Người Dân Có Thể Làm Quốc Gia Thêm Thịnh Vượng
Nhưng Chính Quyền Có Thể Làm Đất Nước Nghèo Đi ...
Mở đầu cho năm mới, mục Điễn đàn Kinh tế xin lần lượt trở lại các
yếu tố cơ bản giải thích sự giàu nghèo giữa các quốc gia, hoặc của cùng
một quốc gia trong nhiều thời kỳ khác nhau.
Có lẽ những yếu tố ấy mới là cơ sở cho một chính sách kinh tế thích
hợp. Xin quý vị theo dõi cách Vũ Hoàng nêu vấn đề với chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa về loạt chương trình này.
Đem lại thịnh vượng cho quốc gia
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa
ông, mở đầu cho năm mới, xin đề nghị ông trở lại một vấn đề căn bản của
các quốc gia là tạo ra của cải hay sự thịnh vượng. Nhiều thính giả theo
dõi tiết mục chuyên đề này của chúng ta có thể thắc mắc với câu hỏi đó
khi hàng ngày phải phấn đấu để tạo ra của cải cho gia đình sớm thoát
khỏi cảnh nghèo khổ và cũng rất thích cách ông đặt vấn đề kinh tế dưới
nhiều khía cạnh khác nhau. Ông nghĩ sao về đề nghị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng đây là đề tài hữu ích nhưng
đòi hỏi nhiều chương trình liên tục để giải thích cho tường tận, có khi
đến Tết chưa xong! Tôi xin được tạm gọi chung đề tài là "những quy luật
của giàu nghèo", trong tinh thần phân tích xem là nhờ đâu mà một quốc
gia trở thành thịnh vượng và vì sao lại có nhiều nước chưa thoát khỏi sự
nghèo khốn. Nhưng trước hết, mình nên khởi sự bằng cách phơi bày nhiều
sự ngộ nhận khá phổ biến.
Vũ Hoàng: Nghĩa là ông muốn bác bỏ một số lý luận mà ông cho là ngộ nhận hoặc hiểu sai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng thế vì nếu không thấy ra cái sai,
ta sẽ khó tìm ra cái đúng và sự lầm lẫn ấy còn có thể dẫn đến những
chính sách kinh tế bất lợi cho yêu cầu thịnh vượng.
- Đầu tiên, trước khi thế giới tìm ra và tổng hợp các kiến thức để có
khoa kinh tế chính trị học, tức là chỉ từ vài trăm năm trở lại, loài
người đã có bài toán kinh tế. Đó là con người ta đều muốn có phương tiện
sinh hoạt lớn lao hơn khả năng sản xuất của mình. Giải quyết sự khan
hiếm ấy là bài toán kinh tế ngàn đời. Khi tìm cách giải quyết, người ta
phải tìm hiểu lý do của sự khan hiếm hoặc nguyên nhân của nghèo khó.
Nhưng ta khó tìm ra giải pháp nếu cứ đơn giản cho rằng sự nghèo khó của
xứ này là do xứ khác gây ra. Xin gọi đó là lý luận hàm hồ của sự bóc
lột.
- Đến nay, nhiều người còn nói rằng một quốc gia có thể làm giàu bằng
cách khai thác xứ khác. Nguyên ủy là từ lập luận hồ đồ của Marx về lợi
nhuận và giá trị thặng dư, Lenin khai triển ra quy mô quốc tế lý luận về
chủ nghĩa đế quốc theo đó các nước tư bản làm giàu bằng cách bóc lột
các nước nghèo. Lý luận này đề ra một tương quan nhân quả nhiều khi sai
lạc về sự giàu nghèo. Nôm na là sự nghèo khốn của xứ này là do xứ khác
gây ra và ngược lại, sự giàu có của nước này là kết quả của chính sách
bần cùng hóa xứ khác.
- Tôi xin đi vào chuyện cụ thể của trăm năm trước, khi Lenin viết ra
cuốn sách về Chủ nghĩa Đế quốc, y hệt như chuyện của hiện tại, là quả
thật rằng các nước tư bản Tây phương có đầu tư ra ngoài, nhưng chủ yếu
là đầu tư vào các nước tư bản khác. Còn kim ngạch đầu tư vào các nước
nghèo, hay đang phát triển như ta nói bây giờ, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Vậy mà ngày nay các nước nghèo vẫn đang tìm cách chiêu dụ và thu hút đầu
tư của các nước tư bản. Khi còn lấn cấn trong đầu cái lý luận hàm hồ
của sự bóc lột thì mình khó nhìn ra bài toán khan hiếm và giải pháp về
phát triển.
Vũ Hoàng: Nhưng ta không thể phủ nhận được sự hiện
hữu của chủ nghĩa thực dân và sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc từ Âu
Châu qua các lục địa khác. Ông trả lời sao về câu hỏi này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật là các nước như Tây Ban Nha, Bồ
Đào Nha hay Anh, Pháp đã trước sau chinh phục nhiều khu vực và có gây ra
thảm họa cho nhiều dân tộc khác trên thế giới. Nhưng câu hỏi đầu tiên
là vì sao họ chinh phục được các vùng đất rộng lớn hơn lãnh thổ của họ
và khuynh đảo được một dân số đông gấp bội? Tức là từ trước đó, các nước
thực dân đế quốc đã có sức mạnh kinh tế, quân sự hay kỹ thuật gì đó mà
các nước kia không có. Vì sao lại như vậy? Và vì sao nhiều nước tự cô
lập và không hề bị chiếm làm thuộc địa mà vẫn cứ nghèo khốn hoặc còn tự
làm cho họ nghèo đi? Ta sẽ còn cơ hội nhắc đến những trường hợp cụ thể
này.
Yếu tố địa lý
Vũ Hoàng: Ông hay nói đến địa dư hình
thể, kể cả đất đai hay tài nguyên thiên nhiên. Liệu đó có là những yếu
tố giải thích sự thịnh vượng của nhiều quốc gia không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng địa dư hình thể có chi phối cách
giải quyết bài toán khan hiếm và đem lại lợi thế cho sự thịnh vượng nhờ
diện tích khả canh nhiều hay ít, có mạng lưới sông ngòi hay khí hậu
thuận tiện hay không, v.v.... Nói chung, các nền văn minh lớn của nhân
loại đều xuất phát từ vùng châu thổ của các con sông lớn và khu vực núi
non hiểm trở thì khó phát triển và thường đi sau vùng đồng bằng.
- Nhưng địa dư không là thực thể bất biến hay trở lực vĩnh viễn. Thác
nước kia có thể là một chướng ngại cho đến khi con người nghĩ ra máy
xoay nước và dùng sức nước làm ra điện. Nhiều tài nguyên thiên nhiên như
quặng mỏ dầu khí có thể là thứ vô dụng trong cả vạn năm, cho đến khi
con người khám phá ra công dụng mới.
Nói chung, các nền văn minh lớn của nhân loại đều xuất phát từ vùng châu thổ của các con sông lớn và khu vực núi non hiểm trở thì khó phát triển và thường đi sau vùng đồng bằng. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Khi ấy ta mới chú ý đến trí tuệ của con người trong bài toán khan
hiếm. Vương quốc Á Rập Saudi là nước sản xuất nhiều dầu thô nhất thế
giới, lại được trời cho những giếng dầu dễ khai thác, nghĩa là ít tốn
kém so với dầu thô của nhiều xứ khác. Nhờ vậy, xứ này có nhiều hoàng
thân tỷ phú, nhưng lợi tức bình quân một đầu người chỉ bằng 42% lợi tức
của Singapore là một xứ không có dầu và còn phải mua nước của Malaysia.
Israel là một quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi, chẳng có một giọt
dầu nào và thường xuyên bị đe dọa, nhưng người dân vẫn giầu hơn hầu hết
các nước Á Rập có dầu ở chung quanh. Nghĩa là ăn thua vẫn ở cách tổ chức
của con người. Trong một kỳ khác, chúng ta sẽ nói riêng về địa dư hình
thể và không quên trường hợp Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan trong khu
vực Á châu Thái bình dương.
