Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160330
Diễn đàn Kinh tế
Á Châu thiếu nước nhất và ăn cá nhiều nhất thế giới nên có xứ đi ăn cướp!
Trong khi người dân tại vùng đồng bằng Cửu Long đang bị khốn khổ
vì hạn hán và ngập mặn thì nhiều biến cố xảy ra ngoài Đông Hải của Việt
Nam còn cho thấy một khía cạnh khác của vấn đề khan hiếm tại Á Châu. Lục
địa này thiếu cả nước lẫn cá và riêng động thái của Trung Quốc càng gây
rủi ro xung đột trong khu vực. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu sự kiện ấy qua
phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Mâu thuẫn nghiêm trọng
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa
trong tiết mục Diễn đàn Kinh tế của đài Á Châu Tự Do. Thưa ông, trên đất
liền thì vùng châu thổ sông Cửu Long đang là nạn nhân của hạn hán và
nước ngập mặn khiến cuộc sống của 20 triệu người dân và cả hệ sinh thái
của con sông chiến lược này bị đe dọa. Tình hình chưa có dấu hiệu khả
quan sau khi Trung Quốc cho xả nước trên hồ đập Cảnh Hồng tại thượng
nguồn của dòng sông chảy qua sáu quốc gia. Giữa khung cảnh ấy thì nhiều
biến cố khác lại bùng nổ, điển hình là việc Hải quân của Indonesia rồi
Malaysia đã ứng xử với việc tầu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập hải phận
và cướp cá của họ tại quần đảo Natuna của Indonesia vào ngày 19 và tại
Cụm Bãi Đá Luconia của Malaysia vào ngày 25. Ông nhận xét thế nào về
những sự kiện dồn dập ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta đi vào thời điểm mà hai mâu thuẫn
nghiêm trọng nhất của Châu Á đang được phơi bày và có thể dẫn tới xung
đột. Trước là nước, sau là cá.
Chúng ta đi vào thời điểm mà hai mâu thuẫn nghiêm trọng nhất của Châu Á đang được phơi bày và có thể dẫn tới xung đột. Trước là nước, sau là cá. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Thứ nhất vì địa dư hình thể, Á Châu thiếu nước ngọt nhất địa cầu nếu
so với các châu lục kia. Thế rồi, vì lý do kinh tế, nhu cầu nước ngọt
lại tăng mạnh sau nhiều thập niên công nghiệp hóa và đô thị hóa. Đã vậy,
các nước Á Châu lại kém hiệu năng khi tiêu thụ và bảo vệ nguồn nước với
các công trình thủy điện và thủy lợi thật ra là thủy hại. Tại Á Châu,
Trung Quốc khan hiếm nước ngọt nhất, lại kiểm soát đầu nguồn của 10 con
sông lớn nhất mà lạm thác – là lạm dụng trong khai thác - với các đập
thủy điện từ thượng nguồn Hy Mã Lạp Sơn và Tây Tạng rồi các con kinh dẫn
nước từ Nam lên Bắc nên gây thêm khan hiếm và ô nhiễm ở bên trong, với
90% nguồn nước ngầm bị nhiễm độc, và còn gieo họa cho các nước bên
ngoài. Các tổ chức quốc tế đã báo động về mối nguy này từ lâu mà Á Châu
không giải quyết nổi. Đầu nguồn chuyện nước nôi vẫn là Trung Quốc, làm
thiên tai bị nhồi thêm nhân họa vì tinh thần vô trách nhiệm với người
dân của họ và với các nước khác.
- Thứ hai, người ta ít chú ý đến một yếu tố bất ổn kia. Không chỉ thiếu
nước, rồi tranh đoạt lãnh thổ để đòi chủ quyền lãnh hải và các nguồn
lợi về năng lượng như dầu thô và khí đốt, Á Châu còn thiếu tôm cá và
thủy sản. Dân Á Châu ăn nhiều cá hơn hẳn các nước Tây phương giàu có
hơn. Cùng đà tăng trưởng và công nghiệp hóa, mức tiêu thụ ngư hải sản
của Á Châu đã tăng vọt, trong 10 quốc gia có sản lượng thủy sản cao nhất
thì Á Châu có 6 nước, dẫn đầu là Trung Quốc rồi mới tới Indonesia, Nhật
Bản, Nam Hàn, Malaysia… Ngư hải sản là ngành kinh tế trọng yếu đang trở
thành đầu mối tranh chấp ngoài biển Đông. Và Trung Quốc cũng lại có vai
trò rất lớn, với sản lượng đánh cá tăng gấp 60 lần từ hơn 60 năm qua.
Ba năm về trước, họ lập kế hoạch ăn cướp tinh vi nên đến nay Indonesia
là quốc gia hữu nghị nhất tại Đông Nam Á cũng chịu không nổi mà có phản
ứng cương quyết khác thường.
