Thứ Ba, tháng 3 08, 2016

Hát Bội Bắc Kinh



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160307
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"


Và tuồng lưỡng hội…

* Chúng em y trang hoành tráng lên vỗ tay trên sân khấu Nhân Đại *



Kỳ này, mục “kinh tế cũng là chính trị” sẽ nói về sân khấu Bắc Kinh. Cho vui.

Sau nhiều công phu dàn dựng, từ cuối tuần và trong 10 ngày, lãnh đạo Bắc Kinh cho trình diễn vở hát bội thần dân được dạy là quan trọng nhất trong năm, là vở “Lưỡng Hội”. Hai hội nghị của hai cơ chế “dân chủ” và “thân dân” nhất.

Thân dân vì có vẻ gần với bá tánh là “Hội nghị Nhân dân Hiệp thương Chính trị”, được gọi tắt là “Nhân Dân Chính Hiệp” hay tắt hơn nữa là Chính Hiệp. Hội nghị quy tụ đại biểu của tám đảng giả từ tám hướng, được áo khăn dịu dàng mời vào làm tư vấn cho đảng thật, là đảng Cộng sản Trung Quốc, trước sự chứng kiến của thần dân. Người am hiểu thì gọi màn tư vấn ấy là làm cảnh, ra cái điều Trung Quốc cũng có đa nguyên đa đảng, với tám đảng thiểu số được lố nhố dưới ánh đèn màu như một đám tỳ nữ.

Dân chủ hơn vì là cơ chế “lập pháp duy nhất và cao nhất của quốc gia” thì có vở “Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc”, gọi tắt là Nhân Đại, quy tụ gần ba ngàn đại biểu mà hai phần ba đã được đảng cử cho dân bầu. Quy vào nguyên tắc của thế giới văn minh, thiên hạ lười biếng gọi định chế ấy là “Quốc hội”. Dù có thực quyền hơn Chính Hiệp, là quyền bỏ phiếu thông qua các nghị quyết của đảng thay vì chỉ gật gù vỗ tay, Nhân Đại là vở tuồng có kịch bản hay tuồng tích công phu hơn cả. Các diễn viên cũng có y trang xênh xang huê dạng, nhất là đại biểu của các sắc tộc thiểu số, cứ xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ truyền thông quốc tế nó mừng mà bấm máy lia lịa….

Cuối tuần qua, bên cạnh hội nghị Chính Hiệp thì hội nghị Nhân Đại của khóa 12 đã họp. Ở đâu? Thì ở Nhân dân Đại sảnh tại Bắc Kinh chứ còn ở đâu nữa?

Rất trịnh trọng, Tổng lý Quốc vụ viện của đảng là Thủ tướng Lý Khắc Cường bước ra sân khấu Nhân Đại đọc báo cáo chính trị về tình hình kinh tế năm qua và vẽ ra chân trời kinh tế cho năm tới. Năm nay, vở tuồng có tầm quan trọng riêng vì nội dung báo cáo còn phác họa đường cong tuyệt mỹ của Kế hoạch Năm năm thứ 13, từ 2016 tới chân trời 2020, là khi đảng sẽ kỷ niệm sinh nhật trăm tuổi (1921).

Trước khi nói tới chân trời kinh tế ấy, xin đi ngược thời gian và bước vào hậu trường để xem Bắc Kinh chuẩn bị màn hát bội ra sao.

Từ Tháng 10 năm ngoái, Hội nghị kỳ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 12 đã họp để đại diện cho 88 triệu đảng viên là 205 ủy viên chính thức và 171 ủy viên dự khuyết “thảo luận” về đường hướng kinh tế do Bộ Chính trị gồm có 25 ủy viên đề ra qua sự trình bày của Thường vụ Bộ Chính trị chỉ có bảy người. Theo phép “dân chủ tập trung”, từ hơn một tỷ 350 triệu dân đến 88 triệu đảng viên lên tới Thường vụ Bộ Chính trị, thì Tổng bí thư Tập Cận Bình là người đã tập trung nhiều quyền hạn nhất, hơn cả Đặng Tiểu Bình và gần bằng Mao Trạch Đông, để đích thân vạch ra đường hướng kinh tế ấy. Vừa vạch vừa sợ.

Vì biết các thị trường tài chánh chòm chõm nhìn vào tựa cú dòm nhà ma, Tháng 12 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương cùng Quốc vụ viện (là Hội đồng Chính phủ) thừa chỉ thị của Bộ Chính trị triệu tập “Hội nghị Công tác Kinh tế của Trung ương”, dưới sự chủ trì của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, để rà lại tuồng tích trước khi cho Nhân Đại trình diễn.

Công phu như vậy đấy.

***

Qua tin hậu trường, được đảng tiết lộ theo kiểu rò rỉ nhằm câu khách, các đạo diễn Bắc Kinh khéo đưa vào Hội nghị Công tác Kinh tế hai khái niệm mới cho thiên hạ trầm trồ.

Thứ nhất là theo trường phái kinh tế tự do, đảng sẽ áp dụng thêm biện pháp trọng cung (supply side) để bổ sung việc kích cầu được ban hành mãi từ 2008. Thứ hai là đẩy mạnh cải cách, nhằm giải quyết nạn sản xuất thừa, chỉ gây ô nhiễm và chất lên tồn kho ế ẩm trong khu vực công nghiệp nặng, nhất là các ngành than, thép và phù trợ kỹ nghệ xây cất. Mà cải cách là ưu tiên giải phẫu các u bướu trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước, xưa nay được nâng lên vai trò chủ đạo để thi hành chánh sách kinh tế của đảng. Và cắt bỏ u bướu là phải thải người, một triệu tám từ hai ngành than thép, năm sáu triệu người từ các ngành khác, tức là gây ra nạn thất nghiệp, nay đã thực tế vượt quá con số chính thức là 4%. Tin tức mà Bắc Kinh không che giấu cho thấy là những vụ biểu tình phản đối của công nhân đã lên tới mức cao nhất kể từ bốn năm qua….

Đấy là bối cảnh kinh tế chính trị của màn hát bội Bắc Kinh đang được trình diễn. Chúng ta phải tin rằng ngần ấy diễn viên đều thuộc lòng tuồng tích chứ không thể phát huy sáng kiến mà cương đại khi sân khấu mở màn.

***


Sau đây là những gì đã được hát trên sân khấu Bắc Kinh.

Đảng thực tế hơn nên điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng, là từ 6,5% tới 7%, khó nhất là cao hơn 6,5% để đến năm 2020, lợi tức trung bình của người dân sẽ tăng gấp đôi so với tình hình năm 2010. Đấy là một thách đố để tới năm 2020, toàn dân mừng đảng trăm tuổi. Phần “trọng cung” là sẽ giảm thuế, phần kích cầu thì vẫn là bơm thêm tín dụng.

Nhưng rút kinh nghiệm thất bại trước đây, lần này sẽ rót tín dụng vào đúng chỗ, chứ không gây úng thủy và đầy cơ rồi vỗ nợ đã thấy năm ngóai. Kết luận làm thị trường nức lòng là Bắc Kinh đang linh động hóa và tinh vi hóa việc kích thích kinh tế. Nhưng vẫn sẽ đi vay để lao về phía trước. Giới hiểu biết về kinh tế thì cho rằng phía trước sẽ là nạn vỡ nợ. Bài này không đủ chỗ để nói chuyện nợ nần ấy!

Thứ hai, kinh tế vốn là chính trị, Bắc Kinh sẽ nâng vai trò quốc tế của hai cửa hàng buôn bán với thiên hạ là Hong Kong và Macao, tức là kiểm soát chính trị bằng luật pháp cho chặt chẽ hơn. Và cũng theo tinh thần “nhất quốc lưỡng chế” áp dụng cho hai khu vực tự trị ấy, sẽ không cho Đài Loan đứng riêng một cõi. Tổng thống Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến cứ liệu hồn!

Thứ ba, để chứng minh đặc tính văn minh hiếu hòa của chế độ, lãnh đạo Bắc Kinh quyết tâm tổ chức Thượng đỉnh của Nhóm G-20 năm nay tại Hàng Châu một cách huê dạng. Và khẳng định rằng ngân sách quốc phòng năm nay sẽ giảm đà gia tăng. Xin phiên dịch là năm ngoái tăng hơn 10% thì năm nay chỉ tăng dưới 8% mà thôi. Hiền hòa đến thế là cùng!

Thứ tư, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhập vai Tập Cận Bình mà cảnh báo đảng viên là sẽ bị nghiêm trị nếu chểnh mảng công vụ và bị biến chất và từ nay các đảng bộ địa phương phải lắng nghe tiếng dân mà minh bạch hóa công tác của mình. Dân đen con đỏ đều sẽ hã hê vì bớt nạn cường hào ác bá.

Nhưng, vốn không thể hát lầm giai điệu, Lý Khắc Cường đóng thêm một cái chốt: kích thích kinh tế mới là chủ âm, chuyện cải cách chỉ là phụ diễn. Lúc ấy, ta mới nhớ đến nhu cầu sa thải nhân công và ngân khoản 15 tỷ đô la chuẩn chi cho việc “dời nghiệp” hai triệu người sẽ mất việc từ hai ngành than thép. Nghĩa là làm sao?

Thì kinh tế vẫn là chính trị!

Dù chuẩn bị tuồng tích rất công phu, dàn hát bội Bắc Kinh không thể quên kịch bản nội loạn. Cắt bỏ u bướu “sản nhập” của hệ thống doanh nghiệp nhà nước là điều khách quan cần thiết vì nhập lượng ở đầu vào luôn luôn cao hơn xuất lượng ở đầu ra. Và để lại một núi nợ cùng một lượng tồn kho ế ẩm lẫn cả triệu người lao động dư dôi. Nợ thì ta còn xí xóa được, tồn kho chỉ biết rỉ sét và mất giá - chứ đám công nhân thất nghiệp lại biết biểu tình.

Dân ta vốn thích tuồng Sơn Hậu nên có thể gọi vở Lưỡng hội đang trình diễn tại Bắc Kinh là tuồng Vô Hậu! Nhưng chính tuồng Vô Hậu ấy mới giải thích động thái hung hăng của Bắc Kinh ngoài Đông hải.

Ai bảo rằng kinh tế là khoa học u ám?

7 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa !

    Cách đây 5 năm thì tờ báo China News đã đưa ra dự đoán trong 50 năm tới thì Trung Quốc sẽ phát động 6 cuộc chiến tranh tổng lực nhằm thống nhất Đài Loan, chiếm Biển Đông, thu hồi Nam Tây Tạng, chiếm đảo Điếu Ngư, chiếm lại Mông Cổ và thu hồi các vùng lãnh thổ mà Liên Xô đã chiếm của Trung Quốc. Trong đó đối với Việt Nam thì tờ báo này dự định sẽ có chiến tranh ở biển Đông trong giai đoạn 2025 - 2030. Theo bác thì khả năng Trung Quốc phát động từng cuộc chiến tranh trong 50 năm tới có khả thi không và nếu khả thi thì khả năng cuộc chiến nào là dễ diễn ra nhất ạ ?

    Cháu nhớ trong nhiều nhận định gần đây bác Nghĩa thường nói về khả năng Trung Quốc nếu bị nội loạn ở bên trong thì lãnh đạo Bắc Kinh thường tìm cách " xuất khẩu khủng hoảng " ra bên ngoài thông qua một cuộc chiến tranh với nước khác ? Theo bác thì khả năng một cuộc chiến tranh ở biển Đông có bao nhiêu % sẽ thành hiện thực ạ ? và Nếu có thì theo bác dự kiến khoảng thời gian nào có thể xảy ra ạ ?

    Cháu cảm ơn bác !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi không nghĩ rằng TQ có thể làm được ngần ấy chuyện. Nhưng càng gặp khó khăn bên trong thì càng muốn bành trướng ra ngoài. Tôi gọi đó là "Hội chứng Vương An Thạch" dù lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay chưa thể bằng họ Vương.

      Khổ nỗi, thế giới thường lý luận rằng xứ giàu mạnh mới bành trướng và chinh phục nên sẽ bị bất ngờ lúng túng khi một xứ sợ bị khủng hoảng bên trong mà chơi trò côn đồ bên ngoài là trường hợp Trung Quốc!

      Một cường quốc có thể chặn được chuyện đó chính là Hoa Kỳ, nhưng lại bị tám năm Obama và hậu quả là sự điên khùng của dân Mỹ, mà Donald Trump bắt được. Vì vậy, rủi ro chiến tranh là có thật, cho tới khi Trung Quốc sụp đổ. Nhưng đổ lên đầu Việt Nam thì thật là khốn!

      Xóa
  2. Thưa bác Nghĩa, cháu có đọc một số bài báo của tây, trong đó tác giả lại nói là thị trường đang trong trạng thái bi quan thái quá, và hiện tại đã price-in cái khủng hoảng của TQ rồi, và thứ tệ nhất đã qua. Cháu cũng thấy không hợp lý lắm, không biết bác Nghĩa thấy sao? Cho cháu cảm ơn trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu cứ theo phản ứng nhất thời của truyền thông Tây phương thì ta lại lầm nữa. Như hôm nay, Thứ Ba mùng tám, các thị trường quốc tế đều rớt giá vì nỗi lo về kinh tế TQ. Tuần trước, Moody's Investors Service vừa hạ mức tín nhiệm công khố phiếu TQ và trái phiếu của nhiều doanh nghiệp xứ này.... Chuyện còn dài.

      Xóa
  3. Nặc danh9/3/16 5:06 SA

    Poorshope đọc lại bài cũ cuả thầy Nghiã năm 2012...
    http://dainamaxtribune.blogspot.com/2012/08/trung-quoc-muon-gi-ngoai-ong-hai.html
    Năm nay nhìn lại kể như TQ đã gần hoàn tất quân sự hoá và chiếm trọn Biển Đông. Đó là kế hoạch cuả họ, như bạn Thành nêu trên, bất luận họ có bị suy yếu hay lớn mạnh lên. Thật là miả mai, thật là cay đắng, thật là ngu ngốc, khi dân tộc cuả chúng ta cắn xé lẫn nhau suốt 80 năm để dành dải đất duyên hải này cho họ hưởng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
  4. Con nghĩ hơi khác chút xíu, bác Nghĩa coi dùm con điều con nghĩ có thể phải không, cảm ơn bác. Con sợ Cam hơn là sợ Trung Quốc. Tuy về quân sự, dân số họ không bằng Việt Nam nhưng mấy năm nay TQ viện trợ quân sự cho Cam không rõ ý đồ gì. Trong tam thập lục kế của TQ có một kế trong phim Tàu hay xài:"giương Đông kích Tây". Con sợ họ xài chiêu đó ngoài đời thực

    Trả lờiXóa