Thứ Tư, tháng 1 30, 2013

Pháp Quyền và Thịnh Vượng

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 130130
Diễn Đàn Kinh Tế


Pháp quyền lệch lạc làm dân thêm nghèo và chỉ nuôi tham nhũng



* AFP photo - Tòa nhà Empire State, New York. Ảnh minh họa*

Qua ba chương trình liên tiếp, mục Diễn đàn Kinh tế đã tìm hiểu vì sao các nước trên thế giới từng có lúc gặp cảnh nghèo khổ rồi phát triển mạnh về kinh tế, mà cũng có lúc từ sự phồn thịnh lại tụt vào tình trạng nghèo đói.Vũ Hoàng đi vào phần kết với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do, về những quy luật của sự giàu nghèo.



Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Khởi đi từ chương trình đầu tiên của năm 2013, khi đề cập về quy luật của sự giàu nghèo giữa các quốc gia, chúng ta đã lần lượt tìm hiểu nhiều khía cạnh khác biệt về sự thịnh vượng, nào là địa dư hình thể và tài nguyên thiên nhiên, nào là dân số rồi dân trí, và cả văn hóa lẫn di dân, v.v....

Qua các chương trình này, chúng tôi nghiệm thấy một số yếu tố đáng chú ý là cách đo đếm về thống kê để so sánh sự giàu nghèo của các nước qua nhiều thời kỳ khác nhau, rồi có một số quốc gia tương đối khá giàu rồi lại bị tụt hậu trong nhiều thế kỷ, như trường hợp Trung Quốc. Có quốc gia như Nhật Bản thật ra còn nghèo và ít tài nguyên mà lại vươn lên rất nhanh thành một nền kinh tế thịnh vượng và tiên tiến. Vì sao lại như vậy?

Thưa ông, khi kiểm lại thì ta thấy quốc gia nào trên mặt địa cầu đều đã từng là một nước nghèo, chẳng khác gì các nước mà ngày nay ta gọi là chậm tiến hay chưa phát triển, thế rồi họ lại thành trù phú phồn thịnh. Như vậy, vấn đề đáng chú ý và tìm hiểu ở đây không phải là sự nghèo khốn mà là sự thịnh vượng. Ta sẽ đi vào phần kết để tìm ra cái gì đã tạo ra sự thịnh vượng đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì đây là một đề tài bao quát nên ta sẽ tập trung dần vào các yếu tố then chốt như khi tìm một cái đòn bẩy rồi suy tính về điểm tựa và điểm động để hiểu ra quy luật vận hành của sự phồn thịnh. Tôi xin tạm lấy một thời điểm làm cơ sở suy tư vì có thể đánh dấu thời kỳ sau này ta gọi là Hiện đại. Đó là năm 1789, khi Pháp và Mỹ có cuộc cách mạng làm thay đổi vận mệnh quốc gia. Đó cũng là năm của chiến thắng Đống Đa khi Quang Trung Hoàng đế đại thắng trong có năm ngày một lực lượng xâm lăng đông đảo gấp bội của nhà Mãn Thanh.

- Chiến thắng Đống Đa năm 1789 là hình thái chiến tranh cổ điển giữa hai nước và có nhiều nguyên nhân sâu xa dù Việt Nam khi đó chưa thống nhất. Trước đấy, vào thời nội chiến Trịnh Nguyễn rồi giữa nhà Nguyễn với Tây Sơn, Việt Nam đã tiếp xúc với các nước Tây phương và nói chung thì chẳng thua kém gì nhiều. Nhưng so với Âu Châu Việt Nam lại tụt hậu sau khi thống nhất nên đúng 70 năm sau trận Đống Đa thì không cưỡng nổi sức ép của Pháp khi họ tấn công Việt Nam và bắn đại bác vào Đà Nẵng năm 1859. Cái gì đã xảy ra là điều ta nên tìm hiểu...

- Năm 1789 cũng là khi nền quân chủ Pháp bị khủng hoảng về nhiều mặt. Cái nhân có thể là tôn giáo hay chính trị, nhưng cái duyên, hay yếu tố châm ngòi cho một chuỗi biến động sau đó, lại là kinh tế khi công khố kiệt quệ nên triều đình phải triệu tập hội nghị có sự hiện diện của một đẳng cấp mới, Đệ tam Đẳng cấp, là đại diện cho sức mạnh kinh tế và thực tế tài trợ cho công cuộc phát triển quốc gia. Chính là hội nghị này mới làm tan rã chế độ quân chủ và mở ra cuộc cách mạng. Bảy chục năm sau, nước Pháp bị kiệt quệ ấy đã khuất phục được nước ta.

- Nói ra thì kỳ chứ cuộc Cách mạng Độc lập của Mỹ khởi đi từ một chuyện nhỏ mà có ý nghĩa và hậu quả lớn lao. Chuyện nhỏ vì chỉ là vấn đề thuế khóa của các thuộc địa Anh. Mà hậu quả lớn lao là khi đã đóng thuế, tức là góp phần xây dựng quốc gia, thì người ta có quyền tham gia vào tiến trình quyết định về chính trị, nghĩa là đổi lại luật chơi và xây dựng nền tảng pháp chế khác.
  

Chuyện Việt Nam  


000_Hkg8093802-250.jpgThủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (P) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tham dự phiên khai mạc cuộc họp Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 12 năm 2012. AFP photo   


Vũ Hoàng: Ông hay có lối trình bày lung khởi về bối cảnh rồi tập trung vào chuyện then chốt nhất. Trong ba thí dụ vừa nhắc lại cho thính giả, ông nhấn mạnh đến cái quyền được đại diện để tham gia vào tiến trình quyết định và từ đó xây dựng nền tảng pháp chế khác. Đấy là tiến trình mà sau này chúng ta gọi là dân chủ. Nhưng trường hợp của Việt Nam thì sao?  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngày nay, chúng ta đều có thể hiểu rằng kinh tế chính là sự chọn lựa. Mà cái quyền chọn lựa giải pháp có lợi nhất cũng là một động lực của thịnh vượng và phát triển.

- Đàng Trong của nước Nam trong thời Nội chiến Nam Bắc là nơi mà người ta đã có quyền tự do tương đối trong sự chọn lựa nên thật sự đã trở thành một nước thịnh vượng của Đông Nam Á. Nhưng khi nước Nam thống nhất từ thời Gia Long thì ta lại trở về trật tự cũ trên cả nước, lại theo mẫu mực tù túng lạc hậu của nhà Thanh, nên triều đình quyết định tất cả trong sự hỗn loạn và bất mãn chung của xã hội ở dưới, để rồi xứ sở kiệt quệ dần cho đến khi bị nước Pháp khuất phục. Kỹ thuật chiến tranh, hay đại bác và pháo hạm không giải thích được tất cả. Chính là sự lạc hậu tù túng mới khiến xứ sở không thể canh tân và nâng cao được dân trí và mở ra nhiều chọn lựa khác.

- Khi kiểm lại chuyện Âu-Mỹ-Á từ thời Hiện đại, sau khi nhớ đến sự thăng trầm thịnh suy của các nước, ta thấy ra một yếu tố quyết định then chốt nhất trong tiến trình làm cho quốc gia trở thành thịnh vượng. Đó là nền tảng pháp lý hay luật lệ pháp chế.

Vũ Hoàng: Chúng ta tiến dần vào điểm then chốt mà ông gọi là pháp chế. Thưa ông, nó thể hiện như thế nào trong thực tế kinh tế?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chiến tranh hay loạn lạc hoặc tình trạng vô luật pháp tại vùng núi non hiểm trở là những trở ngại cho sinh hoạt kinh tế. Cho nên tối thiểu thì kinh tế cần đến sự ổn định và một nền tảng pháp quyền chung cho mọi người ở mọi nơi mà không quá tốn kém khi áp dụng.

- Các chế độ độc tài có thể bảo đảm được sự ổn định ấy bằng một hệ thống luật lệ hà khắc và một bộ máy cưỡng hành to lớn cồng kềnh. Liên bang Xô viết đã có sự ổn định tốn kém này trên một lãnh thổ có nhiều tài nguyên, cho nên nếu so sánh với thời đại của các Sa hoàng của họ, thì nước Nga có thể giàu hơn trước. Nhưng so với Âu Châu thì vẫn là một xứ nghèo đói và 70 năm sau thì kinh tế tự sụp đổ dưới sức nặng của hệ thống kiểm soát và bộ máy sản xuất kiệt quệ vì chế độ tập trung quản lý, tức là một chế độ triệt tiêu cái quyền chọn lựa kinh tế của người dân.
Chính là sự lạc hậu tù túng mới khiến xứ sở không thể canh tân và nâng cao được dân trí và mở ra nhiều chọn lựa khác. Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Cứ như vậy thì ta tiến dần đến trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam khi nói đến yêu cầu ổn định bằng luật lệ và yêu cầu phát triển bằng chế độ pháp quyền. Thưa ông, có phải là kinh tế hai xứ này đã thịnh vượng hơn trước là nhờ có hệ thống luật lệ thông thoáng hơn chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng hai quốc gia này có thịnh vượng hơn khi so với chính mình trong quá khứ. Chứ so với các nước khác thì vẫn còn rất nghèo mà lại không có tương lai vì chính hệ thống pháp quyền của họ. Tôi xin được lần lượt giải thích.

- Chúng ta đều biết kinh tế chỉ tăng trưởng và tạo ra của cải khi có sự ổn định, không bị chiến tranh. Nhưng hệ thống luật lệ và chế độ pháp quyền của hai xứ ấy có thể giúp người dân khỏi chết đói chứ không thể làm quốc gia phú cường được vì bản chất thiên lệch của nó. Chế độ pháp quyền này có mục tiêu ưu tiên là đảm bảo quyền lực đảng hơn là bảo vệ pháp quyền nhà nước, nôm na là đảng vẫn cao hơn nhà nước, như được ghi trong hiến pháp lạc hậu của họ.

- Thuần về kinh tế thì hậu quả của chế độ pháp quyền có kỳ thị đó là những gì? Trước hết, nó gây tốn kém vì nhiều lãng phí trong chọn lựa, tức là phải tốn nhiều công sức hơn xứ khác để tạo thêm một sản phẩm. Mà đằng sau những thống kê về sản lượng hay lợi tức bình quân thì tốn sức của ai và để cho ai hưởng? Câu hỏi đó cho thấy là ngoài sự tốn kém hay phản kinh tế lại còn có sự bất công vì đào sâu khoảng cách giàu nghèo trong sự tăng trưởng. Vừa rồi, chính lãnh đạo Trung Quốc đã xác nhận chuyện bất công này khi công bố chỉ số Gini, là khác biệt đào sâu giữa các nhóm ngũ phân hay 20% giàu nhất và nghèo nhất trong xã hội.

- Thứ ba là chế độ pháp quyền này dung dưỡng nạn tham nhũng vì tạo ra cơ hội trục lợi bất chính của những kẻ nằm trong, hoặc có quan hệ với, hệ thống quyết định kinh tế. Tham nhũng cũng là một biểu hiện của bất công vì không có tiền đút lót là không có cơ hội làm giàu, nên cơ hội làm giàu chỉ dành cho một thiểu số. Một quốc gia không thể phát triển và người dân không có được sự thịnh vượng khi mà chế độ pháp quyền lệch lạc lại thực tế định chế hóa hành vi tham nhũng. Mà chưa hết....


Nạn tham nhũng


Vũ Hoàng: Ông vừa đưa ra một số phê phán nghiêm khắc mà chính xác về những nhược điểm nay đã được công khai hóa về chế độ pháp quyền của Trung Quốc và Việt Nam. Như sự tốn kém rất nhiều công sức đầu tư để tạo thêm một sản phẩm qua hệ số người ta gọi là ICOR, hoặc những bất công xã hội và sự xuất hiện của một tầng lớp tư bản đỏ các đại gia hay Thái tử đảng sống phè phỡn trên sự lầm than còn quá lớn của xã hội. Hoặc như nạn tham nhũng mà ông gọi là được định chế hóa. Vậy mà ông còn nói là chưa hết! Chế độ này còn nhược điểm nào khác?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng sự thiên lệch và mờ ám của nó còn tác động vào chính sách kinh tế để bảo vệ quyền lợi cho một khu vực hay thành phần kinh tế và mặc nhiên gây thiệt hại cho đa số còn lại. Quốc gia không thể thịnh vượng, người dân không thể giàu có và chế độ này không có tương lai chính là vì lý do đó.

- Các tập đoàn kinh tế nhà nước tại Trung Quốc và Việt Nam là những thí dụ mà ai cũng biết. Chế độ kiểm soát ngoại hối của Trung Quốc hoặc kế hoạch cấp cứu khu vực bất động sản bị nạn bong bóng đầu cơ tại Việt Nam là loại thí dụ khác. Cứu những ai và bỏ những ai và với tài nguyên công quỹ bị mắc nợ đến chừng nào là loại vấn đề về chính sách. Đằng sau các thống kê mờ ám, nó cho thấy tình trạng thiếu bình đẳng và minh bạch của chế độ pháp quyền lệch lạc.

Tình trạng cướp đất hay bồi thường không thỏa đáng khi giải phóng mặt bằng cho cái gọi là công nghiệp hóa và đô thị hóa là biểu hiện khó chấp nhận được của cả hai chế độ tự xưng là "xã hội chủ nghĩa". Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Căn bản nhất, chế độ ấy vẫn chưa xác định và bảo vệ quyền tư hữu, cụ thể là quyền tư hữu một phương tiện sản xuất cần thiết là đất đai. Tình trạng cướp đất hay bồi thường không thỏa đáng khi giải phóng mặt bằng cho cái gọi là công nghiệp hóa và đô thị hóa là biểu hiện khó chấp nhận được của cả hai chế độ tự xưng là "xã hội chủ nghĩa".

 - Thực chất thì đấy là chủ nghĩa tư bản hoang dại và vô pháp trong khi các nước theo tư bản chủ nghĩa đều trước tiên xây dựng pháp quyền nhà nước và bảo vệ quyền tư hữu để mọi người có thể kinh doanh và làm giàu nhờ sự hợp tác trong tinh thần tin cậy lẫn nhau. Nếu chỉ tin nhau trong một phạm vi rất nhỏ hẹp của gia đình và thân tộc thì làm sao có thể thịnh vượng khi cần làm ăn với thế giới bên ngoài? Có thể là kỳ sau mình sẽ kết thúc loạt bài này bằng cái quyền chọn lựa, trước mình khi ăn Tết và chúc nhau an khang thịnh vượng.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa và xin hẹn quý thính giả kỳ sau.  

Thứ Ba, tháng 1 29, 2013

Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên

Quỳnh Giao - Việt Báo Ngày 130129 

Phạm Duy yêu đời, yêu người mà viết rất hay về cái chết, biểu hiện của một trí tuệ cao


 * James Durst, nhạc sĩ country nổi tiếng của Mỹ, bên Phạm Duy. Từ Hoa Kỳ ông bay sang Việt Nam chỉ để dự sinh nhật thứ 91 của Phạm Duy, ngày năm Tháng 10 năm 2011. Ảnh Phong Quang, trên trang web của James Durst. *


Nhạc sĩ Phạm Duy vừa từ trần ngày 27/01/2013 tại Sài Gòn, thọ 93 tuổi, để lại hơn một ngàn tác phẩm âm nhạc được nhạc sĩ Trần Quang Hải từ Paris ca ngợi là mẫu mực của thế hệ những người sáng tác nhạc hiện nay. Bài sau đây của ca sĩ Quỳnh Giao viết cho Văn Học trong dịp mừng sinh nhật thứ 75 của Phạm Duy. Việt Báo 

***  


Tờ Văn Học số mới ra có loan một tin nhỏ làm Quỳnh Giao thấy buồn thấm thía: tháng Bảy vừa qua cuốn "Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay" của Tạ Tỵ đã được tái bản trong nước, nhưng có chương viết về Phạm Duy lại bị bỏ hẳn ra ngoài sách. Trước khi in sách này và xoá chương kia, những người xuất bản chắc cũng đọc khá kỹ và đắn đo khá nhiều. Vậy mà sau cùng cuốn sách vẫn bị thu hồi...  

Tôi thấy tội nghiệp cho những người đã cố xoá tên Phạm Duy trong ký ức chung của dân chúng. Ở ngoài này, mình không phải làm những việc khổ tâm đó. Chúng ta vẫn nghe, vẫn hát và vẫn yêu thích những tác phẩm có giá trị của Văn Cao hay Tô Vũ, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, hay Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu...

Những cảm nghĩ mông lung về âm nhạc, về thời thế, về người nghệ sĩ và lòng tri ân của giới thưởng ngoạn đã khiến Quỳnh Giao trở về với bài viết đầu tiên của mình trên Văn Học, cách đây đúng 10 năm, bài viết về Phạm Duy, nhân dịp sinh nhật 65 của ông. Thấm thoát vậy mà đã 10 năm, nghĩ đến Phạm Duy và tuổi hạc của ông, tôi thấy lòng chùng xuống....

Phạm Duy viết nhạc cho mọi người, mọi thời, ở vào nhiều cảnh ngộ khác nhau. Hơn nửa thế kỷ viết nhạc trong một giai đoạn nhiễu nhương nhất của đất nước, hình như ông đã có mặt ở mọi nơi và mở rộng lòng mình đón nhận những cảm xúc hay bi thương của chúng ta để ghi lại thành thơ, thành nhạc, thành "ngàn lời ca" như ông nói, cho chúng ta hát và nghe. Nửa thế kỷ đó mà không có Phạm Duy, tân nhạc Việt Nam đã không phát triển như ngày hôm nay. Yêu thích ông hay không là tùy mỗi người, chứ trên những nẻo đường âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ này mà chối bỏ Phạm Duy thì cũng như men theo ngõ ngách để tránh núi, rồi cũng đâm vào núi thôi. Nhại lời Jean Paul Sartre, bạn tôi nói Phạm Duy là incontournable!

Đó cũng là nhận xét của những người nghe nhạc, mà chúng ta... đông lắm ! Cái ký ức tập thể này khó có thể xóa được ngày nào còn có người nghe và hát nhạc Việt trên mặt địa cầu.

Quỳnh Giao nhớ đến một cuốn phim đã xưa về cuộc đời của Rimsky Korsakov, nhà soạn nhạc người Nga ở cuối thế kỷ trước. Truyện phim được hư cấu khá nhiều nhưng không vì vậy mà kém thú vị. Thú vị nhất là một đoạn đối thoại giữa anh lính thủy Korsakov và thượng cấp. Anh ta gân cổ tranh luận rằng mình sẽ làm nước Nga nổi danh hoàn vũ, còn hơn những chiến công của các bậc vương tôn khanh tướng. Rằng anh sẽ bỏ mộng hải hồ và nhung y để làm cái việc động trời đó. Rằng anh sẽ viết nhạc, sẽ thành nhà soạn nhạc. Đó là cống hiến của anh cho tổ quốc và dân tộc Nga. Tôi nghĩ rằng từ bài Cành Hoa Trắng để giã từ kháng chiến năm 1950, Phạm Duy đã tiếp tục cống hiến cho chúng ta nhiều điều cao đẹp khác mà không phải là máu xương đồng loại.

Quỳnh Giao xin gửi cảm nghĩ trên tới ông, nhân dịp sinh nhật thứ 75 của Phạm Duy, ngày 5 tháng 10 tới.

Là người trình bày các ca khúc, Quỳnh Giao may mắn được học nhạc và đi hát từ khi còn ở cái tuổi "mê trời mây tía, không nghe mẹ gọi về", và được gặp hầu hết những nhạc sĩ tài hoa của chúng ta trong mấy chục năm liền. Vì còn bé và bé nhất trong đài phát thanh, tôi gọi các "đồng nghiệp" bằng cô, chú, ngoại trừ có chị Mai Hương, và tôi cũng được nuông chiều nhất. Được hát cùng các nhạc sĩ Vũ Thành, Phạm Đình Chương, hay Phạm Duy, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Hoàng Trọng, Ngọc Bích, Nguyễn Hiền, Đan Thọ, v.v... tới nay tình cảm của tôi với những nghệ sĩ lão thành trên vẫn nguyên vẹn. Người khó tính nhất và tôi kính trọng nhất nay đã mất, chính là Vũ Thành.

Người dễ tính nhất và cũng được nhiều người nói tới nhất, chính là Phạm Duy.

Hát nhạc Vũ Thành - hay bất cứ ai khác - mà sai từ lời ca tới âm điệu hay cách ngân, cách láy, cách ngắt nhịp, là khổ với nhạc trưởng Vũ Thành. Trong đài phát thanh, ai cũng phải nể sợ ông và các ca nhạc sĩ ít khi lơ là bê trễ trong tập dượt. Ngược lại, Phạm Duy rất xuề xoà dễ tính, ông không mấy phật ý khi có người hát sai điều ông viết, nhiều người uốn và vuốt tới méo cả lời ca. Ông chỉ cho rằng họ chưa hiểu điều ông viết mà thôi. Tôi rất cảm động khi có lần ông tâm sự, rằng có người hát nhạc của mình thì cũng đủ vui rồi. Ở một ai khác, có ít tác phẩm hoặc chưa nổi tiếng, điều này có thể thông cảm được. Ở Phạm Duy, đây là điểm thật đáng quý, đáng yêu, nhất là khi ông lại rất khó tính với chính mình.

Phạm Duy ở ngoài đời, theo cảm nghĩ của tôi, là người hiểu biết sâu sắc, nói chuyện có duyên và ân cần nhất trong xử thế mà cũng chuyên nghiệp và chu đáo trong địa hạt âm nhạc của ông. Có một lần, lâu lắm rồi, tôi còn nhớ ông thuyết trình hai giờ liền bằng Pháp ngữ trong Trung Tâm Văn Hoá Pháp tại Sàigòn, khiến cử tọa thán phục vì sự uyên bác và tài hùng biện của ông.

Sau này trong đời lưu vong và bao lần dừng chân tại miền Đông Hoa Kỳ, ông không dựa vào tình cảm của bạn hữu hay người thưởng ngoạn rất đông bên đó mà khệnh khạng phiền hà bất cứ ai trong mọi việc di chuyển hay ăn uống của mình. Ông dậy sớm, mở bản đồ tìm lấy xe buýt đi lo việc riêng và ngăn nắp trong từng việc nhỏ để khỏi làm rộn người khác. Chiều xuống, ông về rất đúng hẹn và cũng lặng lẽ tự lo lấy cho mình, để đi tiếp nơi khác.

Phạm Duy viết nhạc như trời biển, ăn nói bạt mạng như cuồng sĩ và đam mê như mãi mãi thanh xuân, điều đó ai cũng biết và Quỳnh Giao cũng nghe nói tới. Nhưng ít ai ngờ là bên trong, ông sống ngăn nắp và chu đáo như một kế toán viên cần cù. Giờ đây, khi Phạm Duy học điện toán và sử dụng multimedia để giới thiệu và lưu trữ những tác phẩm âm nhạc của đất nước, tôi không ngạc nhiên. Phạm Duy đi rất nhiều, sống rất nhiều, nhưng luôn tự lo liệu cho mình và học hỏi không ngừng.

Mấy lần tôi đi thu nhạc với Duy Cường, ông cuốc bộ từ nhà tới phòng thâu Tomlinson chờ nghe. Ông lặng thinh một góc để khỏi phiền cậu con khó tính trong cách hoà âm và khó tính cả với ông bố to như trái núi. Không có chỗ ngồi thì ông ngả lưng trên thảm, nghe thu âm mà không hề "xen lấn nội bộ". Cho tới khi xong ông mới có một vài câu phê, thường thì chắc nịch và đúng phóc. Nghe Quỳnh Giao hát Nương Chiều lần mới đây, ông nói một câu làm ta phải giật mình. "Mãi tới nay mới có người hát đúng đoạn staccato đó của chú". Rồi cùng Duy Minh lững thững ra về...

Cái vẻ thơ thới của Phạm Duy khi nghe nhạc làm mình hiểu vì sao ông viết hay.

Phạm Duy trân quý âm nhạc hơn là ta có thể mường tượng ra. Quỳnh Giao để ý thấy rằng khi nghe nhạc, bao nhiêu sự tinh quái hay cuồng loạn của ông như tan biến cả, ông hồn nhiên như trẻ thơ. Tôi cũng nghiệm thấy rằng những người sống nhiều, khi luống tuổi thường có dáng chững chạc đáng kính khác hẳn cái nếp cuồng nhiệt sôi động thời trước. Phạm Duy không vậy, ông trẻ lại và vẫn trẻ mãi, có lẽ vì âm nhạc và nhờ âm nhạc. Mối tình của ông với âm nhạc là một đam mê lớn lao nhất.

Dăm eo sèo nhân thế,
Chưa phai lòng say mê,
Với đôi ba lần gian dối
Đời vẫn ban cho ngọt bùi!


