Thứ Sáu, tháng 1 08, 2016

Nổ Từ Trên Đầu



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống Ngày 160103
"Vùng Oanh Kích Tự Do"


Lẽ hợp tan của sử Tầu

* Thị trường Tầu nháng màu đỏ là lên giá - nhưng được bao lâu? *



Năm mới bắt đầu từ đâu? Xin đi từ trên đầu của Hà Nội.

Ngày Thứ Sáu mùng một Tháng Giêng, năm mới theo dương lịch, Bắc Kinh dự tính chấm dứt việc đóng băng cổ phiếu của các doanh nghiệp được ban hành từ Tháng Bẩy. Thời đó, giới đầu tư nắm hơn 5% phần vốn của một doanh nghiệp sẽ không được phép bán ra. Việc kiểm soát thị trường như vậy là “sáng suốt” vì cổ phiếu tuột giá đột ngột, mất 40%, tương đương với hơn năm ngàn tỷ đô la trong có mấy tuần. Ngày nay, tình hình coi bộ đã khá nên trong ngày mở bát đầu tiên, Bắc Kinh đóng thêm cái chốt là nếu giá sụt 5% thì cho nổ cầu chì, rồi mời thiên hạ giao dịch.

Nào ngờ, giới đầu tư còn sáng suốt hơn. Vừa được xả cảng, họ ù té rút tiền bỏ chạy. 

Chỉ số Phức hợp Thượng Hải (SHCOMP) lập tức mất giá 7%, Chỉ số trên Thị trường Thẩm Quyến còn oanh liệt hơn, mất hơn 8%. May là đảng ta sáng suốt cho nổ cầu chì để dòng điện khỏi lan: khi thị trường sụt giá là lập tức tắt đèn, ngưng hoạt động! Nghĩa là vừa mở bát là bát bể, nên nhà nước cúp điện không cho ai đánh bạc nữa. [Hôm Thứ Ba, tình hình còn thê thảm hơn, là chuyện về sau].

Tại sao giới đầu tư Trung Cộng lại nhân cơ hội nhà nước vừa cho xả cảng mà rút tiền bỏ chạy và bán tháo cổ phiếu như vậy? Vì nhiều chỉ số tiên báo tình hình kinh tế đã lại bật đèn đỏ. Chỉ số PMI (của việc mua hàng chế biến trong tương lai) sa sút lần thứ 10 trong 10 tháng. Các chi tiết của ngành khác cũng thế. Đây là lý do của việc sụt giá chứng khoán hôm Thứ Sáu đầu năm. Vì Á Châu đi trước cùng ánh mặt trời nên biến động chứng khoán tại Trung Cộng cũng theo ánh mặt trời làm đỏ sàn Âu Châu trong ngày Thứ Sáu. Hoa Kỳ đi sau, mở bát trễ vào ngày Thứ Hai mùng bốn, và thị trường New York cũng lây bệnh Bắc Kinh: rớt giá thê thảm khi chuông vừa rung. Từ 84 năm nay, chưa khi nào lại có một vụ sụt giá dữ dội như vậy vào ngày mở màn.

Hoa Kỳ giật mình vì tình hình kinh tế Trung Cộng còn bi đát hơn những dự tưởng trước đó.

Người viết vửa gõ đến đây thì có khách đến mở hàng. “Không thấy xe láng coóng của nhà bác đâu cả mà có cái xe thổ tả gì lạ quá, mượn của ai vậy? – Mượn của Thầy Nam, rồi sao?

Liếc mắt vào màn ảnh, khách hỏi tiếp. “Nhà bác là người hiếm hoi tiên đoán rằng kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị suy trầm nhẹ vào năm nay, một phần là vì hiệu ứng Trung Cộng. Liệu điều ấy có xảy ra không mà sao hôm nay cổ phiếu Mỹ lả tả như lá mùa Thu vậy?”

Người viết gật đầu, và đầu năm cũng lại mở tráp bói thêm chuyện kinh tế.

Trong năm 2016 này, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 2%. Với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng dưới 2,5% là một hiện tượng suy trầm “recession”, là có tăng trưởng mà chậm hơn. Đà tăng trưởng năm tới còn thấp hơn cái ngưỡng đó! Tức là chúng ta có nguy cơ suy trầm toàn cầu như đã thấy năm 2008. Một trong nhiều nguyên nhân là kinh tế Trung Cộng bị suy trầm nặng, chỉ tăng có 5% so với chỉ tiêu 6,5% của lãnh đạo Bắc Kinh. Hạ cánh nặng nề chứ chưa hạ cánh tan tành. Đấy là bước đầu của một chu kỳ sa sút, với doanh nghiệp và ngân hàng vỡ nợ hàng loạt.

Khi kinh tế suy trầm, số cầu về nguyên nhiên vật liệu cũng giảm, và giá dầu sẽ sụt tới mức 30 đô la một thùng và nằm dưới đó khá lâu. Cũng vì vậy, thị trường chứng khoán tại Mỹ sẽ mất giá trong toàn năm và có khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ chỉ nâng lãi suất có một lần, sau quyết định kỳ trước vào ngày 16 Tháng 12.

Nghĩa là ăn Tết năm Thân xong, chúng ta vẫn thấy đời kém vui vì chuyện kinh tế. Và còn kém vui vì chuyện an ninh, thí dụ như Liên hiệp Âu châu họp hành về kịch bản phân hóa, xứ nào ở lại xứ nào ra đi trong khối Euro. Và an ninh tại Trung Đông lại còn thê thảm hơn vậy.

Khách ngồi bên có dáng vẻ thiểu não của người vừa tiễn chân chính mình tại nhà quàn Peek Family: “Đầu năm mà nhà bác nói toàn chuyện buồn, đoán toàn quẻ hung hối. Vì hung tinh đắc địa sao vậy?”

Hung tinh có đắc địa, các chế độ hung đồ mới sớm lên tới cực điểm. Và tự lật! Hãy cứ trở về Trung Cộng đã, vì đấy là cái đầu của Hà Nội:

Sau 36 năm tăng trưởng ngoạn mục kể từ 1980, qua năm 2016, kinh tế xứ này bắt đầu đi vào chu kỳ suy sụp, có thể kéo dài cả chục năm. Vào thời ấy, có một tiền lệ ít ai thấy ra là Nhật Bản. Vào thời ấy, người ta cũng báo động là kinh tế Nhật sẽ vượt Hoa Kỳ. Sau đó, Nhật Bản tuột dốc 25 năm, cho tới ngày nay. Ngày nay đến lượt Trung Cộng. Nhưng Tầu khác Nhật nên không có 25 năm tuột dốc chậm rãi mà có chục năm đại loạn. Vì không có dân chủ và thể chế liên bang cho một lãnh thổ quá rộng lớn và có quá nhiều khác biệt.

Sau 36 năm tăng trưởng ngoạn mục mà không có phẩm chất, kinh tế Trung Cộng là nền kinh tế bất công. Đại đa số người dân không được hưởng thành quả kinh tế, bảy tám trăm triệu người vẫn chưa kiếm nổi ba đô la một ngày trong khi một thiểu số ở thành thị, gần vùng duyên hải thì đã thi đua tiêu xài như các xã hội tư bản.

Sau 36 năm tăng trưởng với nhiều dị biệt, thiểu số khá giả ở vùng duyên hải đã tự Tây phương hóa trong nếp sống, thấy đa số bần cùng còn lại ở bên trong là mối nguy cho quyền lợi của họ. Họ sợ đám dân nghèo rủ nhau đi làm cách mạng. Nhất là khi Tập Cận Bình đang tập trung quyền lực để trung ương lấy quyết định san xẻ lợi tức cho các địa phương nghèo đói. San xẻ lợi tức là lấy của người giàu ban cho người nghèo! Vì vậy, thiểu số giàu có mới cưỡng chống cải cách. 

Khi kinh tế lại suy trầm thì làm sao cải cách? Chỉ còn cách lại bơm tiền và phá giá đồng bạc, đã thi hành từ 2008 mà không có kết quả.

Đảng Cộng sản đòi toàn quyền lãnh đạo vì một lẽ chính danh dễ hiểu: đem lại cơm áo và công việc cho người dân. Cái lẽ chính danh ấy đang mất dần cho đa số đi chân đất. Tập Cận Bình tìm ra giải pháp tuyên truyền là “Trung Quốc Mộng”. Bên trong, ông áp dụng chủ nghĩa Mao về phép tập trung quyền lực vào trong tay, rồi mượn Khổng tử một chút lý luận về trật tự xã hội, và thổi sinh khí cho chủ nghĩa quốc gia dân tộc, thực chất là chủ nghĩa Đại Hán. Cùng giải pháp tuyên truyền – quyền lực mềm – thì ông tăng cường kiểm soát và đàn áp, sau khi phủ lên cái còng một bức màn chính trị là chiến dịch diệt trừ tham nhũng. Ông diệt khá nhiều ruồi thì chẳng sao, nhưng đả vào hổ thì có chuyện!

Năm 2016 sẽ thấy ra chuyện đó không từ quẻ bói kinh tế mà từ thực tế chính trị. 

Thiểu số có tiền, thân tộc của các đảng viên trung và cao cấp, lẫn các tướng lãnh và đảng bộ địa phương phải liên kết với nhau để bảo vệ đặc quyền đặc lợi trước đòn xiết họng của Thiên tử đỏ ở trung ương. Từ mấy ngàn năm qua, những chuyện tương tự đã từng xảy ra trong lịch sử Trung Quốc, ít ra cho đến 1949. Người ta gọi đó là lẽ hợp tan.

Sau khi ăn Tết 2016, qua Tết Bính Thân, ta sẽ chứng nghiệm chuyện này…. Khách ngồi bên bỗng bật cười như Ông Địa: Nếu vậy, Happy New Year là đúng! –

Đúng quá đi chớ….

7 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa, "Kinh tế cũng là chính trị". Cháu nghe đồn đoán Trung Cộng có thể vỡ nợ vào năm 2017 và năm này lại cũng là năm đại hội Đảng.
    Như thế rất có thể trong năm 2016, chính quyền của Tập Cận Bình sẽ sử dụng hết các công cụ để kích thích kinh tế nhằm giữ mục tiêu tăng trưởng 6.5% đã đề ra qua đó vớt lại lòng tin đối với các đảng viên. Tuy vậy lãi suất cơ bản của PBoC hiện tại chỉ còn 4.35% nếu cắt giảm mạnh thì không tới 10 lần nữa lãi suất này sẽ về zero%. Liệu sau đó Bắc Kinh sẽ học đòi tung QE để duy trì được kế hoạch tăng trưởng 6.5%/năm như kế hoạch 5 năm tới đề ra từ tháng 10 vừa ngoái không ạ?
    Việc nợ công có thể sẽ tăng nhanh trong năm 2016 do FED tăng lãi suất cơ bản trong khi đồng Yuan bên Tầu sẽ tụt giá mạnh do có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan sẽ dẫn tới sự phá sản hàng loạt của các ngân hàng và công ty quốc doanh?
    Ngoài ra, việc nợ công tăng cao sẽ làm thúc đẩy khả năng điều chỉnh thuế suất như thế Trung Cộng có thể lại vướng vào vòng "Nợ công- Thuế - tăng trưởng".
    Vậy nếu điều đó xảy ra liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tại vị trước các đối thủ chính trị hay các "vương hầu, Thái Thượng Hoàng" sau đại hội Đảng 2017 không ạ?
    Rất mong bác Nghĩa chia sẻ và có thêm bài tình hình về nợ công bên Tầu ạ?
    Kính chúc bác Nghĩa sức khỏe và nhiều niềm vui trong năm mới!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vấn đề còn rắc rối hơn vậy. Xin đón xem Chương trình "Bên Kia Màn Khói" của Bích Trâm vào tuần tới. NXN

      Xóa
  2. Người Việt Nam trong nước rất hâm mộ bộ phim "Bố Già". Cháu cũng tò mò không biết trong phim với ngoài đời thực có gì giống và khác nhau không? Mong bác Nghĩa có 1 chương trình giải ảo về cách thức hoạt động, chia sẻ quyền lực của các tổ chức Mafia Ý trên đất Mỹ, xem có giống ở VN không?
    Năm mới kính chúc bác nhiều sức khỏe.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Nghĩa
    Con nhớ cái chương trình giờ giải ảo nói về Asian mới đây. Bác Nghĩa có nghĩ rằng có thể thành lập cộng đồng chung trong mấy chục năm tới thành một quốc gia United States of Asian không? Con đang mơ đó là một cộng đồng, một cường quốc, hợp chủng quốc và có kinh tế quân sự chính trị nối liền các bang là các đại dương lớn, có hải cảng, "tàu lạ" mừ cà chớn là gãy răng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh14/1/16 3:46 SA

      Chương trình đó ở đâu và vào ngày nào mà tôi chưa được xem nhỉ, bạn vui lòng chỉ cho. Thầy Nghiã nếu có nghĩ đến "The United States of Asia" thì chắc trong viễn cảnh lý tưởng cuả Toàn Cầu Hoá hay thế chân vạc hoà bình văn minh trong đó có những khu vực theo địa lý châu lục hoặc văn hoá. Thầy chắc không bao giờ dùng nó để ngụy biện cho các hành vi kiểu như chiếm đoạt biển đảo, "cốt lỏi", thực dân hoá kiểu mới, áp đặt thể chế tồi tệ lên những lân bang yếu thế, hay "flattering and bulling"... Cho nên, những diễn giải theo kiểu "gãy răng" cuả bạn là tầm bậy.

      Xóa
    2. Giờ Giải Ảo trên Người-Việt Online, nhân vụ SAEAN thành lập Thị trường chung ASEAN từ ngày 31 Tháng 12 2015

      Xóa
    3. Cảm ơn Thầy Nghiã đã chỉ mấy cuộc phỏng vấn cuối năm 2015 về ASEAN. Nhìn vào sơ đồ cuả các hiệp định cuả các thị trường khác như RCEP, FTAAP, rồi TPP, etc. thì ASEAN là một tập hợp con nằm trong vòng RCEP. Đủ thứ vòng đan tròng lẫn nhau, thấy mỏi mắt thật, nhưng cũng không ngoài sự dẫn đầu cuả hai ông lớn Mỹ-Trung. Hai ông mà cố nông rộng vòng "phủ sóng" cuả mình thì hoặc là xung đột, hoặc là nhập vào nhau làm một, gọi là "nối vòng tay lớn" tùy theo ý Giời. Em còn nhớ năm ngoái anh Obama nói "China is welcome to join TPP" còn anh Abe Shinzo cũng nói vậy với TQ và Indonesia ngay sau ký kết hiệp định.

      http://www.bilaterals.org/IMG/jpg/-132.jpg

      HoaKỳ chắc sẽ không bỏ lỡ việc sát nhập ASEAN này vào TPP, vì đã từ lâu chị Clinton và anh Webb đã đi thăm Miến Điện, sang năm anh Obama đi thăm Lào. Ở Việt Nam, đảng ta đang hát bài ca đại hội mười hai nhân duyên, chưa có được một lãnh đạo tối cao lẫn quan chức nào tài giỏi. Thật sự đáng buồn và đáng lo. Bởi "chính trị cũng là kinh tế, và cũng là quân sự". Xin Tổ Tiên anh linh phù hộ cho dân tộc chúng ta.

      Xóa