Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 160329
Tạp Chí Kinh Tế RFI
Lãi suất ngân hàng số âm, con dao hai lưỡi
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang bất lực trước mục tiêu vực dậy kinh tế. Dù đã hạ lãi suất xuống «số âm», tiêu thụ và đầu tư tại Châu Âu, Nhật Bản vẫn không khởi sắc trở lại. Lãi suất «số âm» là gì? Kéo dài biện pháp bất thường này mở ra viễn cảnh chiến tranh tiền tệ, đảo lộn cả thị trường tài chính và thương mại của thế giới. Phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ.
Trong
bối cảnh khu vực đồng Euro bị đe dọa giảm phát, từ năm 2014 Ngân hàng
Trung ương Châu Âu BCE giảm lãi suất xuống số âm, tăng mức lưu hoạt có
định lượng «quantitative easing» để kích thích tiêu thụ và
đầu tư. Trên thực tế, từ hơn hai năm nay, các ngân hàng thương mại
eurozone khi gửi tiền vào BCE chẳng những không được tiền lời mà còn
phải «nộp phạt» cho định chế ngân hàng này 0,20 %. Nhiều
thành viên trong khối euro, như Pháp, Đức, được giới đầu tư tín nhiệm
thì đã dễ dàng phát hành công trái phiếu với lãi suất âm.
Không
chỉ eurozone mà cả các ngân hàng trung ương của Thụy Sĩ, nhiều nước bắc
Âu và gần đây nhất là Nhật Bản cùng áp dụng chính sách «tiền rẻ»,
mà tăng trưởng vẫn chưa hồi sức. Hiện tượng bất thường này đang làm đảo
lộn trật tự và thể thức vận hành trên các thị trường tài chính, làm nản
lòng những người có khả năng tiết kiệm và nhất là đang tạo nên một quả
bóng tài chính mới.
Phải chăng đã đến lúc thế giới cần tìm ra một
chính sách tiền tệ mới để tạo đà cho tăng trưởng? Trả lời ban Việt ngữ
đài RFI chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trước hết giải thích cặn kẽ
thế nào là lãi suất ở số âm, vì sao các ngân hàng trung ương trên thế
giới đua nhau lao vào một cuộc chiến tiền rẻ mà vẫn không đạt được mục
tiêu chính là tiếp sức cho tăng trưởng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Lãi suất âm là biện pháp tiền tệ cực bất thường, lần đầu tiên được Ngân
hàng Trung ương Đan Mạch áp dụng vào tháng 7/2012, sau đó được các Ngân
hàng Trung ương Âu Châu, rồi Thụy Điển, Thụy Sĩ áp dụng từ năm 2014 và
mới đây nhất, từ tháng 1/2016, là Nhật Bản cũng áp dụng. Cụ thể thì
thông thường khi các ngân hàng thương mại được hưởng tiền lời khi ký
thác dự trữ vào trương mục của Ngân hàng Trung ương. Với biện pháp lãi
suất âm, Ngân hàng Trung ương chẳng những không trả tiền lời mà còn đòi
các ngân hàng thương mại nộp tiền như nộp phạt trên khoản ký thác cao
hơn mức dự trữ pháp định.
- Mỗi Ngân hàng Trung ương lại có một lý
do áp dụng biện pháp này, nhưng chủ yếu vẫn là nhằm khuyến khích các
ngân hàng thương mại không lưu giữ ký thác mà cho vay ra để kích thích
sinh hoạt kinh tế, như tiêu thụ hay đầu tư. Hậu quả là khoản lời của các
ngân hàng thương mại bị thu hẹp nên họ dùng thanh khoản ấy vào mục tiêu
khác để khỏi lỗ. Những mục tiêu ấy là gì ? Có thể là chuyển tiền mua
trái phiếu là giấy nợ, có phân lời cố định dù rất bèo thì cũng còn hơn
không, hay đầu tư vào thị trường cổ phiếu. Kết quả là phân lời trái
phiếu giảm và đã có nơi giảm tới số không, thậm chí số âm như đã thấy
tại Nhật Bản trong tháng qua khi phát hành trái phiếu có kỳ hạn 10 năm với phân lời dưới số không, còn thị trường cổ phiếu thì lên giá làm
giới đầu tư cổ phiếu giàu to. Nhưng quan trọng nhất là biện pháp lãi
suất âm gây nhiều biến động rất khó đoán trên các thị trường tài chính.
