Thứ Năm, tháng 1 24, 2013

Hội Xuân Với Nguyễn Gia Trí


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Xuân Quý Tỵ 2013

Những nổi trôi của một tác phẩm sơn mài.....


 * Sơn mài Nguyễn Gia Trí - ảnh của Martin Muntzer *


Chủ biên Xuân Việt Báo viết về một tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí, nổi trôi cùng gia đình ông trong những biến động của đất nước....

Thế hệ của chúng tôi thì chỉ mơ hồ biết về Hoàng Tích Chu, một nhà báo có nhiều công lao trong thời bình minh của báo chí Việt Nam. Biết ông, may lắm thì có tổ phụ ở trong nhà, hay là bà nội, vì những liên hệ với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Vì vậy, tất nhiên là tôi cũng chẳng biết gì nhiều về Hoàng Tích Chù, người em của Hoàng Tích Chu.

Chỉ nhớ rằng cách nay hơn một hoa giáp 60 năm, trong nhà đã có bức tranh sơn mài của Hoàng Tích Chù. Tác phẩm khá lớn (160x80cm), trình bày tinh xảo tám con cá vàng tung tăng dưới nước có thể là một điềm tiên báo: sau này, gia đình tôi có tất cả tám anh em! Mỗi con một vẻ, tám con cá nổi trôi cùng gia đình, từ Sơn Tây qua Hải Phòng, về Hà Nội và vào trong Nam - rồi cũng vượt biên....

Đến khi mở mắt và học được lối ví von của người lớn thì có thể nói rằng bức sơn mài đó là "bà mẹ của loại tranh cá vàng!" mà mình thấy nhiều nghệ nhân khác thực hiện sau này. 

  Sơn mài Hoàng Tích Chù - ảnh của Martin Muntzer

Có lẽ, Hoàng Tích Chù muốn vẽ một bầy cá trong bồn, được trang trí cầu kỳ như hòn non bộ, với rong rêu và san hô lấp lánh, nhìn thật kỹ mới thấy ra nghệ thuật tinh xảo. Nổi bật là chiều sâu tĩnh lặng của tác phẩm với nhiều khoảng trống rất thoáng và ít thấy trong các tác phẩm sơn mài có quá nhiều xà cừ hay vỏ trứng làm mình rối mắt. Lối sử dụng khoảng trống và ánh sáng có nét gì đó rất hiện đại.

Sau này, bức sơn mài của Hoàng Tích Chù đã xuất ngoại cùng một tác phẩm khác, của Nguyễn Gia Trí. Gia đình chúng tôi cứ gọi bức sơn mài này là "Hội Xuân Miền Bắc"....

Bài báo Xuân này viết về bức tranh sơn mài đó của Nguyễn Gia Trí, một người sinh ra trước Hoàng Tích Chù và nổi danh là bậc thầy về nghệ thuật sơn mài của Việt Nam. Cũng là một cách ghi nhớ hai chục năm sau khi Nguyễn Gia Trí tạ thế...


***


Tôi không được biết thân phụ đã có bức sơn mài trong hoàn cảnh nào, chỉ nhớ rằng ông đã xin gửi tiền trước, "bao giờ có cũng được, và có bức nào cũng được!" Với Nguyễn Gia Trí, không ai dám yêu cầu một điều kiện nào và sẵn sàng chờ đợi nhiều năm. Có duyên thì được.

Cô hàng nước ngoài cửa tam quan, một góc của Nguyễn Gia Trí


Gia đình chúng tôi được mối duyên đó cách nay hơn bốn chục năm, khi tôi vừa về làm công chức.... Chẳng được lâu.

Biến cố 1975 xảy ra khiến cả gia đình chúng tôi xiêu tán. Tôi lo cho đại gia đình và bạn hữu đi được vào ngày 26 Tháng Tư, tất cả khoảng bốn chục người. Mình duy nhất bị kẹt lại trong ngôi nhà thênh thang, hai lần đi trốn mà không thoát. Vì gia đình có người di tản nên ngôi nhà bị kiểm kê, dù tôi là người đứng tên trong bằng khoán. Đúng là một thời hỗn loạn bát nháo!