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có thể giật mình khi ông
nêu ra nạn thiếu nước từ đầu nguồn và nạn tranh đoạt thủy sản ngoài
biển với vai trò chủ chốt của Trung Quốc. Ông nói là họ đã có kế hoạch
ăn cướp khá tinh vi từ ba năm trước, thưa ông, chuyện ấy là thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta khó quên là trong mấy ngàn năm
lịch sử, ưu tiên về an ninh của Trung Quốc thường tập trung vào bên
trong là nơi xuất phát nội loạn và ngoại xâm. Sau khi cải cách kinh tế
từ 36 năm trước, họ quan tâm hơn đến thế giới bên ngoài vì cần nhập khẩu
nguyên nhiên vật liệu và tìm thị trường bán hàng hóa ra ngoài. Với tiến
trình kỹ nghệ hóa và nhu cầu rất cao về nhiều mặt cho một xứ đói ăn,
khát dầu và thiếu nước, Trung Quốc phải nhập rất nhiều và việc bảo vệ
nguồn cung cấp trở thành một ưu tiên sinh tử.
- Khi thấy vùng biển cận duyên lại có tiềm năng về dầu khí và thủy sản,
lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ đến việc chiếm đoạt và củng cố thành vùng trái
độn quân sự tương tự ba khu vực biên trấn mà họ đã kiểm soát được như
Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Việc bành trướng ấy tất nhiên gây mâu
thuẫn với các nước lân bang, như Nhật Bản hay các quốc gia Đông Nam Á và
có thể dẫn tới xung đột ngoài biển. Đấy là bối cảnh giải thích nhiều
chuyện hôm nay.
- Lãnh thổ Trung Quốc có bờ biển dài nhất thế giới, từ cửa sông Áp Lục
bên bán đảo Triều Tiên đến Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam là hơn 22 ngàn cây
số. Nhưng vì là cường quốc lục địa mới vươn ra ngoài nên họ không có hệ
thống duyên phòng hay hải cảnh thống nhất. Chi tiết ấy đáng chú ý vì Bắc
Kinh có năm bộ phận với cấp số khoảng bốn vạn người cùng chia sẻ trách
nhiệm về hải dương mà lại không phối hợp nên từ Tháng Ba năm 2013, họ
cho tổ chức lại.
Trung Quốc tái tổ chức
Nguyên Lam: Thưa ông, năm cơ quan ấy là gì và Bắc Kinh đã tổ chức lại như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa năm cơ quan ấy là Hải Sự, Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám. Trong năm cơ chế, lớn nhất là Cục Hải Sự (Maritime Safety Administration)
có hai vạn nhân viên phụ trách việc thi hành luật lệ liên quan đến hải
dương, như an ninh hay an toàn hàng hải, cứu hộ, kiểm tra tầu bè, quản
lý hải cảng. Cơ quan có vẻ hành chính này mới thành lập từ năm 1998 sau
khi sát nhập hai bộ phận thanh tra tầu bè và kiểm tra hải cảng nằm trong
Bộ Giao Thông. Cơ quan thứ hai là lực lượng cảnh sát ngoài biển, gọi là
Hải Cảnh (Coast Guard), nằm trong bộ Công An tức là bộ Nội Vụ.
Về hình thức, Hải Cảnh là cơ quan duy nhất được võ trang và chứ thực tế
thì đấy là cánh tay bạo lực hay cưỡng hành cho các cơ quan kia.
- Cơ quan thứ ba là Hải Quan Tổng Thự (General Administration of Customs), phụ trách về quan thuế, bài trừ buôn lậu và quản lý các thương cảng. Thứ tư là Ngư Chính (Fisheries Law Enforcement Command)
thuộc Bộ Nông Nghiệp, với nhiệm vụ bành trướng và bảo vệ quyền lợi đánh
bắt thủy sản cho một quốc gia tiêu thụ nhiều cá nhất thế giới. Thứ năm,
nổi tiếng vì thẩm quyền và sức bành trướng rất mạnh từ nhiều năm qua là
Hải Giám (Marine Surveillance), nằm trong Cục Hải Dương Quốc Gia
của Bộ Tài Nguyên Quốc Thổ (quản lý đất đai và tài nguyên quốc gia).
Với cấp số khoảng tám ngàn người, cơ quan Hải Giám này có nhiệm vụ bảo
vệ quyền lợi của Trung Quốc trên một diện tích ngoài biển khoảng ba
triệu cây số vuông, kể cả Đặc Khu Kinh Tế EEZ và là mũi nhọn trong những
xung đột với lân bang như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines nhờ phi cơ,
trực thăng và cả tầu tuần duyên.
Tôi cho rằng đã đến lúc các nước Đông Nam Á nên cùng nhìn về một hướng và có cùng một tiếng nói về mối nguy cướp nước và cướp cá đến từ phương Bắc. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Có lẽ vì vậy mà từ mấy năm qua, người ta cứ
thấy tầu Ngư Chính đi cắt cáp quang hoặc tầu Hải Giám uy hiếp ngư phủ
của xứ khác. Thưa ông , Bắc Kinh đã tổ chức lại năm cơ quan này như thế
nào kể từ năm 2013?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng các cơ quan ấy được thành lập
trước sau và riêng lẻ, dưới quyền giám hộ hay chỉ huy của nhiều cục hay
bộ với ngân sách riêng, chẳng hạn của bộ Công An, Giao Thông, Nông
Nghiệp, Tài Chính và Tài Nguyên. Họ gặp vấn đề thiếu thông tin và phối
hợp hành động, lại cạnh tranh với nhau về phương tiện và ngân sách, khi
hữu sự thì nhiều bộ phận chẳng có khả năng cưỡng hành, như võ khí, trực
thăng hay chiến hạm. Một lý do kinh tế rất Tầu của tình trạng phòng thủ
rời rạc ấy là nhu cầu tạo ra việc làm! Qua một giai đoạn khá lâu, mỗi bộ
phận lại phát triển và củng cố thói riêng về nghiệp vụ nên không muốn
chia sẻ hay sát nhập. Tình trạng ấy bắt đầu thay đổi sau quyết định ngày
10 Tháng Ba Năm 2013.
- Quyết định này vẫn duy trì trách nhiệm riêng của từng cơ quan nhưng
đưa bốn bộ phận là Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám vào quyền
chỉ đạo của Quốc Gia Hải Dương Cục thuộc bộ Tài Nguyên. Hải Dương Cục
này là cơ quan đang chỉ huy lực lượng Hải Giám. Còn lực lượng Hải Sự vẫn
được duy trì dưới quyền giám hộ của Bộ Giao Thông.
Nguyên Lam: Thưa ông, mục tiêu của việc tái tổ chức ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là một cơ quan vừa được nâng thẩm
quyền chỉ huy bốn bộ phận có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi và thi hành luật
lệ ngoài biển của Trung Quốc, đó là Hải Dương Cục, thuộc Bộ Tài Nguyên
và Quốc Thổ. Trên nguyên tắc, cục Hải Dương này cũng chỉ huy lực lượng
cảnh sát ngoài biển là Hải Cảnh, thuộc bộ Công An. Đó là nguyên tắc.
Trong thực tế, cục hải dương có thẩm quyền chỉ đạo về hành chính chứ về
hoạt động của các bộ phận dù sao vẫn còn được duy trì thì đấy là trách
nhiệm của bộ Công An.
- Tôi xin giải thích cái chuyện lắt léo này một chút. Bắc Kinh tăng
cường khả năng can thiệp võ trang ở vùng biển cận duyên nên tái phối trí
trách nhiệm của bốn bộ phận riêng lẻ, nhưng lại trình bày với thế giới
như một biện pháp hành chính thuộc trách nhiệm của bộ Tài Nguyên. Đấy là
một quyết định có tính chất ngoại giao tinh vi là dùng phương tiện bán
quân sự mà gọi là phi quân sự, có danh nghĩa là thuộc Bộ Tài Nguyên
nhưng thực chất là cánh tay nối dài của Bộ Công An. Vì vậy tầu Ngư Chính
mới ngang nhiên đi cắt dây cáp của thiên hạ và tầu Hải Cảnh mới đi bảo
vệ ngư phủ đánh bắt cá trong vùng biển của xứ khác.
Nguyên Lam: Thưa ông, Nguyên Lam vẫn chưa hiểu vì sao Bắc Kinh lại phải lập mưu như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hải quân Trung Quốc đã được cải tiến và
tăng cường rất mạnh, với quân số là 25 vạn lính, mà chưa thể là đối thủ
của các cường quốc như Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Vì vậy, trong đà bành trướng
thì họ dùng vỏ bọc dân sự để tránh đụng độ với hải quân của xứ khác.
Cái vỏ bọc ấy là Quốc Gia Hải Dương Cục hiền khô trong Bộ Tài Nguyên và
Quốc Thổ, nhưng mũi nhọn giấu sau vỏ bọc chính là của bộ Công An. Thành
thử, cùng với việc xây dựng các đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa với trang bị võ khí ngày càng cao cấp thì ngư thuyền của họ
có thể xâm phạm vùng độc quyền kinh tế của xứ khác, dưới sự hộ tống của
Hải Giám, Hải Cảnh thuộc bộ Tài Nguyên. Có lẽ Indonesia hiểu ra chuyện
ấy nên khác với lần trước vào năm 2012, họ đưa Hải quân bắt tầu cướp cá
của họ và từ chối lời yêu cầu của bộ Ngoại giao Bắc Kinh mà làm lớn
chuyện cho công luận cùng biết. Chuyện này có thể ảnh hưởng đến phán
quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế về hồ sơ khiếu tố của Philippines.
Tôi cho rằng đã đến lúc các nước Đông Nam Á nên cùng nhìn về một hướng
và có cùng một tiếng nói về mối nguy cướp nước và cướp cá đến từ phương
Bắc.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét