"Diễn đàn Kinh tế"
... Putin đưa quân vào Syria và Trung Cộng xây đảo nhân tạo ngoài Đông Hải...
Thế giới đang chứng kiến nhiều nghịch lý rất đáng ngại. Đó là các
cường quốc đang gặp nhiều vấn đề kinh tế trong nội bộ nhất lại biểu
dương khí thế về an ninh và quân sự nên gây ra lắm rủi ro, trong khi đó
siêu cường số một là Hoa Kỳ cũng đang có nhiều vấn đề kinh tế bên trong
lại không có phản ứng gì về các cuộc biểu dương khí thế trên trường quốc
tế mà lao vào một cuộc tranh cử mang sắc thái kỳ lạ, như trong một môi
trường hoàn toàn tách biệt. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu hiện tượng trái
ngược này cùng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Vì sao quốc tế e sợ những rủi ro lớn?
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân
Nghĩa. Kỳ này, chương trình chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu hai khía
cạnh đối nghịch về thực lực và bành trướng khi Liên bang Nga và Trung
Quốc đang có những dấu hiệu kinh tế khó khăn nhất ở bên trong lại có
những động thái bành trướng đến đáng ngại ở bên ngoài. Lý do là vì sao?
Sở dĩ như vậy vì lãnh đạo Nga đã quyết định đưa quân can thiệp vào cuộc
nội chiến tại Syria từ Tháng Chín năm ngoái, rồi hôm qua, Tổng thống
Vladimir Putin thản nhiên thông báo là đã hoàn tất mục tiêu và sẽ triệt
thoái dần khỏi chiến trường này, trong khi ấy, nền kinh tế và tài chính
của Nga lại gặp rất nhiều bấp bênh, thậm chí ở bên mé bờ khủng hoảng.
Tại khu vực Đông Á thì Trung Quốc cũng có khó khăn tương tự về kinh tế
và chưa dứt khoát nổi với hai yêu cầu trái ngược là kích thích sản xuất
hay cải tổ cơ chế nhưng vẫn có động thái bành trướng tại Đông hải khiến cộng đồng quốc tế e sợ những rủi ro lớn. Thưa ông, vì sao lại như vậy?
Thế giới đang có cuộc thi đua biểu dương ở nhiều nơi. Khi biểu dương thì cũng chứng tỏ ngược: rằng đối thủ không đáng tin hay đáng sợ. Thế giới ngày nay đáng ngại chính là vì chuyện thi đua rất đáng nghi ngờ như vậy. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng chúng ta nên phân tích
chuyện này để thấy động thái bành trướng bên ngoài của hai cường quốc
Nga, Tàu chỉ là kết quả của những khó khăn kinh tế ở bên trong nhưng vì
vậy mà thế giới mới gặp nhiều rủi ro bất ngờ, có khi bất ngờ cho chính
quốc gia có ý đồ gây hấn. Thế giới đang có cuộc thi đua biểu dương ở
nhiều nơi. Khi biểu dương thì cũng chứng tỏ ngược: rằng đối thủ không
đáng tin hay đáng sợ. Thế giới ngày nay đáng ngại chính là vì chuyện thi
đua rất đáng nghi ngờ như vậy.
- Trước hết, vì sao Tổng thống Putin đưa đủ loại chiến đấu cơ và bốn
ngàn lính tác chiến vào Syria và nay loan báo đã hoàn thành nhiệm vụ và
sẽ rút? Nước Nga muốn chứng tỏ rằng dù kinh tế sa sút, ngân sách hao hụt
vì dầu khí mất giá thì vẫn có thể duy trì sự hiện diện quân sự tại
Georgia và Ukraine mà còn tham chiến tại Syria để bảo vệ chế độ Bashar
al-Assad của Syria. Mục tiêu là để củng cố tư thế chính trị có dấu hiệu
bấp bênh của ông Putin với dân chúng Nga khi vuốt ve tự ái dân tộc Nga
và đồng thời cho Hoa Kỳ thấy khả năng tác chiến của binh đội Nga nhằm
bảo vệ lãnh tụ độc tài al-Assad và chặn đứng quân khủng bố xưng danh Nhà
nước Hồi giáo. Ngày 14, khi quốc tế chấp nhận một giải pháp ngưng bắn
và duy trì chế độ al-Assad thì Nga loan báo việc rút quân nhưng khỏi cần
cho biết chi tiết của việc triệt thoái ấy.
Nguyên Lam: Thưa ông, như vậy thì có phải mục tiêu
của Nga chỉ là biểu dương khí thế chứ chưa hẳn là sẽ chiếm đóng Syria và
duy trì ảnh hưởng đầy tốn kém tại khu vực Trung Đông hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng Liên bang Nga cần chứng minh
là dù kinh tế sa sút thì cường quốc này vẫn đáng tin vì dám ra quân bảo
vệ chế độ Bashar al-Assad mà Hoa Kỳ đòi khai tử tại Syria vì tội tàn sát
thường dân.
- Sau khi tấn công Ukraine và chiếm đóng bán đảo Crimea vào đầu năm
2014, với ba đợt “ngưng bắn” không hiệu nghiệm, Liên bang Nga bị các
nước Tây phương trừng phạt qua biện pháp phong tỏa kinh tế. Lệnh cấm vận
và nạn dầu thô sụt giá gây thiệt hại cho kinh tế Nga và ảnh hưởng đến
uy tín của chính lãnh tụ Putin. Vì vậy, ông Putin cố gây chia rẽ khối
Tây phương, giữa Hoa Kỳ và các nước Âu Châu, bằng mồi nhử là bán năng
lượng rẻ cho Âu Châu. Vụ ấy xảy ra từ năm kia và có yếu tố mới là nạn
khủng hoảng vì di dân tràn vào Âu Châu, một vụ khủng hoảng làm niềm tin
của người dân Âu Châu vào lãnh đạo, kể cả Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lung lay. Ông Putin tìm ra cơ hội khi thấy Chính quyền Obama bất
định tại Syria giữa hai mục tiêu là 1) chặn đà bành trướng của tổ chức
“Nhà nước Hồi giáo” ISIL và 2) thay đổi chế độ al-Assad tại Syria, nhưng
với hai giới hạn là a) không thả quân vào trận địa mà chỉ không tập, và
b) không thể huấn luyện các lực lượng võ trang chống là ISIL lẫn
al-Assad.
- Khi nhìn lại, Putin đưa quân vào Syria, liên kết với Chính quyền Iraq
tại Baghdad, với Iran và tổ chức Hezbollah do Iran yểm trợ, nhằm 1)
bành trướng thế lực tại sân sau của mình ở Trung Đông, 2) tạo thế mạnh
để thương thảo với các nước về một giải pháp chính trị - có hay không có
al-Assad - tại Syria, và 3) nhất là mặc cả với Hoa Kỳ về việc tháo gỡ
cấm vận từ vụ Ukraine. Trong các mục tiêu thì có cả yếu tố kinh tế mà ta
nên theo dõi trong những ngày tới.
- Trong cuộc đấu trí với Hoa Kỳ, Putin còn muốn chứng minh rằng Tổng thống Obama có bộ não xốp, “having mush for brain”,
như ông nói thẳng trong kỳ họp hôm 13 Tháng 10 năm ngoái với các doanh
gia và giới đầu tư: nghĩa là Putin mới đáng sợ chứ Obama không đáng tin!
Mục tiêu của Trung Quốc
Nguyên Lam: Bây giờ, ta bước qua tình hình Trung Quốc thưa ông. Từ mấy tháng qua,
Trung Quốc được thời sự quốc tế nhắc tới vì nỗ lực bành trướng quân sự
trên vùng biển Đông Nam Á, với việc xây dựng và củng cố các đảo nhân tạo
trên quần đảo Trường Sa rồi bố trí phương tiện quân sự trên cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Giới bình luận nói đến sự xuất hiện của một “hàng không mẫu hạm” cố định của Bắc Kinh, có diện tích là một ngàn hai trăm mẫu tây.
Sự hiện diện nguy hiểm ấy đe dọa luồng vận chuyển của một lượng hàng
hóa trị giá cả ngàn tỷ đô la vẫn phải đưa qua các eo biển Đông Nam Á và
là vấn đề kinh tế lẫn an ninh cho Hoa Kỳ. Sau đấy phía Hoa
Kỳ đã đưa chiến hạm vào giới hạn 12 hải lý của các đảo nhân tạo này, để
chứng minh quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực. Người ta cho rằng đấy là một cuộc thi đua ý chí giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thưa ông, mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra trên thế mạnh về đối ngoại như vậy,
Tập Cận Bình lại có nhiều mối lo về kinh tế và xã hội lẫn nạn thất
nghiệp và biểu tình chống đối ở bên trong. Chưa thấy chiến hạm Hoa Kỳ
xuất hiện để ngăn chặn con đường viễn duyên thì Bắc Kinh đã thấy xuất
khẩu giảm sút và nhập khẩu còn giảm mạnh hơn nữa. Đấy là chỉ dấu suy
trầm kinh tế, nhập ít là ít nhu cầu về sản xuất.
- Nhìn rộng ra thì sau cả năm chật vật đối phó với các thị trường chứng
khoán rồi ngoại hối, và bị tốn kém vì dự trữ ngoại tệ hao hụt, lãnh đạo
Bắc Kinh cần bày tỏ khả năng quản lý kinh tế để có tốc độ tăng trưởng
thấp hơn nhưng với phẩm chất cao hơn nhờ tiêu thụ nội địa gia tăng.
Chính là trong giai đoạn chuyển hướng bấp bênh ấy mà các thị trường càng
dễ biến động, khiến công qũy càng phải bơm tiền để giữ giá và chuộc nợ
cho nhiều doanh nghiệp có thể vỡ nợ.
Những khó khăn kinh tế cho thấy đặc tính “ngoài cứng trong mềm” của Trung Quốc, nhưng cũng báo trước nhiều sóng gió mà Tập Cận Bình phải đối phó. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Ngoài yêu cầu cầu ổn định kinh tế, Tập Cận Bình còn phải hoàn tất kế
hoạch diệt trừ tham nhũng đang tới giai đoạn ba và xây dựng nền móng cho
kế hoạch ngũ niên từ 2016 đến 2020 vừa được Quốc hội khóa 12 thông báo.
Kích thước chính trị của bài toàn đã thành rõ rệt, khi Tập Cận Bình còn
chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng Khóa 19 vào năm 2017 tới đây. Trong
số bảy ủy viên ở cấp lãnh đạo là Thường vụ Bộ Chính trị, sẽ có năm người
phải về hưu vì cao tuổi, trừ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Ai sẽ được
cất nhắc vào đó, thuộc vây cánh nào? Những khó khăn kinh tế cho thấy đặc
tính “ngoài cứng trong mềm” của Trung Quốc, nhưng cũng báo trước nhiều
sóng gió mà Tập Cận Bình phải đối phó.
Nguyên Lam: Thưa ông, qua sự phân tích vừa rồi thì phải chăng là Chủ tịch Tập Cận Bình có rất nhiều khó khăn phải đối phó bên trong?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là thanh trừng tham nhũng, cải cách
doanh nghiệp nhà nước lẫn hệ thống quân sự là tạo ra thay đổi nhân sự
và dễ mua thù chuốc oán. Trong một hệ thống kinh tế chính trị độc tài
thì ai ai cũng tham nhũng, diệt ai mà tha ai là một bài toán chính trị.
Khi có mấy chục doanh nghiệp nhà nước và mấy trăm ngàn đảng viên cán bộ
bị điều tra và kỷ luật về tội tham nhũng - nhất là trong ngành chiến
lược là năng lượng và dầu khí - thì ta hiểu rằng có cả trăm đảng viên
cao cấp có thể bị kỷ luật. Họ không dễ gì ngồi yên và những lãnh tụ ở
trên được họ chia chác bổng lộc cũng vậy. Trong số những người được chia
chác bổng lộc cũng có các tướng lãnh với nhiều ảnh hưởng tỏa rộng tại
địa phương.
- Giữa khung cảnh ấy, tin tức thị trường cứ nhắc nhở rằng kinh tế thế
giới có thể bị suy trầm năm nay vì hiệu ứng Trung Quốc. Bắc Kinh có thể
dựng lên mấy ngọn hải đăng trên đảo nhân tạo ngoài Đông Hải, lãnh đạo
của họ mới bị thị trường rọi đèn nên ra tay đàn áp báo chí tại Hoa Lục
lẫn Hong Kong chính là để kiểm soát thông tin và tạo ra hình ảnh vững
mạnh ở bên ngoài.
Nguyên Lam: Chúng ta có thể thấy nét chung của thời sự quốc tế ngày nay là sự đáng nghi. Người ta nghi ngờ cả thực tâm lẫn khả năng của lãnh đạo. Và chúng ta trở lại chuyện
Hoa Kỳ trong cuộc tranh cử hiện nay. Ông giải thích thế nào về không
khí tranh cử và sự kiện ít ai nói tới những rủi ro bành trướng của các
cường quốc bị suy yếu ở trong, như Liên bang Nga hay Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, ta nên nhớ là sau khi Putin đưa
quân vào Syria và Trung Cộng bắt đầu xây đảo nhân tạo ngoài Đông Hải,
Tổng thống Barack Obama trả lời cuộc phỏng vấn của chương trình “60 Minutes”
phát hình hôm Chủ Nhật 11 Tháng 10 năm ngoái, rằng ông coi thường động
thái của Tổng thống Putin và tuyên bố rằng lãnh đạo thật là người giải
quyết bài toán nhiệt hóa địa cầu. Với Bắc Kinh thì nhu cầu bành trướng
hải quân từ vùng cận duyên ra biễn viễn duyên có thể đe dọa an ninh của
các nước Đông Á chứ chưa là một mối lo sinh tử về quân sự cho Hoa Kỳ. Vì
vậy, ưu tiên của Tổng thống Mỹ nằm ở lĩnh vực khác.
- Sau cùng, cuộc tranh cử tổng thống hiện nay ở Hoa Kỳ cho thấy dân
chúng Mỹ cũng hoài nghi và thật ra hết tin các chính khách chuyên nghiệp
nên họ đang chuẩn bị nổi loạn. Trong một thế chế dân chủ, người ta nổi
loạn bằng lá phiếu, từ cả hai phía cực tả và cực hữu. Còn truyền thông
thì được tự do loan tải những phát biểu hay tranh luận chói tai ngang
ngược nhất.
- Thật ra, khi tranh cử thì ai ai cũng có thể biểu dương chủ trương hay
chính sách mình sẽ thực hiện. Mục tiêu chỉ là để đắc cử. Chứ khi đã
thắng cử và tuyên thệ nhậm chức vào Tháng Giêng năm tới, lãnh đạo Hoa Kỳ
mới hiểu ra vấn đề thật và sẽ phải điều chỉnh chương trình hành động.
Cho nên vào giai đoạn giao thời trong 10 tháng tới, tình trạng bất định
của nước Mỹ trước đà bành trướng của các chế độ hung đồ đang đòi bành
trướng cũng là một rủi ro khác, nhưng là rủi ro cho các nước nằm dưới áp
lực của các chế độ hung hăng nói trên.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích ly kỳ này.
Thưa bác Nghĩa !
Trả lờiXóaBác cho cháu hỏi chút là ngày trước đế quốc Otoman tại sao vẫn ổn định và phát triển được trong khi bên trong nó vẫn có những mấu thuẫn về sắc tộc tôn giáo giữa người Hồi giáo theo nhánh Shia và Suni vậy ạ ?
Và bác có thể phân tích sâu hơn về giải pháp giữa Nga và Mỹ khi thiết lập thể chế chính trị ở Syria theo thể chế Liên bang giống như mô hình chính trị ở Bosnia năm 1994 không ạ ? Biện pháp này có phải là giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng mẫu thuẫn sắc tộc tôn giáo ở Trung Đông không ạ ?
Cháu cảm ơn bác !
Trong một kỳ khác, có lẽ tôi sẽ nói về Đế quốc Ottoman. Đại ý là đế chế này mạnh nên chấp nhận dị biệt và sống chung giữa các sắc tộc và hệ phái tôn giáo. Các Đế quốc yếu thì mới sợ quyền lực trung ương bị đe dọa nên càng gây thêm mâu thuẫn trong bài toán lưỡng nan - hai mặt cùng nan giải- là càng đàn áp càng bị chống đối và đàn áp hơn nữa, nên sau cùng thì... kiệt sức!
XóaCòn chuyện Syria thì tôi cho rằng đây chỉ là trò chơi vớ vẩn của các nước lớn. Không có tương lai. May ra Turkey phải nhập cuộc vì an ninh của họ, mươi năm nữa mới có thể êm!
Thưa bác Nghĩa, bác nhận xét thế nào việc Nga hùng hổ vào Syria rồi rút ra còn lẹ hơn đi vào? Có phải Nga thấy hết hy vọng rồi và tình hình này theo cháu chắc Assad khó cầm cự nổi Cảm ơn bác.
Trả lờiXóa