Thứ Ba, tháng 1 26, 2016

Vẫn Còn Lạc Quan Về Kinh Tế Trung Quốc?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt ngày 160125
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

 
Giải phẫu một chuyện ba sàm về kinh tế chính trị học….  

* Ngu chẳng nhường ai: cỗ xe vẫn lăn bánh mà! *



Sau khi bị thị trường cổ phiếu Trung Quốc cho cái tát như trời giáng vào buổi đầu năm, nhiều chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tiếp tục điệp khúc quen thuộc từ cả chục năm: “Những gì xảy ra thật ra không đến nỗi tệ, hoặc bất ngờ. Mà lãnh đạo Bắc Kinh thì vẫn thừa khả năng và công cụ đối phó. Vì vậy, chưa nên thất vọng về tương lai Trung Quốc hay về tài sản đầu tư của quý vị vào thị trường Hoa lục”….

Bài viết này sẽ giải phẫu lý luận ba sàm và hàm hồ đó. Với một biểu tượng của… năm Thân mà rất Mỹ, là “Monkey Business”. Nôm na là trò khỉ!

Nhưng trước hết, xin quý độc giả kiên nhẫn tìm hiểu tiếp chuỗi lý luận rất khỉ này: 1/ mọi quốc gia có mức lợi tức tương tự như Trung Quốc đều phải qua một thời kỳ tăng trưởng chậm hơn; 2/ và khi chuyển hướng từ chiến lược đầu tư và xuất cảng sang hình thái tiêu thụ, như lãnh đạo Bắc Kinh đã sáng suốt đề ra, thì sinh hoạt kinh tế phải trải qua nhiều bất trắc dễ hiểu; 3/ nhưng Trung Quốc còn hơn vậy vì đang chuyển từ công nghiệp ráp chế lên dịch vụ, nên sự bất trắc cũng là bình thường; 4/ vả lại, lãnh đạo xứ này còn nhiều tài nguyên và khí cụ đối phó vì dư thanh khoản, gánh công trái còn thấp và lãi suất còn có thể hạ; 5/ mà nhà nước cũng có thể tạm thời áp dụng chế độ kiểm soát tư bản, kiềm chế hối đoái và giải tư các tập đoàn kinh tế quốc doanh; 6/ huống hồ các hộ gia đình đầu tư rất ít vào thị trường cổ phiểu cho nên những mất mát vừa qua không gây hậu quả lớn cho sinh hoạt kinh tế; v.v. và v.v….

Kết luận của giới lạc quan Mê Tầu là “chuyện không có gì mà ầm ĩ”, và “ngày mai trời lại sáng!” Quả thật ngày mai trời lại sáng ở nơi nào đó trên mặt địa cầu, nhưng cái đầu của kẻ Mê Tầu thì vẫn tối thui.

***

Kinh tế Trung Quốc có một vấn đề cực kỳ nguy ngập mà bị nhiều người bỏ qua, đó là khối nợ quá lớn được ào ạt bơm ra từ năm 2009 và thổi lên những trái bóng đầu cơ. Những người Mê Tầu cũng có biết đến trái bóng tín dụng này, nhưng khỏa lấp bằng một số liệu khác, rằng kinh tế Mỹ cũng mắc nợ và gánh công trái của chính quyền liên bang đã vượt 18 ngàn tỷ đô la, cao hơn Tổng sản lượng GDP. Sự ngụy biện này che giấu một sự dốt nát: Hoa Kỳ có đồng nội tệ là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất thế giới, điều chưa thể có cho đồng Nhân dân tệ! Trong sòng bạc quốc tế, nhà cái có thể thoái mái in tiền trả nợ cho các nhà con và nhà nào cũng ôm tiền Mỹ về làm tài sản vững giá nhất. Nhà nước Bắc Kinh thì chưa mà vẫn chưa chừa cái tật đi vay.

Có vay thì có trả, quy luật đạo đức này là một chân lý kinh tế. Nhưng với kinh tế Trung Quốc thì làm sao trả khi tiền đi vay lại sinh lời không đủ để hoàn thành nghĩa vụ hoàn trái? Sinh lời không đủ vì dồn vào các dự án không có hiệu năng, chỉ sản nhập chứ không sản xuất.

Với núi nợ đó, kinh tế của Trung Quốc chỉ có hy vọng cải sửa nếu đà tăng trưởng của tín dụng bắt đầu giảm dần, tức là còn tăng mà chậm hơn. Và đà tăng trưởng của vay mượn phải giảm mạnh hơn đà tăng trưởng sản xuất, đo lường ở mệnh giá của GDP, là chuyện khó đo khó đếm! Sau đấy, việc cải sửa chỉ có hy vọng thành công nếu đà gia tăng vay mượn vĩnh viễn thấp hơn đà tăng trưởng kinh tế. Chuyện khó xảy ra trong viễn cảnh dài của năm bảy năm tới.

Nhưng, các chuyên gia Mê Tầu, của Tây phương và Trung Quốc, không nhìn ra chuyện ấy, lại còn đánh lạc hướng: mỗi khi thấy mức tăng trưởng sản xuất giảm sút, từ chỉ tiêu 7% chỉ còn là 6,9%, thì lại ngợi ca khả năng cải cách và chuyển hướng của Bắc Kinh. Và mỗi khi thấy tín dụng gia tăng qua biện pháp kích thích thì lại báo trước, rằng nhờ kinh tế Trung Quốc mà thế giới sẽ tránh được một vụ Tổng suy trầm nữa! Nghĩa là đđen chẵn lẻ gì thì Bắc Kinh cũng thng! 

Làm sao truyền thông có thể tường thuật chuyện quá rắc ấy cho tỏ tường? Ấn tượng còn lại là dù sao Trung Quốc vẫn là cường quốc kinh tế có trên ba ngàn tỷ đô la dự trữ ngoại tệ để vượt qua mọi phong ba bão táp!

***

Sự thật cứng đầu của kinh tế chính trị học là lãnh đạo Trung Quốc phải đắn đo cân nhắc và chọn lựa một trong ba hậu quả của chiến lược sai lầm đã qua: 1/ bị thất nghiệp cao hơn, 2/ hoặc mắc nợ nhiều hơn, 3/ hoặc phải tái phân lợi tức cho các địa phương hay thành phần quần chúng nghèo đói. Nhiều phần thì lãnh tụ sẽ lãnh cả ba tụ.

Bài này sẽ cố giải thích bài toán chuyên môn ấy, xin độc giả thông cảm.

Chiến lược kinh tế Trung Quốc nhắm vào mục tiêu toàn dụng, để nhờ đảng và nhà nước mà ai cũng có việc làm và nạn thất nghiệp không gây động loạn. Vì vậy, họ lấy đầu tư làm lực đẩy và sản xuất ào ạt thì xuất cảng. Trong thế giới đó, các doanh nghiệp có chức năng xã hội của sở lao động tìm việc làm cho muôn dân. Lời lỗ là chuyện không đáng kể nên lỗ hơn lời và hết tiền thì đi vay để lại có công tác sản xuất cho dân số rất đông. Ba chục năm sau, trò chơi ấy hết công hiệu và đà tăng trưởng giảm sút thì sẽ đẩy lên nạn thất nghiệp.

Thất nghiệp là vấn đề xã hội có hậu quả chính trị cho một chế độ tự xưng là “xã hội chủ nghĩa”. Bây giờ, làm sao “phân bố” cái nạn thất nghiệp tất yếu này? Câu trả lời là theo tiêu chuẩn an toàn chính trị cho chế độ.

Hơn 100 triệu “dân công” không có hộ khẩu mà mất việc thì có thể lặng lẽ về quê sống nhờ gia đình đã mất hết đất đai ruộng vườn? Họ là con sâu cái kiến nên không làm trung ương mảy may xúc động, nhưng lại làm các đảng bộ địa phương lo sợ vì động loạn từ dưới nổi lên. Ngoài dân công, còn có bộ đội được phục viên hay bị giải ngũ. Họ cũng là thành phần mất việc mà có súng. Vì vậy, cuối năm qua các doanh nghiệp nhà nước vừa được chỉ thị ưu tiên tuyển dụng các giải phóng quân vừa được Quân đội Nhân dân giải phóng về quê.

Làm ăn thua lỗ mà còn tuyển thêm người vô dụng thì làm sao kiếm ra tiền bỏ túi hay trả nợ?

Nói về nợ nần thì câu hỏi là ai nợ ai? Đa số ai ai đó đều nợ các ngân hàng nhà nước, kể cả ngân hàng chui của tay chân nhà nước. Khách nợ là doanh nghiệp, là các cơ sở đầu tư do địa phương tự động thành lập để huy động tiền thực hiện các dự án đầu tư có chức năng tạo ra việc làm, dù chỉ sản nhập chứ không sản xuất. Nếu kinh tế sa sút thì người người đều được khuyến khich vay thêm, để đạp cỗ xe hai bánh cho khỏi đổ. Hậu quả là người ta lại chất thêm một núi nợ dưới chân một núi nợ sắp sụp đổ.

Hậu quả thứ ba là nhu cầu tái phân lợi tức, một ưu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Để tránh động loạn xã hội và bất ổn chính trị, họ Tập đang tập trung quyền lực về trung ương, vào trong tay mình, và đòi các đảng bộ địa phuơng cùng san sẻ gánh nặng tài chánh. Nơi nào giàu có thì chia bớt cho các địa phương hay hộ gia đình nghèo khốn để nâng mức tiêu thụ nội địa. Hoặc bán bớt tài sản để trả nợ. Chiến dịch diệt trừ tham nhũng cũng nằm trong chiều hướng thanh lọc và gây áp lực để tái phân phối lợi tức. Nhưng các nhóm lợi ich từ trung ương tới địa phương, từ các tập đoàn kinh tế nhà nước đến các tỉnh trù phú miền Đông, dễ gì lại chấp nhận tinh thần và biện pháp xã hội chủ nghĩa này?

Họ tẩu tán tài sản hoặc cấu kết cùng nhau để bảo vệ thành quả cách mạng!

Thành thử, lãnh đạo Bắc Kinh đang đối diện với biện pháp kinh tế đau lòng (thất nghiệp và nợ nần) hay biện pháp chính trị nguy hiểm (lấy của nhà giàu cho nhà nghèo). Và đắn đo mãi thì sẽ gặp cả ba hậu quả.

Kinh tế chính trị học Trung Quốc là như vậy, mà các chuyên gia Mê Tầu vẫn chưa hiểu ra. Nên họ cứ om xòm đánh trống ếch và mời chào thiên hạ bước vào trò khỉ! Trong khi các doanh nghiệp Mỹ đang rần rần tháo chạy. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét