Thứ Ba, tháng 12 01, 2015

Trả Đũa và Tạm Cư



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 151201
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"


Đòn Kinh Tế Và Nạn Dân Giữa Nga, Thổ Với Âu Châu   


* Thành phố Istanbul của xứ Thổ lại bị đặt bom, chiều mùng một *



Cột mục này dự trù trình bày lại yếu tố kinh tế căn bản, thuộc loại “nhập môn”, đối chiếu với các luận cứ chính trị để ta có cơ sở thẩm định cái lẽ đúng sai của “kinh tế cũng là chính trị”. Nhưng đôi khi thời sự vẫn đảo lộn tất cả! Lần này là khi hai máy bay của Liên bang Nga bị Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24 Tháng 11 vừa qua ngay giữa vụ khủng hoảng di dân vào Âu Châu.

Vì vậy, xin theo dõi xem kinh tế giữ vai trò gì trong vùng lửa đạn tại Syria. Cũng lý thú lắm.


Sau khi một oanh tạc cơ và một trực thăng của mình bị Thổ bắn hạ, Tổng thống Vladimir Putin lập tức cảnh báo rằng vụ tấn công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Nga-Thổ, và giới ngoại giao của Nga, Thổ và Âu Châu bận rộn giải tỏa mâu thuẫn giữa hai nước trước một mối nguy chung là tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIL.

Nhưng Putin không ở vào thế nói chuyện hòa giải. Hậu thuẫn chính trị và an ninh lẫn kinh tế của ông có thể sút giảm nếu Nga không có quyết định trả đũa dứt khoát hơn, ít ra về kinh tế.

Nói về kinh tế, hai nước Nga Thổ là bạn hàng của nhau, chính yếu là trong luồng giao dịch năng lượng, kim loại và nông sản. Nga giữ thế mạnh vì xuất cảng chừng 10% tổng số nhập cảng của Thổ và chỉ mua từ Thổ có 4% tổng số nhập cảng của mình. Về chi tiết, Nga bán chừng 10% số khí đốt xuất cảng của mình cho Thổ nhưng đấy là 55% số khí đốt tiêu thụ tại Thổ, cỡ 27 tỷ thước khối vào năm 2014. Khí đốt không bán trong thùng mà qua hai ống dẫn, một là Blue Stream dẫn thẳng qua Hắc Hải, hai là ống dẫn Gas-West chạy qua Ukraine, Romania và Bulgaria: địa dư cũng là kinh tế. Còn lại, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ mua khí từ Azerbaijan, Iran, Algérie và vài nước khác.

Chúng ta cần hình dung ra bài toán của doanh giới và chính khách Nga trong màn đấu lực này.

Họ thấy là sau khi chơi bạo, Thổ lâm thế kẹt về năng lượng. Các nguồn cung cấp khí đốt khác cho Thổ đều đã gần công xuất tối đa, nếu Nga khóa ống dẫn khí là kinh tế bị ảnh hưởng. Nhưng Putin lại khó trả đũa bằng cách giảm khí, giả dụ như qua ống dẫn Gas-West vì làm Bulgaria và Romania bị oan. Đó là về đòn phong tỏa ngắn hạn. Về dài hạn, Nga có dự án TurkStream sẽ dẫn từ 30 đến 60 tỷ thước khối chảy thẳng vào Thổ mà khỏi vòng qua Âu Châu. Nếu Nga trả đũa, dự án sẽ bị đẩy lui. Chính trị cũng là kinh tế: biện pháp trừng phạt gây tác dụng ngược, cũng bất lợi cho Nga.

Họ tìm ra đòn kim loại, gồm có sắt, thép và nhôm của Nga bán cho Thổ. Khổ nỗi, thị trường quốc tế đang bão hòa, Nga không bán thì Thổ vẫn có nhiều nhà cung cấp sốt sắng khác. Tại Hoa Kỳ và Âu Châu! Hay là nông sản vậy? Thổ phải mua ngũ cốc của Nga, thí dụ như 70% số lúa mì nhập cảng là trồng tại Nga. Với giá nông sản đang sụt trên toàn cầu, biện pháp phong tỏa nảy chưa làm kinh tế Thổ điêu đứng.

Không khóa được đầu vào thì ta chặn đầu ra: hay là ta phong tỏa sức xuất cảng lương thực của Thổ cũng là một giải pháp như Moscow đã áp dụng để tránh đòn cấm vận của Hoa Kỳ và Âu Châu sau vụ Ukraine. Nga mua vào 40% tổng số xuất cảng trái cây và rau cỏ của Thổ. Nhưng không dễ và thực tế thì sau vụ máy bay bị bắn, cả chục doanh nghiệp xuất cảng lương thực của Thổ vẫn tiếp tục các hợp đồng cung cấp. Nga vẫn thiếu hoa quả và rau tươi!

Khó đánh hàng hóa thì ta khóa người: kêu gọi du khách Nga đừng qua xứ Thổ! 

Ngành du lịch đem lại 12% tổng sản lượng cho Thổ, nhưng du khách Nga chỉ đem lại 14% của số này thôi, vỏn ven chưa bằng 0,017% của GDP. Chẳng bõ! Hay là ta phong tỏa hệ thống vận tải hàng hóa của Thổ đi qua lãnh thổ Nga để tới các nước Cộng hòa Trung Á trong hệ thống Xô viết cũ? Cũng được, nhưng vẫn là đánh oan các lân bang của mình…

Tính đi tính lại thì khí đốt vẫn có tác dụng mạnh nhất trong ngắn hạn, để biểu dương sự thịnh nộ của mình. Nhưng trong dài hạn lại dễ làm Thổ Nhĩ Kỳ đa diện hóa nguồn cung cấp và Nga lại mất khách. Cách ngôn: thưa đồng chí lãnh đạo, con dao kinh tế có hai lưỡi, rất dễ đứt tay mình.

Huồng hồ, nước Thổ lại có Âu Châu và một món hàng khác. Là dân tỵ nạn….


***


Cả thế giới đang nói tới làn sóng di dân làm Âu Châu thất điên bát đảo. Đấy là lúc Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ có thể đảm nhiệm vai trò soát vé canh cửa cho Âu Châu.

Vì kinh tế cũng là chính trị - và cả địa dư - Thổ là quốc gia nửa Âu, nửa Á, nửa Trung Đông và sau Thế chiến II thì đã là thành viên của Minh ước NATO và là một trong các nước sáng lập Hội đồng Âu châu từ năm 1949. Qua năm 1987, Thổ tiếp tục hội nhập vào Âu Châu rồi xin vào Liên hiệp Âu châu mà bị Liên Âu từ chối: chưa đủ “Âu tính” trong lãnh vực nhân quyền. Đấy là bối cảnh ngoại giao chính trị của một cường quốc Hồi giáo nằm giữa những tranh chấp lớn cùa Nga, Âu và Hồi giáo.

Bây giờ Âu Châu lâm nạn vì dân tỵ nạn và lật đật nhìn lại xứ Thổ với con mắt khác! 

Sau có hai ngày chuẩn bị, hôm Chủ Nhật 29 vừa qua, đôi bên nói chuyện “xóa bài làm lại”.

Lãnh đạo Liên Âu vừa gặp Thủ tướng Thổ tại Bruxelles và đạt thỏa thuận về dự án viện trợ ba tỷ Euro (khoảng ba tỷ 200 triệu đô la) cho Thổ. Đổi lại, Chính quyền Ankara sẽ chăm sóc trên hai triệu nạn dân Syria đang tạm cư tại Thổ. Cho họ sống đàng hoàng tử tế hơn để họ khỏi gõ cửa Âu Châu.

Khi vụ khủng hoảng manh nha từ hai năm trước thì ngân khoản ba tỷ này được đề nghị cho hai năm mà xứ Thổ cứ nghễng ngãng: “ba tỷ một năm”?

Bây giờ, vì tình hình nguy khốn, Âu Châu có thể rộng lượng hơn, như lời tuyên bố của Tổng thống Pháp François Hollande: Tới đâu hay đó! Giải ngân theo tiến độ thi hành. Kèm theo gói quà ba tỷ là lời hứa: công dân Thổ có thể vào khu vực Schengen mà khỏi cần chiếu khán trong một năm, nếu Ankara chịu khó cho tuần duyên và cảnh sát biên phòng thanh lọc nạn dân để ngừa khủng bố xâm nhập vào Âu Châu.

Khi lãnh đạo ở trên đã đồng ý về nét lớn, giới kinh tế ở dưới mới gãi đầu. 

Làm sao cải thiện đời sống cho hai triệu hai trăm ngàn người đang trong cảnh màn trời chiếu đất của mấy trại tỵ nạn ngoài kia? Lương thực, thuốc men hay bệnh xá, trường học, lớp dạy nghề? Hội nhập người Hồi giáo Á Rập vào xứ Thổ? Khó quá! Mà lỡ thành công thì Thổ sẽ là khối nam châm thu hút nạn dân từ xứ khác, nhiều lắm - như Iraq hay Afghamistan!

Sau khi bị chối từ vào Liên Âu, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lui về sức mạnh tinh thần của Hồi giáo, là chủ trương của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, khiến Thổ càng bị kết án là độc tài và chà đạp nhân quyền. Tức là càng xa rời lý tưởng Âu Châu. Bây giờ, khi quân khủng bố Hồi giáo triệt để thực hiện lý tưởng đó, là tự do ra vào Âu Châu để phát huy Thánh Chiến Jihad, nạn vi phạm nhân quyền của Thổ lại được “tương đối hóa”.

Là người thúc đẩy giải pháp Âu-Thổ vào tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đổi giọng: “Nếu chúng ta là đối tác chiến lược thì nên thẳng thắn bàn thảo về các vấn đề cấp bách của mình”. Cấp bách nhất là cần Thổ canh cửa, với hy vọng là sẽ có ngày bước qua ngưỡng cửa mà là thành viên của Liên Âu từ trong nhìn ra.

Không mấy ai tin vào viễn ảnh đó, nhưng cận cảnh vẫn là nạn dân. Và nếu Nga làm quá thì sẽ càng giúp Thổ Nhĩ Kỳ bước vào Âu Châu. Chuyện này mà chẳng hấp dẫn hơn vụ Hoa Kỳ tăng lãi suất hay Âu Châu tiếp tục bơm tiền sao?


3 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa ! Như bác phân tích ở trên thì về thuần kinh tế thì Thổ không bị lệ thuộc nhiều vào Nga nhưng qua nhưng thông tin thời sự hàng ngày gần đây thì Thổ liên tiếp có nhưng động thái muốn hàn gắn lại quan hệ với Nga như hàng loạt các lời mời của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn gặp Tổng thống NGa ở Paris hay là việc ông Erdogan một lần đã nhắc đến việc " rất hối tiếc khi quyết định bắn hạ Su 24 của Nga " Rồi mới đây là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Nga nối lại các kệnh kiên lạc về quân sự .....Điều đó cho thấy có phần Thổ Nhĩ Kỳ đang xuống nước với Nga. Bác Nghĩa có thể giải ảo giúp cháu tại sao Thổ lại chấp nhận như vậy không ạ ?

    Vì theo cháu nghĩ trong bối cảnh hiện nay Thổ hoàn toàn có thể nằm ở cửa trên của Nga như về kinh tế bác đang phân tích hay về quân sự thì Thổ hoàn toàn có khả năng " giam " hạm đội Biển Đen của NGa ở Biển Đen

    Thưa bác ! Còn một chi tiết khá lý kỳ là trong cuộc đối đầu giữa Nga và Thổ lần nay thì Mỹ lại không thể hiện nhiều quan điểm chính trị của mình để đứng về phía Thổ mà có phần tiếc cho Thổ khi Tổng thống Mỹ lại tuyên bố kêu gọi Thổ xuống thang trong quan hệ với Nga. Có phải truyền thống đối ngoại của Mỹ là bắt bí đồng mình đang được thực hiện lại ? Hay là Mỹ đang có âm mưu gì khác ạ ?

    Cháu cảm ơn bác !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không biết Thành lấy tin ở đâu mà cho là Thổ xuống giọng? Còn chuyện Tổng thống Mỹ nói nước đôi thì đã thành truyền thống Obama!

      Xóa
  2. Thưa bác Nghĩa,
    Cháu nghĩ Thổ cố ý thả di dân vào châu Âu để kiếm lợi thế mặc cả, ít nhất là tới khi họ thấy châu Âu lúng túng.
    Nhưng cháu hơi khó hiểu là tại sao họ không khóa biên giới giữa Thổ với Hy Lạp và Bulgaria (của Liên Âu) lại, vùng biên này khá hẹp, xây tường rao và kiểm soát có lẽ rất nhanh như Israel đã làm với biên giới của mình.
    Vì nếu xây sẽ ảnh hưởng đến các hiệp ước khác chăng hay vì lý do...hay ngây thơ lẫn ngạo mạn đi rêu rao nhân quyền? Mà nhân quyền đây là lo cho dân xứ khác mà lơ là nhân quyền cho dân xứ mình. Đi rước cái đám cướp vào nhà rồi gọi đó là nhân quyền thì cháu cũng chịu. Họ có thể thuần hóa, hội nhập đám ấy không?
    Cháu thấy bài học của xứ Âu Mỹ và rất không hài lòng về vấn đề nhận người Hồi giáo, cháu nghĩ họ nên nhìn cách làm của Nhật Hàn. Nếu tương lai, có nhận di dân thì nên nhận người tương đồng văn hóa và quan điểm, nhận dân dễ hội nhập xã hội. Chính Lý Quang Diệu từng nói, ông ta có thể hội nhập tất cả trừ Hồi giáo. Đó có thể chẳng phải là lời nói suông dù ông ta sau đó có rút lại miễn cưỡng lời nói đó.
    Bản thân chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thời mới lập quốc có một hiến pháp thế quyền, nhưng dân trí chẳng cải thiện bao nhiêu, tức về mặt xã hội chẳng được thế tục hóa mà ngược lại còn giáo quyền hóa. Đảng AKP theo xu hướng giáo quyền Hồi giáo giành đến khoảng phân nửa hoặc hơn lá phiếu đại diện bầu cử chưa kể các đáng cực đoan khác. Mà đây lại là xứ khá nhất trong các xã hội Hồi giáo. Cháu chưa thấy một xứ đông dân đạo Thiên Chúa Giáo hay Phật giáo nào đi bầu chỉ để giáo quyền hóa đất nước, trong khi xứ Hồi giáo thì ngược lại. Nhiều người nói xã hội Hồi giáo chẳng thể có dân chủ nếu chẳng cải cách tôn giáo hay cụ thể hơn Hồi giáo chẳng thể tương thích với dân chủ trong hiện tại. Điều này cháu thấy đúng.
    Vậy tại sao lãnh đạo Âu Mỹ không dám nhìn nhận mà cứ giả lơ vấn đề căn bản này? Họ muốn biến Âu Mỹ thành xứ như Lebanon nội chiến vì tôn giáo, chính trị chăng hay xứ Israel có hỗn loạn vì dân Hồi, hay là vùng Balkan? Cháu chưa hiểu Obama nghĩ gì, bà Merkel nghĩ cái gì? Nếu thực sự cần di dân để thúc đẩy kinh tế tại sao không chọn dân Nam Mỹ hay Á châu khác Hồi, họ có thể hội nhập tốt hơn? Lãnh đạo còn khó điểm nào khác hay quá...thật thà nghĩ người Hồi giáo không cuồng tín giống dân mình - là điều khó tin?
    Cháu xin nếu một số quan điểm của mình. Mong tương lai, bác Nghĩa có nhiều bài viết hay nữa.
    Cháu xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa