Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Xuân 2016
Trước bọn sát nhân vì những tư tưởng bịp bợm
* Lễ tưởng niệm nạn nhân khủng bố tại Paris ngày 13 Tháng 11, 2015, trước điện Invalides *
Đúng hai tuần sau vụ khủng bố Thứ Sáu 13 tại Paris khiến 130
người thiệt mạng và 350 người bị thương, hôm 27 Tháng 11, nước Pháp long trọng tổ
chức lễ vinh danh nạn nhân với sự tham dự của Tổng thống François Hollande cùng
2.600 quan khách và thân nhân của người lâm nạn.
Báo Pháp cho biết Tổng thống François Hollande mất ba ngày tự
tay soạn lấy bài phát biểu đọc tại lễ tưởng niệm ở Quảng trường trước điện
Invalides. Bên trong, từng câu từng chữ của ông có sự cảm động của một bài điếu
văn, mà cũng có hào khí Malraux khi nhà văn André Malraux, Quốc vụ khanh Đặc
trách Văn hóa, đón nhận tro cốt của vị anh hùng kháng chiến Jean Moulins vào điện
Panthéon với một bài điếu văn bất hủ vào cuối năm 1964
Nhưng, thật ra âm nhạc mới xây tình người. Sau bản quốc ca La Marseillaise, người ta hát Jacques Brel và Barbara….
Jacques Brel
(1929-1978) là nghệ sĩ sinh tại Bỉ, được dân Bỉ coi là một trong mấy danh nhân
muôn đời của họ. Mà Brel cũng là một tiếng hát tiêu biểu của Paris. Phải chăng
đấy là cách trả lời đầy văn hóa của nước Pháp cho mối lo của nhiều người về cái
trục Pháp-Bỉ của quân khủng bố?
Xuất hiện đúng 60
năm trước, Tháng 11 năm 1956, bài Quand
on n’a que l’Amour (Khi chúng ta chỉ có tình yêu - When love is all you have) là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất
của Brel.
Jacques Brel soạn
nhạc và viết lời từ như làm thơ, ông dựng kịch, đóng phim và trong mọi lãnh vực
đều xuất sắc. Brel là danh ca hát Pháp ngữ được dân Mỹ ưa chuộng bậc nhất, ngang
hàng Edith Piaf. Các nghệ sĩ Hoa Kỳ đã từng dựng vở ca vũ nhạc kịch về Brel
trên sân khấu Broadway và sáu bảy chục ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới đều đã hát
Brel. Ông là một tiêu biểu cho văn hóa Âu Châu.
Bài Quand on n’a que l’Amour hát lên sự nhiệm
mầu của tình yêu qua 11 đoản khúc, mỗi đoản khúc lại ca tụng một mãnh lực của
tình yêu và kết thúc với hình ảnh rất đẹp:
Khi chỉ còn tình yêu
Để nói với đại bác
Và chỉ một khúc hát
Để át tiếng trống trận
Khi ấy, dù chẳng còn gì
Ngoài ý chí thương yêu
Chúng ta nắm trong tay
Bạn ơi, cả thế giới này….
Người ta nghe lại
Quand on n’a que l’Amour khi màn ảnh
chậm rãi đưa lên từng di ảnh của 130 nạn nhân. Đến ca khúc của Barbara thì người
ta bước qua một không gian khác. Nó vượt thời gian.
Barbara
(1930-1997) là nghệ sĩ đa tài, soạn nhạc và trình diễn lấy các ca khúc đầy não
tính của bà và tạo ra phong cách tiêu biểu của Paris thanh lịch. Ban tổ chức lễ
tưởng niệm và các nghệ sĩ chọn bài Perlimpinpin
của Barbara vì nội dung bài thơ.
Từ nhiều thế kỷ
trước, người Pháp đã nói về hiện tượng lang băm bán thuốc ngải có khả năng tiêu
trừ mọi bệnh. Trong dòng chảy của loại bột dỏm, có thằng cha (Père) Limpinpin
là nổi bật, trở thành nhân vật tiểu thuyết. Từ đấy, Perlimpinpin là thành ngữ về sự lường gạt. Với Barbara, đấy là khẩu
hiệu của bọn sát nhân.
Ca khúc Barbara
là loại khó hát, như thơ phổ nhạc, và Perlimpinpin
là bài khó hát nhất!
Đa số nạn nhân của
vụ thảm sát tại Paris là giới trẻ dưới 30 tuổi. Lời từ của Barbara là câu vặn hỏi:
Vì sao lại bắn chết đứa trẻ? Và là lời kết án bạo lực, chiến tranh. Thật ghê tởm
khi kẻ thù là tiếng cười của con trẻ! Nhân danh cái gì? Bay chỉ là
Perlimpinpin, bán thuốc giả trong vườn Batignolles!
Nước Pháp tưởng
niệm nạn nhân vụ khủng bố như vậy. Đơn giản, với nghệ thuật, sự giận dữ, nỗi
thương cảm và niềm tin vào đời sống, như lời thơ của Barbara:
Vivre,
Vivre,
Aves tendresse,
Vivre
Et donner
Avec ivresse!
***
Nhưng vì sao
trong một số báo Xuân lại nhắc đến chuyện ấy? Vì bốn mươi năm sau, kẻ bán thuốc
giả vẫn tồn tại. Lại còn bán thuốc độc.
Vào thời điểm
này, chúng ta ngợi ca sự thành tựu của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ
và ở nhiều nơi khác sau biến cố 1.9.7.5. Các nhà xã hội học thì gọi chung là di
dân, những người phải lìa quê hương tìm đất sống khác vì lý do kinh tế, chính
trị hay vì quê hương loạn lạc tan tành. Mỗi cảnh ly hương lại là một thảm kịch,
là mất mát có khi còn mất mạng. Nhưng bên kia sông vẫn là ánh mặt trời. Cộng đồng
chúng ta đã là tỵ nạn như vậy và có một ánh mặt trời khác.
Nhưng 40 năm sau,
chúng ta nhìn vào nạn dân từ Syria sau vụ khủng hoảng của quê hương. Rồi bắt gặp
những kẻ bán thuốc giả.
Trong vụ khủng hoảng
về di dân, với hơn bốn triệu người như con nước đen ập vào Âu Châu, Đức hứa nhận
800 ngàn người, Pháp nhận 24 ngàn, Anh 20 ngàn…. Chính quyền Barack Obama
hứa nhận 10 ngàn người trong năm 2016. Con số quá nhỏ so với tiềm năng của một
quốc gia hình thành từ di dân và hàng năm vẫn nhận khoảng một triệu người.
Vậy mà quyết định
nhỏ nhoi ấy cũng gây tranh luận và sau vụ khủng bố tại Paris, lại được nhiều
chính khách bảo thủ bên đảng Cộng Hòa nêu thành vấn đề. Họ bán thuốc giả với lý
cớ là an ninh vì nỗi sợ hãi hốt hoảng của người dân.
Trong một bài đầu
Xuân thì người viết xin miễn nói về quy chế khác biệt giữa «nạn dân», môt vấn đề
then chốt của các nước Âu Châu, và «người muốn xin tỵ nạn tại Mỹ». Sau 1975,
khoảng 700 ngàn người trong chúng ta đã trải qua các cửa ải này để xin tỵ nạn
vào Hoa Kỳ.
Theo luật Mỹ, những
ai muốn xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ, phải chứng minh rằng mình bị bách hại vì lý do sắc
tộc, tôn giáo, chính kiến, v.v…. Trong trường hợp nạn dân tại Syria, lý do thì
đã mười mươi, nhưng họ không đứng cạnh biên giới Hoa Kỳ. Họ đang ở trong các trại
tạm trú của Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc (UNHCR), là cơ quan đã phải tổ chức việc
thanh lọc an ninh theo các hiệp ước quốc tế trong đó có Hoa Kỳ. Vượt qua ải
này, nạn dân mới được đưa sang Chương trình Tiếp nhận Tỵ nạn của Hoa Kỳ (US Refugees Admissions Program, USRAP).
Những người được UNHCR giới thiệu mới qua thể thức phỏng vấn của nhân viên sở
Quốc tịch và Di trú Hoa Kỳ (US
Citizenship and Immigratrion Services (USCIS) ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
Sau đó mới là phần
vụ thanh lọc của viên chức Trung tâm Chống khủng bố, Trung tâm Thanh lọc Khủng
bố, các Bộ Quốc phòng, Nội an và Ngoại giao, với những phương tiện kiểm tra khá
tinh vi. Những nạn dân từ Syria mà chầu chực thủ tục này thì có thể mất ba năm.
Trong năm 2015, Hoa Kỳ chỉ nhận 1.682 người tỵ nạn từ Syria, vỏn vẹn có 0,042%
của tổng số hơn bốn triệu người Syria xin tỵ nạn.
Và xác suất
thành công của một tên khủng bố giả dạng nạn dân phải nói là không đáng kể:
theo thống kê của gần 860 ngàn người tỵ nạn vào Mỹ từ năm 2001 đến nay, chỉ có
ba tay đặc công bị truy tố là có âm mưu khủng bố từ bên ngoài nhưng không có
người nào tiến hành nghiệp vụ khủng bố trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Quân khủng bố có
nhiều ngả khác để xâm nhập vào Mỹ, nhanh, gọn và «an toàn» hơn là xếp hàng mất
ba năm làm dân tỵ nạn, với hy vọng là 0,042%!
Người Mỹ luôn
luôn biết tính, các chính khách cũng vậy. Họ tính khai thác sự sợ hãi của người
dân. Vào mùa tranh cử, nước Mỹ là vườn Batignolles đầy con trẻ dễ thương nên mới
gặp ông Ba Bị Chín Quai. Cũng lại là những Perlimpinpin bán thuốc giả!
***
Bây giờ mình mới
nói về bọn bán thuốc độc, những kẻ bắt trẻ đồng xanh.
Sau vụ khủng bố
tại Paris, ai cũng có thể giận dữ phê phán bọn sát nhân là man rợ, hèn nhát,
đáng tởm. Nhưng sự thật có lẽ rắc rối hơn một khẩu hiệu, hay một lời nguyền rủa.
Mọi chuyện có thể khởi đầu từ… trăm năm trước.
Trong Đệ nhất Thế
chiến (1914-1918), Đế quốc Ottoman đã tồn tại từ năm 1299 lại đứng về phe Trục
gồm có Đức, Hung-Áo, chống liên minh Nga, Pháp, Anh. Tháng 11 năm 1915, hai Đế
quốc Anh-Pháp ngầm thảo luận về một mật ước chia vùng ảnh hưởng tại khu vực Cận
Đông (xưa kia gọi là Tiểu Á Tế Á) nếu Đế quốc Ottoman bại trận và tan rã. Đế quốc
Nga biết chuyện này mà nín thinh. Tháng Ba năm 1916, khi mật ước thành hình giữa
hai đại diện Anh là Sir Mark Sykes và Pháp là François Georges-Picot, Đế quốc
Nga tiết lộ chuyện ấy cho các nước Á Rập để khơi dậy phong trào chống các nước
thuộc địa Âu Châu. Hiệp ước Sykes-Picot (xin đọc là ‘saiks pi.ko) vẽ lại bản đồ
Trung Đông khi Đế quốc Ottonam tan rã sau Thế chiến I, chính thức là vào năm
1920.
Tháng Sáu năm
2014 vừa qua, lực lượng khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo (ISIL) tung ra tài
liệu tuyên truyền về nhu cầu Xóa bỏ
Sykes-Picot. Nhưng không chỉ có quân khủng bố, lãnh đạo Iraq, Syria hay
Saudi Arbia (thuộc sắc dân Á Rập), hay Iran (sắc tộc Ba Tư) hay Turkey (dân Thổ)
cũng quan tâm đến chuyện ấy và vẫn muốn giữ nguyên trạng do chế độ thực dân để
lại từ trăm năm trước, chứ nếu xóa bản đồ thì sẽ phân vùng ra sao?
Cho nên,
Al-Qaeda hay ISIL đều là lực lượng áp dụng phương pháp khủng bố nhằm tạo ra một
«trật tự mới», một chế độ thần quyền sẽ thống trị thế giới Hồi giáo (Al-Qaeda)
hay một Caliph, Đế chế Hồi giáo do một giáo chủ làm Hoàng đế (ISIL) để thắng nền
văn minh Thiên Chúa Giáo.
Chuyện Syria thì
gần hơn, cách nay đúng 80 năm.
Sau Thế chiến
II, Pháp được ủy quyền giám hộ một mảnh vụn của Đế quốc Ottoman tại vùng Cận
Đông, trong đó có xứ Syria ngày nay. Khi ấy, Pháp dự tính tổ chức một hệ thống
nhiều «quốc gia» cho từng nhóm sắc tộc và tôn giáo, sẽ sống chung như vào thời
vàng son của nền văn minh Hồi giáo. Dòng Allawite thuộc hệ phái Shia thiểu số sẽ
có một nước nhỏ bên một nước kia của dân Kurd, một nước của dân Thiên Chúa giáo
tại vùng Beirut hiện nay bên một nước của dân Do Thái tại Jeruslaem, một nước của
giáo phái Druze, của sắc dân Armernia, v.v…
Tinh thần của giải
pháp đa quốc ấy là không nước nào trở thành quá mạnh mà khống chế các nước hay
sắc tộc hoặc tôn giáo khác. Và ở vòng ngoài, các cường quốc như Anh, Pháp hay
Turkey có thể giữ gìn trật tự ấy. Tai họa xảy ra là khi Mặt trận Bình dân của
Léon Blum lên cầm quyền tại Pháp vào năm 1936. Đấy là một chính phủ liên hiệp
giữa đảng Xã hội và đảng Cộng sản.
