Thứ Ba, tháng 3 29, 2016

Bản Sắc Hoa Kỳ

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt ngày 160328
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Giữa tranh cử và khủng bố, nước Mỹ là gì?

* Hý họa tuyệt vời của Michael Ramirez trên tờ IBD. Thằng Hề ham vui tại Buenos Aires *  
 

Trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ, dân Mỹ ngỡ ngàng về bùn nhơ được các ứng cử viên ném cho nhau. Chung quanh, quần chúng của họ thì coi đối thủ là bọn phản quốc, tội nhẹ nhất là làm suy yếu nền cộng hòa.

Thật ra những chuyện ấy không có gì là mới, hay lạ!

Nhìn từ bên ngoài, nhiều người Mỹ và cả chúng ta lẫn thế giới đã quên là từ thời lập quốc, quan hệ giữa John Adams với Thomas Jefferson, vị Tổng thống thứ nhì và thứ ba của Hoa Kỳ, đã có nhiều năm gay gắt đến độ không thèm nhin mặt sau những thậm từ được đôi bên gán cho nhau.

Một thí dụ là ban tranh cử của Jefferson gọi Adams là “có căn tính lại cái xấu xí” (hideous hermaphroditical character), thiếu nét trượng phu quả cảm mà cũng chẳng được dịu dàng yêu kiều như một nữ lưu! Nói kiểu hiện đại thì đấy là là tay anh chị xí giai - vì vừa là anh vừa là chị, mà chẳng giống ai. Các cảm tình viên của Adams bèn đáp lễ: Thomas Jefferson có tâm địa hẹp hòi bần tiện, là đứa con của một mụ lai da đỏ tằng tựu với một gã lai đen của đất Virginia!
Trời đất ơi! Cả hai từng là bạn thân và là lãnh tụ đáng kính về tài năng lẫn đức độ, chứ không xuất thân từ đám cùng đinh vô giáo dục!

Các vị tổng thống đời sau cũng chẳng khá hơn trong nhiệt tình tranh cử. Phu nhân của Andrew Jackson bị gọi là con điếm; Grover Cleveland bị tố là có con ngoại hôn, Abraham Lincon thì bị gán tội lù đù ngơ ngác, lâu lâu cũng biết kiếm chác nhặt nhạnh. Franklin Roosevelt? Một tên trọc phú có học và theo xã hội chủ nghĩa – xin hiểu là thân cộng! Còn Tướng Dwight Eisenhower, tư lệnh của lực lượng Đồng minh và anh hùng thời Đệ nhị Thế chiến, thì được đối thủ đánh giá là cù lần và lười biếng, nhược điểm nặng nhất là chẳng biết gì về sự phức tạp của thế giới!

Khác với ngày xưa, ngày nay có thêm phương tiện truyền thông tức thời để mọi người nức lời ca tụng con gà của mình và gọi đối thủ là con qué. Rồi báo chí ào ạt loan tin nên tạo ra ấn tượng kỳ cục là Hoa Kỳ chỉ chọn rặt phường lộn giống lên làm Tổng thống. Các ứng cử viên ngày nay chẳng phát minh cái gì mới và, nhờ trời, nước Mỹ vẫn bình an sau khi bầu lên những người bị gần phân nửa quần chúng cho là bất xứng!

Chỉ vì khi tranh cử thì người ta có quyền tranh luận gay gắt, còn dàn vỗ ở dưới thì hăng say náo nhiệt hơn nên cho đối thủ ăn đủ thứ. Xong rồi, kẻ thua vẫn mừng người thắng và chẳng sợ là đêm hôm đó sẽ được Tổng thống tân cử ra lệnh thủ tiêu hay cho nằm ấp. Thời lập quốc, như Miến Điện ngày, người được ít phiếu hơn lại làm Phó Tổng thống để hai vị chánh phó kèm nhau rất mực cho dân chúng ở dưới được tự do và chuẩn bị cho kỳ bầu cử sau. Đấy là bản sắc rất lạ của nền dân chủ Hoa Kỳ, với thói chửi bậy khi tranh cử và nét mã thượng sau bầu cử.

Chỉ những người chưa thấm nhuần tinh thần dân chủ mới ưa cay cú và coi đối phương là kẻ phải diệt trừ để cứu nguy tổ quốc!

