Nguyễn-Xuân Nghĩa & Đinh Quang Anh Thái Ngày 101010
"Giờ Giải Ảo"
Ai ôi hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu.
* Lãnh tụ Giặc Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc đánh quân Pháp tại Bắc Ninh - tranh của Tầu! *
* Quân Pháp chiếm Bắc Ninh - tranh của Tây! *
Nhân dịp nhớ về Hiệp định Paris 1973 và nhìn vào nan đề hiện tại, xin phép được đăng lại cuộc phỏng vấn của Đinh Quang Anh Thái trong chương trình "Giờ Giải Ảo" đã phát thanh ngày 10 Tháng 10 năm 2010. Trước đây, Dainamax Magazine đã đăng lại một số chương trình này trong mục tiêu "giải ảo", Dainamax Tribune sẽ lần lượt tìm lại và giới thiệu những bài này vì, than ôi, vẫn là chuyện hiện đại!
ĐQAThái: Đây là Giờ Giải Ảo với ông Nguyễn Xuân
Nghĩa, phát thanh mỗi tối Thứ Ba trên băng tần 1190AM của đài NVR và trên mạng
lưới điện toán kxmx.com cùng trang nhà của nhật báo Người Việt. Xin kính chào
ông Nghĩa cùng quý thính giả gần xa.
Mặc dù rằng đây là một việc rất riêng tư, đài NVR vẫn xin mượn làn sóng
điện này có lời phân ưu cùng ông Nguyễn Xuân Nghĩa và tang quyến sau khi thân
phụ ông Nghĩa là cụ Nguyễn Xuân Hiếu vừa tạ thế hôm Thứ Tư mùng năm vừa qua và chúng
tôi xin cảm tạ ông Nghĩa vẫn trở lại với chương trình Giờ Giải Ảo mặc dù gia đình
đang rất bận về tang lễ.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng tôi xin kính chào và cảm tạ Người Việt, đài
NVR và nhiều thân bằng quyến thuộc cùng thính giả gần xa đã liên lạc để chia buồn.
Thông thường, theo phong tục xưa thì khi có đại tang trong nhà, chúng ta cứ thấy
như trái đất ngừng quay và trong ba năm thì coi như không được làm gì cả để gọi
là "cư tang", nếu không thì
mang tiếng là "bất hiếu".
Chúng ta nên đổi khác việc đó và cách hay nhất để tưởng nhớ đến người đã khuất
chính là tiếp tục làm việc tử tế cho những người còn lại....
ĐQAThái: Kỳ này, ông Nghĩa sẽ đề cập tới chuyện gì
trong một chuỗi các vấn đề mà ông cho là mình cần giải ảo?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng có chuyện trăm năm!
- Chuyện trăm năm về trước khi
Pháp nhóm ngó Bắc Kỳ và chuẩn bị tấn công Hà Nội lần đầu vào năm 1872. Chuyện ấy
cho thấy vấn đề của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và đáng lý đã phải
khiến dân ta suy nghĩ vào năm 1972, khi Nixon qua Tầu!
- Trước tiên, tôi xin đọc một bài
thơ của Ông Ích Khiêm, một người văn võ toàn tài và đã có nhiều công lao chống
giặc và trừ loạn, đã than phiền việc tướng tá của ta không ngăn được giặc Pháp
mà phải thuê giặc Tầu là quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc.
Áo chúa cơm vua đã bấy lâu
Ðến khi có giặc phải thuê
Tàu!
Từng phen võng giá mau chân
nhẩy
Ðến bước chông gai thấy mặt
đâu?
Tiền bạc quyên hoài dân xác
mướp
Trâu dê ngày hiến đứa răng
bầu!
Ai ôi hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu.
ĐQAThái: Nghĩa là hơn trăm năm trước, khi thực dân
Pháp xâm lăng nước ta, triều đình đã phải thuê một đám giặc cướp người Trung
Hoa cùng ngăn giặc Pháp và có một viên tướng của chúng ta lại không đồng ý với
việc đó? Vì thế, ông mới nhắc tới bài thơ của cụ Ông Kích Khiêm?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhắc lại bài thơ của Ông Ích Khiêm vì
một vấn đề còn lớn hơn gấp bội.
- Nhà Mãn Thanh từ đời Gia Khánh
và Đạo Quang khi ấy đã lụn bại sau vụ nổi loạn của Hồng Tú Toàn và phong trào gọi
là "Thái bình Thiên quốc"
nhuốm mùi tôn giáo vào năm 1850. Vụ khởi nghĩa lớn lao ấy làm nhà Thanh bị rung
chuyển, xuýt bị lật đổ nên mới giải thích vì sao lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay rất
sợ giáo phái Pháp luân công!
- Giáo phái "Thái bình Thiên quốc" này nổi
lên từ hai tỉnh miền Nam giáp giới với nước ta là Quảng Đông và Quảng Tây. Sau đó,
dư đảng của Hồng Tú Toàn mới trở thành đám giặc Cờ Vàng, Cờ Trắng và Cờ Đen qua
nhũng nhiễu miền Bắc nước ta.
- Sau khi chiếm Nam kỳ Lục tỉnh
vì tưởng rằng có thể lần theo sông Mekong vào buôn bán với Trung Hoa, quân Pháp
mới tìm đường từ sông Hồng lên và chuẩn bị tấn công miền Bắc. Khi ấy, vào triều
Tự Đức, quân ta chống cự không nổi và nghĩ đến cách nương tựa Trung Quốc. Nhưng,
Tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Thụ Thanh gửi mật sớ lên vua Thanh, nói rằng:
"nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật là suy
hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng
giữ ở các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh ở về phía
bắc sông Hồng Hà".
- Bởi vậy triều đình nhà Thanh
mới sai Tạ Kính Bưu, Đường Cảnh Tùng đem quân sang đóng ở Bắc Ninh và ở Sơn
Tây, sau lại sai quan bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc đem quân sang tiếp ứng.
Xin quý vị xem lại Việt Nam sử lược, chương XIII của cụ Trần Trọng Kim.
- Trong khung cảnh lịch sử ấy,
ta mới nhớ ra cái thế "tam giác" giữa Tây, Ta và Tầu! Tưởng rằng mượn
quân của Trung Quốc để chống Tây chống Mỹ, giờ này dân ta mới thấy hố. Mà Trung
Quốc thời nay lại không mục nát rệu rã như nhà Mãn Thanh thời xưa cho nên chuyện
trăm năm trước chính là chuyện ngày nay!...
ĐQAThái: Ông nhắc tới chuyện ấy thì mới thấy ra những
cảnh tương đồng! Khi còn bé mà đi học thì ta chỉ nhớ lõm bõm nào là giặc Cờ
Vàng Hoàng Sùng Anh hay giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Ít ai chú ý tới khung cảnh gọi là địa dư chính
trị của hoàn cảnh "tay ba" vào thời ấy. Bây giờ, nhờ ông nhắc thì ta
mới thấm thía lời kêu gọi của Ông Ích Khiêm: "Ai ơi hãy chống trời Nam lại
- Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu!"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta có nhiều cách suy nghĩ về chuyện xưa
lắm.
- Lưu Vĩnh Phúc chẳng hạn, có
thể là một nhân vật của tiểu thuyết hay điện ảnh mà tôi cho là còn ly kỳ gấp trăm
lần phim "The Last Samurai"
của Mỹ hay truyện "Lord Jim"
của Anh. Các em nhỏ thích chơi trò điện ảnh thì nên nghiên cứu và tìm hiểu về
hoàn cảnh lịch sử và nhân vật này vì nó liên hệ đến cả miền Bắc, đến dân thiểu
số miền núi, đến tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Tầu, đến tay thương nhân đầy chất
con buôn phiêu lưu là Jean Dupuis hay cha Puginier của Công giáo.
- Lưu Vĩnh Phúc là kẻ đã phục
kích quân Pháp hai lần tại Ô Cầu Giấy và giết chết hai viên tư lệnh của đội quân
viễn chinh Pháp tại Bắc Kỳ là Đại úy Francis Garnier vào cuối năm 1873 và Đại tá
Hải quân Henri Rivière vào đầu năm 1883. Tôi còn nhớ là hồi bé mình có đọc được
một cuốn tiểu thuyết của Đinh Hùng ký tên Hoài Điệp Thứ Lang mô tả lại trận phục
kích Francis Garnier và nói rằng Garnier bị một hiệp khách của ta giết chết. Quý
thính giả nào còn nhớ tới truyện này thì xin mách cho biết, chứ tôi thì quên mất
rồi! Ở đây thì chỉ còn nhớ bài văn tế Francis Garnier của cụ Nguyễn Khuyến.
ĐQAThái: Ông có thể đọc lại bài văn tế đó ở đây
không?
Nguyễn
Xuân Nghĩa: - Sau
khi Garnier bị giết năm 1873, tổng đốc Hà Nội là Trần Đình Túc phải vâng lệnh
triều đình hoà hoãn với quân Pháp và phải tổ chức lễ truy điệu. Cụ Tam nguyên Yên
Đổ là Nguyễn Khuyến, bậc đại khoa, được cử viết bài văn tế. Cụ Lãng Nhân Phùng
Tất Đắc có ghi lại bài đó như sau trong cuốn "Giai thoại Làng nho" xuất bản ngày xưa ở Sàigòn:
Than ôi! Một phút sa cơ, ra
người thiên cổ
Nhớ ông xưa: Cái mắt ông
xanh, cái da ông đỏ
Cái tóc ông quăn, cái mũi ông
lõ
Đít ông cưỡi lừa, miệng ông
huýt chó
Ông đeo súng lục-liên, ông đi
giày có mỏ
Ông ở bên Tây, ông sang
bảo-hộ
Ông dẹp Cờ Đen, để yên con đỏ
Nào ngờ: Nó bắt được ông, nó
chặt mất sỏ
Cái đầu ông kia, cái mình ông
đó
Khốn-khổ thân ông, đù mẹ cha
nó
Tôi: Vâng lệnh quan trên,
cúng ông một cỗ
Này chuối một buồng, này rượu
một hũ
Này xôi một mâm, này trứng
một rổ
Ông có linh-thiêng, mời ông
xơi hộ
Ăn uống no say, nằm cho yên
chỗ
Ới ông Ngạc Nhi ơi! Nói càng thêm khổ!
- Ngày xưa, các cụ mình phải phiên âm tên của
Francis Garnier ra Nhạc Nhi. Mình nên nhắc lại cho đời sau khỏi quên.
- Cũng cần nói lại là sau vụ phiêu lưu và làm ẩu
của Francis Garnier, ông ta bị chính phủ Pháp quy cho là có trách nhiệm chính.
Nhưng sau này, vào đầu năm 1983, thi thể của Francis Garnier được khai quật
(cũng như của Ernest Doudart de Lagrée) và được hỏa táng. Các lọ đựng tro được
bàn giao lại cho Tổng lãnh sự Pháp tại Sàigòn ngày 2 tháng 3 năm 1983 và được
chuyển về Pháp sau đó để chôn cất tại quận sáu của Paris trước một đài kỷ niệm ở
công trường Camille Julian. Ngày nay, tên Francis Garnier còn được dùng cho một
chiến hạm vận tải nhẹ của Hải quân Pháp.
ĐQAThái: Đó là một cách nghĩ lại chuyện xưa. Nhưng
hình như ông còn có cách khác nữa phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, nếu mình chịu khó đọc lại sử Tầu vào
thời đại ấy thì sẽ thấy ra rất nhiều chuyện lạ và... rất hiện đại.
- Thí dụ như Hồi giáo đòi tự
trị, các tỉnh miền Nam thì đòi tách riêng, và liệt cường Tây phương, kể cả nước
Nga, thì gõ cửa đòi giao thương làm ăn. Triều Thanh khi ấy rất hoang mang, hốt
hoảng vậy mà vẫn còn ý định xâm lấn nước ta. Và triều đình nước Nam vào năm
1882 còn cầu cứu với Trung Hoa. Đó là lý do khiến ngoài đám giặc Cờ Đen của Lưu
Vĩnh Phúc, Bắc Kinh còn phái thêm bốn vạn quân của hai tỉnh Quảng Đông và Quảng
Tây qua đánh Pháp. Rốt cuộc thì lãnh thổ nước Nam thành địa bàn giao tranh giữa
quân Thanh và quân Pháp trước sự lúng túng của triều đình. Rồi vì nội loạn và
kiệt quệ, nhà Mãn Thanh đành ký hòa ước Thiên Tân với Pháp vào năm 1883 để thừa
nhận là nhường chủ quyền trên đất nước ta cho thực dân Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét