Đèn nhà nào nhà ấy rạng - Mạng người nào người ấy giữ....
Thế giới vừa trải qua một chu kỳ năm năm đầy biến động, lồng trong trận Tổng suy trầm kinh tế 2008-2009 và ba năm đình trệ.
Biến cố kéo dài này tất nhiên đã chi phối những tính toán kinh tế của mọi quốc gia và của mọi người trong từng quốc gia. Hậu quả sẽ ra sao trong mấy năm tới? Vào dịp đầu năm, Diễn đàn Kinh
tế tìm hiểu về biến chuyển ấy qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Nhìn lại năm năm qua
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Theo thông lệ,
khi mở đầu năm mới, diễn đàn của chúng ta thường nhắc đến yếu tố lạc
quan và tích cực cho một vận hội mới. Nhưng những gì xảy ra cho kinh tế
thế giới từ mấy năm qua khiến người ta khó thấy lạc quan mà cần nhìn vào
những rủi ro có thể xảy ra trong thời gian tới. Vì vậy, chương trình
kinh tế đầu tiên của năm 2013 cố phác họa một số viễn ảnh cho thời kỳ
trước mặt để còn tự chuẩn bị. Ông nghĩ sao về đề nghị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đều ý thức được những giới hạn của
con người khi dự báo tương lai, nhất là tương lai kinh tế, vốn tổng hợp
sự tính toán của cả triệu cả tỷ tác nhân ở nhiều nơi. Nhưng xuyên qua
những chuyển động tưởng như hỗn loạn phi lý người ta vẫn có thể nhìn ra
một số yếu tố hợp lý. Sau những năm đầy biến động vừa qua, ta thấy rằng
trật tự cũ mà nhiều người tin là vĩnh viễn trường cửu lại bị đào thải và
thế giới có thể bước qua một trật tự khác. Vì vậy, mình thử nhìn vào
các chỉ dấu tiên báo viễn ảnh mới để còn phần nào tự chuẩn bị lấy thân.
Vũ Hoàng: Như vậy, xin ông khởi đầu bằng cách trình
bày lại bối cảnh chung ngõ hầu mình có thể thấy ra một số điều hợp lý
giữa những biến động chung.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về bối cảnh chung, ta có thể thấy năm năm
vừa qua là thời trả nợ sau chu kỳ 30 năm vay mượn quá sức của ba khối
kinh tế công nghiệp hoá và giàu có nhất thế giới. Biến cố ấy khởi sự từ
đầu năm 2008 và giải thích bao khó khăn dồn dập của ba anh nhà giàu mắc
nợ là Nhật Bản, Hoa Kỳ và Âu Châu. Khi các nước giàu có nhất lại thu vén
chi tiêu để còn trả nợ thì kinh tế toàn cầu bị suy trầm và rất chậm
phục hồi. Đấy là một lẽ.
- Thứ hai, bên ngoài kinh tế thì còn chuyện sinh tử là an ninh. Sau 10
năm tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, Hoa Kỳ ngập nợ
phải tìm cách thoát khỏi những khó khăn đó. Nhưng khoảng trống do nước
Mỹ để lại trên toàn cầu và các bài toán dồn dập khi phải trả nợ lại là
sự cám dỗ cho chính sách bành trướng của Trung Quốc và gây phản ứng
phòng thủ từ các quốc gia khác. Cùng những khó khăn kinh tế chung của
toàn cầu, phản ứng này có chi phối chiến lược phát triển của các nước.
Thứ ba, trong Liên hiệp của 27 nước Âu Châu và khối tiền tệ thống nhất
của 17 nước cùng dùng chung đồng Euro, khó khăn tài chính dồn dập trong
bốn năm liền cũng gây thất vọng cho nhiều nước và dẫn đến phản ứng quốc
gia dân tộc, trong tinh thần xin tạm gọi là "đèn nhà nào nhà ấy rạng,
mạng người nào người ấy giữ".
- Nói chung là tinh thần bảo thủ và co cụm của nhiều nước trên thế giới
nhằm bảo vệ quyền lợi riêng. Nhìn trên toàn cảnh của ngần ấy chuyển
động thì ta thấy ra một hậu quả bất ngờ cho cả thế giới, đó là sự thoái
lui của trào lưu toàn cầu hóa. Mà điều đáng tiếc này thật ra cũng hợp
lý.
Những thay đổi ảnh hưởng kinh tế
Vũ Hoàng: Ông vừa nói đến một điều rất
lạ, thậm chí là nghịch lý. Đó là "điều đáng tiếc mà thật ra cũng hợp
lý". Xin đề nghị ông giải thích cho sự hợp lý này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng trước hết thì con người cũng là
một sinh vật kinh tế nên phải thường xuyên ứng xử với hoàn cảnh hay
chính sách để tìm lợi ích cao nhất. Nhưng người ta thay đổi với loại đổi
thay lâu dài chứ không lụp chụp chạy theo biện pháp hay chính sách ngắn
hạn. Vì vậy, sự thay đổi lớn lao này mới chậm xảy ra mà nếu chỉ để ý
đến biến cố ngắn hạn thì ta cho là bị bất ngờ. Mà nếu chính sách lại đề
ra cho một bài toán ngắn hạn thì có thể gây ra điều mà người ta gọi là
"hậu quả bất lường" hay "liều thuốc đổ bệnh". Bây giờ ta mới suy ra
khung cảnh toàn cầu trong trường kỳ.
- Về trường kỳ, hình thái sinh hoạt kinh tế của các nước có thay đổi và khu vực chế biến của các nước công nghiệp hoá đã thu hẹp và nhường chỗ cho khu vực dịch vụ. Tức là các nước giàu có đã đẩy đầu tư về chế biến cho các nước đang phát triển làm gia công để tìm lợi thế nhân công rẻ và điều ấy có góp một phần cho hiện tượng toàn cầu hóa và tự do chuyển dịch tư bản.
- Thứ hai, cũng trong trường kỳ, ta còn để ý đến sự thay đổi về "thuật lý"
hay "technology" là chữ tôi đề nghị về cách tổ chức khoa học kỹ thuật,
tương tự như sinh lý hay vật lý trong các bộ môn khoa học kia. Thay đổi
về thuật lý có thể là kết quả của bài toán an ninh hay quân sự mà cũng
là hậu quả của cơ cấu phí tổn vì người ta cần tìm ra cách sản xuất nào
rẻ hơn. Rốt cuộc thì tiến bộ thuật lý cũng đảo lộn luôn cơ cấu phí tổn
ấy, thí dụ như về giá biểu của các loại nguyên nhiên vật liệu. Một thí
dụ khác là sự cải tiến về thuật lý với máy điện toán và công nghệ tín
học làm thay đổi quy trình sản xuất và nâng cao năng suất kinh tế nhưng
cũng dẫn đến các bài toán xã hội là thất nghiệp, giáo dục và đào tạo cho
các gia đình hay chính quyền.
Vũ Hoàng: Đó là những chuyển động sâu xa về xã hội
với ảnh hưởng dội ngược vào kinh tế. Thưa ông, ngoài ra còn có những
thay đổi gì khác nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng còn có sự đổi thay chậm rãi mà mãnh liệt hơn, đó là cơ cấu dân số trong các nước.
- Nói chung, dân số địa cầu đã tăng vọt từ sau Thế chiến II nhưng nay
đã đi hết chu kỳ và giảm dần. Càng tiến hóa thì càng giảm mạnh và bị
nguy cơ gọi là lão hóa dân số. Sự thay đổi ấy cũng chi phối tính toán
lời lãi của doanh nghiệp hay chiến lược kinh tế của quốc gia. Một cách
cụ thể, lương bổng cho nhân công các nước đang phát triển không còn rẻ
như trước khi các nước này trở thành "tân hưng", nghĩa là bắt đầu phát
triển.
- Ngoại lệ ở đây là Trung Quốc, có dân số cao nhất địa cầu nhưng lãnh
đạo tiêu cực và lạc hậu lại lầm tưởng rằng mỗi người sinh ra là một
miệng ăn nên chủ động kiểm soát dân số qua kế hoạch mỗi hộ một con. Hậu
quả là dân số cũng bắt đầu bị lão hóa, là người dân chưa giàu đã già, và
lợi thế về nhân công nhiều và rẻ nay mất dần cho các nước khác vì doanh
nghiệp của các nước tiên tiến đi tìm nơi rẻ hơn, có năng suất cao hơn.
Mà cao nhất vẫn là trong các nước tiên tiến.
Thoái trào toàn cầu hóa
Vũ Hoàng: Sau khi lần lượt tổng kết lại
các chuyển động lớn của các nước trên thế giới để dẫn về viễn ảnh trước
mắt là sự thoái trào của hiện tượng toàn cầu hóa, ông có thể đơn cử một
số dấu hiệu tiên báo cái trật tự đáng tiếc mà có lẽ hợp lý ấy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đầu tiên, chẳng còn ai nói về
Vòng Đàm Phán Doha do Tổng thống George W. Bush đề nghị với Tổ chức
Thương mại Thế giới WTO vào Tháng 10 năm 2001 để phát triển ngoại thương
của các nước nghèo trong tinh thần ngoại thương góp phần gia tăng lợi
ích cho mọi quốc gia. Vòng đàm phán ấy thực tế bị khai tử và cơ chế WTO
chỉ còn là nơi giải quyết quá nhiều vụ tranh tụng về mậu dịch giữa các
hội viên.
- Kế tiếp, chúng ta có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương mà hai
Tổng thống Mỹ đã liên tục đề cao từ 2008 đến 2010 và muốn sớm hoàn thành
để phát triển ngoại thương và kinh tế giữa các nước trong vành cung
Thái bình dương. Hiệp định ấy bị trở ngại và ngược lại, người ta lo sợ
sự lớn mạnh của phản ứng bảo hộ mậu dịch với nhiều đòn trả đũa về ngoại
thương để từng quốc gia bảo vệ quyền lợi riêng.
- Giữa các nước đã phát triển với nhau, khó khăn chồng chất bên trong
khiến xứ nào cũng tìm cách in tiền, hạ lãi suất và tìm lợi thế của đồng
bạc rẻ để xuất khẩu và thoát hiểm. Hiện tượng ấy gây thêm vấn đề ngoại
thương và trước hết thu hẹp nguồn tư bản có thể đầu tư vào các nước đang
phát triển. Đầu tư trực tiếp giảm sút càng làm các nước nghèo gặp trở
ngại khi thị trường xuất khẩu vào các nước giàu cũng co cụm dần. Nếu xứ
nào cũng muốn bán hàng ra ngoài thì ai mua bây giờ? Tranh chấp mậu dịch
vì vậy chỉ tăng chứ không giảm và toàn cầu hóa bị đẩy lui...
Vũ Hoàng: Thưa ông, riêng tại Hoa Kỳ, là quốc gia có thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, người ta có thấy ra sự thoái trào ấy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta thấy ra rõ ràng nhất là tại Hoa
Kỳ, sau đó mới tới Âu Châu, Nhật Bản hay Trung Quốc, là những khối kinh
tế dẫn đầu thế giới.
- Trên chính trường Mỹ, tự do mậu dịch hay toàn cầu hóa hết được coi là
lý tưởng mà còn bị kết án là nguyên nhân gây ra thất nghiệp hay thiệt
hại cho kinh tế và nhân công Mỹ. Dù sự thật chả đơn giản như vậy, lý
luận ấy được rất nhiều người ủng hộ. Trong khi đó, về thực tế thì nhiều
doanh nghiệp Mỹ hết thấy thị trường Trung Quốc là hấp dẫn và bắt đầu
triệt thoái đầu tư để dồn qua xứ khác. Nhưng đáng chú ý nhất là để sản
xuất lấy ở nhà, nhờ tiến bộ mới về thuật lý lẫn thay đổi về cơ cấu phí
tổn. Nói chung, nước Mỹ hết tìm nơi làm gia công ở bên ngoài, hoặc chỉ
tìm những công đoạn rẻ nhất ở xứ khác. Dù kinh tế Mỹ chỉ lệ thuộc bên
ngoài có chừng 12% của tổng số tiêu thụ đấy vẫn là thị trường nhập khẩu
lớn nhất địa cầu. Nếu doanh nghiệp Mỹ tính lại cho thời gian năm bẩy năm
tới thì kinh tế thế giới sẽ bị thiệt hại.
Vũ Hoàng: Câu kết cho đầu năm là gì thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi mong rằng sự thay đổi này chỉ là trung
hạn tức là cho năm bảy năm mà thôi vì lợi thế của toàn cầu hóa là điều
có thật và khó phủ nhận. Nhưng mình vẫn phải tự chuẩn bị cho tình huống
đó. Riêng về Việt Nam thì với thị trường gần 90 triệu dân, Việt Nam nên
sớm nghĩ đến nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa thay vì
chỉ trông chờ vào xuất khẩu và đầu tư của công quyền. Đây cũng là cơ hội
nhìn lại lợi thế tương đối của mình trong dài hạn, không thể là nhân
công rẻ mà còn tùy vào năng suất, tức là giáo dục và đào tạo. Đấy cũng
là lời chúc đầu năm của chúng ta cho thế hệ trẻ tại Việt Nam.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa và kính chúc ông một năm an hảo.
nhờ có toàn cầu hóa mà có được chiếc iphone nhanh chóng, có được những máy bay airbus hiện đại, trạm ISS, Châu Âu tránh khỏi chiến tranh... nhưng trong quá trình này, mỗi nước lại tìm cách đặt luật chơi theo hướng có lợi cho mình. Dẫn đến hậu quả như ngày nay, Đức thấy mình phải đóng góp quá nhiều cho EU, nước Mỹ đến lúc phải trả nợ mà kinh tế thì suy giảm... Vấn đề là bản thân họ phải tự điều chỉnh theo hướng vì lợi ích chung thì cả nhân loại lại cùng tiến bộ chứ nếu co cụm lại, chỉ quan tâm đến lợi ích riêng thì những thành quả từ trước tới nay sẽ bị mất hết gây ra những hậu quả tai hại như chiến tranh, xung đột trong từng khu vực...lịch sử đã chứng minh những điều này qua 2 cuộc chiến.
Trả lờiXóa