Thứ Ba, tháng 1 15, 2013

Đến Hồi Mạt Vận?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 12014
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hoa Kỳ Hoàn Hồn Sau Cú Điện Giựt...

 * "Chết lâm sàng" hay là xàng xê chính trị? *




Trong cuộc họp báo cuối cùng của nhiệm kỳ đầu, trước khi tuyên thệ nhậm chức và đọc bài diễn văn quan trọng nhất trong năm về Tình hình Liên bang, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố, rằng Hoa Kỳ "không là một quốc gia hết thời và quịt nợ". Ông ta có lý, nhưng không phải vì những lý do ông muốn ám chỉ!


Trước hết, về cái chữ ông nhắc tới hai lần, là "a deadbeat nation". Thuần về chữ nghĩa uyên áo của một chính khách, ta phải dịch ra nhiều ý, như lười biếng, kiệt sức, mạt vận, xù nợ. Nhưng trong khung cảnh của bài phát biểu khi ông đả kích phe Cộng Hoà đối lập về quyền nâng định mức công trái, có lẽ Tổng thống Mỹ muốn nhấn mạnh đến chuyện nợ nần và khẳng định rằng Hoa Kỳ không là một quốc gia mắc nợ đến nỗi phải quịt. Chúng ta suy đoán như vậy vì mới tuần trước thôi, Obama đã nhắc lại rằng nước Mỹ không có vấn đề về công chi.

Đấy là nhìn từ quan điểm của ông.

Hoa Kỳ không bị nạn bội chi ngân sách vì gánh công chi đó chỉ là "đầu tư" cho tương lai. Đảng Dân Chủ lại vừa thắng lớn bên Hành pháp lẫn Lập pháp trong khi đảng Cộng Hoà đại bại xoay ra cãi cọ về hai lẽ tồn vong là thực dụng và trung kiên. Một là phải dung hòa với thực tế, hai là phải bảo thủ hơn nữa về lý luận và tư tưởng! Vì vậy, nạn thiếu hụt ngân sách của liên bang bên cạnh khoản thặng dư chính trị của đảng Dân Chủ cho phép Tổng thống giữ thế công trên chính trường.

Nghĩa là trong hai năm tới, trận đấu giữa đôi bên còn tiếp tục!

Chúng ta sẽ thấy nhiều đề mục sau đây được nêu ra: các khoản chi bắt buộc (entitlements) như An sinh Xã hội hay Y tế sẽ làm công quỹ khánh tận, những ẩn phí (phí tổn ngầm) khi đạo luật cải tổ y tế "Obamacare" được áp dụng từ năm tới sẽ gây tốn kém bất ngờ, môi trường kinh doanh chưa thông thoáng lại có quá nhiều thủ tục kiểm soát nên các doanh nghiệp chưa dám bung ra đầu tư và tuyển thêm người, và sau cùng các khoản giảm chi về quốc phòng có thể giới hạn khả năng hành động của nước Mỹ, v.v....

Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào Tháng 11 năm tới, may ra người ta mới thấy ra một tia hy vọng....

Trong khi chờ đợi, gánh công trái của nước Mỹ đã vượt Tổng sản lượng Nội địa GDP lên tới số kỷ lục và hơn 16 ngàn 400 tỷ Mỹ kim, trong khi mức tín nhiệm của dân Mỹ vào Quốc hội cũng đạt một kỷ lục khác là... chưa khi nào thấp như vậy! Các nước Âu Châu đã có thể tự an ủi hoặc nhiếc móc Hoa Kỳ là cứ đòi dạy khôn xứ khác, chứ đến khi các chính khách phải giải quyết việc chi thu để tránh một bờ vực tài chánh thì cũng bất thường và lệch lạc chẳng kém ai.

"Dysfunctional" là chữ rất nặng của tuần báo The Economist!

Nhưng dù sao mặc lòng, Hoa Kỳ sẽ không vượt qua Âu Châu và bắt kịp Nhật Bản để đi vào nơi mạt vận. Đấy là một cái nhìn trường kỳ về tiềm năng của nước Mỹ. Chúng ta trở lại ý kiến lạc quan của ông Obama.

Ngay từ thời lập quốc, nước Mỹ đã từ biển Đông của mình (Đại Tây Dương) mà lui vào đất liền, mở mang qua cả thế kỷ "Tây tiến" cho đến khi nối liền hai đại dương. Trong suốt giai đoạn khai phá để hình thành một lãnh thổ vuông vức và trù phú, Hoa Kỳ không hề bị quốc gia nào uy hiếp, kể cả hai lân bang là Canada hay Mexico. Trong giai đoạn hiểm nguy nhất cho quốc gia là cuộc Nội chiến, miền Bắc vẫn giữ thế mạnh và cuối cùng hội nhập được miền Nam để tái thiết và còn phát triển hơn nữa. Các quốc gia Âu Á khác đều không được như vậy.

Chính là sức mạnh ấy mới khiến dân Mỹ có sự lạc quan và thậm chí chủ quan, rằng ta là ngoại lệ của nhân loại, là quốc gia có một định mệnh riêng, để lãnh đạo thế giới. Mặt trái của sự chủ quan đó là phản ứng hốt hoảng! Vì là một dân tộc quá trẻ và quả thật là được thiên nhiên ưu đãi, Hoa Kỳ có thể tin rằng trở ngại nào cũng vượt qua như đã từng thấy trong lịch sử. Thế rồi khi bị điện giựt vì những biến cố bất ngờ thì cũng dân tộc đó đã hốt hoảng và có phản ứng thái qua

Những trường hợp như vậy đã từng xảy ra nhiều lần. Như bị Phát xít Nhật Bản tấn công tại Trân Châu Cảng năm 1941, hay Liên Xô qua mặt với vệ tinh Sputnik năm 1957, bị thất trận tại Việt Nam năm 1975, hoặc bị tư bản Nhật vào thao túng tận thị trường nội địa năm 1985, v.v.... Mỗi lần như vậy là nước Mỹ bàng hoàng, các chính khách đổ lỗi cho nhau, nhưng sau cùng vẫn từ cách ứng xử có vẻ lụp chụp ấy mà tìm ra giải pháp bất ngờ khác. Cuối cùng thì vẫn là khúc khải hoàn: đã thắng cả chủ nghĩa phát xít lẫn cộng sản, kinh tế tư bản và chính trị dân chủ của Hoa Kỳ trở thành chân lý vĩnh cửu. Lịch sử cáo chung.

Qua thế kỷ 21 cũng vậy, Hoa Kỳ bất ngờ bị khủng bố tấn công và hốt hoảng mở ra cuộc chiến toàn cầu mất cả chục năm rồi giật mình khi thấy Trung Quốc đòi qua mặt trong khi công quỹ mắc nợ và kinh tế sa sút. Tình trạng bị điện giựt như vậy giải thích sự hốt hoảng và cả tinh thần hoài nghi kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản và hai phản ứng trái ngược. Bên trong, chính quyền phải can thiệp nhiều hơn vào kinh tế, nhưng bên ngoài thì lại khiêm cung và hòa hoãn hơn với các nước.

Cả cuộc tranh luận hiện nay cần được đặt trong khung cảnh, hay đúng hơn, trong tâm cảnh của một xã hội vừa bị điện giựt!

Nhìn từ bên ngoài và trong dài hạn thì Hoa Kỳ là quốc gia rất kỵ tinh thần kế hoạch hóa, khác với các cường quốc Liên Xô, Trung Quốc, dù chỉ là kế hoạch có tính chất gợi ý và nhiệm ý như nhiều nước Âu Châu. Khi Chính quyền Obama đề ra chủ trương phát huy công nghiệp xanh, dù chưa hẳn là chính sách kỹ nghệ theo kiểu Á Châu như Nhật Bản hay Nam Hàn, hoặc một quốc sách cho cả nước như trường hợp Trung Quốc, người ta thấy ngay sự chống đối trong chính trường và trên doanh trường. Vì chính sách ấy cho phép nhà nước tuyển chọn và nâng đỡ loại doanh nghiệp "phải đạo", là lại xây dựng tinh thần tư bản thân tộc, crony capitalism. Ngay cả khi có doanh nghiệp phá sản, người ta cũng thấy Hoa Kỳ tranh luận xem là chính quyền có nên tung tiền chuộc nợ hay chăng.

Nhìn từ bên ngoài, các cuộc tranh luận ấy cho thấy Mỹ bị loạn chiêu và không thể thống nhất chính sách ứng phó về ngắn hạn như cấp cứu công ty vỡ nợ hay dài hạn như bảo vệ môi sinh.

Thật ra, nước Mỹ có sự thống nhất về một quy tắc khác: hãy tuyệt đối phát huy tinh thần cạnh tranh trong một xã hội đa nguyên. Các doanh nghiệp phải có sáng kiến cạnh tranh dù là có thể bị đào thải. Trong chỉ số kỹ nghệ Dow Jones (DJIA) của 30 doanh nghiệp, ngày nay chỉ có một công ty là còn xuất phát từ cơ sở kinh doanh có mặt từ đầu chứ chuyện thay bậc đổi ngôi mới là thường trực. Và người ta thường chỉ chú ý đến các đại gia này, những tổ hợp có kích thước liên quốc, chứ sức mạnh của doanh trường và nguồn lực tạo ra công ăn việc làm chính là các doanh nghiệp loại nhỏ và trung bình.

Vì thế, khi sóng gió nổi lên, người ta thường chỉ nhìn thấy những gì nổi trên mặt sóng, ở phần xủi bọt trắng xóa. Chìm sâu bên dưới là những động lực ngầm của cả xã hội.

Chính là triết lý hành động có vẻ bất can thiệp và quá tự do như vậy mới khiến quy luật thị trường tác động mạnh, gây ra chu kỳ thăng giáng kinh tế, tăng trưởng rồi suy trầm, và thường xuyên thách đố sự ổn định xã hội. Nhưng những bài toán ấy mới dẫn tới sáng kiến cho sau này, khi nước Mỹ hoàn hồn từ một vụ điện giựt.

Chúng ta nên chờ đợi sự hoàn hồn đó, chứ nước Mỹ chưa đến hồi mạt vận.

1 nhận xét:

  1. Su thanh cong cua mot quoc gia dua tren 3 yeu to chinh : Tai nguyen thien nhien, ky thuat va con nguoi. Xin mien ban ve tai nguyen va ky thuat, toi chi muon noi den nguoi dan cua nuoc My. Nen giao duc cua My khuyen khich viec phat trien con nguoi tro thanh mot tang lop lanh dao (leader) chu khong phai la nguoi tuan hanh menh lenh nguoi khac (follower).

    Voi mot nen giao duc khai phong nhu vay, toi tin rang nguoi My se khac phuc duoc moi tro ngai trong tuong lai.

    Trả lờiXóa