Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160309
Diễn đàn Kinh tế
Phá xa lộ của mình để trừng phạt xứ khác...
Ngoài những phát biểu bất ngờ, đôi khi mâu thuẫn và sống sượng,
cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ còn cho thấy một mối nguy khác, đó
là tinh thần bảo hộ mậu dịch, chống các hiệp ước thương mai và có thể
cản trở đà tăng trưởng quá èo uột của kinh tế toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế
sẽ tìm hiểu hiện tượng bất thường này của nước Mỹ…
TPP chỉ có hy vọng ra đời vào năm tới
Nguyễn Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông,
sinh hoạt kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu khả quan, với đà tăng trưởng
giảm sút vì các nền kinh tế lớn của thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc,
Nhật Bản và Âu Châu đều có triệu chứng đình trệ. Trong hoàn cảnh đó,
người ta có thể trông đợi là luồng giao dịch mua bán giữa các nước sẽ
phần vào cứu vãn được tình hình, nhưng phải chăng nguyên tắc tự do ngoại
thương xưa nay được nước Mỹ cổ võ và phát huy lại là nạn nhân của cuộc
tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ? Diễn đàn Kinh tế xin ông phân tích vấn
đề này sau khi cảnh báo vào tuần trước là hiện tượng toàn cầu hóa bị
thoái lui.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là về bối cảnh chung, kinh tế thế giới
đang có nhiều biến động trên thị trường tài chính với nguy cơ suy trầm
lan rộng, cho nên, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vừa đề nghị, các quốc gia
cần phối hợp chánh sách để kích thích sản xuất. Tuy nhiên, hai ngày hội
nghị của các bộ trưởng tài chánh và thống đốc ngân hàng trung ương của
nhóm G-20 tại Thượng Hải vào tuần trước lại là cơ hội cho các đại biểu
đổ lỗi cho nhau mà không thỏa thuận nổi về một giải pháp đồng bộ như
trong một hội nghị trước của nhóm G-20 vào Tháng Tư năm 2009. Thật ra,
các nước còn chưa đồng ý về mục tiêu chứ chưa nói gì về các biện pháp
phải thi hành để đạt các mục tiêu ấy. Vì vậy, người ta mới sợ tái diễn
kịch bản tổng suy trầm.
Trong tình trạng hiện tại, Quốc hội Hoa Kỳ chưa thể cứu xét để phê chuẩn và không khí tranh cử náo nhiệt càng cho thấy là Hiệp ước TPP chỉ có hy vọng ra đời vào năm tới thôi. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Giữa khung cảnh u ám này, nhiều trung tâm nghiên cứu còn dự báo là
năm nay đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu có thể chỉ là 2,2 tới 2,4%
mà thôi. Một trong các nguyên nhân chính là sự giảm sút của luồng giao
dịch thương mại, tức là số xuất nhập khẩu giữa các nước với nhau. Theo
tổ chức OECD của 34 quốc gia giàu mạnh nhất, có trụ sở tại Paris, thì
lượng ngoại thương đã giảm mạnh từ năm 2012 và làm đà tăng trưởng sản
xuất của các nước giàu mạnh bị hụt mỗi năm mất nửa phần trăm. Nhìn vào
một viễn ảnh xa hơn thì kể từ vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ, chưa khi nào
mà đà tăng trưởng về ngoại thương lại sa sút như vậy và hậu quả sẽ bất
lợi cho tăng trưởng sản xuất vì thương mại mới là lực đẩy cho sản xuất.
Nguyên Lam: Thưa ông, xưa nay các nước đều trông cậy vào
sức tiêu thụ của thị trường Hoa Kỳ và vừa qua thì việc Hiệp ước Đối tác
Xuyên Thái Bình Dương TPP đã thổi lên hy vọng về sức phát triển ngoại
thương với nước Mỹ là đầu máy. Nhưng hình như là trong cuộc tranh cử
tổng thống đang bước vào giai đoạn gay cấn thì ít ai hy vọng gì ở phép
lạ TPP. Trái lại, các ứng cử viên còn lại trong cuộc tranh cử đều hoặc
là hoài nghi hoặc là ra mặt chống đối nguyên tắc tự do mậu dịch và bản
Hiệp ước này. Ông nhận xét thế nào về hiện tượng ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật là bên đảng Dân Chủ, Nghị sĩ
Bernie Sanders có chủ trương triệt để bảo hộ mậu dịch, thậm chí chống
tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường theo lý luận cực tả khá quen
thuộc. Nhưng ứng cử viên có nhiều hy vọng hơn của đảng Dân Chủ là bà Cựu
Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng lại thay đổi lập trường. Khi còn làm
Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, bà Clinton
vận động rất mạnh cho Hiệp ước TPP và nhiều lần gọi hiệp ước này là
tiêu chuẩn vàng ròng của thương mại quốc tế. Nhưng từ năm ngoái, khi
Hiệp ước TPP được 12 nước thông qua thì bà đã tỏ vẻ hoài nghi và nay đòi
xét lại.
Nguyên Lam: Ông giải thích thế nào về chuyện ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng khi tranh cử, mục tiêu của mọi
người đều là thắng cử đã và muốn như vậy thì phải nghe ngóng xem cử tri
muốn gì ở từng địa phương về từng vấn đề. Nhưng khi đắc cử thì người ta
mới thấy ra sự lợi hại của thực tế nên còn có thể đổi lập trường. Bà
Hillary không thể quên rằng ông chồng là Tổng thống Bill Clinton là
người đã cổ võ mạnh cho Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ là NAFTA vào
năm 1994. Sau này, Nghị sĩ Barack Obama cũng chống hiệp ước đó cho tới
khi đắc cử Tổng thống thì mới thấy ra lợi ích của tự do mậu dịch nên
xoay ra ủng hộ Hiệp ước TPP với tham vọng sẽ ban hành hiệp ước này trước
khi mãn nhiệm. Nào ngờ là ông lại bị nhiều dân biểu nghị sĩ trong cùng
đảng Dân Chủ phản đối về hiệp ước này từ năm ngoái. Trong tình trạng
hiện tại, Quốc hội Hoa Kỳ chưa thể cứu xét để phê chuẩn và không khí
tranh cử náo nhiệt càng cho thấy là Hiệp ước TPP chỉ có hy vọng ra đời
vào năm tới thôi. Chúng ta đã dự đoán điều này từ năm ngoái.
Chống hay bảo hộ mậu dịch tự do?
Nguyên Lam: Thưa ông Nghĩa, nói chung, xu hướng của đa số
bên Dân Chủ vẫn là chống tự do mậu dịch, khác hẳn với xu hướng Cộng Hòa.
Nhìn qua đảng Cộng Hòa thì ông thấy sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, đại đa số của 17 ứng cử viên
Cộng Hòa đều đã rút lui, trong số này nhiều nhân vật có đầy kinh nghiệm
về quản lý kinh tế và giao dịch quốc tế nên ủng hộ Hiệp ước TPP vì hiểu
ra lợi ích lâu dài của nguyên tắc tự do mậu dịch. Còn lại bốn người thì
nhân vật đang dẫn đầu là tỷ phú Donald Trump lại kịch liệt đề cao tinh
thần bảo hộ, thậm chí tinh thần tự cô lập rất tai hại cho nước Mỹ. Thuần
về kinh tế thì ông còn chủ trương tăng thuế nhập nội thêm 45% trên hàng
hóa nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản, đả kích TPP là làm Trung Quốc, Việt
Nam hay Ấn Độ hoặc Mexico cướp mất việc làm của dân Mỹ. Hôm Thứ Năm 25
tháng trước, trong cuộc tranh luận với các ứng cử viên Cộng Hòa, ông
Trump thản nhiên tuyên bố rằng ông không sợ các trận chiến thương mại.
Ai cũng biết rằng nhân vật này ưa phát biểu điều mâu thuẫn và thay đổi
lập trường còn nhanh hơn thay áo, nhưng tinh thần bảo hộ mậu dịch của
ông là nét nổi bật trong cuộc tranh cử hiện nay.
Nguyên Lam: Là một chuyên gia kinh tế, ông nghĩ thế nào về lập trường chính trị đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Không nói về đặc tính riêng của từng người
theo từng đảng, chúng ta cũng thấy là ở đời thì phải có nhau! Khi chủ
trương nâng thuế nhập nội, là dựng lên hàng rào quan thuế, người ta mặc
nhiên gây chiến với các nước đối tác kia và tất nhiên họ phải trả đũa.
Nếu xứ nào cũng dựng chiến hào thương mại để chặn hàng của xứ khác thì
đôi bên đều bị hại.
- Trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ, tâm lý hốt hoảng sau vụ cổ phiếu
sụt giá năm 1929 dẫn tới đạo luật bảo hộ mậu dịch Smoot-Hawley nhằm bảo
vệ quyền lợi cục bộ của nước Mỹ. Hậu quả tai hại là phản ứng chống đối
của Anh, Pháp, Canada. Sau này các nhà nghiên cứu mới thấy văn kiện bảo
hộ mậu dịch ấy lại kéo dài cuộc Tổng khủng hoảng 1929-1933 và góp phần
dẫn tới Thế chiến II vào năm 1939. Đấy là hiện tượng gọi là “hậu quả bất
lường” trong kinh tế. Một cách đơn giản hơn thì mình nên nghĩ biện pháp
bảo hộ mậu dịch cũng tương tự như phá hoại cầu đường hay xa lộ của mình
để trừng phạt xứ khác mà chẳng thấy là chính mình lại bị thiệt.
Nguyên Lam: Ông giải thích thế nào về lập trường của ứng cử
viên Donald Trump? Dù sao ông ta cũng là doanh gia đã có quan hệ về đầu
tư buôn bán với các nước từ nhiều năm qua và hiển nhiên phải hiểu lịch
sử Hoa Kỳ trong các biến động kinh tế khoảng 80 năm trước chứ?
Một cách đơn giản hơn thì mình nên nghĩ biện pháp bảo hộ mậu dịch cũng tương tự như phá hoại cầu đường hay xa lộ của mình để trừng phạt xứ khác mà chẳng thấy là chính mình lại bị thiệt. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Là doanh gia, ông Trump biết trả giá và ngã
giá nên biết tiến thoái vì quyền lợi như ông ta đã phát biểu tuần qua.
Tức là nhân vật này nói trước là sẽ đổi lập trường. Còn lại, tôi không
tin là ông ta quan tâm hoặc tìm hiểu lịch sử như nhiều người chờ đợi.
- Chúng ta không quên rằng Hoa Kỳ đã rút tỉa sai lầm từ vụ Tổng khủng
hoảng 1929-1933 và cải sửa nên mới đề cao tự do mậu dịch và trở thành
đầu máy kinh tế cho thế giới với kết quả ngoại giao và chiến lược có lợi
cho nước Mỹ trong khoảng thời gian bảy tám chục năm qua. Nhìn xa hơn
vậy, Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng Quốc hội mới là cơ chế có thẩm quyền
về kinh tế tài chính nhưng sau vụ sai lầm quá tai hại của đạo luật bảo
hộ mậu dịch Smoot-Hawley nên Quốc hội có hướng ủy nhiệm cho Hành pháp
quyền thương thuyết về mậu dịch và từ 70 năm qua, các Tổng thống của cả
hai đảng đều theo xu hướng tự do mậu dịch. Đôi khi, vì lý do cục bộ nhằm
thỏa mãn một thành phần cử tri, có Tổng thống lại đề nghị một biện pháp
bảo hộ, nhưng trường hợp ấy thật ra cũng hãn hữu và không kéo dài.
Nguyên Lam: Thưa ông, nếu như vậy, ông giải thích thế nào về tinh thần bảo hộ có vẻ như đang phổ biến hiện nay tại Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra thì chẳng riêng tại Hoa Kỳ mà ta
cũng thấy chuyện tương tự ở nhiều nước khác, kể cả Âu Châu. Điều đáng
chú ý là trước đây Hoa Kỳ vẫn có tiếng nói chủ đạo về tự do ngoại thương
để thuyết phục thế giới. Trong vụ khủng hoảng chính trị này, nước Mỹ đã
thoái thác vai trò lãnh đạo và đấy mới là điều đáng lo.
Lý do sâu xa là thế giới đang có nhiều bài toán kinh tế nan giải
khiến cho suy trầm lan rộng và nhiều khối kinh tế còn áp dụng biện pháp
tiền tệ bất thường là lãi suất dưới số không mà chưa thấy công hiệu, như
tại Âu Châu và gần đây là Nhật. Nhiều giới chức lãnh đạo hệ thống ngân
hàng trung ương Mỹ cũng không loại bỏ kịch bản là Hoa Kỳ có thể hạ lãi
suất quá thấp hiện nay xuống mức âm. Chúng ta đang gặp một trường hợp
phải nói là hãn hữu, chưa từng có.
- Một trong nhiều nguyên do làm cho bài toán kinh tế rất khó giải quyết
chính là nạn ách tắc chính trị. Đấy là khủng hoảng niềm tin của thị
trường vào chính trường, như chúng ta có lần đề cập trên diễn đàn này từ
nhiều năm trước. Hậu quả tại Mỹ là người dân hết tin vào chính trị gia
nhà nghề, dù nhiều người trong số này đã dày kinh nghiệm kinh bang tế
thế. Vì thất vọng với các chính khách chuyên nghiệp, cử tri Mỹ muốn tìm
khuôn mặt mới và rơi vào cảnh ngộ còn tai hại hơn, là tin vào lý luận
nhuốm mùi mị dân. Hoàn cảnh ấy mới giải thích sự thắng thế bất ngờ của
một doanh gia như ông Trump. Ông xuất hiện với hình ảnh và ngôn ngữ
khinh miệt các chính trị gia và đổ lỗi cho ai khác về nổi lầm than kinh
tế có thật của nhiều người.
Nguyên Lam: Từ cuối năm ngoái, ông đã cảnh báo tình trạng
bất trắc của kinh tế toàn cầu trong năm 2016. Bây giờ, ta lại có thêm
yếu tố bất trắc nữa là cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ, ông kết luận
thế nào về viễn ảnh trước mắt của các nước trên thế giới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có nhiều cách nhìn hiện tượng này.
Về những bất trắc thì thật ra tình hình kinh tế Trung Quốc còn đáng
ngại hơn Hoa Kỳ, sau thông báo tại kỳ họp Quốc hội Khóa 12 vào cuối tuần
qua và sau khi công ty Moody’s hạ mức tín nhiệm của công khố phiếu và
trái phiếu Trung Quốc. Trong nền dân chủ, người ta có quyền ồn ào phát
biểu, tranh luận và phơi bày một hình ảnh bát nháo kỳ cục của quyền tự
do. Nhưng rốt cuộc thì chẳng ai bị bắt bớ tù đầy vì quan điểm chính trị
của mình, và sau cùng thì vẫn còn hy vọng tìm ra giải pháp ít tệ hại
nhất. Trong chế độ độc tài thì đảng và nhà nước làm như biết hết mọi
chuyện và có thể kiểm soát được mọi việc và tống giam những người bất
đồng chính kiến, rốt cuộc là lại làm cho tình hình kinh tế thêm trầm
trọng và vượt khỏi khả năng quản lý của nhà nước.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
Thưa bác Nghĩa !
Trả lờiXóaCháu để ý thấy sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 thì những nước có chế độc độc tài cai trị như ở Đức và Ý có sự hồi phục kinh tế nhanh và mạnh hơn so với những nước dân chủ như Anh và Pháp. Rồi thêm ví dụ về Hàn Quốc thời kỳ độc tài của Park Chung Hee làm cho kinh tế Hàn Quốc hóa rồng....thì có thể khẳng định là nên độc tài sẽ làm động lực cho tăng trưởng kinh tế hơn so với nước có nền dân chủ không ạ ?
Và Cháu thấy nhiều bài viết gần đây bác có nhắc đến mối nguy khi kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu vào chu kỳ khủng hoảng từ năm 2016 này. Bác có thể viết một bài phân tích sâu và rộng hơn nữa để độc giả hiểu thêm không ạ ?
Cháu cảm ơn bác !
Thành nên tìm xem chương trình Bên Kia Màn Khói được đưa lên You Tube:
Trả lờiXóahttps://www.youtube.com/playlist?list=PL9-JckZNh7rro8d9mGVJ1Ej6QeSs5qimq
Thưa chú Xuân Nghĩa!
Trả lờiXóaTheo lý thuyết của kinh tế học vi mô cho biết, thì con người ta hay các nước nên áp dụng thương mại quốc tế tự do, vì cuối cùng, hơn bù kém, thương mại tự do làm cho mọi người hay các nước đều được hưởng lợi nhờ lợi thế so sánh tuyệt đối và lợi thế so sánh tương đối.
Vậy chú cho cháu hỏi: giả sử nước A có cả lợi thế so sánh tương đối và lợi thế so sánh tuyệt đối hơn so với nước B, thì họ có nên trao đổi hàng hóa với nhau hay không? A và B cùng có lợi? Và chúng ta có thể lượng định được nước nào có lợi hơn trong thực tế hay không, thưa chú?
Cháu cảm ơn chú!
Có lợi người ta mới làm,
XóaBạn bán hàng cho Mỹ nhận tiền sau; bạn mua hàng từ Mỹ phải trả tiền trước.
2 Điều kiện trên không phải do bạn bị ép buộc mà bạn lựa chọn như vậy vì lợi ích của bạn.
Nói rộng ra, có thể bạn trao đổi hàng hóa với 1 nước thứ 3 thông qua các Cty Mỹ. Các Cty Mỹ không giao nhận, vận chuyển mà chỉ có vai trò ghi sổ và kiếm lời. Thế mà bạn vẫn cần họ và không cho đó là sự bất công.
Đó là lợi ích của thương mại tự do mà bạn đang trông đợi.
Thưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaCháu muốn hỏi là bác nghĩ thế nào nếu một quốc gia có cơ chế mở về thương mại, tức áp dụng tự do thương mại một bên, chấp nhận các mức thuế nhập hay xuất cảng về 0%, thực hiện các thủ tục thông cảng nhanh gọn,....?
Cháu tìm hiểu về tình trạng bất bình đẳng thu nhập thì thấy nhiều nguồn lấy chỉ số GINI, nhưng cháu đọc thêm thì vẫn thấy chỉ số này chưa chắc chỉ đúng tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Cháu muốn hỏi bác khi bác muốn theo dõi tình trạng bất bình đẳng thu nhập thì bác lấy chỉ số nào?
Cháu xin cảm ơn.