Bùi Diễm Ngày 130125
Cuộc Chiến Việt Nam Và Hai Quan Niệm Xây Dựng Xã Hội
* Bàn tròn hội nghị bốn bên tại Paris từ 1968 đến 1973 để... ba bên dẹp một *
Ngày 27 Tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris đã được ký kết để chính thức kết thúc chiến tranh và vãn hồi hòa bình tại Việt Nam. Ngày nay, chúng ta đều đã thấy kết quả với rất nhiều chấm than! Bốn chục năm sau, khi nhớ lại biến cố ấy Việt Báo Xuân Quý Tỵ 2013 đã giới thiệu bài tham luận của Đại sứ Bùi Diễm cho các độc giả thuộc thế hệ trẻ có thể hiểu rõ hơn những uẩn khúc của lịch sử cận đại. Số là vào năm 2003, để kỷ niệm 30 năm Hiệp định Paris, các tổ chức nghiên cứu Pháp là "Association Diplomatie et Stratégie" và "Centre d’Histoire de l’Europe du Vingtième Siècle" có một cuộc hội luận về chiến tranh Việt Nam và mời cựu Đại sứ Bùi Diễm qua Paris phát biểu quan điểm của người quốc gia tại miền Nam. Ông trình bày sự thể bằng Pháp ngữ và phiên dịch lại qua Việt ngữ. (Từ Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch nước là bà Nguyễn Thị Bình được mời lên nói về lập trường của người cộng sản.... Cả hai người cũng đều đã tham dự cuộc hòa đàm tại Paris.)
Tôi
hân hạnh được có mặt tại đây cùng quý vị tham dự Hội Nghị Quốc Tế “Chiến tranh
Việt Nam và Âu Châu” và xin cảm tạ Ban Tổ Chức đã có nhã ý mời tôi.
Ba
mươi năm sau Hiệp Định Paris, tôi tin rằng chúng ta có đủ khoảng cách thời gian
để đóng góp ý kiến cho lịch sử về cuộc chiến đã tàn phá xứ sở của tôi trong nhiều
thập niên thế kỷ trước. Kết quả của sự đóng góp này, tôi mong như vậy, sẽ giúp
mọi người hiểu rõ hơn những gì đã xẩy ra và, nếu có thể, đem lại một vài bài học
hữu ích cho tương lai.
Hội
nghị là một sáng kiến đáng khen của Hiệp Hội Ngoại Giao và Chiến Lược và Trung
Tâm Lịch Sử Âu Châu vào Thế Kỷ 20 (Association
Diplomatie et Stratégie và Centre d’Histoire de l’Europe du Vingtième Siècle).
Tôi
được mời tham dự nhóm thảo luận tập trung vào đề tài “cuộc chiến Hoa Kỳ”. Tôi
có một số ý kiến về đề tài này và sẽ trình bầy sau. Tuy nhiên vì hội nghị được
tổ chức vừa để kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Hiệp Định Paris vừa để duyệt lại vai
trò của Âu Châu trong những năm chiến tranh tại Việt Nam, tôi không thể không
nhắc lại bầu không khí đặc biệt đáng nhớ của những ngày tháng Năm, năm 1968, tại
Paris.
Paris, Tháng Năm,
1968
Lúc
đó, tiết trời mùa Xuân, người ta chờ đón hy vọng hòa bình sau những năm dài
chinh chiến và tàn phá. Người ta còn mừng về việc chọn Paris làm nơi gặp gỡ để
các phe liên hệ đàm phán. Quả vậy, trong các phủ bộ Âu Châu như ở mọi nơi khác,
người ta đồng ý là Âu Châu và nhất là nước Pháp, vì là thành phần trung lập
trong cuộc chiến này, thích hợp nhất trong vai trò chủ nhà cho hội nghị. Người
ta còn mong rằng nhờ có nhiều liên hệ với cả hai phe, Pháp có thể kín đáo giúp
cho việc thương thuyết.
Tuy
nhiên, do sự trùng hợp không may của nhiều yếu tố lịch sử, khi các cuộc đàm
phán đầu tiên giữa các phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Việt khởi sự thì nước Pháp lúc
đó lại đang ở trong một tình trạng khủng hoảng. Đường phố Paris bốc cháy vì các
cuộc biểu tình của sinh viên và những kẻ sách động mà nay người ta gọi là “thế
hệ 68”. Hàng rào được dựng khắp nơi trong khu Latinh (tập trung nhiều Đại Học
và là nơi sinh viên biểu tình dữ dội nhất), nước Pháp như bị tê liệt và người
ta tự hỏi phải chăng đây là khởi đầu của một cuộc cách mạng?
Vào
thời điểm đó, nhiệm sở của tôi ở tại Mỹ nên hàng tuần tôi phải làm con thoi giữa
hai thủ đô Washington và Paris, nhưng vì hoàn cảnh quá bất thường nên máy bay
đưa tôi từ New York phải đáp xuống phi trường quân sự Brétigny thay vì Orly, và
nhiều lần tôi đã phải đi đường bộ lên Bruxelles để có máy bay trở về Mỹ.
Nếu
tôi có gợi lại kỷ niệm ấy thì cũng chỉ để nhắc lại bầu không khí đặc biệt vào
thời điểm hòa đàm. Hơn nữa, biểu tình không phải là hiện tượng chỉ xẩy ra ở
Pháp, sự xáo trộn cũng mãnh liệt không kém trong giới sinh viên và sách động ở
khắp Âu Châu, đặc biệt ở Đức, và riêng ở Mỹ trong số những người chống lại chiến
tranh Việt Nam.
Thực
ra, đó là một hiện tượng xã hội, sự phản kháng của một thế hệ chống lại cái xã
hội đã nuôi nấng họ. Việc chống lại chiến tranh Việt Nam có thể có nội dung
chính trị, nhưng khung cảnh chung là một cuộc khủng hoảng xã hội chẳng dính dấp
gì tới Việt Nam và Việt Nam nhiều khi chỉ là một cái cớ. Vào thời điểm đó chúng
ta còn ở rất xa sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết và huyền thoại Cộng Sản. Cho
nên nếu các vụ biểu tình có mầu sắc thiên tả ở Âu Châu và ở khắp các nơi khác
thì cũng chẳng làm ai ngạc nhiên vì người ta cứ tưởng lầm đấy là trào lưu của
thời đại.
Nỗ lực Trung gian
của Âu Châu
Cuộc
hòa đàm về Việt Nam đã khởi sự trong bầu không khí đặc biệt như vậy vào năm
1968.
Dư
luận coi đây là một nỗ lực cụ thể để tìm giải pháp cho cuộc chiến đang xẩy ra
mà không biết rằng trong hậu trường, và nhiều lần, đã có những trung gian muốn
dàn xếp việc tiếp xúc giữa các đối phương. Những nỗ lực môi giới của Âu Châu
cho việc này kể ra thì rất nhiều, chúng ta đều biết cả và nhóm thảo luận thứ tư
của hội nghị này sẽ có thời giờ tìm hiểu sự việc trong chi tiết.
Tôi
chỉ xin nhắc theo trí nhớ ở đây vài ba trường hợp mà tôi có theo dõi như một sự
ca ngợi những nỗ lực hòa bình của Âu Châu.
Năm
1966, trong khi chiến cuộc bùng nổ và lan tràn thì Ba Lan qua vị đại diện của
mình trong Ủy Hội Kiểm Soát Quốc Tế (ICC) cùng với vị đại diện của Ý tại Sài
Gòn đã tìm cách thu hẹp khác biệt quan điểm giữa các phe liên hệ. Ở cấp cao
hơn, đầu năm 1967, Thủ Tướng Anh Harold Wilson và Thủ Tướng Liên Xô Alexis
Kosygin cũng cố gắng tổ chức một hội nghị hòa bình. Về phần Pháp thì từ năm
1965, Paris đã kín đáo giúp đỡ sự gặp gỡ giữa người đại diện của Hà Nội là ông
Mai Văn Bộ với nhà ngoại giao Mỹ, ông Edmond Guillion. Cũng trong tinh thần ấy
và có thể với sự đồng ý mặc nhiên của bộ Ngoại Giao Pháp, hai người Pháp là các
ông Aubrac và Marcovich đồng ý cộng tác với giáo sư Kissinger (đại diện bán
chính thức của Mỹ thời đó) để chuyển một thông điệp của Washington tới nhà cầm
quyền Hà Nội. Không kể tới những nỗ lực kém quan trọng hơn, như của Thụy Điển,
dù không đem lại kết quả cụ thể, tất cả đều phản ảnh sự quan tâm rất lớn của Âu
Châu đối với cuộc chiến tại Việt Nam. Và nếu hội nghị ngày hôm nay có muốn duyệt
lại vai trò của Âu Châu trong nỗ lực đem lại hòa bình cho Việt Nam thì cũng là
điều công bằng.
Chiến tranh “Hoa
Kỳ”
Trong
những năm từ thập niên 60, 70 và về sau này, thành phần thiên tả hay chống Mỹ
và đa số báo chí quốc tế thường gọi chiến tranh Việt Nam là “cuộc chiến của Mỹ”
(“american war”). Sự can thiệp ồ ạt của Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhất là từ năm
1966, có thể giải thích cách gọi như vậy là không xa sự thực. Quả thật, ai có
thể phủ nhận được sự hiện diện của nửa triệu lính Mỹ tại miền Nam Việt Nam ?
Nhưng
dù sự hiện diện đó là hiển nhiên, đối với tôi (và nhiều sử gia độc lập mà tôi
được biết) điều đó không phải là nguyên nhân sâu xa và duy nhất của cuộc chiến.
Nếu ngược dòng thời gian, trở lại Hiệp Định Genève năm 1954 kết thúc cuộc chiến
đầu tiên tại Việt Nam (được gọi là chiến tranh Đông Dương) và phân chia lãnh thổ
Việt Nam thành hai vùng qua vĩ tuyến 17, người ta có thể dễ thấy là mối quan
tâm của Hoa Kỳ đối với Việt Nam thật là giới hạn.
Chỉ
sau khi bản hiệp định này được ký kết, mối quan tâm đó mới gia tăng với sự
thành lập của Minh Ước Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO hay là South East Asia
Treaty Organisation). Và mối quan tâm này lớn mạnh hơn cùng sự căng thẳng của
chiến tranh lạnh, nhất là sau chiến tranh Cao Ly, sau những vọng động đáng ngại
tại Trung Quốc của Mao Trạch Đông và đặc biệt sau khi khối Cộng Sản Quốc Tế
công khai hỗ trợ chế độ Bắc Việt.
Hai nước Việt Nam
Dĩ
nhiên, Hiệp Định Genève 1954 công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam
như một quốc gia, một dân tộc. Nhưng hiệp định này cũng chia Việt Nam thành hai
vùng và có những quy định về cơ chế quốc gia tại mỗi vùng. Phần mình, chính quyền
Sài Gòn nắm giữ mọi thẩm quyền lãnh đạo quốc gia ở miền Nam cũng như chính quyền
Hà Nội ở miền Bắc.
Như
vậy, có hai nước Việt Nam được quốc tế chính thức hẳn hoi công nhận, Việt Nam Cộng
Hòa được thế giới tự do công nhận tại miền Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được
các nước Cộng Sản công nhận tại miền Bắc. Cũng cần nhắc lại ở đây là trước khi
có Hiệp Định Genève chia đôi đất nước thì Quốc Gia Việt Nam đã được 35 nước
công nhận và tháng Chín năm 1952, dầu Liên Xô dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng
Bảo An, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết với 40 phiếu thuận, 5 phiếu
chống và 12 phiếu trắng, một quyết nghị chấp nhận Quốc Gia Việt Nam vào Liên Hiệp
Quốc. Sau Hiệp Định Genève, Quốc Gia Việt Nam trở thành Việt Nam Cộng Hòa, một
quốc gia độc lập ở miền Nam.
Sự phân chia
trong lịch sử
Nếu
xét đến nguyện vọng của người dân Việt Nam luôn luôn mong muốn nước nhà được thống
nhất thì Hiệp Định Genève phân chia đất nước làm đôi chỉ là một trường hợp giai
đoạn, không ai muốn mà đành phải chịu vì hoàn cảnh lịch sử và quốc tế lúc đó. Nếu
có thể tự an ủi thì người ta nhớ lại thời phân chia Nam Bắc ở vĩ tuyến 18 của
Việt Nam trong hơn hai thế kỷ và chỉ được Hoàng Đế Gia Long thống nhất trở lại
vào đầu thế kỷ 19.
Ngoài
ra, việc phân chia cũng không phải là trường hợp duy nhất nếu người ta thấy những
tiền lệ là hai nước Đông và Tây Đức hoặc hai nước Nam và Bắc Hàn. Vì vậy, sau
Hiệp Định Genève nước Việt Nam ở miền Nam đành chấp nhận thực tế và mong tình
trạng hai nước độc lập như vậy sẽ được duy trì cho tới khi có hoàn cảnh thống
nhất hòa bình như đã từng có trong quá khứ.
Sự can thiệp của
ngoại bang
Tuy
nhiên, tình trạng hai quốc gia biệt lập này không kéo dài. Xung đột giữa hai
bên khởi sự rất sớm.
Vào những năm đầu thập niên 60 thì còn âm ỉ nhưng sau đó
thì trở thành chiến tranh công khai. Chính trong khung cảnh đặc biệt đó của Việt
Nam, với chiến tranh lạnh gia tăng cường độ mà Hoa Kỳ can thiệp vào miền Nam
thuận theo chính sách be bờ (containment policy) ngăn chặn làn sóng Cộng Sản của
họ. Trường hợp này không khác trường hợp các nước trong khối Cộng Sản thuận
theo chủ trương bành trướng và liên đới đối với các nước xã hội chủ nghĩa anh
em đã giúp miền Bắc. Nếu có khác chăng nữa thì người ta thấy tại miền Nam một sự
can thiệp ồ ạt, công khai và hầu như dưới mọi hình thức trong khi đó thì tại miền
Bắc sự can thiệp đã được ngụy trang khéo léo. Quả vậy, sự kiện có hơn 200 trăm
ngàn lính Trung Cộng tại miền Bắc trong thời chiến chỉ được thế giới biết rất
trễ sau khi chiến tranh kết thúc.
Tôi
không hề có ý bênh vực lề lối can thiệp như vậy của Hoa Kỳ, ngược lại là khác!
Vì
trong những năm làm việc tại Mỹ, tôi đã có cơ hội nhận thấy sự vận hành của
chính trị Hoa Kỳ với rất nhiều vụng về, mâu thuẫn và lầm lẫn. Nhưng trong hoàn
cảnh của Việt Nam mà bảo rằng Hoa Kỳ có tham vọng bành trướng lãnh thổ hay quyền
lực này khác, để từ đó đi tới kết luận là chiến tranh Việt Nam bắt nguồn từ sự
can thiệp của Mỹ thì quả là đi quá xa trong sự phi lý.
Nhân
đây, nếu coi sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam là cản trở nền độc lập
và thống nhất của Việt Nam thì tôi xin được nhắc lại rằng vào tháng 10 năm
1966, tại một hội nghị quốc tế ở thủ đô Manila của Phi Luật Tân, quy tụ bảy nước
đồng minh của miền Nam Việt Nam, phái đoàn Việt Nam đã cương quyết yêu cầu ghi
vào bản thông cáo chung một điều khoản minh danh khẳng định là mọi quân đội ngoại
quốc, và trước tiên là quân đội Mỹ, phải rút khỏi Việt Nam sáu tháng sau khi
chiến tranh chấm dứt và lời yêu cầu này đã được hội nghị chấp thuận.
Ngoài
ra, nếu coi Hiệp Định Paris năm 1973 như một văn kiện có giá trị cưỡng hành đối
với các phe liên hệ thì tài liệu đó đã giải quyết dứt khoát vấn đề quân đội Hoa
Kỳ tại Việt Nam, nghĩa là chấm dứt “chiến tranh Hoa Kỳ”, không còn là chiến
tranh của Mỹ nữa, thì một câu hỏi đương nhiên phải được đặt ra: tại sao chiến
tranh lại còn tiếp diễn hai năm nữa?
Một cuộc xung đột
ý thức hệ
Vì
tính chất ồn ào, vũ bão của nó, sự can thiệp của Hoa Kỳ thực ra đã làm sai lệch
bản chất của cuộc chiến ở Việt Nam và che lấp một trong những nguyên nhân chính
của cuộc chiến.
Thật
vậy, nếu mọi người Việt đều mơ ước độc lập ngay từ đầu thế kỷ trước, ngay trong
thời kỳ chính quyền thực dân Pháp còn kiểm soát toàn cõi Việt Nam, người ta đã
thấy có những khác biệt sâu xa giữa các nhà ái quốc và các nhóm chính trị về
phương thức đấu tranh chống thực dân và về tương lai của Việt Nam.
Đảng
Cộng Sản Việt Nam muốn xây dựng một xã hội theo kiểu Mác-Lênin (đấu tranh giai
cấp, chuyên chính vô sản, cải cách ruộng đất v.v..) trong khi các đảng phái quốc
gia, dù còn mơ hồ trong nguyện ước, vẫn muốn xây dựng một xã hội tôn trọng tự
do của con người. Một đằng thì là sự đơn giản của mô hình toàn trị (mà mãi về
sau người ta mới nhìn ra tính chất thô bạo của nó) và đằng kia thì là những thí
nghiệm có tính cách đa diện, đa nguyên mà người ta lên án là kém hữu hiệu.
Vì
vậy, từ nguyên thủy, yếu tố chính ở đây là một sự xung đột về tư tưởng, về ý thức
hệ, nhất là khi các tổ chức yêu nước phải tiến hành đấu tranh biệt lập và bí mật
để tránh sự dòm ngó và đàn áp của thực dân Pháp. Hai biến cố khả dĩ phản ảnh rất
rõ hai khuynh hướng này đã xẩy ra cùng một thời điểm, vào năm 1930, đó là cuộc
khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng và vụ Xô Viết Nghệ Tĩnh của đảng
Cộng Sản Việt Nam.
Theo
dòng thời gian, sự xung đột về ý thức hệ này đã biến thành bạo động nhất là sau
khi đảng Cộng Sản cướp chính quyền vào tháng Tám năm 1945. Và nếu trong cuộc
chiến chống thực dân Pháp, đảng Cộng Sản có ngụy tạo trở thành Hội Nghiên Cứu
Mác Xít, rồi sau đó đổi tên thành đảng Lao Động và chính quyền do đảng này chi
phối nói đến một chính phủ liên hiệp quốc gia thì mục đích cũng chỉ là để huy động
quần chúng hơn là do thực tâm muốn cộng tác với các lực lượng khác trong phong
trào kháng Pháp giành độc lập.
Thế
rồi, giải pháp Bảo Đại ra đời. Mối rạn nứt Quốc Cộng ngày càng đào sâu và trở
thành hiển nhiên với việc Hiệp Định Genève chia đôi đất nước năm 1954. Bây giờ
là một hoàn cảnh pháp lý, có đặc tính quốc tế hơn là quốc nội, chi phối quan hệ
đôi bên, mỗi bên có một lối sinh hoạt riêng, với chế độ chính trị riêng. Mà
hoàn cảnh này cũng được các nước trong khối Cộng Sản công nhận vì tháng Giêng
năm 1957, chính Liên Xô đã đề nghị Liên Hiệp Quốc đón nhận hai miền Nam, Bắc
vào Liên Hiệp Quốc như hai quốc gia biệt lập và độc lập.
Nhưng còn vấn đề
thống nhất
Dĩ
nhiên còn vấn đề thống nhất, một vấn đề mà chính quyền hai bên quan niệm khác
nhau.
Trong
khi miền Nam muốn giữ nguyên trạng tạm thời để có thời giờ hàn gắn chiến tranh,
tái thiết xứ sở lần đầu tiên được độc lập (với sự trao trả miễn cưỡng của người
Pháp) và vì vậy mơ ước một giải pháp thống nhất ôn hòa trong tương lai, thì miền
Bắc bị ám ảnh bởi tham vọng đặt hệ thống Cộng Sản trên toàn xứ sở. Hà Nội đòi
thống nhất bằng mọi giá, kể cả với giá của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Nói cách khác thì một bên là viễn ảnh thống nhất có tính cách thụ động, một bên
là phản ứng đấu tranh quyết liệt vì mù quáng tin vào chủ trương cách mạng và
“nghĩa vụ quốc tế” của những người Cộng Sản.
Chiến
tranh giữa hai miền do đó chỉ còn là điều tất yếu, dù có hay không có sự can
thiệp của ngoại bang.
Sự
thể đã thực tế xẩy ra đúng như vậy, trong sự ngậm ngùi của cả dân tộc.
Trong
khuôn khổ hội nghị này và vì thời gian có giới hạn, tôi không nói hết được những
thống khổ, tang tóc và tàn phá mà dân tộc Việt Nam ở cả hai miền đã phải chịu đựng
trong chiến tranh và sau chiến tranh. Cả trăm cuốn sách và những phân tách được
xuất bản đã nói nhiều đến điều này. Nhưng với khoảng cách thời gian tại hội nghị
này, tôi xin được trình bầy một vài quan điểm của riêng tôi về hồ sơ chiến
tranh Việt Nam.
Hiệp Ðịnh Paris
Trước
hết về bản Hiệp Định Paris, thì người ta đã thấy rõ là hiệp định đó không mang
lại hòa bình, trái lại nó là sự tiếp diễn của chiến tranh. Miền Bắc đã được những
gì họ muốn: quân đội Mỹ hoàn toàn triệt thoái khỏi miền Nam, mặc nhiên họ được
duy trì quân đội của họ ở miền Nam và Hoa kỳ chẳng được gì ngoại trừ việc mang
về tù binh như một phần thưởng nghèo nàn. Một tác giả Hoa Kỳ, Larry Berman, có
tham dự hội nghị này, trong cuốn sách mới xuất bản của ông, "Không hòa
bình, Chẳng danh dự" (No Peace, No Honour) đánh giá hiệp định này là Hoa Kỳ
đã phản bội Việt Nam vì chiến tranh vẫn tiếp tục sau khi văn kiện được ký kết.
Nhân
đây, phải nói rằng tôi không có ý khơi lại một cuộc tranh luận về trách nhiệm của
các phe liên hệ trong cuộc chiến, một cuộc tranh luận mà tôi cho là vô ích khi
chiến tranh đã kết thúc gần 30 năm rồi. Từ đó nước đã chẩy qua cầu và nhiều thế
hệ trẻ ngày nay không còn nhớ hay biết rằng đã có một cuộc chiến xẩy ra.
Nhưng
chúng ta phải ghi nhận rằng, trong khuôn khổ cuộc chiến tranh lạnh, cuộc chiến ở
Việt Nam là sự đụng độ giữa hai chủ trương Cộng Sản và Quốc Gia, giữa độc tài
toàn trị và tự do dân chủ.
Như
con người, mỗi quốc gia có một số phận riêng. Số phận của Việt Nam là ngay sau
Thế Chiến Hai; lợi dụng thời cơ, đảng Cộng Sản Việt Nam đã cướp được chính quyền
năm 1945 tại miền Bắc và tiến hành việc chống Pháp cho tới Hiệp Định Genève
1954.
Sau
đó trong hơn 20 năm là nỗ lực tấn công miền Nam một cách tàn bạo dưới chiêu bài
thống nhất, với kết cuộc là sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975. Đảng Cộng Sản do đó
phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử về những gì xẩy ra trên đất nước
trong hơn một nửa thế kỷ ở miền Bắc và hơn một phần tư thế kỷ đảng này nắm trọn
quyền cai trị ở cả hai miền.
Ở
đây, có lẽ cũng phải nói thêm rằng, say men chiến thắng, những người Cộng Sản
thường hay khoe thành tích đuổi cả thực dân Pháp lẫn đế quốc Mỹ và là “đỉnh cao
trí tuệ của loài người”, nhưng chỉ ít lâu sau chiến thắng người ta đã thấy sự
thật bẽ bàng và một chuỗi dài thất vọng.
Sau
khi thắng trận, trong một thập niên đảng Cộng Sản đã mang ra áp dụng toàn bộ chủ
thuyết Mác-Lênin trên toàn quốc, xâm lăng Căm Bốt để hoàn tất “nghĩa vụ quốc tế”
và tự cô lập mình, với kết quả là đưa đất nước vào cuộc khủng hoảng, đẩy người
dân vào cảnh nghèo đói.
Trong
khi đó thì trên bình diện quốc tế, lịch sử đã chuyển động ngoài sự dự đoán của
nhiều người: Trung Quốc thoát khỏi cơn mê cuồng của Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản,
tiến hành cải cách ngay từ cuối năm 1978, và năm sau cho người anh em xã hội chủ
nghĩa ở Hà Nội một bài học đẫm máu. Rồi đến sự sụp đổ của các chế độ Cộng Sản
Đông Âu và sau cùng là sự tan rã của Liên Bang Xô Viết.
Cùng
một lúc, cả thế giới bừng tỉnh, mô thức Cộng Sản như một mẫu mực không thích hợp
cho thời đại mới, nghĩa là hoàn toàn bị phá sản như Đặng Tiểu Bình rồi sau này
Gorbachev đã lần lượt phải công nhận.
Thắng thành bại,
Bại thành thắng
Sau
Hiệp Định Paris năm 1973 và sự chiến thắng theo kiểu Pyrrhus, chiếm để rồi bại,
đảng Cộng Sản Việt Nam, vì những lầm lẫn của mình, đã đưa đất nước vào cuộc khủng
hoảng nghiêm trọng cuối thập niên 80. Đứng bên bờ vực thẳm, đảng mới tìm cách
đi ngược. Từ vài năm nay người ta thường nói tới một số tiến bộ của Việt Nam
trên đường đổi mới, làm cho người dân nhờ đó được dễ thở hơn trước, nhưng người
ta lại quên rằng tiến bộ đó xuất phát từ những biện pháp tự do mà đảng Cộng Sản
đã lên án và ra tay xóa bỏ. Trước những sự thật của thế giới ngày nay, đảng Cộng
Sản Việt Nam có ý thức được chăng rằng cái dự án xây dựng xã hội của họ đã lỗi
thời và trở thành vô giá trị ?
________________________________________
Chân thành cảm ơn...
Trả lờiXóaX.Trường
Cam on bac Nghia da dang lai bai dien van cua cuu dai su Bui Diem, doc xong, van ngam ngui cho so phan cua VN, du da tung doc rat nhieu sach bao Viet My, va da biet nhung bien co da xay ra truoc va sau Hiep Dinh Paris 1973.
Trả lờiXóaDu trong bat cu hoan canh nao, chung ta khong the tin tuong vao nguoi khac ma phai dua vao ban lanh cua chinh minh. Do la mot bai hoc xuong mau ma nguoi Viet Nam can ghi nho.
Mot lan nua, cam on bac ve nhung bai binh luan tren Dainamax, rat thoi su va tham thuy. Chuc bac mot ngay vui.