Diễn Đàn Kinh Tế
Mở mang tầm nhìn và hợp tác không kỳ thị là đóng góp cho thịnh vượng
Vai trò của di dân
Vũ Hoàng: Xin trân trọng kính chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân
Nghĩa. Thưa ông, như đã hẹn, ta sẽ tiếp tục trao đổi về các động lực tạo
ra sự giàu nghèo của các nước trong nhiều thời kỳ khác nhau. Câu hỏi
đầu tiên xin được nêu ra là một thành ngữ gốc Trung Hoa, "phi thương bất
phú"- không có thương nghiệp thì không thể làm giàu.
Chúng ta đều biết câu nói này xuất phát từ nền văn hóa Trung Hoa,
như mình có thể thấy qua nguyên văn bằng Hán ngữ. Thế nhưng hình như là
trong chuyện này lại có một nghịch lý.
Một đàng là lý luận Khổng Nho có tính chất thống trị trong nền văn
hóa và chính trị Trung Quốc cứ đề cao người có học đi làm quan, như ta
thấy qua bốn thành phần xã hội là "sĩ, nông, công, thương", tức là
thương nhân đứng hạt chót. Đằng kia là chữ "phi thương bất phú" và thành
tựu kinh doanh đáng kể của Hoa kiều lưu tán tại các nước Đông Nam Á, kể
cả Việt Nam. Ông giải thích thế nào về chuyện này?
Một cộng đồng dân tộc trên một khu vực địa dư thường có chung một số động thái do cùng chia sẻ một số giá trị tinh thần mà ta gọi là "văn hoá". Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nghịch lý ông vừa nêu lên là một chuyện rất
thú vị dù là hơi dài nếu ta muốn đi vào nguyên ủy của vấn đề. Tôi xin
được tóm gọn như sau. Thời Chiến Quốc từ thế kỷ thứ năm trước Tây lịch ở
bên Tầu đã có một giai đoạn đa nguyên với nhiều tư tưởng phong phú, và
trong "bách gia chư tử" của họ đã có một phái là "kế hoạch gia" mà ta
hiểu nôm na là kinh tế học và nghệ thuật làm giàu. Nhân vật Đào Chu Công
tức là Phạm Lãi của nước Việt là một người nổi tiếng của phái đó. Nhưng
qua đời Hán từ năm 200 trước Tây lịch thì người ta xoá bỏ hệ thống tư
tưởng đa nguyên, lấy lý luận Khổng Nho là chân lý nhằm bảo vệ quyền lực
triều đình với việc đề cao sĩ phu và nông nghiệp mà coi thường thương
nghiệp và kỹ thuật. Dù sao, đấy là phần nổi ở trên, chứ quần chúng ở
dưới thì vẫn cứ làm ăn buôn bán và khi xiêu dạt qua xứ khác, họ đem theo
thói quen rất thực tiễn và cố gắng làm ăn nên mới thành công. Cũng câu
hỏi đó mới khiến ta để ý đến văn hoá và vai trò của di dân trong việc
tạo ra sự thịnh vượng.
Vũ Hoàng: Ông có thói quen nêu vấn đề rất lạ, và cho rằng văn hóa và di dân có thể tạo ra sự thịnh vượng. Chúng ta sẽ khởi đi từ đó....
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được lấy một định nghĩa thông tục
để khỏi dài dòng về phạm trù "văn hóa". Đó là "các yếu tố tinh thần, dù
là bất thành văn, vẫn chi phối cách suy nghĩ và hành xử của một tập thể
sống chung trên cùng một lãnh thổ". Nghĩa là một cộng đồng dân tộc trên
một khu vực địa dư thường có chung một số động thái do cùng chia sẻ một
số giá trị tinh thần mà ta gọi là "văn hoá".
- Khi ấy, ta nhớ đến một quy luật có trình bày một kỳ trước, đó là "nói
chung, các nền văn minh lớn của nhân loại đều xuất phát từ vùng châu
thổ của các con sông lớn và khu vực núi non hiểm trở thì khó phát triển
và thường đi sau vùng đồng bằng." Yếu tố quyết định ở đây là sự giao
tiếp giữa nhiều thói quen khác biệt mà ta gọi là văn hóa, bên dưới là sự
chuyển giao công nghệ.
- Trên vùng núi non hiểm trở người ta chậm phát triển vì khó giao
tiếp với bên ngoài và vẫn giữ nét văn hoá riêng mà không đổi mới. Tại
vùng đồng bằng, bên các son sông lớn hoặc biển cả, người ta có nhiều cơ
hội tiếp cận và trao đổi với bên ngoài nên dễ tìm ra giải pháp mới cho
nhiều bài toán cũ. Và như vậy, tính chất đa văn hoá lẫn tinh thần cởi mở
để đón nhận di dân có thể là yếu tố đóng góp cho sự thịnh vượng. Ngược
lại, nếu cứ tự đóng kín với thế giới bên ngoài thì người ta có thể chết
đói trên một kho vàng do tổ tiên để lại vì không biết cách khai thác.
Vũ Hoàng: Trong có vài câu khá cô đọng, ông nói ra những
điều khá phức tạp nên xin đề nghị ông trình bày ra một số thí dụ minh
diễn có được không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin khởi đi từ Trung Hoa với bóng rợp
văn hoá của họ trong cả ngàn năm làm dân ta lụn bại dần mà không biết.
Nhiều người Trung Hoa từ thời Chiến Quốc tức là 25 thế kỷ trước, đã
mường tượng rằng trái đất hình tròn. Nhưng văn hoá xứ này lại tin rằng
thế giới là mặt phẳng, ở giữa có Trung Quốc là trung tâm của thiên hạ và
coi dân khác là man rợ. Cũng vậy, xứ này đã phát minh ra thuốc súng,
nhưng văn hoá của họ lấy phát minh này làm pháo bông cho đến khi bị pháo
hạm và đại bác Tây phương khuất phục và nay mới bắt đầu Tây phương hóa.
- Một thí dụ khác gần gũi hơn với chúng ta là sau năm 1558, khi một đại
quan của triều Lê là Nguyễn Hoàng từ Thăng Long vào Thuận Hóa lánh nạn,
ông khai sáng ra chín đời Chúa Nguyễn và mở mang lãnh thổ trên một vùng
đất mới, có tài nguyên và điều kiện sinh hoạt mới. Vì nội chiến
Trịnh-Nguyễn, các Chúa Nguyễn thoát khỏi nếp văn hoá bị Hán hóa ở Đàng
Ngoài mà phát triển Đàng Trong theo lối thực tiễn cởi mở hơn, và nhờ đó
phát huy tinh thần "bốn bể một nhà" của dân lưu tán. Khi đó, Đàng Trong
giao thiệp và buôn bán bình đẳng với mọi sắc dân Âu-Á để trở thành cường
quốc kinh tế của cả Đông Nam Á. Khi Gia Long thống nhất đất nước thì
lại xây dựng chế độ trên cơ sở Trung Hoa lạc hậu đời Thanh nên chỉ 70
năm sau Chiến thắng Đống Đa năm 1789, nước Nam đã bị Âu Châu khuất phục
khi Pháp bắn vào Đà Nẵng năm 1859. Từ mấy thí dụ gần đó, ta có thể suy
ra những trường hợp hiện đại và thời sự hơn về kinh tế.
Sự tin cậy trong kinh doanh
Vũ Hoàng: Bước sang chuyện hiện đại thì ông thấy những thí dụ nào là có vẻ tiêu biểu nhất?
Sự khai phá trong tầm nhìn và tinh thần hợp tác phải dẫn đến một luật chơi chung, là cơ sở pháp lý cần thiết để có được sự tin cậy trong kinh doanh. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong một kỳ trước, chúng ta có nói đến xứ
Argentina, vào đầu thế kỷ 20 đã là một trong 10 quốc gia giàu mạnh của
thế giới. Mình có thể hỏi là ở đâu ra sự giàu mạnh đó tại Nam Mỹ? Thí dụ
đầu tiên là di dân gốc Đức đã đem theo kiến thức về canh tác lúa mì
khiến xứ này đang từ tình trạng nhập khẩu bột mì trở thành một trong mấy
nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trên một lãnh thổ đã có sẵn điều kiện
thuận lợi cho canh tác. Di dân gốc Anh thì đem theo kỹ thuật và công
nghệ hỏa xa qua Ấn, qua Phi và giúp Argentina phát triển hạ tầng vận
chuyển và tạo ra sự trù phú. Nhưng rồi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và ách
độc tài của chế độ Juan Peron đã khiến đầu tư và di dân quốc tế tháo
chạy khiến xứ này mới nghèo dần và lụn bại.