Mối nguy hiểm khi biện pháp này kéo dài?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Trên nguyên tắc, người ta chỉ áp dụng biện pháp bất thường ấy trong
ngắn hạn để kích thích tiền tệ nhưng vì không thấy công hiệu, biện pháp
ngắn hạn lại kéo dài qua nhiều năm. Mối nguy hiểm là thị trường bị xáo
trộn, những tính toán lời lãi bị đảo lộn, tiết kiệm bị trừng phạt và các
quỹ đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm hay qũy tín thác cho hưu bổng bị
lỗ. Những người sống nhờ tiền lời hưu bổng khi về già bị thiệt nặng mà
có khi chưa biết! Trong trước mắt thì ai cũng muốn lưu giữ tiết kiệm
bằng tiền mặt hay hiện kim chứ chẳng muốn ký thác vào trương mục tiết
kiệm hay thị trường trái phiếu.
- Mối nguy trường kỳ là khi hạ lãi
suất thì người ta cũng làm giảm hối suất hay trị giá đồng bạc so với các
ngoại tệ khác. Việc giảm hối suất có thể kích thích xuất cảng nhờ hàng
hóa của mình bán rẻ hơn, nhưng vì các nước đều bị suy trầm và chẳng thể
xuất cảng lên cung trăng mà xuất cảng cho nhau, biện pháp hạ lãi suất
như vậy lại dẫn tới trận chiến ngoại tệ, là xứ nào cũng tìm cách hạ tỷ
giá đồng bạc của mình để tìm lợi thế xuất cảng và càng làm ngoại thương
suy sụp.
Tại sao các hạ lãi suất thấp đến hết cỡ mà vẫn không đạt hiệu quả tiếp sức cho tăng trưởng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thông
thường, khi kinh tế suy trầm, các nước có thể áp dụng biện pháp ngân
sách là tăng chi hoặc giảm thuế để kích thích sản xuất. Nhưng tại nhiều
quốc gia, trước hết là Nhật Bản rồi khối Euro, và sau cùng là Hoa Kỳ,
nạn ách tắc chính trị giữa nhiều khuynh hướng và trường phái kinh tế,
dẫn tới sự tê liệt của biện pháp ngân sách – nhà nước không thể tăng chi
và đi vay mãi - nên sau cùng, chỉ còn một định chế là các ngân hàng
trung ương phải giải quyết. Họ áp dụng biện pháp tiền tệ là hạ lãi suất
tới sàn, mấp mé số không, rồi bơm thêm tiền vào kinh tế, thí dụ như
những đợt “quantitative easing” gọi là tăng mức lưu hoạt có định lượng,
mà cũng chẳng công hiệu. Vì vậy mới có biện pháp hạ lại suất dưới số
không.
- Về lý do tại sao thì người ta có thể kể ra rất nhiều. Thứ
nhất, các nền kinh tế hậu công nghiệp đang bước qua một hình thái khác,
với dân số bị lão hóa, nên đã và sẽ có đà tăng trưởng thấp hơn trước
trong nhiều năm liền. Thứ hai, sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008,
người ta thấy tình trạng tập trung tư bản vào các doanh nghiệp lớn, với
lợi nhuận rất cao mà xí nghiệp loại nhỏ và vừa lại khó thành hình để gia
tăng sản xuất. Thứ ba, người ta quá chú ý đến phần kích thích số cầu mà
quên phần cung là giải tỏa luật lệ và kiểm soát cho việc đầu tư được
thông thoáng để loại doanh nghiệp trẻ và mới có thể ra đời thì họ sẽ
nâng sản lượng và tuyển dụng thêm nhân công.
- Sau cùng, trường phái
trọng cầu theo kiểu John Maynard Keynes đang phá sản vì chẳng kích
thích được tăng trưởng và sự phá sản ấy thể hiện ở biện pháp hạ lãi suất
xuống cõi âm. Kinh tế toàn cầu không bị đe dọa bởi nguy cơ lạm phát như
trước đây mà gặp rủi ro giảm phát tương tự như sau vụ Tổng khủng hoảng
1929-1933. Ở cuối đường là những bất trắc lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét