Thứ Sáu, tháng 1 22, 2016

Dốc Ba Tư Trơn Trượt Vì Dầu



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt Ngày 160118
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Hoa Kỳ đã bãi bỏ cấm vận Iran rồi sao?

* Bàng hoàng tỉnh giấc * 



Năm 2016 vừa mở ra thì đã có chuyện lạ! Không, vụ cổ phiếu và uy tín lãnh đạo Trung Cộng bị sụt giá từ ngày đầu năm không là chuyện lạ vì được tiên báo từ lâu rồi. Vả lại, mục này nói về Hoa Kỳ “Nhìn Từ Bên Ngoài”, không về chuyện “Kinh tế cũng là Chính trị”.

Chuyện lạ là quan hệ giữa Iran với Hoa Kỳ vừa qua bước ngoặt, với việc các nước Tây phương (gồm Mỹ và Âu Châu) vừa thu hồi lệnh cấm vận kinh tế Iran từ ngày 16. Hôm sau Hoa Kỳ lại áp đặt một lệnh cấm vận khác trên 11 cơ sở của Iran có liên quan đến vụ Tehran thử nghiệm hỏa tiễn vào Tháng 10 và vi phạm một nghị quyết của Liên hiệp quốc. Hôm trước, vào ngày 15, thì hai Ngoại trưởng của Hoa Kỳ và Iran cùng ra sức giải tỏa một mâu thuẫn nhức tim. Đó là khi hai tầu nhỏ và 10 thủy thủ Mỹ bị Iran câu lưu từ ngày 12 - ngẫu nhiên sao khi Tổng thống Barack Obama đang đọc diễn văn hàng năm trước Lưỡng viện Quốc hội về Tình hình Liên bang – rồi được trả tự do một cách êm ái sau khi Vệ binh Iran bắt họ quỳ như tù binh.

Có cái gì đó khá ly kỳ trong quan hệ của Hoa Kỳ với xứ Iran của dân Ba Tư!

Từ 12 năm trước, Hoa Kỳ với Chính quyền George W. Bush đã có chánh sách dọa đánh để đàm, vừa dọa vừa dụ lãnh đạo Tehran nhằm khai thông bế tắc trong quan hệ giữa hai nước khởi đi từ cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran vào năm 1979. Nhưng việc không thành vì Mỹ thất thế tại Iraq, Iran lại còn nói thách với kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. Khi chính quyền Obama lên nhậm chức từ năm 2009 thì Hoa Kỳ đổi chiến lược: cố dụ hơn dọa, nên bớt xẵng giọng với các tối hậu thư cứ trôi dần vào quên lãng trong khi kinh tế Iran tụt dần vào khủng hoảng vì các nghị quyết cấm vận của Liên hiệp quốc, được Tây phương triệt để áp dụng, trước sự lửng lơ của Liên bang Nga và Trung Cộng.

Sau cùng thì vào Tháng Bảy vừa qua, Iran cùng năm Hội viên Thường trực của Hội đồng Bảo An Liên hiệp quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Tầu) và nước Đức lẫn đại diện Liên hiệp Âu châu đã đạt một Thỏa thuận Toàn diện, nhưng Tạm thời, là sẽ bãi bỏ lệnh cấm vận nếu Tehran tạm hoãn kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. Cơ quan Nguyên tử lực cuộc IAEA của Liên hiệp quốc có nhiệm vụ gửi nhân viên điều tra để xác nhận thiện ý này của Tehran.

Chẳng ai biết IAEA điều tra thế nào, ngày 16 vừa qua, họ xác nhận thiện chí của Tehran, cho nên lệnh cấm vận của Liên hiệp quốc lập tức được thu hồi và Iran bước qua một vận hội mới. Một vận hội ảo.

Cái lẽ ảo thứ nhất là Hoa Kỳ vẫn có biện pháp phong tỏa khác, lập tức được áp dụng vì vụ Tehran thử nghiệm hỏa tiễn, chưa kể là Quốc hội trong tay đảng Cộng Hòa đã hô hoán sự hoài nghi chánh sách kết ước của Tổng thống với Iran. Cái lẽ ảo thứ hai là nếu 100 tỷ đô la tài sản của Iran ở hải ngoại được giải tỏa và xứ này có thể bơm thêm dầu mà xuất cảng thì giá dầu ở ngoài đời đã hạ dưới mức 30 đồng một thùng. Tin Iran thoát lệnh cấm vận còn góp phần đẩy giá dầu xuống đáy!

Tức là Iran vẫn đang ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng. Nhưng câu chuyện còn phức tạp hơn vậy.