- Suy ngẫm ngược lại thì di dân gốc Âu Châu đã đem theo văn hoá và kiến
thức của họ phát triển các vùng đất mới tại Hoa Kỳ, Canada hay Úc Châu
nên không mất trăm năm để học lại từ đầu. Và trên vùng đất mới có nhiều
tài nguyên mà thổ dân bản địa không biết khai thác, di dân đã mở ra
nhiều cơ hội và xây dựng nên những nét văn hóa khác biệt với Âu Châu.
Một thí dụ gần gũi khác là tại vùng Thung lũng Điện tử ở miền Bắc
California, rất nhiều doanh nghiệp loại nhỏ là do di dân lập ra và thành
công mỹ mãn để trở thành những tập đoàn lớn.
Vũ Hoàng: Từ những thí dụ ấy mình có thể rút tỉa được nhiều bài học hữu ích. Theo ông thì những bài học nào là đáng nhớ nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thí dụ về Argentina cũng áp dụng cho nhiều
xứ khác tại Trung Nam Mỹ. Điều kiện địa dư, hình thể và khí hậu thì vẫn
có sẵn, nhưng các định chế và tổ chức, nghĩa là nếp văn hoá và nền tảng
pháp lý lại không khai thác điều kiện tự nhiên này cho đến khi di dân xứ
khác tới nơi đã tạo hoàn cảnh cho thịnh vượng.
- Từ vài thế kỷ gần đây, hiện tượng di dân mở rộng trên địa cầu cho
phép nhiều sắc dân và nếp văn hoá giao tiếp với nhau và tìm ra các giải
pháp mới mà quê hương cũ hay xã hội tiếp cư mới lại không có trước đó.
Chúng ta đều hiểu đa số di dân là người nghèo, thực chất là tha phương
cầu thực để kiếm sống, với một bản năng sinh tồn và sức chịu đựng rất
cao. Khi được tự do làm ăn, các đức tính ấy đã giúp họ làm giàu và tạo
ra sự thịnh vượng trong xã hội tiếp cư. Nếu xã hội tiếp cư lại kỳ thị
hoặc ruồng bỏ di dân từ cõi lạ thì xã hội đó để mất thời cơ và khó phát
triển.
- Bài học ở đây chính là cách mở mang tầm nhìn và có tinh thần hợp tác
không kỳ thị, đấy là các yếu tố góp phần cho thịnh vượng. Nhưng sự khai
phá trong tầm nhìn và tinh thần hợp tác phải dẫn đến một luật chơi
chung, là cơ sở pháp lý cần thiết để có được sự tin cậy trong kinh
doanh.
Vũ Hoàng: Chúng ta đi tới phần cuối là bài học cho Việt
Nam. Khi nói đến quy luật của giàu nghèo cùng yếu tố di dân và đa văn
hóa, người Việt ta có thể học được gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu nhớ đến địa dư hình thể và nếp văn hóa
bị Hán hóa tại miền Bắc được coi là "ngàn năm văn vật", ta có thể nhìn
ra một hiện tượng. Đó là những người thông minh, biến báo hoặc liều lĩnh
nhất của miền Bắc đã phát triển và trở thành dân miền Trung rồi người
Nam. Trên vùng đất mới, họ thoát khỏi nếp văn hoa sơ cứng của miền Bắc
mà giao tiếp và sinh hoạt trong tinh thần tự do và cởi mở hơn để tạo ra
sức mạnh kinh tế khá đặc biệt của miền Nam, không phải là sau năm 54 hay
75 của thế kỷ 20 mà ngay từ thời còn là Đàng Trong.
- Đàng Trong ngày xưa và miền Nam ngày nay đã đi trước không chỉ nhờ
địa dư trù phú hơn mà là nhờ cái đầu thông thoáng hơn và nhất là nhờ
không có tinh thần kỳ thị, sợ sệt hoặc mặc cảm. Người dân nơi đây làm ăn
và giao tiếp với thế giới một cách dung dị và bình đẳng nên tìm ra các
giải pháp mới mà miền Bắc khó thể có. Khi lãnh đạo ngày nay lại áp đặt
khuôn khổ văn hoá chính trị độc tôn, về bản chất vẫn là tự Hán hóa theo
màu sắc Trung Quốc cộng sản, thì chế độ làm xứ sở nghèo đi, nghĩa là lại
kéo đất nước về tình trạng lạc hậu cũ.
- Một thí dụ hiện đại và thời sự không kém là cách giao tiếp với người
Việt tại hải ngoại, là thành phần bắt buộc phải học hỏi cái mới của
thiên hạ để tồn tại và thành công trong xã hội tiếp cư. Cộng đồng người
Việt này không chỉ đem tiền về mà còn mang theo kiến thức và cách suy
nghĩ của thế giới khác để có thể đóng góp cho sự thịnh vượng của quê
hương cũ. Chế độ sẵn sàng nhận tiền, thậm chí còn làm tiền họ, nhưng
nghi kỵ những tư tưởng mới mà họ gọi là phản động hay "có âm mưu lật
đổ". Đâm ra di dân Việt Nam có thể làm giàu cho xứ khác mà không làm
giàu cho nước mình nếu không chui qua hai chân của lãnh đạo và nộp tiền
cho kẻ cầm quyền.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi lý thú này.
" Bài học ở đây chính là cách mở mang tầm nhìn và có tinh thần hợp tác không kỳ thị, đấy là các yếu tố góp phần cho thịnh vượng. Nhưng sự khai phá trong tầm nhìn và tinh thần hợp tác phải dẫn đến một luật chơi chung, là cơ sở pháp lý cần thiết để có được sự tin cậy trong kinh doanh."
Trả lờiXóaMạn phép bác Nghĩa, cháu xin đổi "trong kinh doanh" thành "lẫn nhau" Sự tin cậy trong cộng đồng ko chỉ bó hẹp trong kinh doanh mà càng nhiều lĩnh vực càng tốt chứ ạ.
Dạ đúng thế! Nhưng tôi đang được hỏi về kinh tế!
Trả lờiXóaChẳng lẽ nhắc lời tổ sư của lũ mê muội rằng "dân vô tín bất lập"?
Nhiều khi thấy rất nhục khi là người Việt Nam như đám phường tuồng trong đảng.
Nguyễn-Xuân Nghĩa
cháu ở HN,câu nói "phi thương bất phú" còn bị xem nhẹ hơn rất nhiều so với quan điểm "đề cao người có học đi làm quan". Điều này rất đúng trong phạm vi gia đình,họ hàng, bạn bè và ngay cả trong các khách hàng hay đối tác kinh doanh của cháu. Họ coi người có học mà đi làm kinh doanh là 1 sự lãng phí quá lớn, nhất là lại những công việc mang tính tay chân nặng nhọc. Nhưng mà nhờ có học nên mới áp dụng được những công nghệ, sản phẩm mới phục vụ cho chính bản thân họ. Nhưng dù thế nào đi nữa, có học mà đi làm kinh doanh là 1 sự lãng phí lớn, thậm chí còn bị coi thường. cháu là 1 ví dụ cho điều này. Dù rằng, cháu đi làm kinh doanh còn kiếm được nhiều tiền hơn so với đi làm công chức. Nhưng vẫn bị coi thường.
Trả lờiXóaHơn nữa, người dân hay có tinh thần kỳ thị, sợ sệt hoặc mặc cảm - luôn nghĩ xấu về người kinh doanh-dựa theo những thói xấu kinh doanh được phổ biến trên đài báo, sợ sệt bị người xa lạ lừa hay do mặc cảm vì không hiểu biết mà không dám thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, không muốn giao tiếp với người lạ.
Dear hanoi,
XóaNgười Việt mình và thậm chí gia đình mình thường có cái nhìn ấu trĩ và giáo điều về việc học.
Hanoi, xin ke cho ban mot cau chuyen kha thu vi ve Henry Ford, nguoi sang lap cong ty Ford cua nuoc My.
Trả lờiXóaTrong mot chuyen vieng tham co so san xuat cua cong ty Ford, mot phong vien da hoi ong ve trinh do hoc van va bang cap cua ong, Ford da chi mot nguoi dang lam viec trong van phong va noi " Ong co thay nguoi dan ong dang lam viec rat cham chi kia khong? Ong ta co bang tien si tai dai hoc MIT va Yale day, va ong ta dang lam viec cho toi".
Nguoi phong vien da do mat va xin loi Ford.
Su thang cong cua Bill Gates, Steve Jobs va rat nhieu doanh nhan cua nuoc My khien ta phai suy nghi lai quan diem khoa bang co hu cua nguoi Viet. Co nhu the, Viet Nam moi tien bo duoc.