhập thấp nhất.
      Có lẽ thống kê của bác là từ trước chăng? Và họ không tính dân da đen theo đạo Hồi hoặc chưa tính trước khi có vụ 11/9 và thời nhập cư ồ ạt dân Hồi dưới thời Obama.
      Cháu thấy nhóm dân Iran hay Pakistani đúng là học thức và thu nhập cao hơn mặt bằng chung, nhưng không có nghĩa họ là dân Hồi hay đại diện đạo Hồi. Người Iran qua Mỹ hòa nhập khá tốt, họ dần bỏ đạo, chuyển sang tôn giáo khác hoặc không tôn giáo, đây mới là nhóm có thu nhập cao lẫn học thức khá nhất. Còn nhóm Pakistani thì chỉ chiếm khoảng 10% cộng đồng Hồi, họ chỉ khá ở mức có bằng hết đại học, còn thu nhập thì chưa chắc.
      Tuy nhiên, dù số liệu có thế nào. Cháu nhận thấy có 2 điều sau cũng từ khảo sát (trên Pew) và thực tế mà ra:
      1. So với các cộng đồng khác, cộng đồng Hồi giáo vẫn bảo thủ tôn giáo nhất, xem tôn giáo là tín điều quan trọng nhất, họ vẫn chủ trương thực hành tôn giáo của họ một cách nghiêm ngặt. Và là cộng đồng thường xuyên được gieo rắc giáo điều chống giá trị Tây phương nhất. Đây là mầm mống tư tưởng cho khủng bố, giống như một đám gỗ mục đã được tưới xăng sẵn chỉ chờ có lửa để cháy bùng lên.
      Có lẽ nước Mỹ đã quá khoan dung với các thủ thuật tuyên truyền tại các nhà thờ Hồi giáo lẫn trên không gian mạng. Cháu nghĩ nước Mỹ nên xem xét lại vấn đề tự do tôn giáo đang bị lợi dụng để tự do thực hành và tuyên truyền chống lại xã hội dân chủ, tự do.
      2. Cháu đồng ý với bác là (dù theo cháu, cộng đồng Hồi giáo tại Mỹ thực sự có vấn đề) thì mối nguy an ninh của Mỹ vẫn chưa đủ lớn đến mức như cần phải hành động mạnh quá tay kiểu Donald Trump. Và người Mỹ vẫn cần cộng đồng Hồi giáo để giải quyết những vấn đề của Hồi giáo.

      Xóa
    4. Em xem cái này và suy nghĩ:

      http://www.cnn.com/2015/12/08/us/muslims-in-america-shattering-misperception/

      Xóa
    5. Thưa bác Nghĩa,
      Cháu kiểm tra thấy thông tin trên trang CNN thì có vấn đề như sau:
      Đó là sai lệch thông tin về trình độ học vấn cũng như thu nhập của người Hồi mà CNN nêu ra. Trang CNN lấy nguồn chủ yếu từ:
      http://www.cfr.org/united-states/muslims-united-states/p25927

      http://www.pbs.org/wgbh/frontline/article/america-and-muslims-by-the-numbers/#readings
      2 nguồn này lại lấy nguồn từ Gallup:
      http://www.gallup.com/poll/116260/muslim-americans-exemplify-diversity-potential.aspx
      Bác Nghĩa có thể vô kiểm tra trực tiếp, người Hồi giáo không hề có mức thu nhập cao đứng sau người Do Thái hay có trình độ kiến thức cao, họ thua người Do Thái, Tin lành một số nhánh, người Công Giáo, người Hindus, người Phật giáo....nếu ta lấy nguồn cụ thể hơn từ Pew.
      Nguồn trên trang The Council on Foreign Relations đã xuyên tạc khảo sát của Gallup và CNN vì lấy nguồn này không chịu kiểm tra nên...thành ra nói láo.
      Cháu xin đưa biểu đồ trên Pew tháng 1 cùng năm 2009:
      http://www.pewforum.org/2009/01/30/income-distribution-within-us-religious-groups/
      Tiếp đó là dữ liệu bổ sung được đồ họa bởi NYTimes (năm 2011) lấy từ Pew:
      http://www.nytimes.com/imagepages/2011/05/15/magazine/15-Leonhardt.html?ref=magazine
      Bác có từng nhắc nhở cẩn thận...báo chí, truyền thông Mỹ. Trước kia cháu cũng rất "sùng bái mù quáng" cánh trang cánh tả như CNN, NYT hay WPost nhưng nay thấy lại mấy nguồn từ mấy trang này là cháu rùng mình vì cánh tả theo cháu đồng nghĩa có khả năng lừa đảo cao nên khi bác đưa trang CNN thì cháu kiểm tra rất cẩn thận và phát hiện họ đang đưa thông tin sai lệch.
      Có lẽ họ quá tin tưởng vào cách diễn dịch sai lệch của The Council on Foreign Relations mà chép y nguyên không kiểm tra lại nguồn gốc, cũng có thể họ cố ý như thế.
      Cháu có tham gia một số diễn đàn về vô thần hay bất khả tri nên có tìm hiểu thêm về đạo Hồi. Cháu thấy một viễn ảnh đáng sợ như sau:
      Người ta cứ nói tụi cực đoan đang gài bẫy chiến tranh Tây phương và Hồi giáo nhưng cháu nghĩ còn một cái bẫy khác tinh vi hơn. Đó là trong trường hợp khi người Tây phương không dám thẳng thắn và chối bỏ mối nguy Hồi giáo, đồng thời vuốt ve đạo Hồi, cho nhập di dân Hồi giáo ồ ạt vì muốn kích thích nạn "bán thân mua phiếu", thì bọn cực đoan sẽ có nhiều "đất" để cho..."nổ" từ bên trong, khi đó dân Âu Mỹ hết chịu đựng được và nguy cơ chiến tranh càng dễ bùng nổ. Vì vậy nên cháu thấy ông Donald Trump có lý phần nào đó.

      Xóa
    6. Cám ơn 111 Thinh rất nhiều về việc kiểm chứng này. Tôi thường không tin CNN, NPR, PBS nhưng nếu một think tank như CFR mà cũng xuyên tạc thì quả là có vấn đề. Và tôi sẽ càng phải cẩn thận hơn với các dữ kiện được cung cấp. Ít ra chỉ lấy dữ kiện khi có hai nguồn cung cấp khác nhau. Chúc em vui mạnh. NXN

      Xóa
  2. Bác Nghĩa ơi cho cháu hỏi lạc đề nhé. Tại sao "Bên kia màn khói" không có số mới. Cháu tìm mãi cũng chỉ thấy số gần nhất là ngày 14/11/2015. Nếu đã có số mới bác chỉ link cho cháu nhé.
    Kính chúc bác dồi dào sức khỏe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuần tới thì mới tái ngộ Bên Kia Màn Khói, xin hãy yên tâm! NXN

      Xóa
  3. Xin hỏi bác Nghĩa về tình hình của Âu châu. Với các vấn đề khó khăn hiện nay về Hy Lạp, nạn di cư cũng như khủng bố thì Âu châu có khả năng vượt qua được không và triển vọng kinh tế của khu vực này như thế nào? Tương lai Âu châu có thể là một cực của thế giới hay không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong bốn chương trình giải ào liên tục trên Người Việt, tôi có phân tích chuyện này. Hãy theo mạch sau đây:

      http://www.nguoiviettv.com/category/binh-luan-phong-van/gio-giai-ao-nguyen-xuan-nghia/

      Xóa
  4. Bac Nghia oi, cho chau hoi mot cau lac de nhe.
    Trong suot tuan qua, cac dai tv, radio noi tieng Viet tai My co loan tin la Ha Noi se loai bo chuong trinh Su Viet Nam trong hoc trinh trung va tieu hoc. Chang le dang Cong San Viet Nam dang don duong cho viec Viet Nam tro thanh mot tinh ly cua Tau, nhu Tay Tang va Tan Cuong???
    That kho tuong tuong mot chuyen ngu ngoc nhu the co the xay ra cho VN. Cac ban o VN co the xac nhan tin tuc nay khong? va se lam gi de thay doi quyet dinh nay?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật dễ thôi. Từ nay muốn biết sử Ta thì đọc sách Tầu. Nước nhà đã được thống nhất rồi mà.

      Vả lại, làm Bí thư Tỉnh ủy Việt Nam của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vẫn vinh hiển chán. Còn tiền bạc và con cái thì đã có bãi đáp bên Mỹ rồi, nên tránh được số phận hẩm hiu của Lê Chiêu Thống bên Tầu năm xưa.

      Xóa
    2. Vấn đề này các báo Việt Nam, mình có đọc 1 số bài viết nên xin trao đổi thêm với bạn:
      Việc đề nghị bỏ môn Sử thay bằng 1 môn khác kết hợp 3 môn đạo đức + an ninh + tư tưởng gì đó thành 1 môn "công dân với tổ quốc", nôm na là sẽ thay môn lịch sử VN thành môn lịch sử Đảng trá hình. Tuy là do bộ GD ĐT đề nghị nhưng mục đích thay đổi ko nhằm vào giáo dục mà nhắm vào chính trị nên mọi người tự hiểu ai đứng đằng sau.
      Theo ý kiến cá nhân thì đây là 1 cách ngu dân + mị dân của lãnh đạo để dễ tuyên truyền tẩy não, không hẳn liên quan đến Trung Quốc.

      Xóa
    3. Chúng ta cần môn công dân giáo dục để các công dân trẻ mang tính đảng ngày nay bớt vô giáo dục. Chúng ta cũng cần môn sử, tách biệt khỏi môn công dân. Khi đảng ra lệnh cho bộ GD&ĐT gom chung ba môn để chỉ dạy lịch sử đảng thì sự thật trong quan hệ giữa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng với Trung Quốc tất nhiên là bị đánh lộn sòng! Đẹp lòng cả hai...

      Xóa
    4. Tại buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT chiều 8/12, các bên đã cơ bản thống nhất một số nội dung liên quan đến vị trí của môn sử. Theo đó, đối với tiểu học, môn lịch sử sẽ tích hợp trong môn học chung cùng với một số môn học khác ... Ở THCS, có hai phương án ...Đối với THPT, sẽ có Lịch sử 1 và Lịch sử 2 ...
      http://www.htv.com.vn/Trang/TinTuc/2016-12-9/du-kien-mon-su-la-mon-hoc-doc-lap.aspx

      Xóa