Võ Thành Văn - Xuân Việt Báo Bính Thân 2016
Đầu Tầu Miệng Vực
* Ngũ đại thích khách, thời hiện đại: Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập *
Làm sao cai trị hữu hiệu với một đảng độc quyền?
Cách nay 36
năm, 1980, cũng vào một năm Thân, Đặng Tiểu Bình củng cố được quyền lực và tổ chức việc
truy tố “Tứ Nhân Bang”. Đấy là bốn đảng viên cao cấp nhất đã phạm tội bội phản vào
giai đoạn cuối của 10 năm “Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại”, hay Đại Văn Cách
(1967-1976). Đứng đầu trước tòa là Giang Thanh, người vợ cuối của Mao Trạch
Đông. Kế đó là Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn. Mối quan
tâm khi ấy của Đặng Tiểu Bình là ổn định được tình hình chính trị sau khi phát
động “Cách mạng Khai phóng” là mở cửa kinh tế theo bốn hướng “tứ hiện đại hóa”
để xây dựng “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa”.
Sau 30 năm đói khát và hỗn loạn từ 1949 đến 1979, ước mơ của
Đặng khi ấy là xây dựng được xã hội “tiểu khang” – chữ lấy từ Kinh Thi – hàm
nghĩa no đủ cho dân số gần một tỷ người. Chỉ 10 năm sau thôi, mối lo ổn định đã
thành hiện thực với vụ khủng hoảng chính trị và quyết định dẹp loạn của Đặng là
vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Ngày nay, ước mơ vật chất ấy đã tạm thành
hình, kinh tế Trung Quốc có sản lượng đứng hạng nhì thế giới và đời sống của đa
số trong một tỷ 350 triệu người dân đã cải thiện, khoảng 400 triệu trở thành
“trung lưu”, còn khá giả hơn “tiểu khang”. Nhưng nỗi băn khoăn của Bắc Kinh thì
vẫn nguyên vẹn như 36 năm trước: làm sao ổn định tình hình?
Vì từ Canh Thân 1980 đến Bính Thân 2016, Trung Quốc vươn lên
một hướng khác, có cái dạng của một cầu vồng ngũ sắc. Cuối chân trời là mầm nội
loạn….
Đầu năm, chúng ta hãy tìm hiểu cái đầu của những người lãnh
đạo Trung Quốc thời nay
Lên đến cấp lãnh đạo, ngồi trong Bộ Chính Trị và là Ủy viên
của cơ chế tối cao gồm bảy người trong Thường vụ Bộ Chính Trị, họ phải là những
tay xuất chúng thì mới điều động được hơn 80 triệu đảng viên đầy quyền uy để
quyết định về số phận của một tỷ 350 triệu thần dân ở dưới. Khi bóc lịch qua
năm Bính Thân, những người thuộc thế hệ lãnh đạo thứ năm (sau Mao, Đặng, Giang
Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào) như Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường nghĩ gì?
Họ đau đầu, mất ngủ
Sau 36 năm tăng trưởng hung hãn mà thiếu phối hợp, Trung Quốc
đang tiến tới chỗ phải cải cách nữa, chứ hết là nên cải cách. Nếu không thì loạn
to. Đấy là mối lo của Tập-Lý. Chỉ vì kinh tế toàn cầu đang chuyển qua hướng
khác, với ảnh hưởng của từng khối trải mỏng hơn, trong khi kinh tế Trung Quốc
đã đi hết sự vận hành dễ dãi của mấy chục năm qua là dựa trên đầu tư và xuất cảng.
Từ ba năm qua, Bắc Kinh đã biết và nói rằng phải chuyển hướng
kinh tế về tiêu thụ nội địa, để lấy sức mình làm đầu máy hầu tránh sự dao động
của các thị trường quốc tế. Nhưng ngôn dị
hành nan, nói thì dễ chứ làm lại khó, cho một xứ có quá nhiều vấn đề và
không thể đổi hướng trong vài ba năm.
Những vấn đề ấy là “trùng
dụng” và “thiểu năng” trong kinh
tế. Trùng dụng vì dồn sức sản xuất thừa trong nhiều lãnh vực, và thiểu năng vì
thiếu năng suất trong nhiều lãnh vực khác. Chìm bên dưới là nếp văn hóa dĩ công vi tư, lấy của công làm của
mình, và thói tham ô lãng phí nhờ chế độ cực quyền của đảng. Chính là các đảng
viên có quyền lợi trong hệ thống lệch lạc ấy mới cản trở chủ trương chuyển hướng
do lãnh đạo ban xuống.
Nếu Tập Cận Bình có dùng kỷ luật đảng trong tay Vương Kỳ Sơn
với chiêu bài diệt trừ tham nhũng để phá vỡ lực cản mà chuyển hướng thì thất
nghiệp sẽ tăng, nhiều khu vực bị sa sút và xâm hại quyền lợi phe nhóm của lớp đảng
viên cao cấp. Nói theo lý luận của Marx, hạ tầng kinh tế mà xoay thì thượng tầng
chính trị ở trên có thể lật. Huống hồ, ở giữa kinh tế và chính trị cỏn có xã hội.
Khi chuyển hướng, kinh tế Trung Quốc không thể có đà tăng
trưởng cao như thời khởi phát ban đầu, là hiện tượng thông thường của mọi nền
kinh tế đi trước. Tăng trưởng chậm hơn 7% sẽ là trạng thái bình thường mới, tân thường thái, và lập tức có ảnh hưởng
trong xã hội: nhiều thành phần sẽ khá hơn, nhiều thành phần bị thiệt, nhưng với
nhiều người thì lý tưởng “xã hội hài hòa” của đảng chỉ là bánh vẽ.
Hiện nay, mỗi ngày tại Trung Quốc trung bình lại có 500 vụ
biểu tình, từ vài người đến vạn người, vì đủ loại lý do lớn nhỏ. Hệ thống an
ninh của đảng có thể dẹp được chuyện biểu tình ấy sau khi lực lượng Cảnh sát Võ
trang được cải biên thành Vệ binh Quốc gia nằm dưới sự chỉ đạo của Trung ương
Quân ủy hội mà Tập Cận Bình là chủ tịch. Nhưng vấn đề của Bắc Kinh không, hay
chưa, là quần chúng - mà là đảng viên!
Vì sao như vậy?
Tập quyền và Đồng thuận
– Hợp và Tan
Sau 30 năm tập quyền hoang tưởng đến độ sùng bái đầy tai hại
của Mao Trạch Đông khiến mấy chục triệu người thiệt mạng, Đặng Tiểu Bình rút
kinh nghiệm và đặt ra thể thức “đồng thuận” trong hệ thống lãnh đạo thượng tầng.
Khi kinh tế được giải phóng và tăng trưởng mạnh thì nguyên tắc đồng thuận ấy
tránh được nhiều dao động chính trị vì đa số đều đồng ý là thị trường tự do
cũng có ưu điểm đem lại thịnh vượng. Nhưng mặt trái của đồng thuận là lãnh đạo
muốn tránh bất ổn xã hội nên cũng tránh lấy những sáng kiến hay quyết định có
thể gây xáo trộn.
Thế hệ lãnh đạo thứ ba và thứ tư - thế hệ Giang-Hồ - có thấy
ra vấn đề, nhưng tránh cải cách và áp dụng quy luật “tiến một lùi hai”: nhúc
nhích thật chậm để cỗ xe đang lăn bánh khỏi lật.
Vì vậy, họ dẫn tới tình trạng tăng trưởng thiếu phẩm chất, mất
quân bình, chẳng phối hợp, bất công và không bền vững như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia
Bảo đã công nhận. Nạn Tổng suy trầm toàn cầu năm 2008-2009 còn khiến họ lao vào
vùng hiểm nguy với một núi nợ kỷ lục. Ngoài ra, áp lực của các nhóm quyền lợi
cũng giải thích vì sao lãnh đạo Bắc Kinh cứ giữ nguyên trạng.
Sau Đại hội đảng Khóa 18 vào cuối năm 2012, Tập Cận Bình lên
lãnh đạo thì thấy không thể giữ nguyên trạng theo tinh thần đồng thuận được nữa.
Họ Tập phải tập trung quyền lực để lấy những quyết định cần thiết và bắt đảng
viên chấp hành các quyết định này. Chiến dịch diệt trừ tham nhũng nằm trong chiều
hướng đó: phá vỡ mạng lưới cấu kết của đặc quyền đặc lợi trong đảng, đẩy lui sự
cưỡng chống cải cách của các đảng bộ địa phương, chấp nhận bất ổn ngắn hạn để có ổn định trong trường kỳ.
Và đề cao tự ái dân tộc bằng hành bành trướng để xoa dịu nỗi bất đồng.
Như trong lịch sử mấy ngàn năm, lãnh đạo Trung Quốc đang tiến
tới thời kỳ tập quyền về trung ương để tránh phân hóa. Họ có làm được không? Ta
cần đi vào bộ não và hệ thống lý luận của họ.
Với bạo lực đàn áp trong tay, Bắc Kinh không sợ bất ổn xã hội,
hiện tượng dễ có và dễ hiểu trong một xứ quá rộng với quá nhiều vấn đề, chưa kể
là cho dân được biểu tình còn là cách giải tỏa bất mãn. Điều họ sợ là sự đan kết
của nỗi bất mãn giữa nhiều địa phương và thành phần xã hội với nhau. Nếu các
thành phần xã hội, tôn giáo, sắc tộc hay địa phương mà phối hợp để khai thác những
bất mãn riêng thành một phản ứng chung thì quyền lãnh đạo của đảng bị đe dọa.
Tôn Giáo và Môi Sinh
là Mối Họa
Vì là người thuộc sử, giới lãnh đạo Bắc Kinh rất sợ các
phong trào nổi dậy có màu sắc tôn giáo.
Xa xưa là vụ Hoàng Cân (Giặc Khăn Vàng) năm 184 của nông dân
thời Hán mạt đã dẫn tới thế tam phân. Gần hơn thì có Bạch Liên Giáo năm 1774 với
sự hưởng ứng của giới cùng đinh. Gần hơn nữa là phong trào Thái Bình Thiên Quốc
thời 1853-1864 của Hồng Tú Toàn đã huy động được nhiều thành phần đối kháng làm
nhà Thanh rung chuyển. Rồi loạn Nghĩa Hòa Đoàn (hay loạn Quyền Phỉ) chống ngoại
bang vào các năm 1899-1901 lại dẫn tới hậu quả ngược là triều Mãn Thanh sụp đổ
10 năm sau.
Gần hơn cả và vẫn còn tiềm phục từ 1992 là Pháp Luân Đại
Pháp.
Có nội dung tôn giáo và dưỡng sinh, khi bị đảng nghi ngờ và
đàn áp, phong trào chủ trương đấu tranh bất bạo động mà có lúc huy động được cả
vạn người biểu tình tại nhiều nơi. Đáng lo hơn vậy, dù bị đàn áp rất thương tâm,
Pháp Luân Công vẫn có trăm triệu người ngấm ngầm hưởng ứng, từ thành phần “dân
công” đói khổ tới đảng viên cao cấp và đang dùng phương tiện truyền thông hiện
đại tác động vào các cuộc tranh giành quyền bính trên thượng tầng. Bắc Kinh coi
phong trào này là thế lực có thể thách thức quyền lực của đảng.
Đấy là chuyện lịch sử và tâm linh. Chuyện hiện tại và thực tế
là nạn ô nhiễm môi sinh.
Sau 36 năm tăng trưởng hỗn loạn, không điều phối và thiếu phẩm
chất, Trung Quốc có môi trường ô nhiễm nhất thế giới. Với lãnh đạo tại trung
ương, việc các địa phương có thể bị ô nhiễm là của địa phương và nếu cư dân biểu
tình phản đối nhà máy này, doanh nghiệp nọ hay cán bộ kia thì địa phương phải
giải quyết lấy. Họ biết rằng khi môi trường bị hủy diệt, như đất canh tác hay
giếng nước ngọt bị ô nhiễm, các thế hệ về sau sẽ nhận lãnh một di sản tồi tệ,
nhưng đấy là chuyện về sau.
Khốn thay, ngay trước mắt thì việc quản lý cẩu thả ở dưới đã
gây ra một chuỗi tai họa và phản ứng đồng loạt.
Ngày đầu năm ngoái có vụ dẫm đạp trên bến Ngoại Than của
thành phố Thượng Hải khiến 36 người thiệt mạng, đa số là thanh niên thiếu nữ. Qua
Tháng Tư có vụ nổ trong một doanh nghiệp sản xuất chất paraxylene tại thị trấn Chương Châu của Phúc Kiến. Kinh hãi là chuyện
du thuyền Đông Phương Chi Tinh, Sao Đông Phương, bỗng bị lật tại huyện Giám Lợi
của tỉnh Hồ Bắc vào ngày đầu Tháng Sáu, trong vài phút vùi sâu 442 hành khách
vào dòng Dương Tử. Suốt Tháng Sáu, cũng chỉ trong vài phút, nhiều cao ốc tự
dưng sụp đổ làm mấy chục người chết, từ thủ phủ Quý Dương hay thành phố Tuân
Nghĩa của Quý Châu đến huyện Lỗ Sơn của tỉnh Hà Nam, hay hải cảng Thiên Tân: mấy
chục người chết ngạt. Hôm 12 Tháng Tám, đất chuồi tại quận Sơn Dương của Thiểm
Tây chôn sống 15 ký túc xá và nhiều ngôi nhà của doanh nghiệp hầm mỏ Ngũ Châu.
Kết quả: 65 người mất tích. Nạn sơn băng núi lở có thể là thiên tai, nhưng xảy
ra một ngày sau khi 13 người tan xác vì nổ hầm mỏ vào tối Thứ Ba 11 tại thị trấn
Lưu Hạ trong huyện Phổ An của tỉnh Quý Châu.
Rồi cao điểm là hôm 13 Tháng Tám, hàng loạt các vụ nổ tại
khu công nghiệp Tân Hải của hải cảng Thiên Tân khiến hơn một trăm người chết.
Đây là tai nạn kỹ nghệ thảm khốc nhất từ nhiều năm qua làm mọi người phẫn nộ: vì
sao và ai lại lưu trữ hóa chất độc hại trong khu đông dân như vậy?
Phản ứng đồng loạt của dân chúng khiến Bắc Kinh mở chiến dịch
dẹp bỏ tin đồn và cho truyền thông quốc doanh trấn an, rằng một Ủy viên của Thường
vụ Bộ Chính trị đã bị kỷ luật vì tội tham ô. Tức là trong có tám tháng năm ngoái
đã xảy ra hơn một chục tai nạn như vậy - trung bình thì ba tuần lại bị một -
khiến Tập Cận Bình bận rộn ra lệnh điều tra và rầy la đảng viên cán bộ rồi cho
báo chí thuyết phục người dân rằng mọi chuyện đã có đảng lo.
Với lãnh đạo thì phản ứng cục bộ đang trở thành toàn bộ, qua
mạng nối kết của giới luật sư. Thành phần này hiểu cả hai mặt thực hư của luật
lệ và phối hợp với nhau để giúp dân cùng phản đối lên cấp bậc cao hơn, dưới lá
chắn là chánh sách bảo vệ môi sinh rất lý thuyết của trung ương! Vì vậy, năm
qua, số luật sư bị uy hiếp, đánh đập và vào tù đã tăng mạnh.
Diệt Tham Nhũng Gây
Phản Tác Dụng
Tham nhũng là hiện tượng xảy ra trong vùng tiếp cận giữa
kinh tế và chính trị, nhưng phát triển mạnh trong chế độ độc tài. Khi Tập Cận
Bình giương cờ vung gươm chống tham nhũng, thực tâm thì ông muốn các đảng viên
địa phương chấp hành mệnh lệnh của trung ương, nếu không thì bị thanh trừng với
lý cớ là thanh lọc hàng ngũ cho liêm chính hơn. Đây là một hình thái tinh vi của
nỗ lực tập quyền. Nhưng sau ba năm ra đòn, sức ép của Bắc Kinh vẫn trượt ra
ngoài.
Nhiều đảng bộ địa phương không công khai cãi lệnh trung ương
để bảo vệ quyền lợi cục bộ, họ chỉ trì hoãn cải cách. Một số khác thì lẳng lặng
lãng công, là chẳng làm gì cả để khỏi bị phê bình đúng sai. Hậu qủa là bộ máy
hành chánh công quyền bị tê liệt. Khi các đảng viên thuộc tầng lớp lãnh đạo như
Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng mà còn bị thanh trừng
thì nhiều đảng viên và tướng tá khác thấy tương lai của họ và quyền lợi của gia đình bị đe
dọa. Nhiều người bèn tẩu tán tài sản, tìm bãi đáp ở bên ngoài. Năm 2015 đã thấy
năm sáu trăm tỷ đô la đội mũ ra đi.
Rộng lớn hơn thế là cách suy tính của mọi cấp bộ đảng viên.
Trong tiến trình phục vụ đảng mấy chục năm trời, họ xây dựng
được một hệ thống làm ăn, vừa làm vừa ăn, như mạng lưới nâng đỡ cho tuổi già
sau này. Mạng lưới ấy bị thanh gươm chống tham nhũng chém nát nên hết còn là
nơi nương tựa. Kẻ tiêu cực thì nghĩ kế tẩu tán người và vật và bị họ Tập ra tay
ngăn chặn. Nhiều đảng viên khác bèn nghĩ đến việc xây dựng lại một mạng lưới
quyền lực mới: họ tích cực tham gia vào việc tranh đoạt quyền bình ở cấp địa
phương chống trung ương.
Nhìn từ giác độ lịch sử thì khi bị triều đình truy nã, các sứ
quân tái phối trí lực lượng và đổi vòng giao kết. Chính họ mới càng khai thác sự
bất mãn của quần chúng để cưỡng mệnh triều đình. Tướng lãnh cũng sẽ lại là lãnh chúa!...
Và Tập Cận Bình càng thâu tóm quyền lực thì càng là người
duy nhất bị trách nhiệm về những thất bại chắc chắn xảy ra trong tiến trình
chuyển hướng. Cái gì mà người dân được là do địa phương tranh đấu, cái gì mà họ
mất là do Thiên tử họ Tập! Lãnh đạo Trung Quốc đang đi vào một thời có đầy hiểm
tai chính trị.
Kế Hoạch Ngũ Niên
Trong Năm Thân
Để kết luận một bài tổng hợp về tâm tư năm Thân của Bắc
Kinh, chúng ta cần tự hỏi là vì sao chế độ phải cải cách chính trị?
Trong các nền dân chủ, cử tri hay ý dân là động lực dẫn đến
những thay đổi thường trực về chính sách và cả thể chế của các chính đảng luân
phiên cầm quyền. Sự thay đổi ấy trở thành bình thường, đến độ ít ai chú ý, trừ
các nhà nghiên cứu. Trong một chế độ độc đảng chuyên quyền, đảng duy nhất cầm
quyền mới cần chứng minh với thần dân rằng việc nắm quyền ấy là chính đáng. Cái
lẽ chính danh như một bản sắc văn hóa của Trung Hoa ngày xưa và Trung Cộng ngày
nay mới giải thích vì sao lãnh đạo cứ phải có chiến dịch cải cách chính trị.
Mọi chế độ chính trị có thể tồn tại nếu làm cho đa số người
dân hài lòng.
Đa số ấy có thể là thị dân ở thành phố, là đám trung lưu có
tiếng nói rất mạnh. Hay nông dân ở thôn quê, có nhân lực đông đảo để phản
kháng. Tại Trung Quốc, đa số thị dân của các tỉnh trù phú miền Đông thì nhìn ra
ngoài, mong được sung túc khá giả như người dân các nước Đông Á tiên tiến. Họ buồn khi
kinh tế suy trầm và hết được tiêu xài xa hoa vì chiến dịch diệt trừ tham nhũng.
Đa số thôn dân trong các tỉnh lạc hậu bên trong thì chưa tiến tới trình độ “tiểu
khang” mà Đặng Tiểu Bình mơ ước, và họ bất mãn về nạn bất công, chế độ hộ khẩu, môi
sinh hay ác bá địa phương.
Chỉ sự kiện ấy cũng nói lên nhu cầu chuyển hướng cấp bách mà
nguy ngập cho Bắc Kinh. Nếu không, lũ người chân đất ở miền Tây sẽ đổ xuống miền
Đông làm cách mạng sau một cuộc Vạn lý Trường chinh, trong khi dân trung lưu và
đại gia miền Đông bỏ chạy ra ngoài. Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch là một
minh chứng.
Vì vậy, sau Nghị quyết về Cải cách Kinh tế của Hội nghị kỳ 3
của Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị kỳ 4 đề ra việc xây dựng lại chế độ pháp
quyền, cải cách luật lệ. Năm ngoái, Hội nghĩ kỳ 5 vẽ ra viễn ảnh của năm năm tới,
qua Kế hoạch Năm năm 2016-2020 sẽ ban hành vào năm Thân này. Ước mơ của lãnh đạo
Bắc Kinh là tập trung được quyền lực để xây dựng bộ máy cầm quyền hữu hiệu và
liêm chính từ trung ương đến địa phương. Nhưng khốn nỗi, chính là quyền lực của
đảng và cách tuyển mộ rồi thăng thưởng đảng viên từ dưới lên trong mấy chục năm
qua mới cản trở sự hình thành của một bộ máy hành chánh ấy. Hệ thống hành chánh
công quyền Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan và các nước dân chủ Tây phương khác
mà hữu hiệu và góp phần phát triển quốc gia chỉ vì họ không thuộc về một đảng
duy nhất.
Đó là cơn ác mộng đầu tầu – miệng vực.
----
Xin giới thiệu một bài trên Việt Báo Xuân Bính Thân 2016 - trang 15.
Thưa bác Nghĩa !
Trả lờiXóaCách đây tròn 1 năm, trên chương trình Giờ giải ảo bác và bác Thái có bình luận chương trình có tên là " Chuyện Tam quốc thời này " . Trong bài bình luận thì bác có nhắc đến chiến lược ngoại giao lâu dài của Nga muốn cô lập Trung Quốc ? Trong 1 năm qua thì những diễn biến tình hình kinh tế và chính trị quốc tế không có nhiều biến chuyển cho thấy Nga đang tìm cách cô lập Trung Quốc
Vậy sau 1 năm bác còn có quan điểm chính trị như những gì đã phân tích trong chương trình Giờ giải ảo " Chuyện Tam Quốc thời nay " không ạ ?
Và theo bác thì trong tương lai gần giữa Nga và Nhật Bản sẽ có thỏa thuận về quân sự và chính trị, kinh tế để tăng cường quan hệ giữa hai nước không ạ ?
Cháu rất hi vọng bác sẽ có bài phân tích hay một chương trình giải ảo để làm sẽ quan hệ Tam quốc thời nay sau khi nước Mỹ có Tổng thống mới ạ ?
Cháu cảm ơn bác !
Vâng! Sẽ có lúc đề cập đến chuyện Nga, và lời phát biểu của Putin: "Trung Quốc mới đáng sợ". Khác nhau là chuyện gần xa. Chúc mừng năm mới!
XóaHết Trung Quốc đánh đuổi ngư dân Việt Nam trên biển cuả đảo Trường Sa thì nay Đài Loan cũng muốn làm loạn này. Biển đảo cuả mình mà không giữ được, bị người ta cướp lấy, hành hung, thà để cho HoaKỳ đến đóng quân trên đảo Ba Bình mà tốt hơn.
Trả lờiXóa