Đám thanh niên đi vào kiểm kê các ngôi nhà vắng chủ thật ra chẳng biết gì nhiều. Có lẽ, họ chỉ chú ý đến đồ gia dụng trong nhà như tivi, máy nghe nhạc, chứ loại tác phẩm nghệ thuật là thứ khó bán ngoài chợ trời! Mà vì đã chuẩn bị ra đi nên gia đình tôi đã cho hết máy móc từ mấy  tuần trước. Còn lại, hai tấm sơn mài và một bức sơn dầu rất lớn của Lê Tài Điển bị đám trẻ lãng quên trên tường. Ai mà ăn được mấy thứ đó! Bên cạnh, họ chỉ dán một mẩu giấy đóng dấu "Ủy ban Quân quản" có ghi là "Sơn mài cá vàng", "Sơn mài Hội Tết" và "Tranh ngựa" (là bức họa Lê Tài Điển đã đến tận nhà vẽ tặng vào Xuân Quý Sửu)....

Bây giờ đến chuyện cái duyên....

Trong mấy năm cuối của Việt Nam Cộng Hoà, tôi đã góp phần thương thuyết viện trợ Pháp và Mùa Xuân Ất Mão 1975 còn công du tại Paris mà từ chối ở lại. Chẳng lẽ đào ngũ sao? Bạn hữu người Pháp bực bội về một đứa gàn như vậy và ngán ngẩm khi được tin là tôi kẹt ở lại. Khi Toà Đại Sứ Pháp tại Hà Nội gửi một tùy viên thương mại vào Sàigòn, thành phố đã bị đổi tên nhưng vẫn là một trung tâm kinh tế thương mại có nhiều quyền lợi liên hệ với nước Pháp, người tùy viên bèn đi tìm một tên gàn đã tốt nghiệp HEC ở Paris mà sống lang bang ngoài phố.

Tôi kết bạn với họ, một cặp vợ chồng còn trẻ, còn được mời làm dạy kèm kế toán quản trị cho bà vợ. Cũng là một thu nhập bổ sung ngoài mấy túi gạo họ sai người làm đem tới. Công an dĩ nhiên là có hỏi! "Thưa rằng, nếu họ là người xấu thì tại sao các anh lại cho họ vào? Nếu không được phép gặp thì xin các anh cho tôi một lời giải thích với họ...."

Rồi cũng qua ngày, và nhờ mấy người bạn này, tôi được biết là Chính quyền Pháp có viện trợ cho Hà Nội và xin đón nhận những người có quan hệ với Pháp mà bị vào tù hay bị hạ phóng. Tôi chính thức nộp đơn xin đi Pháp, để làm phép, chứ vẫn tính vượt biên mấy lần là tiền mất tật mang và còn mang nợ.

Còn mấy tác phẩm nghệ thuật này, làm sao mang đi?

Cái đàn dương cầm thì đã bán cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với mấy đồng sóng đánh, chứ bầy cá vàng của Hoàng Tích Chù và Hội Xuân của Nguyễn Gia Trí cùng bức tranh đầy vẻ Chagal của Lê Tài Điển thì sao? Bức tranh quá lớn, khó bóc ra và cuộn lại được. Hai tấm sơn mài còn khó hơn nữa.

Bức sơn mài của Nguyễn Gia Trí là tác phẩm đã thu hết vẻ Xuân của miền Bắc vào kích thước 120x80 cm. Có vượt biển hay đưa lên máy bay đi ngả chính thức thì cũng là bất khả.

Đấy là lúc... phát huy trí tuệ.

Tôi lấy khăn ẩm đắp lên mấy nhãn kiểm kê và ra chợ tìm mua hai bức sơn mài cá vàng và hội Tết ngô nghê, chỉ to bằng tấm lịch. Nhãn bong ra thì được dán vào tác phẩm mới. Hai vật gia bảo kia thì được cuốn trong chăn và lặng lẽ gửi tới mấy người bạn Pháp.

Khi được dời nhiệm sở từ Việt Nam qua Anh, họ đem hai tác phẩm này từ Sàigon qua London. Làm sao đem được thì đấy là phép của họ.... Mấy năm sau, đến lượt tôi được đi Pháp. Từ Paris tìm lại cố nhân để trả nợ thì họ đang ở bên Anh. Nhờ ông bạn vong niên là ký giả Đỗ Văn của đài BBC thu xếp, hai bức sơn mài đó đã bay qua San Francisco và trở về với gia đình tôi ở bên này.

Ngày nay, Hoàng Tích Chù và Nguyễn Gia Trí vẫn còn để lại kỷ niệm trong ngôi nhà của tôi sau khi hai bức sơn mài ấy đã dạt qua Texas, lãnh một trận lụt tại Galveston, xiêu tán lên Austin rồi lãnh vài ba lần động đất ở California!

Kiến thức của bản thân tôi về nghệ thuật sơn mài thì có thể để đầy chôn đĩa. Chỉ biết lõm bõm rằng thư khố Nhật Bản có khoảng 800 cuốn sách về sơn mài, kể cả nhiều tài liệu về Sơn Ta. Chẳng hiểu là Việt Nam ta có được 800 trang giấy về nghệ thuật sơn mài không?

Sự gặp gỡ của mình về tác phẩm sơn mài chỉ thu gọn trong một truyện trinh thám Tầu do một nhà ngoại giao Hoà Lan sáng tác từ những hiểu biết sâu xa của ông về văn hóa, nghệ thuật và hình sự Trung Hoa thời cổ đại. Đó là cuốn "The Lacquer Screen" của Robet van Gulik đã được Nguyễn Như Nghiêm phóng tác sang Việt ngữ thành "Tứ Bình Ám Sự" và Việt Báo xuất bản từ năm 2004 trong loạt truyện Địch Công Kỳ Án. Qua một vụ ám sát dưới bộ tứ bình Xuân Hạ Thu Đông bằng sơn mài, do van Gulik tưởng tượng vào năm 1962 và dựng lại vào quãng 660, mình đoán rằng nghệ thuật sơn mài của Trung Quốc đã tiến rất xa. Chỉ đoán thôi vì bình phong bằng sơn mài Trung Quốc (được gọi là "laque de Coromandel", tên cửa khẩu Ấn Độ chở đồ Tầu qua Âu) là sản phẩm thịnh hành từ đời Minh và phổ biến tại Âu Châu từ thế kỷ 18 trở về sau....

Đáng chú ý hơn vậy là trong khi Nhật Bản dùng sơn mài làm trang trí thì Việt Nam đã nâng kỹ thuật sơn mài lên hàng nghệ thuật. Nguyễn Gia Trí là bậc thầy, bậc sư trong nghệ thuật đó.

Bức sơn mài Nguyễn Gia Trí hiện ở trong nhà chúng tôi có thể là một tiêu biểu, với bố cục tinh xảo, màu sắc linh động, nhất là màu lam đặc thù của bậc danh họa, và trình bày những tinh tiết tế vi và rực rỡ của một hội Tết ở miền Bắc.

 Một góc của Nguyễn Gia Trí


Khung cảnh tế lễ và đám rước đầu Xuân giữa những tàng cây và mái chùa, cột đình hay cửa tam quan, lập tức tỏa ra không khí Tết. Nếu nhìn vào chi tiết thì mình còn thấy cả một khung trời cố hương, với các cụ già xì xụp lễ bái trong cánh áo tứ thân, hoặc đám tế nữ quan mặc áo lam đi bên dàn kiệu vàng, ngoài cổng tam quan là ông thày xem quẻ đầu năm, là bà hàng nước cùng các cô nàng quẩy gánh và góc bên kia là anh kéo vó ngoài bờ ao, có con vện đứng bên.....


 Một góc khác của Nguyễn Gia Trí


Nhiều bằng hữu cứ yêu cầu người viết này giới thiệu tác phẩm đó của Nguyễn Gia Trí. Nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm khuất bóng của bậc danh họa, người viết xin đành tuân lệnh. Như một lời tri ân về những mối duyên đã khiến mình vẫn còn được thưởng thức một nghệ thuật đáng tự hào và hình ảnh của một quê hương không còn nữa.


(Bài viết cho Việt Báo Xuân, vừa phát hành ngày 25 Tháng Giêng 2013, với tiểu luận của Đinh Cường về nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí và hồi ký của Nhã Ca khi từ biệt bậc danh họa của đất nước để sống đời lưu vong. Đọc kỹ mới thấy thương cho nghệ sĩ Việt Nam dưới một chế độ mù lòa. NXN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét