Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 130116
Diễn Đàn Kinh Tế
Vấn đề không là dân số mà là dân trí - và trình độ của lãnh đạo
Tiếp tục loạt bài về các yếu tố phát triển một quốc gia, chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa nói đến dân số hay sức người.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Tiếp
theo chương trình kỳ trước, về những quy luật của sự giàu nghèo tại các
quốc gia trong lịch sử và ngay trong hiện tại, xin đề nghị ông trình
bày một yếu tố mà ngày nay nhiều người đang nói tới, là dân số. Người ta
nói tới là vì hiện tượng lão hóa dân số trong các nước công nghiệp hoá
và vì sức đua tranh hiện nay của hai nền kinh tế đang phát triển có dân
số đông nhất địa cầu, là Trung Quốc và Ấn Độ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như thường lệ, tôi sẽ nói về bối cảnh trước
và trước hết xin giải độc ở một số ngộ nhận tai hại. Trong một giai
đoạn quá lâu, người ta cứ cho rằng các nước nghèo sở dĩ gặp phải phận
nghèo vì dân số quá đông cho nên có một cái bánh mà phải chia cho quá
nhiều người thì ai cũng phải nhận một phần nhỏ hơn. Đây là một sai lầm
về lý luận kinh tế và còn dẫn đến tinh thần giành giựt miếng ăn mà không
nhìn ra cách sản xuất một cái bánh to hơn.
- Người ta sở dĩ sai lầm như vậy vì từ mấy trăm năm nay, từ các nước kỹ
nghệ hoá đã xuất hiện lời báo động về nạn "nhân mãn", nói nôm na là
"quá đông người". Ta nhớ rằng mục sư Malthus là kinh tế gia người Anh đã
cảnh báo từ thế kỷ 18 rằng nếu không có biện pháp ngăn ngừa thì dân số
nhân loại gia tăng theo cấp số nhân sẽ vượt quá phương tiện sinh hoạt
chỉ gia tăng theo cấp số cộng và thế giới sẽ khủng hoảng. Sau này, ta
thấy cái nhìn bi quan ấy là không đúng.
Vũ Hoàng: Thưa ông, có thể là không đúng trong các
nước tư bản công nghiệp hóa nhờ cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật với
nhiều ứng dụng trong sản xuất kinh tế, chứ tại các nước nghèo thì chúng
ta có thấy sự bùng phát dân số nhanh hơn sản lượng kinh tế chứ? Ông giải
thích thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là trong một giai đoạn nhất định thì
chuyện ấy có thể đã xảy ra nên mới dẫn đến lý luận sai lạc về nạn nhân
mãn. Một cách giản dị cho dễ nhớ về một thí dụ tiêu biểu thì người ta
cho rằng liều thuốc kháng sinh trị giá mấy đồng bạc có thể cứu được mạng
sống của một người nghèo trong một xứ gọi là chậm tiến, nhưng nếu phải
nuôi người đó trong cả đời thì xứ này sẽ không có đủ phương tiện, vì thế
mới báo động về nạn nhân mãn và đề cao việc giới hạn đà gia tăng dân số
tại các nước nghèo.
- Sự thật nó lại rắc rối hơn vậy và tôi cho rằng đây mới là một lý luận
chậm tiến, lạc hậu, vì người ta lầm lẫn về tương quan nhân quả của sự
giàu nghèo. Cũng vì vậy mà mình mới phải có loạt bài cơ bản này. Câu
chuyện còn rắc rối hơn khi nhiều nước nghèo lại bị mê hoặc bởi lý luận
Mác-xít nên là nạn nhân của cả Malthus lẫn Marx và Lenin mà không nhìn
ra sự thật.
