Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130101
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Sức Bật Của Năm 2013 Không Là Sáo Ngữ Đầu Năm
* Chính trị kéo nhau xuống vực - Người dân phải tính chuyện khác *
Năm 2013 không là một năm chẵn, mà
Quý Tỵ cũng chẳng là mở đầu một giáp, hay một vòng hoa giáp như Giáp Tý. Tức là
chẳng phải một thời điểm gì đáng nhớ trong các quy ước về lịch pháp phổ thông của
loài người. Từ ngày trước đến ngày sau, giờ trước đến giờ sau, thiên địa tuần
hoàn vẫn không có gì khác lạ khi ta bước qua năm mới. Nhưng lòng người thì vẫn
mong điều tốt đẹp hơn cho một vận hội mới, do chính mình định ra...
Mở đầu cho năm ngoái, cột báo này
chẳng sợ "giông cả năm" mà viết về gánh nợ của Hoa Kỳ, so với các nước
công nghiệp hoá khác thì vẫn là nhẹ hơn cả (bài "Trút Gánh Lo, Co Gánh Nợ -
Chuyện nợ nần nhân buổi đầu năm..." Sau một năm tổng tuyển cử, cho
đến mấy giờ cuối của ngày cuối, giới lãnh đạo nước Mỹ bên Hành pháp và Lập pháp
mới chạy đôn chạy đáo để tránh bờ vực tài chánh sẽ khởi sự từ ngày đầu năm.
Trời đất nào có nói gì đâu? Cái bờ
vực hay vách núi đó không là thiên tai mà do quy ước của con người với nhau, của
giới lãnh đạo tại thủ đô Mỹ về một bài toán là số nợ nần của khu vực nhà nước đã
từ 10 ngàn tỷ đô la tăng lên 16 ngàn trong bốn năm trời. Chúng ta hãy tạm quên
các chính khách ở đó với những lời phân bua và cáo buộc của họ mà nhìn vào nước
Mỹ thâm sâu.
Vào người dân.
Chuyện nợ nần của Hoa Kỳ, hay các
nước công nghiệp hoá tiên tiến, thật ra khởi sự từ hơn ba chục năm trước, cứ tích
lũy dần thành một gánh quá nặng và bắt đầu sụp đổ từ cuối năm 2007. Thuật ngữ tài
chánh gọi chuyện đi vay là dùng đòn bẩy - để mượn sức - và gánh nợ quá sức trả đã
gây tai họa. Chu kỳ trả nợ, hoặc "gẫy đòn bẩy", đã khởi sự từ đầu năm
2008. Vì vậy, năm năm qua mới có những sóng gió kinh tế tài chánh vượt quá khả
năng ứng phó của mọi người, trước hết là của chính quyền, thành phần ồn ào nhất
trong cộng đồng quốc gia.
Sóng gió ấy là nạn suy trầm rồi
trì trệ kinh tế, với thất nghiệp tăng và lợi tức giảm. Chính quyền trám vào khoảng
giảm chi của người dân để ráo riết tăng chi và chất thêm một núi nợ khác vì qua
bốn năm liền, ngân sách bị bội chi mỗi năm hơn ngàn tỷ đô la. Các cuộc tranh luận
về chính trị đều xoay quanh gánh nợ đó của khu vực công quyền, thuật ngữ kinh tế
gọi là "công trái". Chuyện vực thẳm ngân sách đặt ra từ đầu năm 2011
chính là để tìm cách thu hẹp bội chi và giảm dần gánh nợ.
Chấn chỉnh chi thu là bài toán thực
tế và phũ phàng của quốc gia.
Trong cộng đồng quốc gia đó, ngoài
khu vực công quyền thì còn có tư nhân, người dân, là các doanh nghiệp và hộ gia
đình. Họ chẳng họp báo tố cáo người này người kia mà bấm bụng xem là phải xoay
trở thế nào. Họ tính nhẩm là nợ nần bao nhiêu so với lợi tức hay triển vọng tìm
ra lợi tức. Họ làm bảng kết toán tài sản ở trong đầu, chỉ có ngần này mà nợ ngần
này thì không khá!
Một số không khá thì quả là đã phá
sản, tài sản bị chủ nợ tịch biên hoặc thẻ tín dụng bị thu hồi, nhiều người phải
đi lại từ đầu, từ số không với bàn tay trắng. Người khác thì lặng lẽ thắt lưng
buộc bụng để trả nợ.... Bảng kết toán tập thể ấy ít xuất hiện trên mặt báo hay
màn ảnh truyền hình nhưng là thực tế xã hội của nước Mỹ thâm sâu.
Nếu viết cho nôm na - đầu năm làm
khó nhau chi - thì người dân tính xem họ nợ những gì và hàng tháng phải trả bao
nhiêu so với số thu nhập của gia đình, từ đó ra một tỷ lệ mà chúng ta có thể gọi
là "tỷ lệ mắc nợ". Bên trái khoản là các khoản nợ đủ loại phải thanh toán,
như tiền mua nhà, thuê nhà, tiền mua xe, bảo hiểm, y tế, thẻ tín dụng, v.v.... Từ
năm 1980, tỷ lệ mắc nợ của người dân Mỹ đã tăng đều và lên đến đỉnh cao nhất là
18,88% vào cuối năm 2007. Nhưng trong năm năm khó khăn vừa qua, tỷ lệ mắc nợ ấy
đã giảm tới mức 14,74%, xấp xỉ với sự thể của năm 1980 là khi người ta bắt đầu
thu thập loại thống kê này. Nghĩa là trở về hoàn cảnh kế toán của thời kỳ
"tiền hồ hởi", trước chu kỳ lạc quan hồ hởi và vay mượn quá sức.
Sự thể ấy, có lẽ nhà nào cũng đã
bị hoặc mường tượng ra....
Giới kinh tế thích chuyện tổng hợp
trừu tượng thì kể lại rằng từ ba chục năm nay, dân Mỹ đã chi tiêu và vay mượn
quá sức, ngày một nhiều hơn cho đến năm 2007 mới thấy bàng hoàng. Tổng số nợ đủ
loại của các hộ gia đình đã tăng vọt trong suốt 30 năm. Từ một ngàn 500 tỷ đô
la vào năm 1980, khoản nợ này nhân gấp đôi trong 10 năm (ba ngàn tỷ), rồi gấp sáu
trong 10 năm kế tiếp (chín ngàn tỷ vào năm 2001) trước khi lên tới đỉnh là hơn
13 ngàn tỷ vào năm 2007. Đây là một nỗ lực chẳng phải là lưỡng đảng mà của toàn
dân!
Nhờ lãi suất hạ, tiền rẻ và vay
muợn dễ dàng, kể cả vay mượn ngoại quốc, nước Mỹ hồn nhiên tiêu xài quá mức, thổi
lên bong bóng đầu tư về cổ phiếu (2000) rồi địa ốc (2005) và bắt đầu phải trả nợ.
Cuối cùng thì chu kỳ trả nợ ấy đang chấm dứt, những hoạn nạn kinh tế cũng vậy,
nếu nhìn từ túi tiền của người dân.
Mà không chỉ có người dân mà các
doanh nghiệp cũng thế.
Họ đã thu vén phương tiện, thanh
toán nợ nần và lặng lẽ ghim sẵn hiện kim, tiền mặt, để phòng ngừa bất trắc, với
cả ngàn tỷ đô la dự trữ. Khi thấy yên tâm hơn về môi trường kinh doanh và triển
vọng kiếm lời thì các doanh nghiệp sẽ đầu tư, sản xuất thêm và tuyển dụng lại
nhân viên....
Khi mà doanh nghiệp và các hộ gia
đình đều thu vén như vậy trong mấy năm liền thì tất nhiên là tài hóa ít lưu thông
và kinh tế bị trì trệ. Đấy là hậu quả và cái giá phải trả cho chuyện vay mượn
quá sức. Khi sinh hoạt kinh tế bị đình đọng vì tư nhân tiết giảm chi tiêu, nhà
nước đã tăng chi để đắp vào số thiếu hụt đó, nhân tiện hốt phiếu của cử tri, nên
bội chi ngân sách mới thành vấn đề, nhất là vì nạn suy trầm kinh tế cũng đánh sụt
nguồn thu về thuế khoá cho ngân sách quốc gia.
Từ năm 2010 cho đến nay, bài toán
bội chi ấy chiếm trang nhất của mặt báo nhờ những phát biểu lại qua của các chính
khách trong mùa tranh cử. Nhưng thực tế kinh tế không chỉ có đảng Dân Chủ kiểm
soát Hành pháp và Thượng viện và đảng Cộng Hoà giữ đa số ghế tại Hạ viện và các
chính quyền tiểu bang.
Thực tế kinh tế là giới lãnh đạo đã
biết rằng họ không thể tăng chi mãi mãi và người dân thì đã lặng lẽ trả nợ. Đó
là hoàn cảnh của ngày hôm nay, là khi chúng ta mở ra tờ lịch mới.....
Nếu chỉ ngao ngán nhìn vào chính
trường thì ta thấy ra hình ảnh đáng xấu hổ của một siêu cường mắc nợ và công
khai cãi cọ về việc chi thu trong hai năm liền, qua hai cuộc bầu cử, mà chưa tìm
ra giải pháp. Nhưng nếu nhìn vào thị trường, vào khuôn khổ sinh hoạt chi thu của
các gia đình, người ta đã thấy ra một nền móng tài chánh lành mạnh và quân bình
hơn. Chính là nền móng ấy mới tạo ra sức mạnh, và sức bung của nền kinh tế.
Vì vậy, bài viết đầu năm về nước
Mỹ tránh dùng sáo ngữ để nói về triển vọng không có mà nêu ra mấu chốt của sức
bật trong năm mới. Hết cơn bĩ cực? Có thể lắm, nếu giới lãnh đạo đừng múa bậy với
tiền thuế và lá phiếu của người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét