Thứ Sáu, tháng 3 20, 2015

Khép Mở Đôi Đàng


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 150319


Một chuyên gia Hoa Kỳ bị Bắc Kinh hạ bệ vì nói chuyện khép mở của đảng!


* Giáo sư David Shambaugh đàm thoại với Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân của Bắc Kinh tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc năm 2010 - khi tình còn mặn nồng * 



Mới đầu năm nay thôi, Đại học Ngoại giao Trung Quốc còn thổi ông ta lên trời.

Số là sau khi nghiên cứu công trình của 158 chuyên gia Hoa Kỳ về Trung Quốc, cơ quan này của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh chọn ra 20 học giả Mỹ được ngợi ca là "quan trọng và có ảnh hưởng nhất". Giáo sư David Shambaugh đứng thứ nhì trong danh sách đầy thế giá đó. Người đứng đầu là một ông David khác. Giáo sư David M. Lampton của Đại học John Hopkins, đương kim Chủ tịch Asia Foundation. Giáo sư David Shambaugh là khuôn mặt quen thuộc trong giới trí thức và học giả của Bắc Kinh, tới mức được họ trìu mến đặt tên bằng chữ Hán là Thẩm Đại Vi (Sham-David).

Thế rồi, từ trên Quang Minh Đỉnh, ông bị vật xuống đất đen!

Hôm mùng sáu Tháng Ba vừa qua, tờ Global Times có bài xã luận đầy màu sắc Trung Hoa về nghệ thuật mạt sát. Tờ báo Anh ngữ này là cơ quan ngôn luận của đảng, nhắm vào thị trường quốc tế với món hàng ta gọi cho đơn giản mà chính xác là tuyên truyền. Bài xã luận gọi Giáo sư Shambaugh là "một học giả thất bại vì có tinh thần cơ hội, hoặc đã thay đổi cái nhìn về Trung Quốc. Cái nhìn đó đầy mâu thuẫn, mang nhiều cảm tính vì ông thích viết ra những kết luận hấp dẫn hơn là đi thu thập dữ kiện thực tế....."

Dùng phép quy nạp cũng đầy màu sắc Trung Hoa, là hàm hồ, bài xã luận vơ luôn cả nắm đũa: "Đây là một âm mưu rộng lớn của Tây phương nhằm lật đổ chế độ Cộng sản Trung Quốc. Vốn là "học giả ôn hòa" của Mỹ, David Shambaugh mà còn như vậy, thì nói chi đến bọn thủ cựu cứng rắn!..

Chỉ vì hôm mùng sáu vửa qua, David Shambaugh có một bài tiểu luận được đăng trên tờ Wall Street Journal trong số phát hành vào Thứ Bảy mùng bảy, số báo cuối tuần và quan trọng nhất. Tờ WSJ đặt cái tựa ác liệt là "Sự Tan Rã Sắp Tới Của Trung Quốc" – The Coming Chinese Crackup, với nội dung của bài tiểu luận lại còn ác liệt hơn.

Là chuyên gia Hoa Kỳ về Trung Quốc từ nhiều thập niên, với gần hai chục tác phẩm đã xuất bản - được Trung Quốc mau mắn phiên dịch để phổ biến trong giới trí thức - Giáo sư Shambaugh được Bắc Kinh trọng vọng, cho phép tiếp xúc và tham khảo rất sâu các nhân vật và tài liệu nhạy cảm nhất. Và thường có cái nhìn lạc quan về khả năng xoay chuyển của lãnh đạo Trung Quốc.

Thế rồi ông bỗng dưng... đổi ý và đưa ra một cách đánh giá khác. Sau khi trình bày năm chỉ dấu then chốt, ông kết luận rằng chế độ đang đi vào tàn cuộc, end game. Đảng Cộng sản có thể sụp đổ qua một tiến trình kéo dài, tèm lem và đầy bạo lực.

Khó đoán là bao giờ, nhưng tất yếu và khá sớm!

Được Bắc Kinh coi là học giả có tài mạ vàng cho chế độ, bỗng dưng Shambaugh lại bảo rằng đó là vàng giả! Tưởng là trầm hương hóa ra củi mục - sắp nát....

Dĩ nhiên là trong dàn hợp xướng của loại chuyên gia mê Tầu, gọi là "bọn ôm gấu hương" – panda huggers – đã có người chạy ra chữa lửa. Như Stephen Harner với bài viết trên tờ Forbes ngày mùng 10. Duyệt lại từng chỉ dấu do Giáo sư Shambaugh nêu ra, ông Harner hùng hồn phản bác, mà khỏi cần chứng minh. Dễ hiểu thôi, vị học giả này là doanh gia đang phục vụ công ty trách nhiệm hữu hạn Yangtze Century Ltd. có hội sở tại Hong Kong và Thượng Hải. Ăn cây nào ta rào cây nấy là một quy luật kinh doanh phổ biến!

David Shambaugh là Giáo sư về Bang giao Quốc tế kiêm Giám đốc China Policy Program tại Đại học Georges Washington, thành viên kỳ cựu của Viện Brookings, có uy tín trong giới hàn lâm và thường được tham khảo ý kiến về các vấn đề Trung Quốc. Vì vậy nhận định mới của ông về chế độ Bắc Kinh tất nhiên gây chú ý và tranh luận ngay trong giới chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Hôm 15, nhà báo Chris Buckley của tờ New York Times bẻn có bài phỏng vấn dài, gần bằng bài tiểu luận trên tờ WSJ, về nhận định mới của tác giả. Giáo sư Shambaugh trả lời rằng ông không thay đổi mà chính Bắc Kinh mới thay đổi!

Lý luận của Shambaugh là mọi chế độ độc đảng theo kiểu Lenin đều đi vào giai đoạn hao mòn teo tóp. Khi ấy, đảng chỉ có hai ngả đối phó, một là gia tăng đàn áp, hai là chuyển hướng. Nói theo ngôn từ văn hoa thì đó là thu hay phóng, khép hay mở.

Theo ông Shambaugh, lãnh đạo Bắc Kinh đã tìm cách chuyển hướng để mở ra từ khoảng 2000 đến 2008 với nỗ lực cải cách của Tăng Khánh Hồng, Ủy viên hạng thứ tư trong Thường vụ Bộ Chính trị gồm có chín thành viên, và cũng là Phó Chủ tịch Nhà nước sau khi cầm đầu Ban Bí thư đầy quyền lực của đảng về công tác điều hành.

Trên chính trường Trung Quốc, họ Tăng thuộc "cánh Thượng Hải" mà cũng là thành phần "Thái tử đảng" – là con cháu của các công thần thời Mao: cha ông là Tướng Tăng Sơn, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ của Mao Trạch Đông. Nhưng quan trọng nhất, ông là nhân vật thân tín của nguyên Chủ tịch Giang Trạch Dân, tới độ được họ Giang đề nghị lên làm Tổng bí thư, chứ không phải là người đã được Đặng Tiểu Bình chọn trước đấy là Hồ Cẩm Đào.

Nhưng khi Hồ Cẩm Đài lên lãnh đạo từ Đại hội 16 vào năm 2002, Tăng Khánh Hồng vẫn giữ các vị trí then chốt trong tổ chức và biến báo xoay chuyển để giải quyết các hồ sơ nóng của đảng, trong đó có cả việc cải cách chính trị để giải toả sức ép lên lãnh đạo.

Sau Đại hội 17 vào năm 2007, tại Hội nghị kỳ Bốn của Ban Chấp hành Trung ương khóa 17 vào mùa Thu năm 2009, lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra kế hoạch "xây dựng đảng" theo chiều hướng đã được họ Tăng đề xướng. Nhưng Giáo sư Shambaugh cho rằng đấy chỉ là cái trớn đã hụt hơi, chứ đảng lại sợ bất ổn từ Tân Cương và Tây Tạng nên đã bỏ dự tính cải cách. Và xiết chặt hàng ngũ trong một thành trì bốn góc sắt thép là 1) bộ máy tuyên truyền, 2) guồng máy an ninh nội bộ, 3) Quân đội và Cảnh sát Võ trang và 4) các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Với chuyên gia Shambaugh thì chiều hướng ấy xảy ra sau khi Tăng Khánh Hồng phải rút lui vì lý do tuổi tác: năm 2009, họ Tăng đến tuổi thất tuần. Từ đó, chu trình tự hao mòn tới độ tan rã đã bắt đầu!

Chi tiết lý thú mà Giáo sư Shambaudh không nói tới là chính Tăng Khánh Hồng đã vận động cho hai nhân vật tiến lên hàng lãnh đạo là Tập Cận Bình và Chu Vĩnh Khang. Thế rồi, khi Tổng bí thư Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch Nhà nước từ đầu năm 2013 thì Chu Vĩnh Khang bị loại về tội tham nhũng. Và với Giáo sư Shambaugh việc họ Tập mở chiến dịch thanh trừng để tập trung quyền lực cho đảng và cho mình không có nghĩa là đảng đang được củng cố. Ngược lại!

Theo ông Shambaugh, khi Liên Xô đi vào giai đoạn suy mòn thì Mikhail Gorbachev chọn giải pháp cải cách và mở ra để cứu vãn chế độ mà sau cùng thất bại. Và chế độ tan rã. Theo dõi kỹ kinh nghiệm Xô viết, Tập Cận Bình không mở mà đóng lại cho an toàn. Giữa hai hướng mà người Hoa gọi là phóng và thu, họ Tập muốn thu lại. Nhưng rồi cũng gặp kết quả tương tự như Gorbachev!

Vì lý luận như vậy, Giáo sư David Shambaugh mới bị Bắc Kinh đả kích. Điều ấy chẳng có gì lạ.

Chuyện đáng theo dõi hơn cả là ông biết đếm, nên tính ra chu kỳ khép mở của Trung Quốc: cứ mở ra chừng năm sáu năm thì lại xiết vào mất ba bốn năm. Lần này họ đã xiết qua năm thứ bảy! 

Ngộp thở....


4 nhận xét:

  1. Nặc danh22/3/15 2:37 CH

    Các hình ảnh trên truyền thông cho thấy khi làm việc hay công cán nước ngoài Ông Tập mặc Âu-Mỹ, khi đi duyệt binh ông chơi áo Mao khét lẹt, nhìn rất xấu.

    Em thích đọc Thầy Nghiã hơn vì bài cuả Thầy có thêm thông tin và bài học lịch sử cho quê hương Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

    Ngoài ra, không những biết "đếm", Thầy Nghiã chắc chắn còn biết "đong"...
    "Đếm là diệu tưởng
    Đo là nghi tâm "
    Xin cảm ơn thầy.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh23/3/15 1:58 SA

    Các sách đã xuất bản cuả ông David Shambaugh
    China Goes Global: The Partial Power (Oxford University Press, 2013)
    Charting China's Future: Domestic and International Challenges (2011)
    China's Communist Party: Atrophy & Adaptation (2008)
    American and European Relations with China (2008)
    International Relations of Asia (2008)
    Power Shift: China & Asia's New Dynamics (2005)
    China Watching: Perspectives from Europe, Japan, and the United States (2007)
    China-Europe Relations (2007)
    Modernizing China's Military (2003)
    The Odyssey of China's Imperial Art Treasures (2005)
    The Modern Chinese State (2000)
    Is China Unstable: Assessing the Factors (2000)
    China's Military Faces the Future (1999)
    The China Reader: The Reform Era (1998)
    Chinese Foreign Policy: Theory and Practice (1996)
    Deng Xiaoping: Portrait of a Chinese Statesman (1995)
    Beautiful Imperialist (1993)
    China's Military in Transition (1991)
    The Making of a Premier: Zhao Ziyang's Provincial Career (1984)

    Thầy Nghiã cho em được hỏi:

    - Có phải khi viết những cuốn sách trên tác giả đều có cái nhìn tích cực về Trung Quốc? Thầy nghĩ gì về những cuốn sách này, nó có những điểm đúng và sai nào?

    - Tại sao đột ngột chỉ sau 2 năm, bỗng dưng ông ấy báo động về một sự rạn nứt cuả Trung Quốc? Ông ấy cho rằng những đánh giá cuả mình trước đến nay là đúng, không thay đổi, mà chỉ tại TQ đang thay đổi theo chiều hướng xấu đi thôi? Thầy nghĩ gì về điều này, nó có vô lý không?

    - Viết comment này, em xin lỗi ông David Shambaugh, vì em "nghi" rằng
    + có thể ông ấy là một chuyên gia sa-lông ít tiếp cận thực tế, hoặc
    + có thể ông ấy đã cố tình "nói ngọt" vào giai đoạn đầu vì quá xúc động bởi cái tên "Thẩm Đại Vi" hoặc bởi hấp lực lôi cuốn cuả mối quan hệ Trung-Mỹ.
    + có thể sau này ông ấy đã khám phá ra giai đoạn trước đây mình đã viết sai, cần phải viết lại.

    Em xin cảm ơn Thầy, một người đã hết lòng giải ảo cho thế hệ trẻ Việt Nam. Tuy không chức phận gì, nhưng Thầy sẽ luôn được qúi mến và nhớ đến, hơn những ông vua bù nhìn hay bọn tham quan.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh23/3/15 2:10 SA

    Còn thêm một điều thắc mắc nghi ngờ nữa đối với ông David Shambaugh, xin Thầy cho em viết nốt:
    Có khi nào ông ấy viết cuốn mới nhất "The Coming Chinese Crackup" là để "hù" Trung Quốc hoặc để xem phản ứng cuả Bắc Kinh ra sao không ạ?
    "Hồ hỡi sảng rồi hốt hoảng bậy" - có phải là đây không nhỉ?
    Hoa Kỳ cần có những công trình nghiên cứu tốt để đề ra các chính sách đối ngoại và độc giả cần biết sự thật để học hỏi mà các chuyên gia viết loạn cả lên, hoàn toàn đối nghịch nhau, như "Sorry America, China Won't Crack...", etc. thì thật là khôi hài thật.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em đúng là người Việt Nam có lẽ còn ở Hà Nội Ít biết mà thích bàn. Một giáo sư Đại học không đem uy tín vào chuyện vớ vấn như để "hù". Các Đại học không tuyển dụng loại người như vậy.

      Xóa