Ngay sau khi Thỏa ước tạm được thông qua vào Tháng Bảy, các doanh nghiệp dầu khí Âu Châu đã xoa tay nhập cuộc, chờ ngày bước vào thị trường Iran kiếm lời. Nhưng dù Iran có thông báo sẽ ráo riết bơm dầu, khả năng thật lại vẫn còn xa sau khi kỹ nghệ dầu khí bị xuống cấp quá lâu. Các doanh nghiệp Mỹ thì chưa được vào và hậm hực nhìn Âu Châu cùng Nga Tầu kiếm bạc với dân Ba Tư. Họ sẽ vận động Quốc hội để khỏi mất phần ăn thật ra vẫn chưa có, sau khi gặp khó khăn vì giá dầu tuột quá mạnh làm cổ phiếu rơi rụng!

Đã nhìn từ bên ngoài thì cũng nên nhìn hẳn ra ngoài.

Hoa Kỳ đang trở lại truyền thống cũ là tìm ra một trật tự mới giữa các nước Trung Đông để các phe trong cuộc kình chống nhau mà tìm cách hợp tác với Mỹ. Trật tự đó có thể là một sự mất thăng bằng đầy bất ổn, miễn là không phương hại cho Hoa Kỳ.

Ở trong cuộc, Tổng thống Hassan Rouhani của Iran, thuộc phe “ôn hòa”, thì coi quyết định giải tỏa của Tây phương là một thắng lợi, chưa cụ thể thì cũng lợi cho uy tín chính trị của mình trước cuộc bầu cử sắp tới của Quốc hội Iran và nhất là của Hội đồng các Học giả Hồi giáo, cơ chế có ảnh hưởng trong việc đề cử lãnh tụ tối cao là Đại giáo chủ sẽ có ngày thay thế Đại giáo chủ đương nhiệm là Ali Khamenei. Và năm tới, Iran sẽ lại có bầu cử Tổng thống, vì vậy, Tehran mới sớm trả tự do cho các “tù binh” Mỹ và chờ đợi vận hội mới.

Bên kia chiến hào vừa tôn giáo vừa sắc tộc, Saudi Arabia cũng hiểu ra trò chơi của Mỹ, nên gây mâu thuẫn với Iran và tiếp tục đánh đòn dầu hỏa, để giá dầu hạ sẽ triệt hạ lợi thế của Tehran lẫn các doanh nghiệp dầu khí Hoa Kỳ.

Bực bội nhất về lập trường đảo điên của Hoa Kỳ, Thủ tướng Israel là Benyamin Netanyahu đã cho truyền hình trực tiếp phổ biến bài phát biểu của ông trước Nội các vào hôm 17: về Iran thì chỉ có sáu câu, mà không một lời sợ sệt! Vọng cổ:

Từ khi “lập quốc” vào năm 1948, Israel chuyên trị về nghệ thuật đảo điên vì đã từng theo Liên Xô để mua võ khí phòng thân, rồi lại cùng Anh và Pháp xoay ra chống Mỹ khi tấn công Ai Cập năm 1956 và phong tỏa kênh đào Suez năm 1957 khiến Tổng thống Dwight Eisenhower nổi đóa. Tình hình chỉ cải thiện thời Chiến tranh lạnh khi Isarel, Iran và Thổ đều là đồng minh của Mỹ nhằm chặn đường tiến của Liên Xô. Cao điểm của giao tình khắng khít giữa Mỹ và Israel là năm 1973 khi Mỹ yểm trợ xứ này trong cuộc chiến chống Á Rập – và khi dầu thô cũng được Saudi Arabia dùng làm võ khí bắt bí Tây phương.

Bây giờ, Liên Xô không còn, Liên bang Nga kiệt quệ vì nạn dầu thô mất giá và Hoa Kỳ cho các nước Trung Đông quần thảo với nhau. Đấy là lúc Israel lẫn Saudi Arabia hay Ai Cập và nhất là Turkey phải lo lấy thân chứ hết trông mong vào Mỹ. Ngần ấy nước đều không tin vào các giáo chủ Tehran và nghi ngờ Hoa Kỳ nên ra sức canh chừng Iran. Các cường quốc ấy không dại gì mà chống Mỹ, đấy là nhiệm vụ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIS. Họ chỉ tích cực đề phòng cửa nẻo kẻo Iran lại xổng chuồng! Nhưng vừa tháo chốt này, Hoa Kỳ đã bày chốt khác để cũng canh chừng Iran.

Trong khi ấy giá dầu vẫn hạ làm mọi người xanh mặt, trừ dân Mỹ khi đi đổ xăng. Năm 2016 này quả là một năm quái lạ!


1 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa, Mỹ lại đang tính bỏ cấm vận Nga, việc này ảnh hưởng ra sao ạ? Cháu cảm ơn trước

    Trả lờiXóa