Thứ Năm, tháng 3 17, 2016

Con Đường Dân Chủ Miến Điện



Hùng Tâm - Người-Việt Ngày 160316
"Hồ Sơ Người-Việt"

Tổng thống Htin Kyaw, lãnh tụ Aung San Suu Kyi và cái bẫy xập của Tướng lãnh   

* Tổng thống tân cử Htin Kyaw và lãnh tụ Aung San Suu Kyi *



Cuối tháng Ba, Tổng thống Thein Sein phải về hưu và lần đầu tiên từ hơn nửa thế kỷ, từ năm 1962, Miến Điện sẽ có một tổng thống dân sự do dân bầu lên là học giả Htin Kyaw, năm nay đã 70 tuổi. Đây là biến cố đáng mừng cho Miến Điện mà đáng chú ý cho nhiều xứ khác vì những gì chế độ độc tài vẫn gài đặt trên con đường dân chủ khi họ phải tháo chạy.

Sau Hồ Sơ Người-Việt ngày 11 Tháng 11 năm ngoái (Gian Nan Sau Bầu Cử Tại Miến Điện - Hiện Trường Miến Điện Là Một Ác Mộng Của Dân Chủ) kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những mìn bẫy của một chế độ chưa dẫy chết, trên một lãnh thổ có quá nhiều chông gai.


Thắng Lợi Của Dân Chủ


Phong trào dân chủ Miến, kết tinh vào Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy, NLD) và lãnh tụ Aung San Suu Kyi mãi từ 25 năm trước, đã trải qua nhiều thăng trầm mới dần dần đẩy lui được chế độ quân phiệt. Dần dần đẩy lui mà thôi.

Trên chặng đường khổ ải đó, ông Htin Kyaw có mặt như một chiến hữu chung thủy và bền bỉ. Ông là học giả đa diện, chuyên gia kinh tế, điện toán và quản trị từ nhiều đại học danh tiếng tại Miến, Anh, Nhật và Mỹ. Trên mặt trận dân chủ, thân phụ ông (Min Thu Wun) là nhà thơ nổi tiếng thông thái, đã từng đắc cử Dân biểu năm 1990 trước khi chế độ độc tài quân phiệt đổi ý, hủy bỏ kết quả bầu cử và tống giam các lãnh tụ. Hiền thê ông, bà Su Su Lwin có cha là đồng sáng lập viên của Liên đoàn NLD. Vì Htin Kyaw thường đích thân lái xe cho bà Aung San Suu Kyi, cùng sinh năm 1946, ông bị người thiếu hiểu biết chế diễu là… hành nghề tài xế. Lời chế diễu lại thành chuyện mỉa mai cho chế độ: làm tài xế còn hơn làm tướng!

Cũng đã từng vào tù ra khám vì sát cánh với bà Aung San Suu Kyi, lại rất mềm mỏng trong cách xử thế, ông được lãnh tụ mời ra tranh cử chức vụ Tổng thống trong cuộc bầu cử vừa qua.

Hai chục năm sau cuộc thử nghiệm dân chủ bất thành, năm 2010, chế độ độc tài quân phiệt lùi một bước để tự bóc nhãn quân phiệt và tiến sang hình thái dân chủ nửa vời, với Tổng thống là một tướng hồi hưu, ông Thein Sein. Nhưng chế độ vẫn quy định rằng 25% ghế dân biểu đương nhiên là do các tướng chỉ định qua đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and Development, USDP), và năm 2008 họ còn nhồi thêm một khoản vào Hiến pháp nhằm loại bỏ việc bà Aung San Suu Kyi ra ứng cử Tổng thống vì có con mang quốc tịch nước ngoài. Qua hai cuộc bầu cử, bán phần năm 2010 và toàn phần năm 2012, Liên đoàn NLD vẫn chiếm thế thượng phong và Aung San Suu Kyi được đa số tôn vinh là lãnh tụ thật của cả quốc gia. Nhưng muốn tu chỉnh Hiến pháp thì đối lập phải hội đủ 75% số phiếu tại Quốc hội. Vì vậy, Htin Kyaw mới ra tranh cử và thắng lớn, hai ứng cử viên đi sau là Henry Van Thio của Liên đoàn NLD và Myint Swe của đảng USDP sẽ là Phó Tổng thống.

Lèo lái phong trào và quốc gia qua những sóng gió và cạm bẫy vẫn là Aung San Suu Kyi.


Những Bước Tháo Gỡ


Ưu tiên của phong trào dân chủ và đảng đa số NLD là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tiến hành công nghiệp hóa và giải trừ nạn tham nhũng và thân tộc của bọn cường hào ác bá đã có mấy thập niên cấu kết. Ưu thế của họ là lòng khát khao dân chủ của quần chúng và đức tính liêm chính của một đảng chưa hề cầm quyền trong thực tế. Một lợi thế khác là uy tín quốc tế của lãnh tụ, với hy vọng nhờ đó mà huy động được hậu thuẫn và đầu tư của các nước Tây phương.

Trận chiến đầu tiên là duyệt xét 68 dự án kinh tế của nhà nước, bị tê liệt vì sự chống đối của người dân trước mánh mung cấu kết của tham nhũng. Chiến pháp là chỉ định một nội các của chuyên gia nhằm gây được niềm tin của quốc tế mà thoát dần khỏi lệnh cấm vận. Vì phải liệu cơm gắp mắm, chính quyền mới sẽ  giảm cấp số của chính phủ, từ 36 xuống 20 bộ với đa số nhân sự là chuyên gia có thực tài và bố trí lại nhân sự của 16 bộ sẽ bị giải tán.

Những bước tháo gỡ kinh tế và chính trị ấy là thách đố cho mọi chính quyền trước kỳ vọng quá lớn của người dân lẫn sự hoài nghi tính toán của giới đầu tư quốc tế. Kinh nghiệm của các chế độ dân chủ non yếu cho thấy con đường gian nan trước mặt. Nhưng đấy chưa là vấn đề chính!

Từ sáu năm qua, chế độ độc tài cũng có kinh nghiệm thoát xác sau mấy thập niên thống trị. Họ tư nhân hóa hệ thống kinh tế nhà nước để chia chác lợi lộc cho tay chân hầu đan dệt mạng lưới cấu kết kinh tế và chính trị khác, trong khi vẫn nắm chắc quyền lực gọi là “hiến định”. Trận đánh kinh tế và chính trị giữa dân chủ và độc tài sẽ thể hiện trên chiến tuyến Quốc hội, qua rất nhiều ngõ ngách, trước sự thẩm xét của người dân chỉ muốn sớm có kết quả. Lảm sao cho người dân hiểu được các đòn phép cản trở của lực lượng độc tài, tham ô và giảo hoạt ấy?

Khẩu hiệu thôi vẫn chưa đủ. Và giới đầu tư quốc tế thì ít quan tâm đến khẩu hiệu mà chỉ muốn chọn mặt gửi vàng! Biện pháp sáng suốt nhất có lẽ là bẻ càng kinh tế của tập đoàn quân phiệt và dùng lá phiếu Quốc hội mà cắt giảm ngân sách quân đội cho tài khóa sau năm 2017.

Đấy là lộ trình Miến Điện mà chúng ta sẽ phải theo dõi trong một hai năm tới. 


Chưa Hết Gian Nan 


Nhưng chính trường, kinh tế và lãnh thổ Miến Điện không chỉ có hai phe dân quân lâm trận!

Vì đặc tính địa dư và an ninh của một quốc gia có trung tâm trù phú là lưu vực của dòng Irrawaddy, các tướng lãnh coi việc bảo vệ ba khu vực biên trấn hiểm trở vay quanh là ưu tiên, thậm chí là lý do chính đáng của chế độ tập trung quyền lực. Khu vực biên trấn ấy là nơi sinh sống của các sắc tộc thiểu số, chiếm 30% của dân số toàn quốc. Họ muốn tự trị hay độc lập và còn tựa lưng vào các lân bang, hoặc thỏa hiệp với chế độ quân phiệt, để bảo vệ quyền lợi riêng. Nếu các tướng lãnh đã biết chia chác bổng lộc quốc doanh cho tay chân thì cũng biết chia phần cho các lực lượng thiểu số, để chia lá phiếu dân chủ và tiếp tục nắm quyền.

Với nhiều người thiểu số, dự án dân chủ chỉ là nỗi khát khao của sắc tộc Miến và các tướng lãnh mới là lực lượng bảo kê. Mà đằng sau họ còn có Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan hay Trung Quốc. Bài toán của dân chủ Miến Điện cũng là bài toán địa dư và địa thế chính trị, geopolitics.

Làm sao chính quyền dân chủ non yếu có thể đàm phán, hòa giải và hóa giải đòn phép của ngần ấy lực lượng liên hệ, kể cả chế độ Bắc Kinh đầy tham vọng của Hán tộc, để thống nhất quốc gia và hội nhập dân tộc cho công cuộc phát triển và đồng tiến?

Khi ấy ta mới chú ý đến sự chọn lựa của Aung San Suu Kyi. Hai nhân vật NLD sẽ nhậm chức Tổng thống và Phó Tổng thống là thuộc các sắc tộc Mon (ông Htin Kyaw) và Chin (ông Henry Van Thio). Trận đánh cho dân chủ có mặt biến thiên bất ngờ và thế lực của nhiều sắc tộc khác trong Quốc hội cũng là một thế trận.

Khi ấy, tiêu chuẩn quyết định không chỉ là đảng tính mà còn bao hàm yếu tố sắc tộc?

Một điểm sáng của Liên đoàn NLD là đề cử đảng viên vào các chức vụ trong chính phủ và các địa phương chứ không căn cứ trên sắc tộc. Địa phương tính hay sắc tộc tính phải tùy thuộc vào một giá trị tinh thần lớn hơn: thống nhất quốc gia trong ước mơ dân chủ và phát triển của mọi người. Nếu không, Miến Điện sẽ rã thành lục quốc!

Mà nguy cơ ấy là chuyện có thật và cũng gây khó cho phong trào dân chủ.

Từ năm 2011, chế độ độc tài mở nhiều cuộc giao tranh với lực lượng nổi dậy của nhiều sắc tộc thiểu số tại vùng biên vực, nhất là tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc. Y như trường hợp Lebanon với các lực lượng tôn giáo hay sắc tộc và trường hợp Mexico với các tổ chức ma túy tại miền Bắc, sự toàn vẹn lãnh thổ là một đòi hỏi sinh tử cho chính quyền dân chủ. Tập đoàn quân phiệt đang thoái lui cũng khai thác chuyện ấy khi đánh khi hòa để chia rẽ các lực lượng ly khai thiểu số nhưng chủ yếu vẫn là dùng yếu tố an ninh để bắt bí chính quyền dân chủ tại trung ương!

----

Kết luận ở đây là gì?

Liên đoàn dân chủ NLD thừa hưởng một di sản độc hại của chế độ độc tài quân phiệt. Bên trong là những trở ngại khiến chế độ vẫn nắm quyền mà chính quyền mới chưa thể gỡ bỏ được. 

Khi bị thế giới cô lập và bị Trung Quốc lấn át, các tướng lãnh nhường một bước để Tây phương tham dự và giải vây hầu phần nào hóa giải sức ép của Bắc Kinh qua các lực lượng võ trang thiểu số.

Bây giờ, chính là các tướng lãnh lại xoay ngược mũi súng vào các lực lượng này và đặt chính quyền dân chủ vào thế khó xử, trước sự hoài nghi của dân thiểu số và đòi hỏi dân chủ khá ngớ ngẩn của các nước Tây phương.
 
Miến Điện có thể cho Việt Nam chúng ta cả trăm bài học….

2 nhận xét:

  1. Nặc danh17/3/16 6:51 CH

    Ah... tác giả Hùng Tâm đang hiến kế cho Miến Điện. Miến Điện ơi, hãy lắng nghe. Nước Việt cuả chúng tôi đã trót bị lú và bị cùm rồi, nên phải đợi thôi. Miến Điện hay lắm, cố gắng lên, để Việt Nam noi theo.

    Poorshope ngày nào cũng vào internet xem đồng bào Việt Nam làm sao để có một chuyên gia kinh tế, như thầy Nghiã, đưa lên làm Tổng Thống, thoát Trung, độc lập và tự cường. Còn thêm mấy ông blogger khác như Lý, Hồ, etc. thì làm Thủ Tướng. Chỉ thích các blogger thôi, không thích các anh em quan lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Poorshope lại bình nhảm rồi! Cái gì mà Tổng thống với Thủ tướng?!

      Xóa