Thứ Năm, tháng 12 17, 2015

Tư Bản và Khí Hậu



Nguyễn-Xuân Nghĩa Tuần báo Sống 151216
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Bước nhảy vọt của nhân loại vào cõi lố bịch

 *Mẹ ơi! Ming túi càn khôn khép lại rồi? *



Khi Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius rưng rưng nước mắt gõ cái búa giả báo tin là nhân loại vừa được cứu rỗi thì chúng ta biết ngay rằng có cái gì đó rất giả vừa xảy ra.

Ngày mùng một Tháng 12, đại diện cho 195 quốc gia tham dự một hội nghị do Liên hiệp quốc bảo trợ để cùng thỏa thuận về nhu cầu kiểm soát khí thải hầu ngăn ngừa nạn nhiệt hóa địa cầu. Sau 11 ngày đàm phán gay go giữa các nước, hội nghị đạt kết quả là kể từ năm 2020 các nước sẽ cố không làm nhiệt độ của địa cầu tăng quá hai độ Celsius. Ngoại trưởng Pháp gõ cái búa, một mẩu con con bằng nhựa có màu xanh lục của phong trào bảo vệ môi sinh, để thông báo biến cố vĩ đại của nhân loại nhằm cứu lấy hòn bi xanh của mình.

Nhưng, như trong một vở kịch thơ bi tráng năm xưa, “phan phan, ái khanh lai tỉnh nào, lai tỉnh nào”…. Diễn nôm là “khoan khoan, cô bé con, coi dzậy mà hổng là dzậy!”

Chỉ vì đọc trong bản tuyên ngôn được công bố trước đấy, ta thấy có mùi mắm bồ hóc. Bắc Kỳ kêu bằng thum thủm. Mà quen quen. “Các bên liên hệ nhất trí nhấn mạnh đển tầm quan trọng của việc khuyến khích, bảo vệ và tôn trọng mọi quyền của con người – dạ, nhân quyền – quyền phát triển, quyền có sức khỏe, quyền của các sắc dân bản địa, của di dân, của con trẻ, kẻ mang tật và những người ở trong hoàn cảnh khí hậu và lao động bất trắc”.

Đạt thỏa thuận rộng lớn như vậy, ai mà không vui?

Mừng hơn dzậy là khi thấy ban tổ chức cho biết là trong mấy tuần liền các đại biểu đã cãi vã “việc phát huy quyền bình đẳng giới tính, và nữ quyền, trong khi vẫn quan tâm đến yêu cầu (dịch vậy mới có mùi Hà Nội, thối hơn chữ nhu cầu) của các cộng đồng địa phương, đến quyền lợi của các thế hệ nối tiếp, đến giá trị của hệ sinh thái và Mẹ Địa Cầu, khi lấy quyết định hành động về nạn thay đổi khí hậu”….

Chết cha, họ đem Mẹ ra. Mother Earth, lại như Mother Russia năm xưa của đồng chí Stalin.

Ai hiểu được đoạn trên, người viết này xin mừng một đòn bánh tét.

Thiệt ra, chúng ta vừa chứng kiến một trận đánh vũ bão vào chủ nghĩa tư bản. Lần này xuất phát từ cánh tả. Họ huy động - thổi ống đu đủ - mọi lực lượng trừ bị, từ đàn bà đến con trẻ, di dân hay người bản địa, quần chúng nhân dân lao động và nạn nhân của việc khí hậu địa cầu thay đổi. Ai ai cũng được bảo vệ và thấy mình trong phe chiến thắng.

Khách có kẻ đến hẹn lại lên, cứ bước vô nhà là kên kên cái mặt. Nhưng lần này thì xuội lơ, cóc hiểu. “Nè nhà bác, mấy vò đế rồi mà sao gõ vậy?”

Ta điềm điềm gõ tiếp.

Chẳng là từ khi cái tư bản chủ nghĩa đó nó xuất hiện, một cách tự phát, trước khi được hệ thống hóa thành một tầng lý luận mạch lạc và cũng tự nhiên tự cải tiến, thì nhiều thế lực đã nổi lên đánh đấm tưng bừng.

Từ cánh hữu là các chế độ quân chủ. Họ đả kích tư bản chủ nghĩa là phá vỡ quan hệ xã hội và biến con người thành loài sinh vật man rợ chỉ quan tâm đến vật chất. Cánh hữu này cũng huy động các thế lực tôn giáo hỗ trợ quan điểm của mình. Từ cánh tả thì có người ôn hòa theo chủ nghĩa cải lương, hay cực đoan như bọn Mác-xít, cũng đồng loạt tiên báo ngày tàn của chủ nghĩa tư bản. Dù trong cánh tả, Đệ tam Quốc tế theo Marx có thể thủ tiêu Đệ nhị Quốc tế về tội cải lương, cả hai đều nhất trí về sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản.

Và cánh hữu bèn vỗ tay nhất trí. Chủ nghĩa tư bản sẽ “tha hóa con người” – ai hiểu được thì sẽ có một đòn bánh chưng – và dẫn nhân loại vào chỗ tiêu vong.

Qua thế kỷ 21, hai mặt tả hữu giáp công đã vạch ra tội ác: tư bản chủ nghĩa làm nhiệt hóa địa cầu. Hoặc nói cho an toàn vì nơi này hạn hán nơi kia lũ lụt, làm thay đổi khí hậu. Vì vậy, sau Nghị định thư Kytoto năm 1997 – mà chẳng ai tôn trọng – Liên hiệp quốc mới bày ra Hội nghị về Biến đổi Khí hậu. Và hội nghị vừa hoàn tất mỹ mãn tại Paris.

Khách đứng bên vẫn ra chừng chưa hiểu. Thì ráng chịu thôi!

Trong cái nhiễu âm ồn ào của thiên hạ, ít ai để ý đến vai trò của trí thức từ hai ngả tả hữu. Họ là những người ngồi chồm hổm lên mọi ưu tư tầm thường của đời sống và những người phải đi cầy. Ngay từ đầu, khi dân chúng buôn bán với nhau để kiếm sống và tự nhiên cải tiến phương thức kinh doanh buôn bán thành tư bản chủ nghĩa, thì giới trí thức sớm thấy ra tính chất sa đọa của hình thái sinh hoạt mới: chủ nghĩa này làm cả công nhân lẫn tư bản đều mất nhân tính. 

Họ bèn tìm cách ngăn chặn.

Đến đây thì khách gật gù: À ra thế. Hèn chi ta mới có cách xếp loại “sĩ, nông, công, thương”. Thương là hạng chót.

“May mà còn hơn binh!” – Người viết đểu đểu trả lời làm khách muốn bật khóc.

Thế giới trí thức có học ngăn chặn tư bản như thế nào? Thì vô triều khoác áo kẻ sĩ! Nôm na theo lối Tây phương là chạy theo bộ máy nhà nước, hoặc cướp lấy chính quyền.

Họ muốn dùng nhà nước làm công cụ kiểm soát và hướng dẫn tư bản chủ nghĩa. Sức vận động của nỗ lực này là ý thức hệ. Từ hai cánh tả và hữu, ta đều thấy chung một tư tưởng của tầng lớp trí thức nhằm thuyết phục kẻ cầm quyền và quần chúng, rằng tư bản chủ nghĩa làm xã hội băng hoại và tất yếu sẽ đi tới chỗ diệt vong. Từ cánh hữu là vì bị Thương Đế nguyền rủa, từ cánh tả là vì bị giai cấp vô sản lật đổ trong một cuộc cách mạng long trời lở đất.

Ấn bản mới của trận đánh này là chuyện nhiệt hóa địa cầu. Nhân loại sẽ đi về đâu nếu tư bản, lợi nhuận và nhu cầu cải tiến hiệu suất kinh doanh trở thành những yếu tố chi phối mọi xã hội? Vấn đề hết là nạn bóc lột hay bất công xã hội, không còn là hiện tượng mất nhân tính, mất bản ngã - tha hóa! - mà là mất luôn địa cầu trong một nhân họa còn kinh hoàng hơn trận Đại Hồng Thủy. Khi Barack Obama nói rằng mối nguy của nhân lại không là nạn khủng bố mà là thay đổi khí hậu thì ông là một đại trí thức tiêu biểu.

Muốn đẩy lui mối nguy ấy, các nước hãy cùng sát cánh đòi hỏi tư bản chủ nghĩa, các doanh nghiệp, phải thay đổi cách sống, suy nghĩ và làm ăn. Nếu không thì vụt. Trong hàng ngũ trí thức, họ huy động giới khoa học về môi sinh và kinh tế.

Người viết này không nói về lẽ đúng sai của nạn nhiệt hóa địa cầu vì nhiều chuyên gia am hiểu chuyện này bác bỏ lý luận của giới bảo vệ môi sinh, trong khi những người đi trên mây cũng thấy rằng Trung Cộng mới là quốc gia hủy hoại môi sinh nhiều nhất. Người viết cũng có thể cho rằng nếu chỉ lo chuyện kinh doanh thì mình sẽ mất nhân tính, như đức Giáo hoàng Francis đã dạy, chẳng khác chế độ quân chủ và đám trí thức hữu khuynh đã nói từ thế kỷ 19.

Chuyện đáng chú ý - và nên chú ý - là phong trào om xòm hiện nay chẳng có gì mới. Mỗi thế hệ lại tìm ra một cục đá ném vào tư bản chủ nghĩa. Rằng nó sẽ tiêu vong và nhà nước phải nhân danh nhân loại kiểm soát được thị trường và tính toán của tư bản. Kiểm soát như thế nào? Nhờ sự sáng suốt của giới trí thức!

Lịch sử lại tái diễn.

Kinh hãi, Fabius nện búa xanh! 

 
Từ thế kỷ 18, ta đã nghe nói đến cuộc Cách mạng Minh triết tại Pháp. Với kết quả trong thế kỷ 19 là chặt đầu nhà vua và lôi máy chém đầy đường rồi dựng lên một Hoàng đế đánh khắp Âu Châu. Kế tiếp là chinh phục các thuộc địa. Qua thế kỷ 20 là Cách mạng cộng sản với việc đảng và nhà nước quản lý nền kinh tế để dẫn tới đói khổ và khủng hoảng. Ngày nay, cả hai trào lưu ấy kết tụ vào những kẻ giương cờ bảo vệ môi sinh hay thú hiếm và cảnh báo thiên hạ về ngày tàn của trái đất.

Vấn đề không phải là khí hậu của địa cầu có thay đổi hay chăng. Nó có thay đổi, nóng hơn thế kỷ trước chừng 0,9 độ Celsius. Nguyên do vì sao thì chưa ai có thể khẳng định - nhưng tư bản là có tội! Tầm nhìn của con người có hạn, nhưng tham vọng làm thay đổi thế giới thì vô biên. Người ta đang hiện đại hóa chuyện lố bịch xa xưa, chỉ mong rằng sẽ không dẫn tới Hitler, Stalin hay Mao Trạch Đông.

Khách ngồi bên bèn kết luận, rất trí thức: “Chuyện không có gì mà ầm ĩ!” 

2 nhận xét:

  1. "Quyết định luận" mới phải không bác Nghĩa? Còn nếu nói tàn phá môi sinh thì T cộng chưa bằng VN.

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện nhiệt hoá địa cầu đều là do truyền thông và các chính trị gia bất lương đan xen 3 đến 4 chuyện lại cùng 1 lúc. Trong dữ liệu Berkeley Earth thì dựa trên nhiệt độ của địa cầu trong vòng trên 200 năm, để chứng minh nhiệt độ địa cầu tăng lên theo thời gian. Nhiều nhà khoa học có uy tín thì bằng lòng với kết quả này, nhưng không thể chứng minh sự nhiệt hoá địa cầu là do tự nhiên hay là do con người. Và 1 vấn đề không thể đưa ra kết luận hay được chứng minh chính là những sự kiện như tần suất khí hầu khắc nghiệt ( như bão, giông tố, lũ lụt) xuất hiện nhiều hơn ỡ 1 số nơi không có sự liên quan đến sự nóng lên toàn cầu.
    Nhưng chính trị gia và báo chí rất thích đan xen mọi vấn đề lại với nhau để tạo thành tin nóng hổi sai sự thật.

    Trả lờiXóa