Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130106
"Kinh Tế Cũng Là Chính
Trị"
* Bích chương cổ động đầy tính xuyên tạc về cách tính chỉ số CPI *
Bước sang năm mới, người viết sẽ làm độc giả nhức đầu với một đề tài rắc
rối nhưng liên quan đến cuộc sống của đa số chúng ta, đó là cách tính chỉ số lạm
phát như cơ sở điều chỉnh các khoản phúc lợi.... Cách đo đếm ấy đã gây tranh luận
với nhiều hỏa mù và gian ý.
Trong trận đấu cuối năm về ngân sách
để kịp tránh bờ vực tài chánh "fiscal cliff" vào ngày đầu năm mới, truyền
thông Hoa Kỳ loáng thoáng nhắc đến một đề nghị từ Hạ viện Cộng Hoà, đó là tính
lại chỉ số hàng tiêu dùng CPI. Sau đấy, đề nghị bị lãng quên trong nhiều chi tiết
rắc rối khác. Nhưng chúng ta hãy tin rằng các chính trị gia sẽ lại moi ra đề mục
này, nên ta cần biết rõ vài điểm căn bản để khỏi bị họ đánh lừa nữa.
Đầu đuôi câu chuyện là như thế này:
Vật giá gia tăng (lạm phát) có thể
chi phối mức sống người dân nên luật lệ Hoa Kỳ có chương trình điều chỉnh để dân
nghèo khỏi thiệt. Chương trình ấy được gọi tắt là COLA (Cost of Living
Allowance). Nhưng làm sao tính ra đà gia tăng của vật giá để quyết định về ngân
khoản trợ cấp COLA gọi là "điều chỉnh mức sống"? Người ta dùng "chỉ
số mức sống tối thiểu" (tạm dịch từ "cost-of-living index"), được
tính ra từ Chỉ số Hàng Tiêu dùng, Consumer Price Index hay CPI.
Câu chuyện đến đây thì còn hiểu
được.
Quan trọng hơn vậy, chỉ số về mức
sống tối thiểu còn là cơ sở pháp lý cho các khế ước lao động, hưu liễm, thuế vụ
và các mục chi bắt buộc của ngân sách, như An sinh Xã hội, Social Security. Vì
vậy, cả hệ thống tính toán về ngân sách, công chi xã hội và kinh doanh đều nằm
trên một chỉ số CPI. Nói cách khác, nhiều quyết định về kinh tế và xã hội, tức
là chính trị, lại xuất phát từ chỉ số CPI, là một cách ước tính ra mức lạm phát.
Hãy tưởng tượng đến một hàn thử biểu hay nhiệt kế để đo lường tình trạng nóng lạnh
của bệnh nhân hầu các bác sĩ còn kê toa bốc thuốc....
Vấn đề đặt ra là Hoa Kỳ chi nhiều
hơn thu, bội chi ngân sách đang đe dọa tương lai quốc gia mà cái nhiệt kế CPI đó
lại không đáng tin.
Một cách cụ thể, đa số kinh tế
gia thuộc cả hai phe tả hữu đều thấy là khi định trước mức sống tối thiểu – từ đó
tính ra cả trăm quyết định về đời sống – thì người ta có thể lầm. Thứ nhất là vì
trong các nền kinh tế công nghiệp hóa, nhờ cải tiến năng suất và khả năng mặc cả
của giới lao động, lương bổng trung bình đã tăng nhanh hơn chỉ số về mức sống tối
thiểu. Lý do thứ hai, là chỉ số về mức sống cho tương lai lại dựa trên những dữ
kiện sai lạc về vật giá vì là của quá khứ.
Bây giờ mới là phần khó hiểu –
xin giao hẹn trước!
Từ hơn 50 năm, người ta nghiệm thấy
rằng chỉ số CPI lại tăng nhanh hơn mức sống của người dân bình thường. Lý do là
cách tính lại đặt giả thuyết sai về phản ứng của thị trường và các hộ gia đình.
Thí dụ như trong cái giỏ chung của nhiều loại hàng tiêu dùng, là cơ sở tính ra
chỉ số CPI, có giá thịt bò trong loại "thực phẩm". Khi giá thịt bò tăng
thì chỉ số CPI tăng theo. Nhưng thực tế của đời sống là khi thấy thịt bò lên giá,
chúng ta đều lặng lẽ đổi món - ăn thịt gà hay thịt heo thì rẻ hơn. Cái nhiệt kế
đo không đúng sự đổi thay hàng tuần hàng tháng của cơ thể kinh tế.
Nhiều kinh tế gia mới đề nghị điều
chỉnh cách tính chỉ số CPI theo hướng linh động hơn, gọi là "chained CPI".
Nhưng cách ước tính mức sống tối thiểu sẽ chi phối hệ thống kinh doanh, kinh tế
và xã hội.... Vắn tắt lại cho dễ hiểu thì khi điều chỉnh cách tính về mức sống
tối thiểu, người ta điều chỉnh lại cả phần phúc lợi COLA và giảm bội chi ngân sách.
Đây là đề nghị được đa số kinh tế gia hỗ trợ với sự đồng tình của các chính trị
gia của cả hai đảng.
Đầu tiên là từ năm 1961, một nhóm
kinh tế gia dưới sự hướng dẫn của George Stigler, Nobel Kinh tế sau này, nêu vấn
đề với Văn phòng Ngân sách và đề nghị Văn phòng Thống kê Lao động điều chỉnh, trước
hết là về giá nhà trong giỏ ngân sách. Hai chục năm sau mới có sửa đổi chút định
với kết quả nho nhỏ!
Năm 1996, Thượng viện đề nghị một
nhóm kinh tế gia nghiên cứu thêm, dưới sự hướng dẫn của Michael Boskin, Cố vấn
trưởng Kinh tế cho Tổng thống George H. W. Bush. Cũng có điều chỉnh mà rất chậm
và ít. Cuối năm 2010, một Hội đồng lưỡng đảng do Tổng thống Barack Obama đề cử
(Hội đồng Simpson-Bowles) lại nghiên cứu tiếp và nêu ra đề nghị mới. Nghĩa là
trong nửa thế kỷ, các kinh tế gia đã khách quan tìm hiểu vấn đề và đưa ra khuyến
cáo cải tổ.
Gần đây hơn, theo cơ quan độc lập
của Quốc hội về ngân sách, gọi là CBO, việc tính lại chỉ số CPI và từ đó điều
chỉnh cách quy định về mức sống cùng các khoản phúc lợi và thuế khóa sẽ giảm bớt
công chi và gia tăng nguồn thu về thuế khoá mà khỏi phải tăng thuế suất.
Về cụ thể thì khoản chi An sinh Xã
hội cho người già và bệnh sẽ tăng chậm hơn, trung bình cỡ 0,25% một năm. Người
được hưởng giả dụ như trăm đồng một tháng thì chỉ còn 99,75 đồng thôi. Cứ vậy mà
tính theo lãi kép trong 10 năm, khoản phúc lợi sẽ giảm mỗi tháng 3% so với hiện
trạng. Nếu áp dụng chung cách tính này cho công chức liên bang hay cựu chiến
binh, trong 10 năm tới ngân sách quốc gia sẽ tiết kiệm được tổng cộng 145 tỷ. Cũng
lối tính này còn nâng số thu về thuế khóa được 72 tỷ, vị chi là 217 tỷ.
Rồi nhờ thu hẹp bội chi ngân sách,
nhà nước vay ít hơn và trả lãi ít hơn thì quốc gia có thể tiết kiệm được chừng
300 tỷ trong 10 năm. Đó là về lý, của giới nghiên cứu kinh tế thuộc nhiều
khuynh hướng khác nhau, từ tả qua hữu.
Nhưng kinh tế cũng là chính trị!
Từ nguyên tắc lý thuyết, chính xác và khoa học hơn, mà đi vào áp dụng thì lại có
chuyện được thua, lợi hại, và các chính khách thuộc cả hai đảng lập tức khai thác
trong tinh thần lừa mị.
Họ dựa trên hai hướng lập luận.
Từ cánh bảo thủ, viện nghiên cứu
Cato thuộc khuynh hướng tự do tuyệt đối "libertarian" hay ông Grover
Norquist của tổ chức Americans for Tax Reforms rất có ảnh hưởng với xu hướng giảm
thuế đã cùng đả kích việc điều chỉnh là "lén lút tăng thuế". Từ cánh
tả, tổ chức AARP (hiệp hội người hồi hưu) cùng 85 nghiệp đoàn và nhóm vận động
thì tri hô là cách tính lại chỉ số về mức sống sẽ nhắm vào thành phần già nhất
và nghèo nhất. Họ yêu cầu Quốc hội phải bác bỏ.
Khi thấy các nhóm vận động nêu vấn
đề như vậy thì giới chính trị bèn chột dạ. Họ quên hẳn vấn đề then chốt là bội
chi ngân sách quá cao mà bác khước một đề nghị cải sửa có xuất xứ khoa học và
quan điểm lưỡng đảng. Cho nên bài toán kinh tế càng khó tìm ra giải pháp.
Bài viết này hành hạ sự kiên nhẫn
của độc giả mà giới thiệu lại từng điểm căn bản về thống kê và kinh tế để cho
thấy sự nhiêu khê rắc rối đằng sau một con số về thống kê tưởng như vô tư vô hại.
Kết luận ở đây lại còn rắc rối hơn: nếu người dân am hiểu được phần nào sự thật
kinh tế thì sẽ đỡ bị chính trị lừa mị. Nhưng mấy ai lại chịu khó tìm hiểu!
Vì thế, nền dân chủ đòi hỏi sự cố
gắng của người dân. Rất mệt. Muốn khỏi mệt thì xin cứ làm con cừu, và đừng than
là bị chính khách cạo lông để lấy tiền người này mua phiếu người khác - và làm
ngân sách bị lủng.
Thưa chú,
Trả lờiXóaChú có thể giải thích thêm cho cháu những từ này được không?
- Chained CPI
- Core CPI
- Headline CPI
Cháu cảm ơn chú nhiều!
Thanh ơi!
Trả lờiXóaSẽ lần lượt trình bày. Trong một bài quãng 1.500 chữ thì chỉ có thể... gợi trí tò mò để người khác chịu khó chú ý mà theo dõi thêm. May ra....
Chúc em vui mạnh và mong là em sẽ tìm ra điều có ích qua những bài viết này.
NXN
Vâng. Cháu cảm ơn chú!
Trả lờiXóa