Vũ Hoàng: Ông hay có lối nói ví von để gợi ý tò mò. Thưa ông, thế nào là nạn nhân của cả Malthus lẫn Marx và Lenin?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Xuất phát từ lý luận tiêu cực của Malthus,
người ta cho rằng các nước đang phát triển, thuộc Đệ tam Thế giới hay
Thế giới Thứ ba, sở dĩ nghèo đi là vì nạn nhân mãn nên nghĩ đến việc
kiểm soát dân số hay kế hoạch hóa gia đình. Thế rồi, nhiều người theo lý
luận Mác-Lenin lại cho rằng các quốc gia ấy sở dĩ gặp cảnh nghèo khó là
vì bị tư bản bóc lột chứ không vì dân số quá đông. Họ đả phá lập luận
bi quan của Matlhus và đề cao lý luận lạc quan của Marx về cuộc cách
mạng để giành lấy phần hơn của một cái bánh vẫn có kích thước như cũ mà
không nhìn đến giải pháp phát triển thực sự. Bây giờ ta trở về sự sai
lầm về "nhân mãn".
Sự sai lầm về "nhân mãn"
Vũ Hoàng: Ông cho rằng khái niệm "nhân mãn" này là một sự sai lầm?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Không những thiếu chính xác vì không phản
ảnh thực tế mà còn có thể dẫn đến liều thuốc đổ bệnh và làm cho lãnh đạo
các nước nghèo lấy quyết định sai lầm.
- Trước hết, thế nào là "nhân mãn" hay "overpopulation", nói theo Anh ngữ? Là quốc gia có dân số đông hơn khả năng cung ứng của địa lý hay thiên nhiên chăng? Thí dụ như nếu tính theo dân số trên diện tích đất đai chẳng hạn thì ta có "mật độ dân số" là số bình quân của người dân trên một cây số vuông. Liệu mật độ quá cao có thể giải thích vì sao quốc gia ấy nghèo hay chăng?
- Xét theo tiêu chuẩn ấy, Việt Nam có 90 triệu dân trên 330 ngàn cây số
vuông thì có mật độ là 265 người cho một cây số vuông. So với mật độ
của Đài Loan là 642 người, của Nam Hàn là 490 người thì Việt Nam chưa bị
hiện tượng nhân mãn và đáng lý phải giàu hơn chứ? Sự thật lại trái
ngược như ai cũng có thể thấy. Nếu có tính cho tinh vi hơn, như là xem
trên diện tích chung đó có bao nhiêu cây số vuông là khả canh, tức là có
thể canh tác nhờ điều kiện địa dư hoặc kỹ thuật nông nghiệp, hoặc ở bên
dưới còn có những tài nguyên thiên nhiên nào có thể khai thác thì vấn
đề vẫn y như vậy. Việt Nam có điều kiện địa dư và khoáng sản cao hơn mà
vẫn nghèo hơn. Lý do của sự giàu nghèo nó phải nằm ở chỗ khác, thí dụ
khả năng khai thác tài nguyên thiên nhiên nằm dưới lòng đất, nghĩa là ở
cái đầu của con người.
Vấn đề của Việt Nam không là dân số mà là dân trí và trình độ của lãnh đạo.Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Chưa kể là nếu một quốc gia có dân cư quá
thưa thớt thì việc giao lưu buôn bán chưa chắc đã có lợi bằng một xứ có
mật độ dân số cao hơn và tập trung hơn. Có phải thế không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa ông đúng như vậy. Các nước Châu Phi
trong vùng sa mạc Sahara có khi chẳng bị nạn nhân mãn như Đài Loan hay
Nhật Bản mà vẫn nghèo là vì lý do khác. Kỳ trước, ta nhắc đến trường hợp
Argentina tại Nam Mỹ. Xứ này giàu tài nguyên đủ loại, không quá đông
dân và bước vào thế kỷ 20 thì là một trong 10 nước giàu nhất thế giới,
hơn hẳn Đức, Pháp mà nay họ bị tụt hậu và nghèo đi thì chẳng phải vì bị
nạn nhân mãn mà vì sai lầm của lãnh đạo.
- Lý luận về nhân mãn, là vì quá đông dân mà quốc gia nghèo đi, không
giải thích được tương quan nhân quả về sự giàu nghèo. Khả năng khai thác
tài nguyên có sẵn từ cả vạn năm ở nơi đó, như là thác nước hay giếng
dầu, cũng là một biểu hiện khác của sự giàu có và đưa bài toán dân số
vào đó chẳng giải quyết được vấn đề mà còn mình có cái nhìn lệch lạc về
chính sách kinh tế.
Vũ Hoàng: Chúng ta trở lại trường hợp của Trung Quốc
và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới hiện nay. Ông giải thích
thế nào về yếu tố dân số trong sự phát triển của hai xứ này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc đang là cường quốc kinh tế và lò
chế biến của thế giới nhờ dân số rất cao là một tỷ 350 triệu dân với
mật độ chỉ có chừng 140 người trên một cây số vuông. Sở dĩ như vậy là vì
xứ này cải cách kinh tế từ 30 năm qua chứ không còn mù quáng theo chính
sách bế quan toả cảng và chế độ tập trung quản lý của quá khứ. Ấn Độ đi
sau, kém 100 triệu dân và có mật độ cao gấp bội là 370 người, và mới
chỉ cải cách từ hơn 20 năm thôi.
- Nhưng lãnh đạo Trung Quốc đã sợ nạn nhân mãn mà kế hoạch hóa gia đình
với chính sách mỗi hộ một con áp dụng từ năm 1978. Ngày nay, họ bắt đầu
thấy ra hậu quả là dân số chậm tăng, bị lão hóa và mất sức cạnh tranh.
Trong khi ấy, dù đông dân và có mật độ cao hơn, Ấn Độ lại theo hướng
khác và ngày nay có dân số trẻ hơn, và nhờ vậy sẽ có ngày bắt kịp sản
lượng Trung Quốc. Vì vậy, quy luật ở đây không là dân số hay cái lượng
mà là cái phẩm, là khả năng đóng góp của mỗi người vào sự thịnh vượng
chung của cả cộng đồng.
Trường hợp Việt Nam
Vũ Hoàng: Qua phần cuối, ta nói về trường
hợp Việt Nam. Quốc gia này cũng có một dân số khá đông và phải nói là
khá trẻ sau mấy chục năm chiến tranh liên tục. Liệu dân số hay nhân khẩu
có là một vấn đề trong bài toán giàu nghèo của Việt Nam hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi còn nhớ 20 năm trước có lãnh tụ Đông
Nam Á nhận xét là nếu họ có lãnh thổ như Việt Nam thì đã nuôi nổi 200
triệu dân. Bản thân tôi còn thấy nhiều giới chức tại Đài Loan mở tấm bản
đồ xứ mình giải thích rằng họ có thể phát triển khu vực này hay ngành
nghề nọ, như Pháp nói về Đông Dương ngày xưa vậy! Đau lòng lắm khi thấy
sau đó họ thực hiện các dự án như đã trù hoạch từ trước.... Vấn đề của
Việt Nam không là dân số mà là dân trí và trình độ của lãnh đạo.
Vũ Hoàng: Xin ông giải thích cho điều ông vừa phát biểu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ lãnh đạo một nước không thể
chủ quan duy ý chí mà quyết định về dân số hay tỷ lệ sinh nở cao thấp
của người dân. Đây là yếu tố văn hóa và xã hội với hậu quả lặng lẽ, rất
chậm và rất mạnh mà mình chỉ thấy trong trường kỳ, nếu có viễn kiến.
- Khi hiểu ra điều ấy thì người ta phải thấy rằng mỗi công dân sinh ra đời có thể là một miệng ăn nhưng sẽ là đôi tay làm và được hướng dẫn bằng cái đầu, bằng trí tuệ. Nếu thực tình tin vào khả năng tiến hóa của con người thì nên lạc quan nghĩ đến khả năng đóng góp và giải quyết bài toán kinh tế của công dân hơn là bi quan cho rằng mỗi người sinh ra sẽ là một của nợ, một gánh nặng.
- Từ đó, thì lãnh đạo phải tạo điều kiện mở mang dân trí và bản thân
phải nâng cao trình độ quản lý, tức là phải ý thức được những giới hạn
của mình, là chuyện không hề có tại Việt Nam.
- Một cách cụ thể thì họ phải xây dựng hạ tầng yểm trợ người dân trong
công cuộc phát triển. Hạ tầng đó gồm có nền tảng pháp quyền, là luật lệ
thông thoáng minh bạch cho kinh doanh sản xuất như ta đã nói kỳ trước. Hạ tầng đó cũng là cơ sở khai thác tài nguyên và chuyên chở để giải
quyết bài toán khan hiếm và phân phối tại những nơi xa xôi nhất. Quan
trọng hơn cả và nói về dân trí hay khả năng sản xuất của một dân số rất
đông và trẻ, ta nên nghĩ đến giáo dục và đào tạo.
Khi lãnh đạo còn bắt giam những người trẻ vì sự khát khao của họ thì đấy không còn là vấn đề dân trí mà là chuyện "quan trí" - hay lòng ái quốc không hề có của những kẻ đang cầm quyền.
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Đó là câu kết luận, thưa ông, giáo dục và đào tạo dân số của Việt Nam có vấn đề gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu sự giàu có hay thịnh suy của xứ sở nằm
trong cái đầu người dân hơn chỉ là cái miệng đòi ăn thì việc giáo dục
từng người từ cấp trung tiểu học phải là nhiệm vụ ưu tiên và lâu dài của
chính quyền. Nôm na là phải có nền giáo dục miễn phí cho mọi người
trong mươi mười hai năm đầu để có nền tảng dân trí tối thiểu và sự bình
đẳng cho toàn dân.
- Sau bậc trung học thì hệ thống giáo dục và đào tạo tay nghề hay
chuyên môn phải được mở ra cho tư nhân tham gia vì họ ý thức được yêu
cầu của thực tế, của thị trường. Tức là phải tư nhân hóa, hay "xã hội
hóa" giáo dục nói theo người Hà Nội bây giờ. Việt Nam lại làm ngược với các nước
Đông Á nghèo hơn mà có trình độ phát triển cao hơn.
- Đó là thả nổi giáo dục trung tiểu học cho tư nhân khai thác, tức là
nhà nước phủi tay với đại đa số con trẻ và tạo ra một rào cản bất công
vì không trợ cấp học phí. Sau đó, nhà nước lại còn kiểm soát hệ thống
giáo dục ở cấp cao đẳng và đại học vì muốn bảo vệ tư tưởng của chế độ
nên mới gây ra khủng hoảng về đào tạo trong khi cả một thế hệ năng động
đang khát khao học hỏi kiến thức mới lạ của thế giới văn minh bên ngoài.
- Khi lãnh đạo còn bắt giam những người trẻ vì sự khát khao của họ thì
đấy không còn là vấn đề dân trí mà là chuyện "quan trí" - hay lòng ái
quốc không hề có của những kẻ đang cầm quyền.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi thật hào hứng này.
mỗi năm, đến ngày khai giảng, là lại có các lãnh đạo đến dự khai giảng ở các trường lớp từ 1 -12,hiếm khi nào đến các trường dạy nghề, đại học,có lẽ do họ không có khai giảng, hoặc cũng theo như nội dung ở bài viết này. sự quản lý của chính trị đối với giáo dục cũng được thể hiện ở ngày khai giảng này. Dẫn đến việc giáo dục ở cấp cơ sở mang nặng yếu tố vâng lời -tuân thủ,việc phổ cập kiến thức chỉ là thứ yếu, và phải theo khuôn mẫu nhất định mà họ thay đổi hàng năm theo các chương trình cải cách.
Trả lờiXóa