Vũ Hoàng: Nhắc đến Nhật Bản, ông có thấy rằng xưa kia xứ này là một nước nghèo hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mới chỉ nửa thế kỷ trước thôi, người ta còn
xem thường sản phẩm chế tạo tại Nhật là đồ dỏm, rẻ tiền và dễ hư nếu so
sánh với các sản phẩm Âu-Mỹ. Ngày nay, xe hơi, máy ảnh và nhiều đồ gia
dụng khác của Nhật là tiêu chuẩn cao nhất và dân Nhật cũng thuộc loại
giàu nhất. Nhìn trong lịch sử lâu dài thì cho đến thế kỷ 19, Nhật Bản
còn là một quốc gia nghèo và khá lạc hậu vì khép cửa với bên ngoài trên
một lãnh thổ có ít tài nguyên. Nhưng chỉ một thế kỷ thôi, họ đã thay đổi
và thoát ra khỏi cái nghiệp nghèo khốn này.
- Nhân chuyện đó, chúng ta cũng thấy ra một sự thật khác. Người ta cứ
tưởng các nước nghèo là một khối bất động, chết kẹt trong sự nghèo khổ
từ cả trăm năm hoặc còn lâu hơn nữa. Ngày nay, nhiều người còn gọi chung
các xứ đó là "Thế giới Thứ ba" hay Đệ tam Thế giới ở giữa khối tư bản
và khối cộng sản. Đây là một sự lầm lẫn, vì không thấy ra sự chuyển dịch
chậm rãi lâu dài của các quốc gia.
- Chẳng hạn như cách đây trăm năm, Argentina ở Nam Mỹ đã là cường quốc
giàu mạnh hơn hai đại cường Âu Châu là Đức và Pháp. Thế rồi, với sức
người, áo cơm cũng có thể biến thành sỏi đá và ngày nay Argentina trở
thành một nước "đang phát triển" còn thua xa nhiều nước Đông Âu mới
thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản có hai chục năm. Cũng thế, Singapore hay
Nam Hàn đều đã từng là nước nghèo, thuộc loại gọi là Đệ tam Thế giới,
ngày nay họ là nước "tân hưng" trong khi Miến Điện lại tụt hậu mất nửa
thế kỷ sau khi là một nước giầu của Đông Nam Á.
Làm sao tránh tụt hậu
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì mình có thề thấy rằng quốc gia nào trên thế giới cũng từng có lúc là nước nghèo, thuộc loại gọi là Thế giới Thứ ba. Nhưng sau đấy họ đã giải quyết được bài toán khan hiếm để hành quốc gia thịnh vượng. Và vì vậy, chúng ta mới tìm hiểu xem họ giải quyết như thế nào và vì sao có nhiều nước thì nghèo vẫn cứ hoàn nghèo và nhiều nước còn tự làm cho mình nghèo đi....
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng thế và ta cũng thấy rằng giải thích sự nghèo khổ chưa hẳn là có ích bằng việc tìm ra giải pháp cho thịnh vượng. Và mình nên tìm hiểu chuyện ấy trong một bối cảnh dài có thể cả trăm năm. Hiểu ra quy luật chung thì sẽ tránh được cái họa tụt hậu.
- Nói chung thì xứ nào cũng từng đã có lúc là quốc gia chậm tiến và
nghèo khó nhưng lại vươn lên trong khi nhiều quốc gia đã từng dẫn đầu
thế giới về sự thịnh vượng, có khi trong cả chục thế kỷ như trường hợp
Trung Quốc, rồi sau đó lại lụn bại không vì ách thực dân đế quốc hay bị
liệt cường sâu xé. Vì Trung Quốc lụn bại từ trước nên mới bị ngoại bang
khuất phục, hậm hực mất trăm năm. Khi nhìn rõ hơn cái tương quan nhân
quả về sự giàu nghèo thì mình tránh được việc quy trách cho người khác
cái hoạn nạn do chính mình gây ra cho mình.
Vũ Hoàng: Qua từng bước phân tích như vậy, ông làm
sáng tỏ được một số điều về lẽ thịnh suy hay giàu nghèo của các quốc
gia. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu thêm từng yếu tố của quy luật giàu
nghèo. Kết thúc chương trình kỳ này và quy vào trường hợp Việt Nam sau
khi suy ngẫm về kinh nghiệm của các nước khác, ông cho rằng yếu tố nào
là quan trọng và đáng suy ngẫm nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên địa cầu hay trong một quốc gia, ta đều
thấy là có sự giàu nghèo. Muốn người nghèo hay nước nghèo thoát ra khỏi
tình trạng này thì người ta cần rất nhiều điều kiện, từ dân số đến văn
hóa, v.v... Nhưng nếu muốn nói đến điều kiện có thể là then chốt nhất,
tôi nghĩ đến nền tảng pháp lý, quyền tư hữu và nếp văn hóa của sự tin
cậy.
Và nếu những ai tạo ra của cải lại bị nhà nước trấn lột vì luật lệ thiếu nghiêm minh, là chuyện đang xảy ra tại Việt Nam, thì nghèo vẫn hoàn nghèo....Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Một người nghèo mà có sáng kiến kinh doanh, dù ban đầu chỉ thuộc loại cò con, cũng khó thoát khỏi kiếp nghèo nếu không huy động được vốn để khai triển sáng kiến. Nhiều người nghèo tại các nước công nghiệp tiên tiến đã tìm ra vốn và kinh doanh thành công để trở thành triệu phú trong khi cũng tạo ra việc làm và sự thịnh vượng cho xã hội. Thế thì vì sao họ làm nổi việc đó?
- Họ làm được vì ban đầu đã có tiền từ người giàu. Người giàu có thể
yên tâm đưa tiền cho người nghèo mà có khả năng kinh doanh để cùng nhau
phân chia lợi nhuận. Thế rồi khi cần mở mang doanh nghiệp và vay tiền
loại người giàu không hề quen biết, như qua ngân hàng hay thị trường
chứng khoán, thì doanh gia này phải có hồ sơ kế toán và thông tin xác
thực về thành tích đã qua.
- Sở dĩ những người đó làm được như vậy vì xã hội đã có luật lệ hẳn hoi
- nhất là về quyền tư hữu – và được áp dụng nghiêm minh. Nền tảng ấy
mới tạo ra niềm tin, hay sự tín cẩn, tín nhiệm. Thiếu nền móng từ pháp
lý đến văn hóa ấy thì người ta chỉ còn tin nhau trong phạm vi rất hẹp
của bạn hữu và gia đình nên chỉ làm được việc nhỏ, với lợi ích giới hạn
về kinh doanh và kinh tế. Và nếu những ai tạo ra của cải lại bị nhà nước
trấn lột vì luật lệ thiếu nghiêm minh, là chuyện đang xảy ra tại Việt
Nam, thì nghèo vẫn hoàn nghèo....
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về thí dụ thấm thía
này, và xin hẹn ông kỳ sau mình sẽ nói tiếp về những điều kiện khiến cho
một quốc gia có thể trở thành giàu có thịnh vượng.
Thưa chú,
Trả lờiXóaCó phải trong đoạn này ý chú là: "...Nguyên ủy (thủy) là từ lập luận hồ đồ của Marx về lợi nhuận và giá trị thặng dư...". Cháu cảm ơn chú!
Cám ơn em,
Trả lờiXóaNguyên ủy cũng được mà nguyên thủy cũng chẳng sai.
Trong cuốn Tư bản luận, Marx nói về quy luật lợi nhậm suy giảm tất yếu - là một sự hồ đồ. Lenin gỡ bí cho lý luận không dúng của Marx và chuyển qua hướng khác bằng lý luận về chủ nghĩa đế quốc trong cuốn sách xuất bản năm 1916: vì lợi nhuận sút giàm tư bản phải khai thác thuộc địa (đầu tư vào các nước nghèo) và trở thành đế quốc!
Giờ này mà còn phải nhắc đến những sai lầm về lý luận đó là chuyện đáng buồn vì thật ra vẫn còn nhiều người chưa biết, kể cả ở trong trường đảng!
NXN
Thưa chú, bây giờ, cụ "tổng" còn nói lý luận như "tẩu hỏa nhập ma"! Cháu đã băn khoăn từ rất lâu và không tự trả lợi nổi là cụ và rất nhiều người như cụ giả vờ "ngố" hay "ngố" thật hay vì lý do nào khác, thưa chú?
Trả lờiXóaCháu cảm ơn chú!
Tóm lại nguyên nhân của mọi nguyên nhân tạo nên một nền kinh tế trì trệ hiện nay ở VN là Quyền tư hữu (sở hữu trí tuệ)- Nền pháp luật( nghiêm minh)- Nền văn hóa(tạo niềm tin).ba trụ cột tạo nên sự phát triển bền vững của một xã hội. Điều này chắc chắn tôi-anh và mọi người đều biết, vì lý thuyết này gần như hầu hết các nước trên thế giới đã và đang áp dụng.Chẵng cần suốt ngày Mác-Lê nin, chủ thuyết này, chủ thuyết kia làm gì, chỉ cần ba trụ cột ấy sẽ tạo nên học thuyết phát triển Kinh tế-chính trị, xã hôi của một đất nước.Nhưng tại sao ở VN hiện nay không ai quan tâm để đưa đất nước thóat ra nút thắt, điểm nghẻn tự trói buộc mình.Thiết nghỉ, các vị lãnh đạo nhà ta biết hết, hiểu rất rỏ nữa là đằng khác. Nhưng tại sao công cuộc cải cách vẫn ì ạch, không nói là đang đi vào ngõ cụt.Dân trí VN thấp ư? quan trí VN bảo thủ ư ? thậm nghỉ hoàn toàn không phải như vậy,theo Bác Nghĩa nguyên nhân của những nguyên nhân đó là gì? Làm thế nào để VN thoát qua được điểm nghẽn lúc này.Một cuộc cách mạng ư ? Không hẵn! Đa đảng ư ? cũng không nên ! , Singgapo vẫn độc đảng lãnh đạo suốt mấy chục năm mà vẫn phát triển phi thường ?.Không lẽ cứ khoanh tay ngồi nhìn mãi hay sao hởi những nhà kinh tế học VN???
Trả lờiXóaSingapore ho độc đảng, nhưng họ có tự do báo chí, tôn trọng quyền tư hữu (sở hữu trí tuệ là 1 dạng của sở hữu tư nhân)- 1 dạng của quyền con người (nhân quyền)- dân chủ.nếu cứ nhìn vẻ bề ngoài như vậy thì mãi sẽ chỉ thấy bế tắc
XóaTrọng Hiến dường như muốn giao hết mọi chuyện tương lai vận mệnh của dân tộc & cá nhân vào các nhà kinh tế học VN. Quy luật tư xưa đến nay là "Quyền lực sẽ làm cho con người bị tha hóa", nếu giao hết quyền lực cho một con người (thời Phong Kiến) hay một nhóm người - xã hội toàn trị,thì tất yếu sẽ không phát triển được. hãy xem lại lịch sử & kết nối với những chuyện thời sự hiện nay.
XóaXin càm ơn phần góp ý của các bạn.
Trả lờiXóaLoạt bài này sẽ lần lượt đề cập tới các vấn đề nêu ra ở trên - và nhiều chuyện khác nữa. Nhưng nếu mọi người đều biết như bạn Trọng Hiến đã nói ở trên thì tại sao lại chấp nhận tình trạng đó?
NXN
Cháu chào bác Nghĩa
Trả lờiXóaTrước hết cháu xin chúc bác có một năm mới an lành, hạnh phúc.
Cháu rất cảm ơn bác đã có những bài viết tuyệt vời khai sáng tầm nhìn và trí óc cho những kẻ hậu sinh như cháu.
Về câu hỏi tại sao mọi người chấp nhận hiện tại như Việt Nam mặc dù ai cũng biết là nó đang đi xuống hố, cháu xin phép có một chút ý kiến như sau:
1) Vấn đề đầu tiên là quyền lực chính trị, giai cấp lãnh đạo sẽ không bao giờ buông bỏ quyền lực mà họ hiện đang nắm giữ. Dục vọng quyền lực của con người từ xưa tới nay là cực lớn, thắng làm vua thua làm giặc, biết thua là tan cửa nát nhà nhưng ai cũng ham cả. Trong chế độ đa đảng và tự do thông tin thì giai cấp lãnh đạo sẽ bị nhiều trói buộc nhưng với tình hình không có thông tin phản biện như hiện nay tại Việt Nam thì họ sẽ tự do làm càn. Người trước làm càn mà không chịu tội thì kẻ sau cũng sẽ bắt chước và còn tồi tệ hơn. Vì vậy thay đổi họ thì chắc là sẽ rất khó nếu không có một động lực thúc đẩy mạnh mẽ (kinh tế sụp đổ kéo theo nạn đói…)
2) Vấn đề thứ hai là hệ quả của vấn đề thứ nhất, đó là thông tin. Cho tới hiện nay thông tin vẫn là độc quyền của chính phủ, người dân không được quyền tiếp cận thông tin một cách tự do. Báo giấy cũng như báo mạng do Ban Tuyên giáo nắm giữ nên đa phần các thông tin chỉ thể hiện ở một cách nhìn theo định hướng. Rất may là internet đã phát triển ở Việt Nam và kéo theo làn sóng trao đổi thông tin trên facebook, blogspot… làm cho nhiều thanh niên hiểu biết hoàn cảnh của mình hơn.
Với việc thông tin được mở rộng hơn cho thanh niên, tầng lớp trẻ này được ăn học đầy đủ hơn nên sẽ có cách nhìn khác với cha mẹ họ. Với sự thay đổi dần trong lĩnh vực thông tin thì cán cân trong quyền lực chính trị sẽ nghiêng dần hơn về phía người dân, nhưng để nghiêng được như vậy cần có rất rất nhiều thời gian, ai cũng nghĩ vậy nên đều chờ cho thời gian trôi đến cái điểm bùng nổ đó. Kết luận bề mặt ngoài xã hội là không đổi nhưng có rất nhiều sóng ngầm đang xảy ra và theo cháu trang của bác Nghĩa là một trong những con sóng ngầm có nguồn thông tin hữu ích cho giới trẻ để từ đó tạo ra những thay đổi tích cực cho đất nước này.
Tầng lớp trẻ này được ăn học đầy đủ hơn --> nhìn sâu hơn vào vấn đề này, lớp trẻ chỉ học những thứ giáo điều, những thứ được định hướng, được kiểm soát, việc học hành thiên về lý thuyết- cổ điển,mài dùi kinh sử -. Không có cơ hội thực nghiệm, thực hành, học những cái mới,áp dụng cái mới vào cuộc sống dù có học cái mới nhưng vẫn trên quan điểm cũ xưa (CN Mác Lê) nên tất yếu là ra trường không tạo ra gì nhiều cho xã hội, không có ảnh hưởng nhất định, tỷ lệ thất nghiệp cao. Cứ ra đường sẽ thấy, thanh niên tụ tập ở hàng quán rất nhiều. nhậu nhẹt, chơi bời, giải trí ...Trông cậy gì vào được họ, vì họ chẳng có được những kỹ năng hữu ích cho xã hội.
Xóaxin bổ sung thêm :"Một người nghèo mà có sáng kiến kinh doanh, dù ban đầu chỉ thuộc loại cò con, cũng khó thoát khỏi kiếp nghèo nếu không huy động được vốn để khai triển sáng kiến".-->bác nghĩa mới chỉ đề cập đến vấn đề tài chính trong kinh doanh, ngoài ra còn cần rất nhiều thứ # hỗ trợ, vì khi "khai triển sáng kiến" sẽ cần kỹ thuật, cần pháp lý, cần quản lý, nhân sự (con người có trình độ để thực hiện sáng kiến đó),máy móc thiết bị, thử nghiệm ... có thể thấy rõ điều này qua minh họa về sự hình thành của Yahoo, Google hay facebook. Từ những SV có sáng kiến , họ phải hợp tác với các tập đoàn lớn, có các nhân sự nhiều năm kinh nghiệm, có các quản lý cấp cao ở các tập đoàn khác, được Wallstreet rót vốn, có các máy móc công nghệ hiện đại hỗ trợ, những pháp lý bảo hộ cho sự hợp tác giữa họ với nhau ... mà những thứ này đều rất sẵn có ở Mỹ, nhất là ở Silicon Valley..Đó là những suy nghĩ chủ quan của cháu.
Trả lờiXóatóm lại, 1 đất nước giàu có hay không là ở việc các cá nhân có hợp tác với nhau hiệu quả đến đâu. chử không phải chỉ dựa vào tài nguyên khoáng sản, vào vị trí địa lý, vào mối quan hệ với Mỹ. Vì khi họ hợp tác hiệu quả, thì sản phẩm của họ tạo ra sẽ tốt hơn,có giá trị cao hơn, nhiều người dùng hơn. Nhờ đó,quốc gia thu được nhiều thuế, tạo nhiều công ăn việc làm, xã hội thịnh vượng hơn.
Trả lờiXóaXin cám ơn ngần ấy độc giả đã góp ý về bài này. Như đã hẹn, chúng ta sẽ còn cơ hội đào sâu nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề. Nhận xét của Hanoi về Singapore ở trên có phần xác đáng và rất đáng chú ý. NXN
Trả lờiXóa