Lời "tự thú" của Phạm Duy trong bài Tạ Ơn Đời, nếu có hát thành "nhạc vẫn ban cho ngọt bùi" vẫn là hoàn toàn đúng.

Viết về nhạc Phạm Duy thì đã có nhiều người, và sẽ còn có nhiều người. Chúng ta chịu ơn Phạm Duy rất nhiều trong cuộc sống thường nhật khi muốn tìm tới những điều cao đẹp nhờ âm nhạc. Tôi chỉ xin ghi lại đây cảm nghĩ của những người đầu tiên chịu ơn ông, đó là những người hát nhạc Phạm Duy (một cách chuyên nghiệp, chứ ai trong chúng ta không có lúc hát Phạm Duy?). Là một ca sĩ trình bày các ca khúc của đất nước từ nhiều thập niên, tôi cho rằng Phạm Duy là người khai phá đích thực, trong ý nghĩa là từ khi có ông xuất hiện trong từng thể loại hoặc từng đề tài, tân nhạc Việt Nam đã có đổi khác. Sau Phạm Duy, người ta không viết như trước nữa.

Tôi muốn riêng nhắc tới thể loại dân ca và đề tài tình yêu trong nhạc Phạm Duy.

Đối với các ca sĩ, nhạc Phạm Duy bắt đầu chinh phục người nghe là từ những bài dân ca và những bài ca lên đường vào thời đó. Công lao và sự khai phá đầu tiên của Phạm Duy là dân ca và nỗi hứng khởi ban đầu cho việc mở đường đó chính là kháng chiến ca. Những bản hùng ca đầu tiên của ông dễ hát và dễ hợp ca nhờ những nhịp mạnh rải thật đều và nhờ lời ca lôi cuốn vì gợi lên nhiều hình ảnh bi tráng lẫm liệt. Mặt kia, những bản dân ca cải biến có lời nên thơ và dễ nhớ vì khởi đi từ lục bát hay lục bát biến thể quen thuộc và vì nhạc có những nốt láy dễ hát thật tự nhiên. Phạm Duy dùng kỹ thuật chuyển hệ để mở rộng âm giai ngũ cung nguyên thủy của dân ca và, khi tân nhạc đang ở vào thời dọ dẫm tìm kiếm, ông đưa lối nhạc cải cách đó về với kho tàng phong phú của dân ca cổ điển. Ông nối liền truyền thống với hiện đại, thôn quê tới thị thành, nhờ những ca khúc đầu tiên của ông, sáng tác cách đây hơn 50 năm.

Phạm Duy đã đi vào cõi nhạc không ký âm của dân tộc và đem dân ca ra khỏi thôn quê truyền đi khắp nước, đồng thời đưa nhạc cải cách từ thành phố về tới thôn quê.

Từ Phạm Duy dân ca có lời có nhạc, ghi chép và truyền tụng được, giúp mọi người thấm sâu hơn những cảm xúc tình tứ lãng mạn của dân giả lầm than. Từ Phạm Duy, dân ca và kháng chiến ca đã quyện thành lời kêu gọi hùng hồn cảm động, khiến nhiều lớp người cùng đứng lên vì non sông. Những tác phẩm tiêu biểu nhất của mười mấy bài dân ca kháng chiến này là Nhớ Người Thương Binh, Mùa Đông Chiến Sĩ hoặc Tiếng Hát Trên Sông Lô ông viết trên núi rừng Việt Bắc năm 1947 và các bài Quê Nghèo, Bà Mẹ Gio Linh hay Về Miền Trung ông viết trên đoạn đường Trị Thiên vào các năm 48-49. Tình bạn của ông với Văn Cao bắt đầu từ đó.

Nhưng hơn hẳn Văn Cao đã chôn chân tại chỗ và sống với dư âm cùng nuối tiếc, Phạm Duy tiếp tục mở đường rộng lớn cho tân nhạc của chúng ta tới ngày nay. Ba trường ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt NamBầy Chim Bỏ Xứ là biểu tượng cho cuọc hành trình không ngơi nghỉ đó trong hồn nước và lòng dân của ông.

Về nhạc tình của Phạm Duy, có lẽ chúng ta cần cả một cuốn sách.

Phạm Duy viết rất nhiều tình ca. Có những bài ai cũng thuộc cũng hát được mà cũng có bài kén người hát. Thí dụ như thật giản dị thì có Đêm Xuân tương đối dễ hát, từ nốt thấp nhất là La tới cao nhất là Ré, và có bài như Đường Chiều Lá Rụng, chạy 16 nốt từ Fa dièse lên Fa dièse qua hai octaves và kén người hát ở tiêu chuẩn tối thiểu là âm vực của giọng hát, chưa nói tới những đòi hỏi khác.

Nhưng, khó nhất cho chúng ta là khi phải tuyển chọn chừng mười bản tình khúc hay nhất của ông. Quỳnh Giao thấy khó là vì mình không biết chọn bài gì, bỏ bài gì, bài nào bỏ cũng thấy tiếc! Khó hơn cả là những bài có nội dung hoà nhập giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu thiên nhiên, và những tình cảm cao thượng, kể cả sự siêu thoát của kiếp người.

Những người thích nét nhạc nhẹ nhàng êm ả và ý tứ dịu dàng có thể yêu những mối tình câm lặng ấp úng trong các bài như Cô Hái Mơ (ca khúc đầu tay của ông năm 1942, từ thơ Nguyễn Bính), Cây Đàn Bỏ Quên, Khối Tình Trương Chi, Bên Cầu Biên giới và cả bài Cành Hoa Trắng.

Những người yêu sự lãng mạn thanh cao và có giọng trong sáng thì có thể thích hát Đêm Xuân, Ngày Đó Chúng Mình, Thương Tình Ca. Nồng nàn bi thiết và ưa thích diễn tả khi hát thì ta có thể thích Tình Kỹ Nữ, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Còn Gì Nữa Đâu hay Đừng Xa Nhau, Cỏ Hồng.

Có nội dung cao cả và tình cảm thiết tha hơn, nên cũng đòi hỏi giọng hát nhiều "não tính" hơn, thì có những bài như Mộng Du, Tìm Nhau, Cho Nhau, hay cả Nghìn Trùng Xa Cách. Với những bài trên, tình yêu trong nhạc Phạm Duy như bắt đầu đi vào hướng cao thượng hơn tình yêu đôi lứa thông thường. Đồng thời, tình yêu và thiên nhiên còn hoà lẫn thần tình trong những bài mà sự rạo rực của thời tiết và lòng người như đã thành một, đó là đặc tính của Xuân Thì, Hoa Xuân, Xuân Nồng, Dạ Lai Hương. Nhạc tình của Phạm Duy có nét siêu thoát của trí tuệ khi cất lên giữa lằn ranh của tình yêu và đời sống, nỗi chết và sự phục sinh. Tôi thiển nghĩ những bài Nước Mắt Rơi hay Tạ Ơn Đời, Chiều Về Trên SôngĐường Chiều Lá Rụng kén người hát không chỉ ở kỹ thuật âm nhạc mà còn ở nội dung là vì vậy.

Nhạc tình Phạm Duy ngự trị trên một vùng rộng lớn như thế nên ai cũng có thể yêu nhạc và hát nhạc của ông, tùy từng trình độ và trạng thái tâm lý vào mỗi thời. Từ tuổi ô mai mười ba tới tuổi sinh viên tan trường về, và sau này nữa, khi lòng mình đã trầm lắng về nhân thế, thanh thản với cuộc đời, chúng ta đều tìm thấy niềm ước mơ hay kỷ niệm và sự vỗ về ở tình khúc Phạm Duy.

Điểm độc đáo nhất của Phạm Duy là ông yêu đời, yêu người mà viết rất hay về cái chết. Đó là một biểu hiện của một trí tuệ cao.

Tình yêu và cái chết, như chúng ta hay triết lý vẩn vơ, là những trạng thái chỉ mình mình biết mà khó diễn tả được cho người khác. Ở Phạm Duy, trong Lữ Hành, Mộng Du hay Đường Chiều Lá Rụng chẳng hạn, ông truyền đạt được tới chúng ta những cảm xúc lạ kỳ đó. Tôi nói tới trí tuệ hay não tính vì không tìm ra những chữ rõ ràng hơn để mô tả trạng thái hoà nhập của siêu nhiên vào trong thiên nhiên và tình cảm. Phạm Duy viết nhiều câu thần tình về trạng thái trên mà không cầu kỳ lập dị, kiểu siêu thực rẻ tiền. Chẳng hạn như yêu nhau đến chết, hay lắm, gay cấn lắm, hứa hẹn lắm. Nhưng, sau đó rồi sao?

Chiều chưa thôi trìu mến, lá chưa buông chết chìm.
Hồn ta như vụt biến, bay vờn trong đời tiên.
Lá vàng êm! Lá vàng êm!
Như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên.
Lá vàng khô! Lá vàng khô!
Như nét môi già đã nhăn chờ trên nẻo đường băng giá.

...
Còn rơi rụng nữa,
Cành khô và lá,
Thành ngôi mộ úa.
Chờ đến một trận gió mưa.
Cho rữa tình già xác sơ,
Cho biến thành nhựa sống nuôi tình thơ.


Ông viết Đường Chiều Lá Rụng năm 1958, khi chưa tới tuổi 50, và 15 năm trước một loạt các bài về nhựa sống nuôi tình thơ của tuổi mộng mơ, tuổi ô mai, tuổi mười ba. Phạm Duy rong chơi giữa cõi tử sinh và mộng mơ như người không tuổi, vì cảm xúc và trực giác hơn là vì tuổi tác. Trong nhiều ca khúc của ông, ta đều gặp trạng thái trên. Tôi tự hỏi trẻ mãi không già là vậy chăng?

Với âm nhạc và hơn 50 năm viết nhạc không ngơi nghỉ, Phạm Duy là một phần không thể xoá trong tâm hồn chúng ta. Ngày xưa, Nguyễn Du đã khống thiết tự hỏi là ba trăm năm nữa có còn ai khóc ông không. Dù chẳng muốn cường điệu tôi vẫn nghĩ rằng nghìn năm nữa dân ta vẫn không quên nhạc Phạm Duy. Cho nên mình cũng chẳng tiếc gì một chương sách bị bóc, khi âm nhạc và lời ca Phạm Duy vẫn làm ta rung động từ ngày bú mớm cho tới khi chúng ta từng người "sẽ lên đường trở về", như ông kết trong bài Lữ Hành năm 53, như một lời tiên tri tuyệt vời.

Xin mừng tuổi thơ 75 của chú Phạm Duy.

________________________________

Quỳnh Giao - Văn Học Tháng 09, 1996 - "Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên" là tên một ca khúc Phạm Duy sáng tác tại California, đúng 30 năm trước, vào năm 1983.

Di Dân Qua Ống Kính Vạn Hoa


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 130128
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Truyện Dài Di Dân Tự Vệ Trong Sự Hình Thành Của Hoa Kỳ

* Hoa Kỳ - Một quốc gia của di dân *  


Tám Nghị sĩ thuộc cả hai đảng vừa đạt một số thỏa thuận sơ khởi về kế hoạch cải tổ chế độ di trú nhằm hợp thức hóa khoảng 11 triệu di dân bất hợp pháp đang có mặt tại Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama đề nghị kế hoạch của Hành pháp, sẽ được ông công bố Thứ Ba 29 tại Las Vegas. Sau đó là trận đánh tại Hạ viện, do đảng Cộng Hoà đang kiểm soát, để từ nguyên tắc chung mà tiến tới một đạo luật cải cách có đầy chi tiết phức tạp. Vì vậy, Hồ sơ Di dân sẽ trở thành thời sự chính trị của Quốc hội khóa 113, ít ra đến mùa Thu năm nay....



Nhìn từ bên ngoài thì đâu là vấn đề của một quốc gia thành hình từ di dân?


***


Khỏi cần nói đến "người Mỹ bản địa" là di dân đầu tiên, từ thời lập quốc, Hoa Kỳ tiếp nhận nhiều đợt di dân từ nhiều nơi khác nhau. Tùy hoàn cảnh từng thời nhằm giải quyết các nhu cầu khác biệt, sự hình thành của nước Mỹ nhờ di dân có vài đặc tính bất di bất dịch - cuộc tranh luận năm 2006, 2010 hay năm nay chẳng có gì mới lạ, nếu ta không mắc bệnh quên trí nhớ.

Đầu tiên là tinh thần thực dụng của người Mỹ - con cháu di dân. Mỗi làn sóng di dân đều đáp ứng các mục tiêu kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự của một cộng đồng có lãnh thổ rộng lớn cần khai phá và bảo vệ. Đằng sau giá trị tinh thần có tính chất lý tưởng, là đất tạm dung của người khốn cùng ở tứ xứ, các đợt di dân này có chức năng nhất thời và nhất định để tạo thành nước Mỹ đa nguyên, đa năng và cả đa văn hóa ngày nay.

Thí dụ là các làn sóng di dân gốc Việt sau năm 1975 đã đáp ứng nhiều nhu cầu của nước Mỹ, kể cả sẽ cạnh tranh với thành phần người Hoa có sự chung thủy đáng ngại với chế độ Bắc Kinh!

Đặc tính thứ hai là những va chạm trong tiến trình hội nhập mới cũ.

Mỗi đợt di dân mới lại gây phản ứng "chua ngọt" nơi lớp dân định cư từ trước. Tùy nơi tùy lúc, kẻ đến sau được người tới trước cho là nguồn nhân lực cần thiết giải quyết nhu cầu phát triển của họ. Đó là vị ngọt của di dân. Nhưng người đến sau cũng là kẻ xa lạ có thể làm biến chất những gì mà người đi trước đã xây dựng được. Do đó, di dân thường xuyên là chuyện lợi hại!

Người Mỹ gốc Anh từng coi di dân gốc Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan (Scots-Irish) là bọn du thủ du thực nhưng là tay phiêu lưu cần thiết để mở mang "Đàng Trong" của họ. Sau đó, cả hai đều nghi đám dân nghèo hèn từ Đông Âu và Nam Âu, nhiều người còn theo đạo Công giáo nữa chứ! Rồi cả ba đều ngại đám da vàng mắt híp đưa từ Á Châu qua để làm đường rầy và giặt ủi....

Đã vậy, từ bản chất thâm sâu lâu dài của chuyện di dân đến ấn tượng tất nhiên hời hợt của đa số, nhiều người có định nghĩa khác về chữ "di dân".

Di dân là dân không có quốc tịch Mỹ từ nơi khác đến sống hợp pháp trên lãnh thổ Hoa Kỳ để sẽ thành công dân Mỹ. Nhưng di dân cũng có thể là nhóm người khác biệt về xã hội và ngôn ngữ vào đất Mỹ hợp pháp hay không. Nếu đặt sự khác biệt về hai định nghĩa ấy vào một nồi nấu có vị chua ngọt rất khó nêm nếm, ta dễ tranh luận và tạo ra đề mục dễ khai thác trên chính trường. Làm dân chúng bị loạn thị.

Nhưng di dân còn có nhiều góc cạnh nảy lửa khác.

Đại đa số là lớp người đã tự nguyện vượt nhiều chướng ngại từ Âu Châu, rồi Á Châu hay Nam Mỹ để vào Hoa Kỳ thành người Mỹ. Nhưng một thiểu số là người bị cưỡng bách từ Phi Châu vào đất Mỹ như dân nô lệ cho kẻ đến trước từ Âu Châu. Con cháu họ không quên điều ấy và ngày nay vẫn muốn được đền bù. Nhưng thuần về quyền lợi, họ không mấy vui khi thấy di dân bất hợp pháp từ Trung Nam Mỹ cũng đòi được nâng đỡ, dù cả hai thành phần đều thuộc diện da màu và có hoàn cảnh hẩm hiu như nhau.

Một góc cạnh nảy lửa khác là người đến trước có thể bị kẻ đến sau khuất phục bằng võ lực và chịu phận thiểu số sống bên lề lãnh thổ nguyên thủy của họ. Đó là hoàn cảnh của dân "da đỏ", vốn đã từng tranh giành đất sống với nhau trước khi bị dân da trắng chế ngự. Nhiều người gốc Mễ (Mexico) cũng có cảm nghĩ đó. 


Dân gốc Mễ biểu tình: nếu quý vị nghĩ tôi là 'bất hợp pháp" thì xin học lại lịch sử, vì tôi đang ở trên đất của tổ quốc tôi!

Họ cho rằng miền Tây Nam Hoa Kỳ là lãnh thổ xa xưa của họ bị dân da trắng thôn tính: họ là nạn nhân của di dân từ nơi khác đến! Cảm nghĩ ấy khiến nhiều người giương cờ Mễ trong cuộc biểu tình năm 2007 để đòi hợp thức hóa di dân bất hợp pháp từ đất Mễ. Giăng cờ Mễ để đòi thành dân Mỹ là chuyện khó hiểu mà bị suy diễn là đòi biến biên vực Tây Nam của Hoa Kỳ thành lãnh thổ Mexico theo lối "châu về Hợp Phố"....

Nói cho gần gũi: nếu dân thiểu số vùng thượng du miền Bắc nước Việt mà đòi thành dân Tầu của Quý Châu, Vân Nam hay Lưỡng Quảng thì Hà Nội có loạn! Hoặc một số người Việt gốc Miên, dân Khmer Krom, đòi lại An Giang Châu Đốc hay cả Lục tỉnh vì là Thủy Chân Lạp ngày xưa, Việt Nam sẽ nghĩ sao?

Cho nên những khía cạnh quá phức tạp của một hồ sơ được dân Mỹ gọi chung là "di dân" khiến người ta khó tìm ra giải pháp. Nhất là nếu không phân biệt vấn đề di dân hợp pháp và cần thiết với riêng hoàn cảnh của di dân bất hợp pháp từ một quốc gia láng giềng là Mexico.

Thất bại năm qua của đảng Cộng Hoà, một đảng từ nguyên thủy có tinh thần đa nguyên và giải trừ chế độ nô lệ, đã khai thông được một ách tắc mà Tổng thống George W. Bush không vượt nổi khi dự luật cải tổ của ông năm 2006 bị Thượng viện bác bỏ vì thiếu lá phiếu Cộng Hoà để đủ đa số 60 trên 100. Nhưng ngày nay khi đảng Cộng Hoà lại tập trung vào yếu tố Mễ - và lá phiếu cử tri gốc Latino vẫn thiên về đảng trước năm 1987 - người ta có thể sẽ lại lẫn lộn chuyện cục bộ nhất thời với nhu cầu lâu dài của nước Mỹ....


***


Nhiều người cho rằng nếu quá nhiều miệng ăn trên cùng một dải đất thì người đang ăn bị thiệt vì bị kẻ đến sau cướp mất cả khạp gạo lẫn việc làm. Nhưng đấy là lối nghĩ tiêu cực của dân Âu-Á theo kiểu "hơn bù kém" trên một kho tài nguyên có hạn. Hoa Kỳ là ngoại lệ!

Không kể đất Alaska buốt giá mênh mông, Hoa Kỳ có mật độ dân số thưa thớt trên một lãnh thổ phì nhiêu bát ngát: chừng 35 mạng trên một cây số vuông so với 140 người tại Trung Quốc, 340 người tại Nhật, 255 người tại Anh hay 230 người tại Đức. Mỹ có thể nuôi sống một tỷ người, gấp ba hiện tại mà vẫn giàu hơn Trung Quốc. Và nếu có mật độ bằng nước Anh thì Hoa Kỳ có thể có hai tỷ dân!

Dân số Mỹ lại trẻ nhất trong các nước công nghiệp hóa, tuổi trung vị (phân nửa già hơn và phân nửa trẻ hơn) khoảng 37 nên không bị lão hóa như các nước kia. Đấy là nhờ di dân, thành phần có dân số trẻ (trung vị khoảng 21 tuổi) vì là trẻ mới dám qua xứ khác lập nghiệp. Trong số này, trẻ hơn cả là dân nhập lậu từ Mễ, 17 tuổi! Như vậy, trung bình thì di dân còn có 40 năm sản xuất và đóng thuế cho nước Mỹ, nên là nét cộng chứ không phải dấu trừ.

Cho nên, trong khi các chính trị gia đang xào bài ba lá để mà mắt cử tri, ta nên nhìn ra vòng tròn ba góc của hồ sơ di dân: 

Thứ nhất là di dân từ các khu vực khác trên thế giới nên được dễ dàng nhập cư vào Mỹ, một cách chính thức. Thứ hai, di dân từ Mễ vào nên được khuyến khích và hội nhập tại các vùng đất không thuộc lãnh thổ cũ của Mexico, và chấp nhận thành người Mỹ trọn vẹn. Thứ ba mới là tuần tự kiểm tra để hợp thức hóa những người ngụ cư phi pháp mà không khuyến khích thêm nạn di dân lậu.

___________________


"Chỉ Có Tại Nước Mỹ": Vì nội dung nhức đầu, từ nay mục "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" sẽ có "mưỡi hậu" trăm chữ về chuyện chỉ có tại nước Mỹ, để mua vui cũng được một vài phút giây:

Quán nước "I Love Drilling Juice & Smoothie Bar" tại Vernal của Utah vừa đòi khách hàng nào tự xưng là thiên tả phải trả thêm một đồng khi mua hàng. Chủ tiệm là George Burnett giải thích mục đích là để cảnh báo nguy cơ khủng hoảng ngân sách của Hoa Kỳ mà ông ta cho là thuộc trách nhiệm của cánh tả. Khó tin mà có thật.



Chủ Nhật, tháng 1 27, 2013

Phạm Duy Còn Đó Niềm Vui

Quỳnh Giao - Việt Báo Xuân Nhâm Thìn 2012

Phạm Duy giữ riêng mối thâm giao với nghệ thuật và cười với sóng gió

 
 * Phạm Duy 91 tuổi, trên trang web của nhạc sĩ James Durst (ảnh Phong Quang)


Vào dịp cuối năm, khi đèn đuốc Giáng Sinh lấp lánh đón mừng năm mới trong tiếng thánh ca, mà Tết Nguyên Đán năm nay lại đến khá sớm, chúng ta có cảm giác như bị thời gian xô đẩy tới chốn lạ, nơi mà cái mới cùng chen chân với cái cũ.

Cảm giác vừa bồi hồi với những gì đã qua đi và sẽ mất luôn, lại vừa háo hức với hy vọng của ngày mới khiến mình rất dễ tìm lại tuổi ấu thơ. Đấy là cái tuổi mà con trẻ phải đi ngủ sớm vì mai sẽ có tấm áo mới, nhưng vẫn luyến tiếc những nhộn nhịp của ánh đèn giao thừa và tiếng pháo đì đùng nên chưa chịu chui vào màn. Chỉ sợ là sẽ lại hụt mất một chuyện gì vui lắm!....

Tâm trạng mông lung ấy của người viết còn được "điểm xuyết" bởi một biến cố nhỏ, rất riêng tư. Duy Cường, con trai nhạc sĩ Phạm Duy, gửi thư báo tin là sẽ ra chơi vài ngày nên hẹn gặp bà chị.

Tối hôm đó, chúng tôi trở lại "Thị Trấn Giữa Đàng" là Midway City, tìm đến con đường cũ và ngôi nhà xưa của Phạm Duy, có liếp mắt cáo sơn trắng. Gia đình vẫn giữ ngôi nhà ấm cúng ấy. Trên xe đến đón Duy Cường, Quỳnh Giao nhớ lại Chú Duy và Cô Hằng, bỗng dưng lâm râm hát lại "Kỷ Niệm" ông viết cách đây 55 năm. Năm đó, ông đưa ngay cho con bé hát và ca khúc trở thành một phần khó phai của đời sống người viết này.

Trong bữa ăn tối hôm đó, thực đơn chỉ có một món Phạm Duy! Tôm hùm cá hấp gì cũng không bằng "ngàn lời ca" và những câu chuyện về sức khoẻ và cách sống của ông ở nơi chốn ấy.

Phạm Duy sinh năm Dậu, cùng tuổi với thân mẫu của người viết nhưng sau hai tháng và từ bé Quỳnh Giao đã gọi bằng chú. Khi hát trong ban "Hoa Xuân" của ông thì mình có cái thế như "con cháu trong nhà", lại được ông quý vì yêu nhạc thuật, thích lời từ của ông. 

Phạm Duy quý mến tất cả những ai hát nhạc của ông, dù đôi khi hát chưa tới, hoặc sai lời. Ông dung dị hơn người bạn và cũng là một nghệ sĩ sáng tác xuất chúng là Vũ Thành. Dung dị mà đáo để. Trong ca khúc phổ thơ Thế Lữ là "Tiếng Sáo Thiên Thai", có người hát sai lời "hai con hạc trắng bay về Bồng Lai" thành... "bay về Đồng Nai". Đây là Phạm Duy trong tiếng cười: "Cũng được! Như vậy cho nó gần!..." Đúng là khẩu khí Phạm Duy.

Khi Quỳnh Giao thực hiện những đĩa nhạc có ca khúc Phạm Duy do Duy Cường soạn hòa âm – nhanh thật, mới đó đã gần hai chục năm – ông thường vào tận phòng ghi âm ngả lưng trên thảm thưởng thức phần thu thanh. Duy Cường cau mặt, cho bố nghe nhưng cấm bình đấy!

Có lần ông còn gật gù cho người viết này được sửa một chữ trong bài "Đường Chiều Lá Rụng". Thế mới ghê!...

Trong thế kỷ 20 của chúng ta, giữa quá nhiều tai ương thì Việt Nam vẫn có được một món quà nghệ thuật là "tân nhạc cải cách" xuất hiện hơn 70 năm về trước, khiến cho từ đấy đa số dân ta không hát như xưa nữa. Trong kho tàng tân nhạc đó, chúng ta có những tác phẩm của Phạm Duy, cả ngàn tác phẩm. Vị trí của ông, khó ai thay thế được.

Ông không chỉ là người may mắn sống rất thọ và viết rất sớm - từ đúng 70 năm trước vào năm 1942. Ông còn là người sống rất nhiều, tích tụ đủ loại sóng gió trong đời rồi biến thành nhạc.

Do những kỷ niệm thân thiết từ thuở ấu thơ đến mãi về sau, riêng Quỳnh Giao lại nhớ đến vài chi tiết đặc biệt về người nghệ sĩ siêu hạng này.

Phạm Duy là người có biệt tài ăn nói.

Ông có thể ứng khẩu trình bày hàng giờ về nhạc, đôi khi bằng tiếng Pháp rất chuẩn, với sự lôi cuốn vì mở ra cho người nghe những chân trời mới về âm nhạc và đời sống. Trong sự hùng biện ấy, ông còn có tài... chọc giận khiến nhiều người không hiểu có thể nổi điên mà mắc mưu.

Quỳnh Giao nhớ đến lối "đánh đuổi chầu rìa" quanh một bàn mạt chược: người trong cuộc không ưa kẻ đứng ngoài cứ bàn vào nước bài nên cố tình đánh ngược cho người đó phát bực mà đi chỗ khác! Quý vị nào mà bực và giận thì sẽ... hai lần khổ. Vì mình thì mất vui và ông lại bất cần!

Nổi tiếng về cách ăn nói hay nếp sống rất lạ, Phạm Duy thật ra lại là người rất ngăn nắp và chu đáo!

Ông thú thực không biết uống cà phê, ghét rượu và chẳng thích cờ bạc. Mọi tội ông chỉ có nòi tình, nhưng cũng thú thực là chưa tán ai cả, chỉ có người tán mình mà thôi! Người duy nhất ông tán tỉnh là bà vợ: Thái Hằng. Không chỉ tán bằng lời duyên dáng có thừa, ông thủ vai "Chú Cuội" để tán tụng bằng nhạc. Câu “Ta yêu cô Hằng, năm xưa xuống trần”… là để thổ lộ với một nàng có thật. Ông nghịch ngợm với chuyện thiêng liêng nhất của con tim!

Ngày xưa, nhiều lần từ California qua miền Đông chơi, Phạm Duy thức dậy rất sớm, điểm tâm đầy đủ là chỉ có trà chứ không uống cà phê. Rồi lấy ngay bản đồ gấp sẵn trong túi áo, xem trước những nơi chốn sẽ phải tới. Ông chỉ nhờ chủ nhà đưa ra bến xe điện ngầm, hẹn giờ sẽ về tới địa điểm khởi hành. Ông khoác áo ra đi và trở về đúng giờ giấc mà không muốn làm phiền một ai.

Quỳnh Giao thấy bốn người có lối sống trái ngược với tác phẩm của mình. Võ Phiến viết văn sắc xảo mà sống hiền hòa nhũn nhặn. Nguyên Sa tài hoa với thơ nhưng là thương gia có hạng. Mai Thảo ăn nói bạt mạng mà lại ân cần với văn chương và từng độc giả. Phạm Duy là trường hợp thứ tư. Ông không hành xử như một nghệ sĩ xuất chúng và chờ đợi nhân gian phải cung phụng, chiều chuộng. Ông rất... văn minh trong cách cư xử đó.

Là nhạc sĩ sáng tác không có nguồn sống nào khác ngoài nhạc, Phạm Duy sòng phẳng với mọi người, dù đã biết và đã viết... "dăm eo sèo nhân thế". "Đời vẫn ban cho ngọt bùi" là một cách nói của ông, nhưng Quỳnh Giao khó quên được vài kỷ niệm hơi đắng.

Trong một buổi ra mắt tại Houston để phổ biến đĩa nhạc "Minh Họa Kiều" của ông, Quỳnh Giao áy náy vì thấy số bán quá ít. Đây là Phạm Duy: "Cháu ơi, có người mua ngần ấy là mừng rồi! Lần trước, chú lễ mễ từ Cali qua miền... (xin miễn nói tên) mà đem về gần hết!"

Giờ này nhớ lại thì vẫn ứa nước mắt, nhưng bỗng thấy yêu đời hơn vì chữ "ngọt bùi". Và càng hiểu vì sao "gã Duy già của chúng ta" - như ông đã xưng từ bốn chục năm trước - có những phút nổi loạn, mà cũng có lúc như an phận. Ông giữ riêng mối thâm giao với nghệ thuật và cười với sóng gió.

Tác phẩm của Phạm Duy làm đời sống chúng ta thêm phong phú, đến nỗi ai cũng có thể nhớ một kỷ niệm đẹp gắn liền với một hai ca khúc của ông. Nhưng mấy ai đã đáp lại cho tương xứng?

Rất riêng tư thì Quỳnh Giao cầm bút lần đầu là để viết cho tờ Văn Học một đoản văn mừng sinh nhật thứ 66 của Phạm Duy, cách nay 25 năm rồi. Từ đó đã viết thêm cả chục bài về lời và nhạc của ông trong một số tác phẩm mình yêu thích nhất. So với những gì ông đã cống hiến cho người nghe và người hát thì thật chưa đầy vốc tay.

Được tin ông vẫn vui sống dù sức khoẻ không còn như xưa, Quỳnh Giao kính chúc ông "sống lâu trăm tuổi" nhưng biết rằng ông đã sống hơn trăm tuổi cho âm nhạc. Và di sản của ông sẽ tồn tại rất lâu trong tâm khảm của chúng ta.

Mừng năm mới, xin quý vị hãy lẩm nhẩm nhớ lại ngàn lời ca của Phạm Duy, từ dân ca đến tình ca, từ chiến trường ca đến đạo ca, tâm ca, hãy đi lại "Con Đường Cái Quan" trong trí nhớ, hãy để ý đế hình tượng của Mẹ trong ca khúc Phạm Duy... chúng ta sẽ thấy rằng đời sống của mình có thêm ý nghĩa.

Đấy là món quà xuân bất tận của Phạm Duy. Mong rằng đấy cũng là niềm vui bất tận cho người nghệ sĩ thật ra vẫn trẻ mãi không già.


__________________

Nhân ngày đại tang của nền tân nhạc Việt Nam, Dainamax Tribune xin yết lại bài của Quỳnh Giao viết ngày 15 Tháng 12 năm 2012 về Phạm Duy, đã đăng trên Việt Báo Xuân năm Nhâm Thìn 2012...

Ngày Xuân, Nghe Lại Ca Khúc "Xuân Hành" Của Phạm Duy


Quỳnh Giao - Việt Báo Xuân 2013

"Một ca khúc uy nghi hùng dũng, trong sáng mà êm dịu, với nội dung gợi nhớ uẩn thứ tư trong ngũ uẩn sắc thọ tưởng hành thức..."

* Ca khúc Xuân Hành - tranh của họa sĩ Duy Liêm, Tinh Hoa xuất bản tại Sàigòn năm 1959 *


Có phải là ngẫu nhiên không mà hai nhạc phẩm đầy tính chất anh hùng ca của Lizst và Beethoven đều lấy âm giai Mi giáng Trưởng (Mi bémol Majeur)? Đó là Cầm tấu khúc số 1 của Lizst có tên là "Héro" và Cầm tấu khúc số 5 của Beethoven có tên là "Emperor" viết cho đại đế Napoléon.

Trong nền tân nhạc Việt, các ca khúc về lịch sử hay những bài hùng ca thường được viết trên âm giai Fa Trưởng. Nói về nhạc thuật, các âm giai Trưởng như Do, Ré và Fa nghe thấy trong sáng và hợp với giọng Kim. Khi giọng Kim là giọng chính (chant), bè phụ thường được viết thấp hơn để làm nổi giọng chính. Những ca khúc như “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” của Hùng Lân, “Nước Non Lam Sơn” hay “Bóng Cờ Lau” và “Tiếng Chim Gọi Đàn” của Hoàng Quý, “Hội Nghị Diên Hồng” hay “Bạch Đằng Giang” của Lưu Hữu Phước, “Việt Nam, Việt Nam” của Võ Đức Thu, “Việt Nam Anh Dũng” của Dương Thiệu Tước”, “Việt Nam Hùng Tiến” của Thẩm Oánh…v.v. đều được viết trên cung Fa Trưởng.

Thật sự, thì âm giai trong sáng hay u tối, êm dịu hay gay gắt chỉ có ảnh hưởng với nhạc khí, chứ không ảnh hưởng với giọng hát. Giọng hát nhẹ êm hay mạnh mà cứng là do âm sắc (timbre) của người trình bày. Giọng Thổ thường dầy hơn giọng Kim, ngược lại thì giọng Kim lanh lảnh và thánh thót hơn giọng Thổ. Riêng các nhạc sĩ sáng tác và sử dụng dương cầm, mà Frederic Chopin là một điển hình, thì chuộng loại âm giai mang nhiếu dấu giáng (bémol). Ông cho rằng đàn những nốt giáng (phím đen trên dương cầm) thì tiếng đàn êm hơn, và về kỹ thuật thì ngón tay trườn trên phím, càng sâu càng dễ di chuyển lả lướt hơn…

Trong khung cảnh chung như vậy, ca khúc “Xuân Hành” của Phạm Duy lại được viết trên cung Mi giáng Trưởng, trong sáng mà êm dịu hơn âm giai Fa Trưởng.

Những ai mới nghe ca khúc này thì tự hỏi rằng tác giả dùng chữ "hành" trong ý nghĩa nào. Hành có thể là hành trình, hành khúc, hoặc biết đâu còn là một thể thơ cổ, như bài Tỳ bà hành mà ai cũng biết qua bản dịch của Phan Huy Vịnh, hay bài Hiệp khách hành mà các độc giả của Kim Dung có thể còn nhớ và nhất là Hành phương Nam của Nguyễn Bính? Người nghe hay người thưởng ngoạn có quyền mở rộng sự cảm nhận để hiểu tác phẩm từ sở thích hay nhận thức khác biệt của mình như vậy.

Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy là người cẩn trọng, như tên của ông.

Trong cuốn "Ngàn Lời Ca" được xuất bản tại hải ngoại năm 1987, ông giải thích khung cảnh sáng tác của từng bài mà gọi đó là "sự tích". Ông trình bày rằng mình đã soạn nhiều ca khúc về hành trình của con người trong cuộc đời, trong đó có ba bài hành là "Lữ Hành", "Dạ Hành" và "Xuân Hành". Chúng ta liền hiểu ra ý nghĩa của chữ hành trong tác phẩm.

Nếu "Lữ Hành" là cuộc hành trình thơ thới và bất tận của loài người và được ông sáng tác tại Sàigòn vào năm 1953 đầy hy vọng thì "Dạ Hành" là lúc con người đi trong đêm tối. Mà bóng tối ở đây không là một khái niệm về thời gian khi thiếu ánh mặt trời. Bóng tối là chông gai hiểm hóc của phận người và ca khúc cũng được viết tại Sàigòn nhưng mà là Sàigòn khói lửa của chiến chinh tham tàn năm 1970.

Rồi Phạm Duy mới nói về cuộc đi bình thường là bài "Xuân Hành", sáng tác năm 1959, ở giữa hai bài hành kia. Hành trình bình thường và muôn thuở như câu hỏi đầy vẻ triết học là "người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu".... Ngươi từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là thần thánh, vừa là ma quỷ, biết thương yêu dai mà cũng biết hận thù dài…. Nhất là biết vui buồn giữa hai nhịp đập của con tim, ngay cả khi tim ngừng đập.

Với khoảng cách thời gian, nghĩa là có thêm sự chín mùi của cuộc sống, ta có thể nghe lại ba bài hành này mà thoát khỏi hoàn cảnh của Sàigòn thời 53, 59 hay 70. Nghe lại với tâm cảnh của chính mình. Đấy cũng là lý do mà Quỳnh Giao thích bài “Xuân Hành” hơn cả.

Về nhạc thuật thì đấy là một ca khúc có nhịp điệu uy nghi hùng dũng, trong sáng mà êm dịu chứ không chát chúa như nhiều bài hùng ca hoặc một khúc quân hành. Bài "Lữ Hành" rất hay nhưng ít người hát vì từ đầu đến cuối là dùng nhịp chõi – syncope. Đôi khi có người còn trình bày theo điệu "swing" khá giật nên không phản ảnh được nội dung sâu sắc thánh thiện của lời ca. So với "Lữ Hành" thì bài "Xuân Hành" dễ hát hơn, nhưng cũng cần trình bày hợp ca nên đòi hỏi kỹ thuật hòa âm mới diễn tả hết giá trị của tác phẩm. Phải chăng vì vậy mà ngày xưa, chúng ta ít được nghe ca khúc này ở ngoài các chương trình của đài phát thanh?

Bây giờ mà nghe lại, khi tư duy đã lắng đọng, người ta còn thấy ra một giá trị khác, là nội dung của lời từ.




Phạm Duy đã dẫn chúng ta vào tác phẩm với lời giới thiệu về câu hỏi muôn đời là người từ đâu tới và đi về đâu. Nhưng trong ca khúc mà cũng là một đời người từ thuở là mầm non chớm nở đến khi trở thành lá úa, ông còn diễn tả nhiều điều khác nữa. Nổi bật trong đó là chữ nhân, hay tinh thần nhân ái là chữ mà ông dùng. Chúng ta sinh ra là từ lòng người với tiếng khóc và nụ cười, với thương yêu và hận thù lẫn đắm say. Nhưng chân lý muôn đời là trưa hôm qua có thể còn là người, đêm hôm sau thì đã thác, có khi là vị thần hoặc một lũ ma lẻ loi....

Chữ sinh và hủy chỉ là hai mặt của cuộc đời và ai ai cũng như vậy. Nhưng, nội dung mang tính chất thánh ca của tác phẩm nằm trong thông điệp chìm ẩn bên dưới: sự bất diệt trong vòng tử sinh đó là chữ nhân. Nếu sinh ra và sống mãi với lòng nhân thì chẳng ai nên sợ cái chết. Cuộc hành trình của đời người mang ý nghĩa thăng hoa của một mùa Xuân khi nó được hướng dẫn bởi lòng tử tế.

Khi liên lạc với chú Phạm Duy - người viết vẫn gọi ông như vậy với sự tôn kính - về bài Xuân Hành, Quỳnh Giao đã lẩm nhẩm hát lại và ngẫm lại rồi nghĩ đến một thông điệp tôn giáo.
Đó là lẽ tử sinh của luân hồi, là ngũ uẩn gồm có sắc-thọ-tưởng-hành-thức. Nhờ sự suy ngẫm đó mình tìm ra một chữ "hành" trong kinh sách nhà Phật. Đấy là ý khác của "hành" trong bài Xuân Hành. Rất đơn giản thì hành động tốt sẽ tạo ra thiện nghiệp để có ngày vượt khỏi lẽ tử sinh. Phải chăng, câu "Đường nhân ái còn đi mãi mãi" của ca khúc nói về một cách sống bất tử? Nếu quả như vậy thì thông điệp này còn sâu xa hơn lời ca trong bài "Đường Chiều Lá Rụng" của Phạm Duy....

Cho một số báo Xuân thì đấy là lòng tri ân được gửi đến tác giả, cùng với lời chúc Xuân.

__________________


Sau khi hoàn tất bài này, Quỳnh Giao đã gửi cho Phạm Duy. Ông lập tức trả lời, ngày mùng hai Tháng Giêng 2013: "Cháu viết rất hay. Từ nay may ra người ta mới hiểu được XUÂN HÀNH". Xin được giới thiệu bài này như lời vĩnh biệt người nghệ sĩ: tin từ trong nước cho biết Phạm Duy đã tạ thế tại Sàigon vào lúc 14:30 ngày 27 vừa qua. NXN