Thứ Năm, tháng 1 14, 2016

Mạch Dầu hay Mạch Điện



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 160112

Giá Dầu Thô Và Cục Diện Quốc Tế

* Chỉ thấy một chân trời xám ngắt *



Tuần qua, giá dầu sụt tới mức thấp nhất kể từ 14 năm.

Giá West Texas Intermediate WTI trên thị trường Bắc Mỹ có lúc mấp mé 30 đô la một thùng. Giá cho hạn kỳ Tháng Hai tại Mỹ (crude futures) có lúc sụt tới 20 đô la. Một số chuyên gia dự báo giá dầu sẽ ở khoảng 20-40 đô la trong một giai đoạn khá lâu. Vì dầu thô là sản phẩm cần thiết cho hầu hết mọi sinh hoạt, và đã có lúc được sử dụng như một võ khí, việc giá dầu sụt mạnh sau khi vượt mức trăm đồng vào các năm 2008-2011, tất nhiên gây ra nhiều hậu quả. Hồ Sơ Người-Việt kỳ này sẽ chú ý đến hậu quả chiến lược cho một số quốc gia.

Trước hết hãy nhìn lại bối cảnh đã.


Thời Điểm 2008

Ngày đầu năm 2008, dầu thô lần đầu tiên vượt mức trăm đồng, tưởng là một tai nạn nhỏ mà sau đó lại vọt tới 140 đồng một thùng. Thiên hạ chưa kịp chóng mặt thì hai biến cố bùng nổ vào Tháng Tám rồi Tháng Chín.

Ngày tám Tháng Tám, Liên bang Nga đưa quân vào Georgia, mặc nhiên chấm dứt trật tự “hậu Chiến tranh lạnh” khởi sự từ 1991, với hậu quả ngày nay là vụ Ukraine, Syria hay mâu thuẫn giữa Tổng thống Vladimir Putin với các nước Tây phương. Qua ngày 15 Tháng Chín 2008, tổ hợp đầu tư Lehman Brothers sụp đổ cùng nhiều doanh nghiệp tài chánh khác của Hoa Kỳ và chấm dứt giấc mơ phát triển kinh tế toàn cầu trên ba chân vạc là Hoa Kỳ, Âu Châu và Trung Quốc. Vụ khủng hỏag tài chánh gây ra nạn Tổng suy trầm toàn cầu và đánh sụt số hàng xuất cảng của nhiều nước. Hậu quả ngày nay là khủng hoảng tài chánh tại Âu Châu, là sự suy yếu của kinh tế Hoa Kỳ và sự suy sụp của kinh tế Trung Quốc.

Vụ sụt giá cổ phiếu Thượng Hải vào buổi đầu năm chỉ là tiếng sấm vô hại, nhưng báo hiệu nhiều giông bão sắp tới.

Trở lại với thùng dầu thô thì hai biến cố dồn dập ấy khiến giá dầu sụt mạnh tới mức 45 đồng vào đầu năm 2009, rồi lại tăng và chập chờn trên mức 120 cho tới khi bắt đầu giảm mạnh từ 2014. Cho đến ngày nay.

Có hai yếu tố khả dĩ giải thích tình hình giá cả này. Từ năm 2008, đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu đã sút giảm, và giảm mạnh từ quốc gia tiêu thụ nhiều dầu nhất là Trung Quốc. Vì vậy số cầu về dầu khí giảm theo và cho đến nay chưa có triển vọng phục hồi. Mặt kia, khi giá dầu vượt quá trăm đồng, một số doanh nghiệp dầu khí mới tìm lại kỹ thuật gạn cát ra dầu, gọi là “fracking”.

Hoa Kỳ và nhiều nước Âu Châu biết kỹ thuật này từ mấy chục năm rồi mà không thấy hấp dẫn khi giá dầu còn thấp và vì chi phí khai thác quá tốn kém. Khi giá dầu tăng, Hoa Kỳ nhìn lại và liên tục cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành và nâng sản lượng thật nhanh trên cả ngàn giếng dầu rải rác khắp nơi. Cuộc cách mạng kỹ thuật ấy xuất phát từ lãnh vực tư doanh Mỹ dù Chính quyền Barack Obama muốn triệt hạ nguồn năng lượng dầu khí để phát triển loại năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi sinh. Âu Châu thì còn tệ hơn: áp lực của giới bảo vệ môi sinh khiến việc khai thác kỹ thuật này bị cấm.

Bây giờ, sản phẩm chiến lược ấy mất giá tới ba phần tư (tạm lấy con số 30/120 làm chuẩn) thì đâu là vấn đề chiến lược cho các nước bán dầu?

Từ mạch dầu, ta có thể nhìn ra mạch điện đang làm nháng lửa trên các bản tin thời sự: thí dụ như Saudi Arabia bỗng xẵng giọng với Iran, Iran lại bắn hỏa tiễn gần hàng không mẫu hạm USS Harry Truman, hoặc Liên bang Nga vừa hung hăng tại Syria rồi lại xuống giọng với các nước Tây phương về chuyện Ukraine…. 


Ngân Sách Saudi

Là quốc gia có trữ lượng và sản lượng lớn nhất, lại giữ vị trí chủ yếu trong tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu thô OPEC, Saudi Arabia bị thiệt hại nhiều nhất vì giá dầu sụt.

Khi giá dầu giảm vì cung cao hơn cầu thì nhà sản xuất có thể nghĩ đến việc giảm số cung để giữ giá hoặc nâng gía, như nhiều thành viên OPEC đã yêu cầu. Nhưng Saudi Arabia lại chọn chiến lược khác: tiếp tục bơm dầu cho giá hạ thêm để các doanh nhiệp Mỹ áp dụng kỹ thuật gạn đá phiến ra dầu sẽ mất lời, bị lỗ và phá sản. Khi ấy, số cung sẽ giảm mà Saudi vẫn giữ được thị phần của mình. Tỷ phú Hoa Kỳ Harold Hamm của Continental Resources Inc. người đi tiên phong với kỹ thuật fracking và năm qua bị mất hơn 11 tỷ, gọi đó là chiến lược “mất ngàn tỷ” vì thực chất là cạnh tranh bằng cách phá giá.

Rốt cuộc thì đấy là chiến lược tai hại, nhưng vì lý do khác.

Saudi Arabia chỉ có 23 triệu dân, người Á Rập, đa số theo hệ phái Sunni, nhưng có một thiểu số chừng 15-16% theo hệ phái Shia sống trên khu vực nhiều dầu nhất ở miền Đông. Nhờ bán dầu loại thanh và ngọt với phí tổn khai thác thấp, Hoàng gia Saudi có thể ổn định bên trong qua việc rộng rãi tài trợ mạng lưới xã hội, nhất là tại nơi sinh hoạt của cộng đồng Shia.

Đấy là mối quan tâm chiến lược vì đối thủ là xứ Iran của người Ba Tư, theo hệ phái Shia, thường khuấy động cộng đồng Shia trong khối Á Rập. Thí dụ như tại Bahrain trong “Mùa Xuân Á Rập” vào năm 2011.

Nhưng dầu thô sụt giá khiến nguồn thu ngân sách bị giảm cùng lượng dự trữ ngoại tệ và chương trình ổn định xã hội bằng ngân sách bị đe dọa. Vì vậy, Hoàng gia Saudi mới “tiên hạ thủ” bằng cách chém đầu một giáo sĩ người Saudi theo hệ phái Shia qua quyết định nảy lửa vào đầu năm. Dù Saudi Arabia hành quyết một công dân của mình là “chuyện nội bộ”, Iran lập tức nhập cuộc và tòa đại sứ Saudi tại thủ đô Tehran bị tấn công. Kết quả là Saudi Arabia cùng nhiều nước Á Rập theo hệ phái Sunni đã đoạn giao hoặc hạ thấp mức bang giao với Iran.

Đâm ra giá dầu sụt đã đào sâu mâu thuẫn tôn giáo và sắc tộc, giữa Sunni và Shia, giữa Á Rập và Ba Tư.

Để trấn an các nước Tây phương, Hoàng gia Saudi còn cho biết là sẽ giải tư – tư nhân hóa – tổ hợp quốc doanh Aramco, doanh nghiệp dầu khí hàng đầu thế giới đã được Saudi Arabia quốc hữu hóa trong trận chiến dầu hỏa vào thập niên 1970. Nếu bán lại một phần vốn của Aramco cho quốc tế thì họ vừa được Tây phương ủng hộ lại vừa kiếm ra tiền cho ngân sách quốc gia.


Đầu Thô Iran

Nhưng tại sao Iran lại có phản ứng dữ dội như vậy với Saudi Arabia?  - Cũng tại giá dầu làm các Giáo chủ đánh đầu thô!

Vì kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm, Cộng hòa Hồi giáo Iran bị quốc tế phong tỏa kinh tế từ năm 2012 theo nghị quyết của Liên hiệp quốc. Chánh sách chống Tây phương của các Giáo chủ Iran cũng khiến xứ này bị cô lập và kỹ nghệ dầu khí truyền thống của mình bị tụt hậu trong khi kinh tế sa sút, lạm phát tăng. Đây là nguyên do khiến Iran chiêu dụ Chính quyền Obama bằng lời hứa là tạm hoãn kế hoạch chế tạo võ khí tàn sát này trong 10-14 năm.

Đổi lại thì Hoa Kỳ cùng các nước Âu Châu bãi bỏ lệnh cấm vận….

Nếu như vậy, tài sản của Iran bị phong tỏa sẽ được giải phóng, Tehran tìm lại 100 tỷ đô la đã bị đóng băng. Rồi còn hy vọng tiếp nhận đầu tư vào lãnh vực năng lượng, buôn bán với các nước để cải thiện kinh tế, và xuất cảng dầu thô. Vì vậy, ngoài 100 tỷ sẽ thu hồi lại, trong trường kỳ, Iran còn có nhiều triển vọng kinh tế khác. Những mối lợi ấy sẽ giúp Chính quyền tương đối ôn hòa của Tổng thống Rouhani vượt qua được sự chống của phe bảo thủ tập trung quanh lãnh tụ tối cao là Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Nào ngờ dầu thô sụt giá! Giấc mơ hòa giải hoặc đánh lừa Obama có thể hấp dẫn khi giá dầu còn ở mức trăm đồng, chứ với giá ba chục thì chả bõ công đóng kịch thuần thành. Vì vậy, Tehran mới phản ứng mạnh với Hoàng gia Saudi và còn cho thấy là mình coi thường nước Mỹ khi bắn hỏa tiễn gần chiếc USS HarryTruman.

Chưa kể là nếu tình hình căng thẳng tại vùng Vịnh Ba Tư, biết đâu chừng dầu thô sẽ lên giá!


Putin Sang Trọng Hùng Dũng

Trong nỗ lực hòa giải hòa hợp của Iran với Tổng thống Obama, Tổng thống Vladimir Putin góp phần đáng kể, như đã góp phần với Obama từ năm 2012 để “đẩy lui” vụ khủng hoảng tại Syria sau khi chế độ Bashar al-Assad vượt “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Obama.

Thật ra, đấy chỉ là thủ đoạn. Vì Nga sát cánh với Iran trong việc bảo vệ chế độ al-Assad trong cuộc nội chiến tại Syria. Nhưng vì sao Tháng Chín năm ngoái, Putin lại trực tiếp đưa quân vào Syria, là điều Iran vẩn chưa dám làm mà chỉ trông cậy vào lực lượng khủng bố Hezbollah tại Lebanon? Vì Putin muốn chứng tỏ quyết tâm của một người hùng cho thần dân và ban tham mưu của mình.

Sau vụ Putin tấn công Ukraine vào đầu năm ngoái, Nga bị Tây phương phong tỏa kinh tế nhưng vẫn cầm cự được, chủ yếu là nhờ bán dầu khí. Nhưng khi dầu thô sụt giá tới 90 rồi 70 thì tình hình đã thành nguy ngập. Dưới 70 là kinh tế bị khủng hoảng, ngân sách hao hụt và nội tình bắt đầu rối beng. Vì vậy, Putin tri hô là tổ quốc lâm nguy và nhập trận tại Syria để đối đầu với cả NATO và Mỹ. Các chế độ gặp khó khăn kinh tế đều viện dẫn chuyện an ninh để tìm hậu thuẫn chính trị trong nội bộ, Tập Cận Bình không phát minh ra thủ thuật này.

Nhưng từ bốn tháng nay, dầu thô vẫn rớt giá nặng.

Khủng hoảng kinh tế và ngân sách khiến tuần qua Putin vừa chỉ định một Bộ trưởng Tài chánh khác và nhá ra giải pháp là có thể cho lãnh tụ Bashar al-Assad được lưu vong để giải quyết hồ sơ Syria. Tức là Putin sẵn sàng hy sinh al-Assad để tìm cách đối thoại với Tây phương. May ra thì gỡ được nạn cấm vận vì vụ Ukraine!

Dù rất khái quát, một vòng kiểm điểm này cũng cho thấy giá dầu có giữ một vai trò then chốt, như một mạch dẫn trong nhiều biến cố tưởng như rời rạc.

___

Kết luận ở đây là gì?


Chúng ta khởi đầu với một đại gia ngốn dầu là Trung Quốc. Kinh tế xứ này không thể có mức tăng trưởng 9-10% như trong nhiều năm trước, chừng 7% đã là phép lạ. Trung Quốc bắt đầu đi vào chu kỳ suy thoái kéo dài cả chục năm. Vì vậy, số cầu về dầu khí sẽ còn giảm.



May lắm thì tăng nếu kinh tế Âu Châu khởi sắc, là điều cũng khó. Trong khi ấy, Quốc hội Mỹ đã biểu quyết luật cho phép doanh nghiệp xuất cảng dầu sau khi thu hồi đạo luật cấm xuất cảng từ trận chiến dầu khí hơn 40 năm trước…. Thế giới sẽ ứ dầu trong khá lâu và giá không tăng.



Tin tức kinh doanh có thể loan báo rằng giá dầu sụt làm nhiều doanh nghiêp bị lỗ. Nhưng thời sự về an ninh có thể thấy ra nhiều chuyện khác hơn từ cái mạch dầu.

3 nhận xét:

  1. Dainamax đang bị truc trăc kỹ thuât nên chưa post bài mới được. NXN

    Trả lờiXóa
  2. Thưa bác Nghĩa !
    Trong chương trình Giờ giải ảo mới nhất của bác : https://www.youtube.com/watch?v=fiFgHJSvGKs

    Bác có nhắc tới chi tiết về việc Ả Rập Sau đi đưa quân vào Bahrain để bảo vệ chế độ ???? Cháu thử tìm hiểu về thông tin khủng hoảng chính trị ở Trung Quốc thì không có tài liệu nào nhắc đến một cuộc khủng hoảng chính trị hay nội chiến ở Bahrain ! Bác có thể giải thích cho cháu hiểu rõ thêm về ý này không ạ ?

    Cháu chỉ nhớ vào năm 2015 có sự kiện nội chiến bùng nổ ở Yemen bắt đầu từ tháng 3/2015. Cuộc nội chiến này buộc Ả Rập Sau đi liên minh cùng 10 nước Ả rập khác đưa quân vào Yemen .

    Thứ hai, Cháu muốn hỏi bác một chút về năng lực quân sự của các nước ở Trung Đông ạ .

    Lồng vào các sự kiện như sự kiện Ả rập Xê út cùng 1o nước khác đưa quân vào đánh phiến quân Houthis ở Yemen nhưng kết quả không thể giành thắng lợi được. Trong khi đó Ả rập xê út được trang bị quân sự khá tốt do mua vũ khí từ Mỹ qua mấy chục năm qua nhờ thành quả từ kinh tế mà không thắng được một phiến quân ????? Điều đó có chứng tở khả năng tác chiến, khả năng sử dụng vũ khí của những nước Ả rập kém không ạ ?

    Nhìn vào quá khứ những cuộc chiến tranh ở Trung Đông khi Liên minh nhiều nước Ả rập tấn công Israel( từ 1948 - 196x ) nhưng kết quả đều bị Israel đánh bại. Trong khi đó về tương quan lực lượng khi đó Liên quân đều hơn Israel, do được trang bị rất lớn vũ khí đến từ Liên Xô...

    Chính vì vậy cháu muốn hỏi là về đại thể là qua các cuộc chiến tranh trong quá khứ và hiện tại thì theo bác vũ khí của Liên Xô/ Nga có hơn hay kém vũ khí của Mỹ ? Vì cháu thấy ở Trung Đông vũ khí của Liên Xô kém hẳn vũ khí của Mỹ nhưng ở chiến trường Việt Nam vũ khí của Liên Xô phát huy tác dụng khá tốt ( hệ thống phòng không hay máy bay ) ?
    Cháu cảm ơn bác ạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thành chịu khó theo dõi và nhìn qua màn khói của "Mùa Xuân Á Rập" năm 2011. Khi ấy, Iran đã khuynh đảo cộng đồng Shia tại Bahrain và Saudi Arabia phải đưa quân vào bảo vệ chế độ Sunni tại Bahrain. Truyền thông không văn hóa và dốt sử của Tây phương chỉ nhìn thấy chuyện ảo là "phong trào dân chủ" trong thế giới Á Rập. Thành tìm lại trên Dainamax của 2011 đã có nhiều nhận định về chuyện này.

      Xóa