Như truyền thống
thiên tả cho đến ngày nay, giấc mơ của họ là lập ra một nhà nước mạnh, theo chế
độ thế quyền để triệt tiêu ảnh hưởng của tôn giáo. Giấc mơ «Đại Syria» ra đời
trong hoàn cảnh đó với một bộ máy hành chánh chính trị và quân sự tập trung.
Trước uy thế của hệ phái Sunni, có 60% dân số, dòng Allawite của hệ phái Shia
thiểu số bèn nắm lấy chính quyền, với hậu thuẫn của Bộ Thuộc địa Pháp và các hệ
phái thiểu số khác, để dân Sunni hết tung hoành. Chế độ Bashar al-Assad này nay
là hậu thân của dòng Allawite đó.
Khi chế độ này
rung chuyển từ năm 2011, làn sóng nạn dân chủ yếu là từ các hệ phái thiểu số ấy.
Họ chạy trước khi phe Sunni nắm quyền trong thời «hậu-Allawite», khi al-Assad
phải bỏ chạy như Hoa Kỳ đã tuyên bố và đòi hỏi.
Tức là từ 1916 rồi
1936, hai cường quốc Anh Pháp chủ quan vẽ lại bản đồ Trung Đông với việc
thành lập các quốc gia thế quyền rộng lớn, bên trong có nhiều sắc tộc và giáo
phái khác biệt, thường thì bị bộ máy thế quyền đàn áp chứ không như dưới thời Đế
quốc Ottoman.
Bây giờ, cả
khuynh hướng thần quyền như phong trào Thánh Chiến (gồm Al-Qaeda và ISIL) hay
phản ứng dân tộc của các lực lượng khác đều cùng tranh đấu, bằng súng đạn. Và
dù ở rất xa, Hoa Kỳ đang lãnh di sản Anh Pháp để lại. Sau gần chục năm đối phó
với cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo toàn cầu, nước Mỹ dưới thời Obama đã thấy
mệt. Không muốn làm «Sen đầm Quốc tế» nữa, nước Mỹ đòi «lãnh đạo từ đàng sau».
Còn lại, cả ISIL
lẫn al-Qaeda và các lực lượng Al-Qaeda nội hóa, tự phát, đều tung đòn khủng bố
để khẳng định thế lực, và nhắm vào các nước Âu-Mỹ!
***
Bây giờ, làm
sao phòng thủ? Câu trả lời lại còn phức tạp hơn nữa.
Hoa Kỳ là một «hải
đảo» với đường duyên hải dài hơn triệu rưởi cây số. Hoa Kỳ là một xã hội mở với
800 triệu người hàng năm bay vào các phi cảng, bằng phân nửa của toàn cõi Âu
Châu. Với địa dư và văn hóa ấy, không ai có thể dựng hàng rào và bố trí người
ngăn chặn bọn khủng bố. Chúng có ngả khác. Bên trong, Hoa Kỳ cũng có những kẻ bất
mãn, sẵn sàng bạo động, lại còn được khích động và hướng dẫn để thi hành tội ác
vì bất cứ lý do điên cuồng nào. Chống phá thai hay bảo vệ môi sinh đều «có
chính nghĩa». Vụ bắn giết tại dưỡng đường Planned Parenthood ở Colorado Spring
hôm Thứ Sáu 27 Tháng 11 là một trong cả trăm ví dụ. Vì vậy, mọi nỗ lực kiểm
soát để diệt trừ cái ác chỉ là cầu may. Không may thì bị vụ 9-11.
Chính là người
dân, gia đình, xã hội và nền giáo dục lẫn sự quan tâm theo dõi thì mới thấy được
mầm điên mầm ác từ khi chưa manh nha.
Trong cái thế giới
nhiễu nhương này, nạn nhân của khủng bố Hồi giáo là người dân xứ khác, và đứng
đầu danh trạng của quỷ dữ thì vẫn chưa là lực lượng ISIL hay Al-Qaeda mà là
Boko Haram. Khi nhớ lại cội nguồn từ cả trăm năm với các yếu tố tôn giáo, ý thức
hệ hay quốc gia dân tộc hoặc sắc tộc, ta thấy trước khi có khủng bố Al-Qaeda
thì đã có khủng bố Hezbollah và Hamas và trước khi có Hamas thì đã có nhóm khủng
bố Abu Nidal, Tháng Chín Đen hay tổ chức khủng bố PLO, cho mục tiêu «giải
phóng» đất Palestine, từ hơn 40 năm trước.
Vì vậy, dù các
nước có biến lãnh thổ của ISIL thành bình địa, điều chưa tất nhiên, thì nạn khủng
bố của các lực lượng Hồi giáo quá khích vẫn còn. Và các lực lượng này có thể
tuyển mộ đặc công rất trẻ ngay trong xã hội Tây phương, từ các phần tử bất mãn,
bệnh hoạn, không thể hay không muốn hội nhập vào văn minh Tây phương hay văn
hóa Thiên Chúa Giáo.
Vả lại, thuần về
thống kê (xin lỗi), nạn khủng bố không giết nhiều người trong xã hội Tây phương
(tổng số là 2,6%) bằng đủ loại bạo động lẫn thiệt mạng vì xe cộ: đại đa số nạn
nhân của khủng bố Hồi giáo là người dân trong các nước Hồi giáo, như Syria,
Iraq, Nigeria hay Afghanistan. Tức là trong vài thập niên tới, nạn khủng bố vẫn
còn. Lâu lâu, các nước Âu-Mỹ lại bị tấn công chứ các nước Hồi giáo kia mới bị nặng
và thường xuyên hơn.
Khủng bố xuất
phát từ cuộc khủng hoảng của nền văn minh Hồi giáo, lồng trong cuộc nội chiến
giữa hệ phái Sunni với Shia và nội chiến bên trong khối Sunni. Một thí dụ về
cách nhìn và tường thuật của chúng ta: từ khi chuyến bay Metrojet của Nga bị đặt
bom hôm 31 Tháng 10, đến vụ khủng bố tại Paris ngày Thứ Sáu 13, đã có hơn 400
người thiệt mạng. Truyền thông Tây phương nói nhiều đến hai vụ Nga và Pháp bị nạn
mà quên rằng thành phố Beirut cũng bị khủng bố đặt bom hôm Thứ Năm, 12 Tháng! Mạng
sống người dân Lebanon không đáng xuất hiện trên màn ảnh? Người Hồi giáo nghĩ
sao?
Chính là cách
chúng ta sốt sắng loan tin về khủng bố lại có kết quả quảng cáo tuyên truyền
cho khủng bố!
Khủng bố chỉ là
một phương pháp đấu tranh của những kẻ muốn đạt một kết quả chính trị, trước hết
là làm thay đổi cách sống và suy nghĩ của người khác. Vì vậy, nhiều người lý luận
rằng nếu ta thay đổi nếp sống, nếu Âu Châu từ bỏ lý tưởng tự do vận chuyển và
di trú và thiết lập chế độ công an trị bằng thiết quân luật thì mình thua. Sự
thật nó không đơn giản như vậy. Chúng ta phải thay đổi cách sống sau khi suy luận
rồi cân nhắc hai nhu cầu trái ngược, tự do và an ninh. Nôm na là tính ra chuyện
lời lỗ để phòng ngừa khủng bố.
Nhưng hơn vậy,
chúng ta cũng phải thay đổi cách sống quá phóng túng và ngày càng rời xa nhu cầu
tâm linh, coi thường Thượng Đế. Đối diện với những kẻ nhân danh Thượng Đế để giết
người thì nếp sống duy lý và ngay càng vô thần cũng là một cám dỗ.
Trong khi chờ đợi,
tuổi trẻ vẫn ngồi giữa chợ nghe bọn sát nhân rao truyền loại bùa mê thuốc lú để
trở thành một lũ khủng bố tự sát. Đấy là những Perlimpinpin của Ma Vương Qủy Dữ.
Chúng ta phải ngợi ca tình yêu, nhưng cũng cần củng cố sức mạnh tinh thần thì mới
tồn tại trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống khủng bố.
Nước Pháp vừa
hát lời của Brel:
Khi ấy, dù chẳng còn gì
Ngoài ý chí thương yêu
Chúng ta nắm trong tay
Bạn ơi, cả thế giới này….
Nhưng chúng ta
không quên là đây đó có những kẻ đang dạy con trẻ một bài đồng dao của Địa Ngục :
Khi ấy, dù chẳng còn gì
Ngoài ý chí căm thù
Chúng ta nắm trong tay
Bạn ơi, cả thế giới này
____
Báo Xuân Bính Thân của Người-Việt đã phát hành. Hai ngày nữa sẽ có Xuân của Việt Báo. Dainamax xin giới thiệu bài viết này, trước khi chúng ta vui Xuân mà quên chiến sĩ!
Bài này của bác Nghĩa rất hay và sâu sắc. Chúng ta đang nuôi dưỡng ma quỷ khủng bố trong lòng bằng cách sống của chính mình.
Trả lờiXóa