Lá cờ trắng của Âu Châu, từ Afghanistan đến Mali, từ an ninh đến kinh tế....
* Chiến đấu cơ Pháp vào Mali được phi cơ Mỹ tiếp liệu *
Gần như vào cùng thời điểm, khi
Hoa Kỳ thông báo việc triệt thoái các đơn vị tác chiến khỏi Afghanistan trong
những tháng tới thì Pháp cho biết sẽ đổ thêm quân vào Mali, từ 800 binh lính lên
gấp ba. Vui thật!
Khi mở ra chiến trường
Afghanistan vào năm 2001, mục tiêu của Hoa Kỳ là diệt trừ đầu não của tổ chức
khủng bố Al-Qaeda được chế độ Taliban chứa chấp tại đây. Ngày nay, 12 năm sau,
khi tham chiến tại Mali, Pháp muốn ngăn quân khủng bố Hồi giáo, trong đó có lực
lượng xưng danh "Al-Qaeda tại khu vực Maghreb Hồi giáo" (AQIM), lập hậu
cứ tại một thuộc địa cũ rồi tràn qua các quốc gia Tây Phi. Quyết định tham chiến
của Pháp được nhiều nước như Anh, Đức,
Canada, và Hoa Kỳ, yểm trợ về quân vận, tiếp liệu lẫn thông tin tình báo.... Biến
có thời sự này khiến chúng ta phải suy ngẫm sâu xa hơn về cái lẽ dụng binh.
Hay quyền sử dụng bạo lực....
Sau vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ năm
2001, khi Hoa Kỳ tấn công Afghanistan, Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO đã tham
gia, do điều V của Hiến chương NATO - tấn công một thành viên là tấn công cả liên
minh nên các thành viên khác đều có nhiệm vụ yểm trợ. Trong thực tế, Hoa Kỳ cáng
đáng gánh nặng chiến phí và các thành viên khác của NATO chỉ giữ vai trò phụ
thuộc và sau đó đều muốn triệt thoái càng sớm càng tốt.
Người ta có thể hiểu được sự ngần
ngại và miễn cưỡng ấy của Âu Châu vì mục tiêu của Hoa Kỳ đã dời đổi và mở rộng
đến chỗ bất khả: từ diệt trừ đầu não Al-Qaeda để ngăn ngừa một vụ 9-11 khác, đến
việc cho chế độ Taliban hay các nước Hồi giáo khác (thí dụ như Pakistan) một bài
học nếu tiếp tay cho khủng bố, qua mục tiêu tái thiết và xây dựng Afghanistan
thành một quốc gia đa nguyên và dân chủ. Huống hồ, gây hấn với một xứ Hồi giáo
lại có thể chuốc họa khủng bố hay mất nguồn tiếp liệu dầu thô.
Trong vụ Hoa Kỳ tấn công Iraq vào
năm 2003, các nước Âu Châu đều do dự và Pháp thì công nhiên phản đối nên NATO đứng
ngoài cuộc, Liên hiệp quốc cũng thế.
Bảy năm về trước, khi Hoa Kỳ lúng
túng tại Iraq và Chính quyền George W. Bush phải đơn phương quyết định dồn quân
đánh tới để rồi sẽ rút, uy tín của nước Mỹ suy sụp nặng. Âu Châu trở thành mẫu
mực của sự khôn ngoan. Quyền lực mềm mới là giải pháp.... Nghĩa là dụng lễ hơn
dụng binh và nếu cần thì phải biết thỏa hiệp về ngoại giao. Chứ không thể ngang
ngược áp đặt những giá trị hay quy ước của mình cho nước khác.
Đấy cũng là lúc khủng hoảng tài
chánh bùng nổ trong nạn tổng suy trầm kinh tế 2008-2009.
Không ai còn chú ý đến tình hình
Iraq đã cải thiện và giải pháp dồn quân đánh tới để rồi sẽ rút đã được áp dụng
cho chiến trường Afghanistan. Người ta quan tâm đến hồ sơ kinh tế, gánh nặng công
trái, nạn bội chi ngân sách và vụ khủng hoảng của khối Euro.... Chuyện quyền lực
mềm hay cứng, ngoại giao hay quân sự hết là đề tài thời sự.
Đấy cũng là lúc các nước Âu Châu
bàng hoàng về làn sóng chống đối tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông, gọi tắt là
MENA. Người lạc quan thì nói đến mùa Xuân Á Rập hay Cách mạng Hoa nhài của trào
lưu dân chủ trong các nước Hồi giáo. Một tất yếu của lịch sử! Sự thật thì ngoài
sự tiến bộ hiển nhiên tại Tunisia, khu vực MENA đã trôi vào hỗn loạn, thường dân
vô tội bị đàn áp và tàn sát tại Lybia và Syria, trong khi dân chủ vẫn chưa ló dạng
tại Egypt.
Đấy cũng là lúc Âu Châu nhân danh
cái quyền cứu người lâm nạn để can thiệp vào Lybia - vì lý do nhân đạo. Ba cường
quốc Âu Châu là Anh, Pháy, Ý đã gài độ để nhảy vào cuộc nội chiến Libya, nhưng
với sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Nếu không có sức mạnh quân sự của Mỹ, cuộc phiêu lưu
của Âu Châu tại Lybia đã đi vào bế tắc. Trong khi đó, ngần ấy nước đều đồng
thanh nín thinh trước cảnh thảm sát lan rộng và kéo dài tại Syria.
Chủ nghĩa can thiệp vì lý do nhân
đạo, lý tưởng của Âu Châu và sự dại dột của Hoa Kỳ, trở thành một sự can thiệp
có chọn lọc. Và trong mọi trường hợp, chuyện thành bại đều tùy thuộc vào hỏa lực
của Mỹ.
Đấy là lúc người ta nhìn vào ly nước đầy vơi của Minh ước NATO. Hoa Kỳ
chịu gánh nặng chiến phí cao nhất và khi hữu sự thì bao che và bao thầu cho các
đồng minh Âu Châu trong minh ước này, cũng như đã từng bị các đồng minh kết án
là cứ ưa dụng binh thay vì dụng lễ!
Khi tổng hợp cả hai yếu tố an
ninh và kinh tế, người ta còn thấy ra một sự thật khác.
Các nước Âu Châu đã bình thường hóa
và định chế hóa chế độ bao cấp của một nhà nước vú em nên bị bội chi ngân sách
và thất nghiệp triền miên. Ưu tiên xã hội hơn là phát triển còn khiến Âu Châu
coi nhẹ nhu cầu quân sự và không thể có khả năng can thiệp để bảo vệ sự ổn định
ngay tại Âu Châu và các khu vực phụ cận. Từ sự sụp đổ của Liên bang Nam Tư rồi
khủng hoảng trong vùng Balkan - chuyện Bosnia hay Kosovo - qua những bất ổn tại
khu vực Bắc Phi Trung Đông, Hoa Kỳ vẫn phải thủ vai trưởng tràng và chủ chi. Và
được Âu Châu dạy dỗ khuyên bảo về quyền lực mềm, về ưu thế của chuyện đàm hơn đánh!
Năm năm sau vụ khủng hoảng của khối
Euro với hậu quả lan rộng qua 27 thành viên của Liên hiệp Âu châu, người ta vẫn
chưa thấy tia hy vọng. Còn Hoa Kỳ vẫn bị ách tắc chính trị giữa hai đảng Cộng
Hoà và Dân Chủ nên chật vật mơ ước đà tăng trưởng là 2%. Nhưng được như vậy thì
cũng hơn Âu Châu 2%, và còn có tiền mua súng để làm sen đầm quốc tế cho Âu Châu.
Nhìn lại như vậy thì mình mới thấy
quyền lực mềm của Âu Châu là sự mềm oặt, từ kinh tế cho tới an ninh quốc tế.
Chuyện Mali có thể sẽ phơi bày sự thật này.
Hoa Kỳ trở về nhà nhằm trau chuốc lại nanh vuốt. Phải để các bạn Âu châu gánh phần trách nhiệm chung chứ lẽ nào Mỹ cứ phải vác ngà voi hoài cho thiên hạ. Ra quân tác chiến ở các xứ nghèo, không có gì thu nhập hơn nguồn dầu hỏa thì Mỹ phải tính lại chiến lược, chuyển trọng tâm đến những nơi khác, có thể như Á Châu- Thái Bình Dương, không phải bị xuất huyết như tại chiến trường Trung Đông nữa. Chiến tranh luôn mất nhiều tổn phí, Mỹ phải tìm cách bảo toàn lực lượng, để cho các khu vực tự gánh vác, đứng sau làm hậu cần hổ trợ mới là thượng sách, nếu cần chỉ nhảy vô cuộc vào phút chót như hai cuộc thế chiến; điều này chắc sẽ có lợi, nghiễm nhiên Mỹ sẽ trở thành chủ nợ hào phóng khắp nơi. Kế hoạch tái thiết như Marshall sau thế chiến thứ 2 tại châu Âu là điều khả thi chắc Mỹ đang tính tới cho mọi khu vực đang tranh chấp trên thế giới?
Trả lờiXóa