Cho nên, tranh cử Tổng thống tại Mỹ là màn trình diễn tài năng kiếm phiếu hơn là khả năng lãnh đạo. Khi đắc cử rồi, vị Tổng thống tân nhậm mới tổ chức ra nội các và học bài lãnh đạo.
Chỉ vì với phương tiện thông tin hiện đại, và qua một hai tiếng của mươi lần tranh luận trước màn ảnh, các ứng cử viên không thể diễn giải chương trình hành động giả định, trong đó giả nhiều hơn thật, vì quần chúng không thể nghe hết. Jeb Bush là nạn nhân của sự hiểu lầm ấy. Quần chúng chỉ cần tài hùng biện đốp chát. Người tỉnh táo thì cân nhắc về cá tính của ứng cử viên hơn là những chi tiết của kế hoạch kinh bang tế thế bề nào cũng thành lạc hậu hoặc bị đẩy vào ưu tiên thấp hơn.

Khi tranh cử năm 2008, Nghị sĩ Barack Obama hùng hồn nói về chuyện đối ngoại và triệt thoái khỏi Iraq. Ông đắc cử nhờ vụ khủng hoảng tài chánh năm đó và dù có đi vái tứ phương Hồi giáo thì nay vẫn phải đưa quân vào Iraq và giữ quân tại Afghanistan mà cũng chẳng đóng nổi trại tù Guantanamo. Ngược lại, ông tiến hành cải tạo xã hội theo quan điểm cực tả và để lại vài ba kế hoạch đang bị các ứng cử viên Cộng Hòa đòi vứt sọt rác. Dàn ứng cử viên này cũng ồn ào hứa hẹn nhiều chuyện đầy mâu thuẫn nhưng bắt mắt và hợp nhĩ cử tri, cho tới khi đắc cử thì mới thấy sự tình lại khác hẳn, với những thách đố bất ngờ.

Tuần qua chẳng hạn, tỷ phú Donald Trump trả lời phỏng vấn rất dài và quanh co nhiều điều mâu thuẫn để nói ra sự thật môt cách rất hùng biện, tức là rất gian: “Tôi dại gì nói trước là chiến hay hòa mà phải giữ thế bất ngờ, unpredictabily, cho thiên hạ khó đoán”.

Rất chính xác! Chứ dại gì mà như Tổng thống Obama đòi chế độ hiếu sát Basher al Assad tại Syria phải ra đi và nay lại thỏa hiệp với Liên bang Nga để hòa giải với al Assad hậu tập trung giải quyết nạn khủng bố của lực lượng ISIL?

Nhưng cũng chính là lối nói thế này mà làm thế nọ mới là bản sắc thật của lãnh đạo Hoa Kỳ. Lúc nào Chính quyền Hoa Kỳ cũng nói thật, được chừng vài tiếng hay khá hơn thì vài năm, rồi sau đó, khi tình hình thay đổi, lập trường cũng phải đổi thay. Tổng thống có khả năng là người làm cho dân đồng ý với chuyện đổi thay ấy vì đấy mới là quyền lợi đích thức của đất nước.

Nếu so sánh với lãnh đạo một xứ độc tài, như Nga Tầu hay Bắc Hàn, Iran, lãnh đạo Hoa Kỳ đáng sợ hơn nhiều. Các chế độ hung đồ kia và dàn thông tin tuyên truyền của họ đều luôn luôn nói thật, như xây dựng xã hội chủ nghĩa hoặc đánh thắng Đế quốc Mỹ. Họ ra sức làm như vậy mà thiên hạ cứ tưởng là khẩu hiệu cho vui. Ngược lại, lãnh đạo Mỹ thì nhanh tay mau miệng như kẻ tráo bài ba lá ngoài chợ mà làm thiên hạ hoa mắt, đôi khi coi thường và bị ngạc nhiên. Giữa nét thật của bọn hung đồ, rất nghiêm và buồn, với màn kịch giả của những người đang đòi làm Tổng thống Hoa Kỳ, cái nào mới đáng ngại?

Nhìn từ bên ngoài người ta mới thấy nét phong phú của xã hội Hoa Kỳ, dân chủ đến mức dại dột khùng điên, nhưng biết lạnh lùng đổi trắng thay đen mỗi khi cần thiết!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét