Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160120
"Diễn đàn Kinh tế"
... nhưng là tăng trưởng ảo trên một núi nợ sẽ sụp đổ.
Sau mấy tuần đầu năm đầy biến động, các thị trường tài chính thế
giới đã thở ra nhẹ nhõm khi Cục Thống kê Bắc Kinh thông báo rằng năm
qua, kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng được 6,9%, mức thấp nhất kể từ
năm 2009. Sở dĩ như vậy là vì người ta chờ đợi các biện pháp kích thích
sản xuất của lãnh đạo kinh tế Trung Quốc. Như mọi khi, người ta sẽ lại
lầm. Vì sao như vậy?
Cần thận trọng với loại phản ứng ngắn hạn
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong mấy
tuần đầu năm, các thị trường quốc tế đều chú ý nhất đến hai bí ẩn là giá
dầu thế giới và tình hình kinh tế của Trung Quốc. Giá dầu thì đã hạ,
lần đầu tiên từ 14 năm nay, dưới mức 30 đô la một thùng và còn có thể hạ
sau khi Iran hết bị cấm vận và bơm thêm dầu xuất khẩu. Về tình hình
kinh tế Trung Quốc thì hôm Thứ Ba 19 vừa qua, Cục Thống kê Quốc gia của
Bắc Kinh loan báo đà tăng trưởng bình quân của năm 2015 vừa qua là 6,9%,
mức thấp nhất kể từ năm 2009 và riêng trong Quý 4 thì chỉ được có 6,8%.
Điều đáng chú ý là sau khi các số liệu có vẻ không tốt đẹp như vậy được
công bố thì các thị trường quốc tế lại thở ra nhẹ nhõm vì tin rằng Bắc
Kinh sẽ ban hành biện pháp kích thích sản xuất. Ông nghĩ sao về nghịch
lý này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng chúng ta nên thận trọng với
loại phản ứng ngắn hạn và nhiều khi hồ đồ của thị trường. Nếu không đặt
các biến cố ngắn hạn vào một bối cảnh rộng hơn thì chúng ta dễ lượng
định sai tình hình. Riêng về thống kê của Trung Quốc thì người ta nên
chú ý đến vài yếu tố sau đây.
- Thứ nhất, ngẫu nhiên sao, đà tăng trưởng năm ngoái là 6,9% chẳng có
sai biệt lớn với chỉ tiêu do lãnh đạo Bắc Kinh đề ra cho năm 2015. Tức
là Bắc Kinh có khả năng tiên báo cao, là một chuyện nhảm nhí khó tin!
- Thứ hai, chi tiết thật ra dễ hiểu, là trên một lãnh thổ rộng lớn với
phương tiện thông tin còn lạc hậu ở nhiều nơi, làm sao họ có thể tổng
kết tình hình sản xuất của cả năm trước để kịp thông báo vào đầu tuần
thứ ba của năm mới?
Tôi cho rằng chúng ta nên thận trọng với loại phản ứng ngắn hạn và nhiều khi hồ đồ của thị trường. Nếu không đặt các biến cố ngắn hạn vào một bối cảnh rộng hơn thì chúng ta dễ lượng định sai tình hình. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Thứ ba, mãi rồi thế giới cũng phải biết tính chất thiếu khả tín của
thống kê Trung Quốc - nhưng biết rồi lại quên. Nhân sự phụ trách về thống
kê, từ Cục Thống kê Quốc gia cho đến các cơ quan chuyên môn của trung
ương như Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ngân hàng Trung ương hay các cấp
bộ địa phương không thuộc một bộ máy hành chính có quyền hạn độc lập và
trình độ chuyên môn cao. Khác với đa số quốc gia trên thế giới, bộ máy
hành chính này chỉ là công cụ của nhà nước, dưới sự lãnh đạo của một
đảng độc quyền, nên nhân viên ở dưới được thăng quan tiến chức là nhờ
thượng cấp ở trên, chứ họ không chịu trách nhiệm với người ở dưới, nhất
là với người dân.
- Vì vậy, khi thu thập số liệu thống kê để báo cáo lên
thượng cấp, người nào cũng có xu hướng tô hồng dữ kiện vì điều ấy có lợi
cho họ. Kết quả là qua từng cấp bộ hành chính từ dưới lên, dữ kiện
thống kê lại thêm một “hệ số tô hồng” và lên tới trung ương thì đấy là
con số ảo, không đáng tin. Chính Thủ tướng Lý Khắc Cường khi còn là Bí
thư Ninh Hạ đã phàn nàn về tình trạng bất khả tín của thống kê về tăng
trưởng.
Nguyên Lam: Trên diễn đàn này, và từ nhiều năm rồi, ông đã
liên tục trình bày những lý do khiến thống kê kinh tế tài chính của
Trung Quốc là loại dữ kiện không đáng tin mà lại còn có quá nhiều khác
biệt giữa các cơ quan hữu trách với nhau. Một thí dụ ông nêu ra là sản
xuất của một tỉnh không thể nào tăng khi số năng lượng tiêu thụ cho yêu
cầu sản xuất ấy lại giảm, hoặc nếu tính kết số của 31 tỉnh và thành phố
thì sản lượng luôn luôn cao hơn con số của Cục Thống kê ở trung ương.
Tức là mỗi cấp hành chính lại thổi lên một bội số với kết quả sau cùng
là một con số ảo. Bây giờ, trở lại tình hình kinh tế thật của Trung
Quốc, ông đánh giá thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau nhiều thập niên lầm tưởng chiến lược
kinh tế Trung Quốc là một phép lạ, một sự kỳ diệu, thế giới đã tỉnh giấc
mê Tầu và nhìn xứ này một cách trung thực hơn. Nhưng vấn đề hết là tăng
trưởng cao hay thấp, 6-7% hay chỉ 4-5%, thậm chí chỉ có 3,5% thôi, vì
không ai có cơ sở khách quan để ước tính cho chính xác và tất cả chỉ là
lượng định.
- Vấn đề là Bắc Kinh vừa đưa ra một con số cho thế giới nhặt lấy mà
chơi mà tính, theo ý hướng là “đà tăng trưởng có giảm so với trước đây
nhưng dù sao vẫn rất với chỉ tiêu của lãnh đạo”. Tức là họ tạo ra một ấn
tượng là dù sao cũng chưa đến nỗi tệ và họ vẫn còn có thể xử lý được.
Sau khi thấy ra sự khác biệt giữa “ấn tượng” hay cảm quan mà Bắc Kinh
phóng chiếu cho thiên hạ với sự thật kinh tế, chúng ta nên tìm hiểu xem
Bắc Kinh sẽ làm gì và có thể làm những gì trước các vấn đề quá lớn của
cơ chế kinh tế, xã hội, chính trị và thậm chí quân sự.
Nguyên Lam: Thưa ông, những vấn đề ấy là gì? Trên diễn đàn
này, từ nhiều năm qua, ông đã cảnh báo về tình hình kinh tế Trung Quốc
nhưng chúng ta vẫn cứ phải nhắc lại.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là chúng ta vẫn cố tìm hiểu
sự thật bên dưới những sự kiện do chính lãnh đạo Trung Quốc đưa ra để
khỏi bị hiểu lầm là mình có thiên kiến.
- Thứ nhất, khối dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh đã mất 513 tỷ đô la trong
năm ngoái và riêng trong Tháng 12 thì mất 118 tỷ, tức là mỗi ngày có
thể mất ba tỷ sáu. Chi tiết đáng chú ý hơn là chính Bắc Kinh đã lần đầu
tiên đưa ra các con số ấy. Từ đó, ta nên chú ý đến vấn đề ngoại hối, tỷ
giá đồng bạc, nạn tẩu tán tài sản và cả chế độ kiểm soát tư bản mà Bắc
Kinh có thể ban hành.
- Thứ hai, cũng từ Bắc Kinh ra, Thông tin Lao động cho biết năm qua đã
có nạn công nhân lãng công, đình công và biểu tình nhiều nhất kể từ năm
năm trở lại. Kết hợp chuyện ấy với một tin khác thì ta thấy ra bài toán
xã hội, tức là chính trị, của lãnh đạo Bắc Kinh. Tin ấy là từ nay doanh
nghiệp nhà nước phải ra sức tuyển dụng bộ đội phục viên để góp phần giảm
thiểu nạn thất nghiệp!
Kinh tế bất ổn xuất phát từ hệ thống chính trị
Nguyên Lam: Việc doanh nghiệp nhà nước xưa nay đã nổi tiếng
là kém hiệu năng và còn sản xuất dư thừa và để tồn kho ế ẩm chất đống
mà ngày nay lại còn phải thu dụng thêm nhân công từ quân đội thải ra thì
quả là chuyện rất đáng chú ý. Thưa ông, phải chăng vì vậy mà hồi nãy
ông nhắc đến một vấn đề của lãnh đạo Bắc Kinh chính là quân đội?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Xưa nay, Trung Quốc theo đuổi một chiến
lược sai lầm là tìm mọi cách giảm trừ thất nghiệp nên đầu tư mạnh, xuất
khẩu nhiều để thu dụng nhân công mà bất kể lời lỗ. Sai lầm vì doanh
nghiệp không có chức năng tạo ra việc làm của một sở xã hội mà là tạo ra
của cải và nhờ vậy mới đem lại việc làm. Vì chiến lược ấy, kinh tế xứ
này trở thành một công xưởng toàn cầu với nhân công nhiều và lương rẻ.
Ngày nay, họ phải chuyển hướng là lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy,
nhưng muốn tiêu thụ thì phải có lợi tức, là bài toán chưa có giải đáp và
còn gây mâu thuẫn chính trị khi trung ương đòi tái phân phối lợi tức từ
các tỉnh trù phú tới các địa phương nghèo đói lạc hậu. Giữa lúc đó thì
ta lại thấy lấp ló nạn thất nghiệp mà lần này là thất nghiệp từ một lực
lượng chính trị và xã hội then chốt của chế độ là Giải phóng quân.
- Tức là có chuyện gì đó rất lạ đang xảy ra tại Trung Quốc! Khi ấy ta
chú ý đến sự kiện Chủ tịch Tập Cận Bình có những phê phán nghiêm khắc
vào buổi cuối năm hướng về tướng lãnh và ông cũng nhiều lần tái khẳng
định rằng quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng. Có thể là trong
nỗ lực cải cách quốc phòng để xây dựng bộ máy quân sự tiên tiến hiện
đại, Tập Cận Bình đã gặp sự cưỡng chống của nhiều tướng lãnh. Nạn bộ đội
thất nghiệp là chỉ dấu của một điều gì đó còn nguy ngập hơn ở bên dưới.
Nguyên Lam: Ngoài vấn đề tăng trưởng thấp, nạn thất thoát
tư bản và nạn thất nghiệp, ông còn thấy ra những bài toán gì khác của
lãnh đạo Bắc Kinh trong năm nay?
Bắc Kinh sẽ lại “kiến cơ nhi tác”, tức là lấy nhiều quyết định nhất thời, lụp chụp và mâu thuẫn nên gây nhiều biến động hơn, trong khi kinh tế toàn cầu có thể lại bị suy trầm nữa vì nhiều lý do khác nhau. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng bài toán kinh tế nghiêm trọng
nhất của Bắc Kinh là làm sao quản lý được cơ năng rời rạc của một bộ máy
hành chính công quyền tập trung về chính trị mà thiếu phối hợp về
nghiệp vụ khi cần kích thích một bộ máy sản xuất bại xuội. Con số tăng
trưởng 6,9% không là triệu chứng bên ngoài mà thật ra phơi bày bản chất
bên trong của những thách đố năm nay.
- Bên cạnh đó, ta cũng không quên rằng tuần qua, Tập Cận Bình đã tham
dự phiên họp của Ban Kỷ luật Kiểm tra Trung ương và nhấn mạnh rằng mọi
đảng viên các cấp từ trung ương đến địa phương phải tuyệt đối trung
thành với đảng. Dưới sự điều động của ông Vương Kỳ Sơn, cơ chế này của
đảng đang tiến hành chiến dịch diệt trừ tham nhũng kéo dài từ gần bốn
năm nay. Nhưng nó gây tác dụng ngược là làm tê liệt bộ máy hành chính
công quyền vì ai cũng có thể liên hệ đến hành vi tham nhũng vốn dĩ là
một thuộc tính của hệ thống kinh tế chính trị độc tài.
Nguyên Lam: Khi
nhìn ra bên ngoài thì hình như các thị trường quốc tế vẫn còn quá lạc
quan về khả năng ứng phó của lãnh đạo Bắc Kinh nên mới thở ra nhẹ nhõm
và ông gọi tinh thần lạc quan ấy là hồ đồ, ngắn hạn, hay thiển cận. Xin
ông giải thích thêm về chuyện này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về khung cảnh quốc tế, chúng ta không
quên rằng mọi sự khởi đầu từ năm 2008, khi bộ máy sản xuất và xuất khẩu
của Trung Quốc đụng phải một thực tế bất ngờ là thiếu người mua hàng vì
khối kinh tế tiên tiến Âu-Mỹ-Nhật bị suy trầm và gây ra nạn Tổng suy
trầm 2008-2009. Đấy là một cơn chấn động có kích thước toàn cầu khiến
nước nào cũng ra sức kích thích sản xuất mà không thể xuất khẩu lên cung
trăng. Khi ấy, Bắc Kinh tăng chi và ào ạt bơm tín dụng để giữ đà tăng
trưởng cao, nhưng là tăng trưởng ảo trên một núi nợ sẽ sụp đổ. Bảy năm
sau là ngày nay thì bài toán tăng trưởng vẫn đặt ra, với một sự thật mới
là Bắc Kinh lúng túng phơi bày một khả năng phối hợp và quản lý rất
kém.
- Nói về sự hàm hồ, đã có một thời mà trong sự hốt hoảng của thế giới,
nhiều nhà lý luận Hoa Kỳ dại dột bảo rằng phải chi mà các nền dân chủ
lại có toàn quyền quyết định như lãnh đạo Bắc Kinh thì bài toán kinh tế
đã được giải quyết mau lẹ. Sự hàm hồ ấy đã có từ khi họ khâm phục mô
hình kinh tế Xô viết ngày xưa, và ngày nay đang tiếp tục với mô hình
Trung Quốc.
- Kết luận thô thiển của tôi là Bắc Kinh sẽ lại “kiến cơ nhi tác”, tức
là lấy nhiều quyết định nhất thời, lụp chụp và mâu thuẫn nên gây nhiều
biến động hơn, trong khi kinh tế toàn cầu có thể lại bị suy trầm nữa vì
nhiều lý do khác nhau. Trong sự gập ghềnh chung của năm nay, kinh tế
Trung Quốc sẽ có nhiều bất ổn nhất, và xuất phát từ hệ thống chính trị!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét