Quỳnh Giao - Việt Báo Xuân Nhâm Thìn 2012
Phạm Duy giữ riêng mối thâm giao với nghệ thuật và cười với sóng gió
* Phạm Duy 91 tuổi, trên trang web của nhạc sĩ James Durst (ảnh Phong Quang) *
Vào
dịp cuối năm, khi đèn đuốc Giáng Sinh lấp lánh đón mừng năm mới trong tiếng thánh
ca, mà Tết Nguyên Đán năm nay lại đến khá sớm, chúng ta có cảm giác như bị thời
gian xô đẩy tới chốn lạ, nơi mà cái mới cùng chen chân với cái cũ.
Cảm
giác vừa bồi hồi với những gì đã qua đi và sẽ mất luôn, lại vừa háo hức với hy
vọng của ngày mới khiến mình rất dễ tìm lại tuổi ấu thơ. Đấy là cái tuổi mà con
trẻ phải đi ngủ sớm vì mai sẽ có tấm áo mới, nhưng vẫn luyến tiếc những nhộn nhịp
của ánh đèn giao thừa và tiếng pháo đì đùng nên chưa chịu chui vào màn. Chỉ sợ
là sẽ lại hụt mất một chuyện gì vui lắm!....
Tâm
trạng mông lung ấy của người viết còn được "điểm xuyết" bởi một biến
cố nhỏ, rất riêng tư. Duy Cường, con trai nhạc sĩ Phạm Duy, gửi thư báo tin là
sẽ ra chơi vài ngày nên hẹn gặp bà chị.
Tối
hôm đó, chúng tôi trở lại "Thị Trấn
Giữa Đàng" là Midway City, tìm đến con đường cũ và ngôi nhà xưa của Phạm
Duy, có liếp mắt cáo sơn trắng. Gia đình vẫn giữ ngôi nhà ấm cúng ấy. Trên xe đến
đón Duy Cường, Quỳnh Giao nhớ lại Chú Duy và Cô Hằng, bỗng dưng lâm râm hát lại
"Kỷ Niệm" ông viết cách đây 55 năm. Năm đó, ông đưa ngay cho con bé hát
và ca khúc trở thành một phần khó phai của đời sống người viết này.
Trong
bữa ăn tối hôm đó, thực đơn chỉ có một món Phạm Duy! Tôm hùm cá hấp gì cũng không
bằng "ngàn lời ca" và những câu chuyện về sức khoẻ và cách sống của ông
ở nơi chốn ấy.
Phạm
Duy sinh năm Dậu, cùng tuổi với thân mẫu của người viết nhưng sau hai tháng và
từ bé Quỳnh Giao đã gọi bằng chú. Khi hát trong ban "Hoa Xuân" của ông
thì mình có cái thế như "con cháu trong nhà", lại được ông quý vì yêu
nhạc thuật, thích lời từ của ông.
Phạm
Duy quý mến tất cả những ai hát nhạc của ông, dù đôi khi hát chưa tới, hoặc sai
lời. Ông dung dị hơn người bạn và cũng là một nghệ sĩ sáng tác xuất chúng là Vũ
Thành. Dung dị mà đáo để. Trong ca khúc phổ thơ Thế Lữ là "Tiếng Sáo Thiên Thai", có người hát
sai lời "hai con hạc trắng bay về Bồng Lai" thành... "bay về Đồng
Nai". Đây là Phạm Duy trong tiếng cười: "Cũng được! Như vậy cho nó gần!..."
Đúng là khẩu khí Phạm Duy.
Khi
Quỳnh Giao thực hiện những đĩa nhạc có ca khúc Phạm Duy do Duy Cường soạn hòa âm
– nhanh thật, mới đó đã gần hai chục năm – ông thường vào tận phòng ghi âm ngả
lưng trên thảm thưởng thức phần thu thanh. Duy Cường cau mặt, cho bố nghe nhưng
cấm bình đấy!
Có
lần ông còn gật gù cho người viết này được sửa một chữ trong bài "Đường Chiều Lá Rụng". Thế mới ghê!...
Trong
thế kỷ 20 của chúng ta, giữa quá nhiều tai ương thì Việt Nam vẫn có được một món
quà nghệ thuật là "tân nhạc cải cách" xuất hiện hơn 70 năm về trước, khiến
cho từ đấy đa số dân ta không hát như xưa nữa. Trong kho tàng tân nhạc đó, chúng
ta có những tác phẩm của Phạm Duy, cả ngàn tác phẩm. Vị trí của ông, khó ai
thay thế được.
Ông
không chỉ là người may mắn sống rất thọ và viết rất sớm - từ đúng 70 năm trước
vào năm 1942. Ông còn là người sống rất nhiều, tích tụ đủ loại sóng gió trong đời
rồi biến thành nhạc.
Do
những kỷ niệm thân thiết từ thuở ấu thơ đến mãi về sau, riêng Quỳnh Giao lại nhớ
đến vài chi tiết đặc biệt về người nghệ sĩ siêu hạng này.
Phạm
Duy là người có biệt tài ăn nói.
Ông
có thể ứng khẩu trình bày hàng giờ về nhạc, đôi khi bằng tiếng Pháp rất chuẩn,
với sự lôi cuốn vì mở ra cho người nghe những chân trời mới về âm nhạc và đời sống.
Trong sự hùng biện ấy, ông còn có tài... chọc giận khiến nhiều người không hiểu
có thể nổi điên mà mắc mưu.
Quỳnh
Giao nhớ đến lối "đánh đuổi chầu rìa" quanh một bàn mạt chược: người
trong cuộc không ưa kẻ đứng ngoài cứ bàn vào nước bài nên cố tình đánh ngược
cho người đó phát bực mà đi chỗ khác! Quý vị nào mà bực và giận thì sẽ... hai lần
khổ. Vì mình thì mất vui và ông lại bất cần!
Nổi
tiếng về cách ăn nói hay nếp sống rất lạ, Phạm Duy thật ra lại là người rất ngăn
nắp và chu đáo!
Ông
thú thực không biết uống cà phê, ghét rượu và chẳng thích cờ bạc. Mọi tội ông
chỉ có nòi tình, nhưng cũng thú thực là chưa tán ai cả, chỉ có người tán mình mà
thôi! Người duy nhất ông tán tỉnh là bà vợ: Thái Hằng. Không chỉ tán bằng lời
duyên dáng có thừa, ông thủ vai "Chú Cuội" để tán tụng bằng nhạc. Câu
“Ta yêu cô Hằng, năm xưa xuống trần”… là để thổ lộ với một nàng có thật. Ông
nghịch ngợm với chuyện thiêng liêng nhất của con tim!
Ngày
xưa, nhiều lần từ California qua miền Đông chơi, Phạm Duy thức dậy rất sớm, điểm
tâm đầy đủ là chỉ có trà chứ không uống cà phê. Rồi lấy ngay bản đồ gấp sẵn
trong túi áo, xem trước những nơi chốn sẽ phải tới. Ông chỉ nhờ chủ nhà đưa ra
bến xe điện ngầm, hẹn giờ sẽ về tới địa điểm khởi hành. Ông khoác áo ra đi và
trở về đúng giờ giấc mà không muốn làm phiền một ai.
Quỳnh
Giao thấy bốn người có lối sống trái ngược với tác phẩm của mình. Võ Phiến viết
văn sắc xảo mà sống hiền hòa nhũn nhặn. Nguyên Sa tài hoa với thơ nhưng là thương
gia có hạng. Mai Thảo ăn nói bạt mạng mà lại ân cần với văn chương và từng độc
giả. Phạm
Duy là trường hợp thứ tư. Ông không hành xử như một nghệ sĩ xuất chúng và chờ đợi
nhân gian phải cung phụng, chiều chuộng. Ông rất... văn minh trong cách cư xử đó.
Là
nhạc sĩ sáng tác không có nguồn sống nào khác ngoài nhạc, Phạm Duy sòng phẳng với
mọi người, dù đã biết và đã viết... "dăm eo sèo nhân thế". "Đời
vẫn ban cho ngọt bùi" là một cách nói của ông, nhưng Quỳnh Giao khó quên
được vài kỷ niệm hơi đắng.
Trong
một buổi ra mắt tại Houston để phổ biến đĩa nhạc "Minh Họa Kiều" của ông, Quỳnh Giao áy náy vì thấy số bán quá ít.
Đây là Phạm Duy: "Cháu ơi, có người mua ngần ấy là mừng rồi! Lần trước, chú
lễ mễ từ Cali qua miền... (xin miễn nói tên) mà đem về gần hết!"
Giờ
này nhớ lại thì vẫn ứa nước mắt, nhưng bỗng thấy yêu đời hơn vì chữ "ngọt
bùi". Và càng hiểu vì sao "gã Duy già của chúng ta" - như ông đã
xưng từ bốn chục năm trước - có những phút nổi loạn, mà cũng có lúc như an phận.
Ông giữ riêng mối thâm giao với nghệ thuật và cười với sóng gió.
Tác
phẩm của Phạm Duy làm đời sống chúng ta thêm phong phú, đến nỗi ai cũng có thể nhớ
một kỷ niệm đẹp gắn liền với một hai ca khúc của ông. Nhưng mấy ai đã đáp lại
cho tương xứng?
Rất
riêng tư thì Quỳnh Giao cầm bút lần đầu là để viết cho tờ Văn Học một đoản văn
mừng sinh nhật thứ 66 của Phạm Duy, cách nay 25 năm rồi. Từ đó đã viết thêm cả
chục bài về lời và nhạc của ông trong một số tác phẩm mình yêu thích nhất. So với
những gì ông đã cống hiến cho người nghe và người hát thì thật chưa đầy vốc
tay.
Được
tin ông vẫn vui sống dù sức khoẻ không còn như xưa, Quỳnh Giao kính chúc ông
"sống lâu trăm tuổi" nhưng biết rằng ông đã sống hơn trăm tuổi cho âm
nhạc. Và di sản của ông sẽ tồn tại rất lâu trong tâm khảm của chúng ta.
Mừng
năm mới, xin quý vị hãy lẩm nhẩm nhớ lại ngàn lời ca của Phạm Duy, từ dân ca đến
tình ca, từ chiến trường ca đến đạo ca, tâm ca, hãy đi lại "Con Đường Cái
Quan" trong trí nhớ, hãy để ý đế hình tượng của Mẹ trong ca khúc Phạm
Duy... chúng ta sẽ thấy rằng đời sống của mình có thêm ý nghĩa.
Đấy là món quà xuân bất tận của Phạm Duy. Mong rằng đấy cũng là niềm vui bất tận cho người nghệ sĩ thật ra vẫn trẻ mãi không già.
__________________
Nhân ngày đại tang của nền tân nhạc Việt Nam, Dainamax Tribune xin yết lại bài của Quỳnh Giao viết ngày 15 Tháng 12 năm 2012 về Phạm Duy, đã đăng trên Việt Báo Xuân năm Nhâm Thìn 2012...
Khong ai co the phu nhan thien tai cua Pham Duy trong lanh vuc am nhac Viet Nam. Biet bao the he da song va thuong thuc nhung dong nhac cua ong qua nhung doi thay cua thoi cuoc va su noi troi cua menh nuoc: tuu Bac vao Nam roi tu Nam qua My...Tiec thay, ong da tro ve VN vao cuoi cuoc doi va da danh mat rat nhieu thien cam cung nhu su nguong mo cua nguoi Viet hai ngoai. Du sao, cung mong ong duoc huong su binh an noi coi vinh hang.
Trả lờiXóa