Thứ Ba, tháng 3 15, 2016

Hoa Kỳ Long Trục?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160314
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Nhìn lại sự thật sau khái niệm “chuyển trục” của Tổng thống Mỹ

* Bìa báo tuần này của The Atlantic và chân dung, dung nhan thật, của Barack Obama *


Tháng 10 năm 2011, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ấy là Hillary Clinton có bài tiểu luận trên tạp chí Foreign Policy giới thiệu chách sách “chuyển trục” của nước Mỹ về Á Châu. Một tháng sau, Tổng thống Barack Obama nói về chánh sách “pivot to Asia” ấy khi thăm thủ đô Canberra và thành phố Darwin của nước Úc. Sau này, chính quyền Obama cho điều chỉnh khái niệm “chuyển trục” thành “tái cân bằng”, rebalancing, có vẻ chính xác hơn, mà cũng chẳng rõ nghĩa hơn. Ngày nay, ta có thể thấy Hoa Kỳ không có trục mà quay tựa chong chóng, từ pivot lại xoay như pirouette.

Nhìn từ bên ngoài thì đấy là điều hợp lý! Chúng ta nên tìm hiểu nghịch lý này qua một bài xin phép là dài hơn mọi khi…

***

Nói về chuyện ngắn hạn, như một hai nhiệm kỳ tổng thống, nước Mỹ tốn nhiều công sức cho hai khu vực chiến lược – của quyền lợi Hoa Kỳ - là tại Trung Đông, ít ra từ cuộc chiến chống phong trào khủng bố Hồi giáo vào năm 2001 và tại Âu Châu từ cuộc khủng hoảng năm 2008 và từ vụ Liên bang Nga tấn công Ukraine năm 2014.

Khi lên nhậm chức từ đầu năm 2009, Tổng thống Barack Obama quyết định sẽ triệt thoái khỏi hai chiến trường Iraq rồi Afghanistan để chú ý nhiều hơn đến khu vực Á Châu, nơi mà đà bánh trướng của Trung Quốc gây quan ngại cho các đồng minh của Mỹ và cho quyền lợi lâu dài của Hoa Kỳ. Ngày nay, Obama sắp hoàn tất hai nhiệm kỳ mà ngần ấy chủ trương hay chánh sách đều dậm chân tại chỗ, trong một cái hố sâu hơn. Còn mối lo về Trung Quốc thì đang được mọi người nêu ra….

Nhìn vào chuyện dài hạn, ít ra từ cả trăm năm nay, chiến lược đối ngoại của Hoa Kỳ có một sự mạch lạc thuần nhất vượt khỏi chánh sách hay chủ trương cùa từng thế hệ lãnh đạo. Đó là làm sao để không cường quốc nào có thể thách đố quyền lực và đe dọa quyền lợi của nước Mỹ.

Chân lý khó hiểu ở đây là khi tranh cử thì mọi lãnh tụ đều đòi ban tham mưu chuẩn bị một “chánh sách” cho mình áp dụng nếu đắc cử và lên lãnh đạo. Nhưng dù thuộc bất cứ chính đảng hay theo một chủ thuyết chính trị nào, nếu thật sự khôn ngoan thì người lên lãnh đạo đều sớm thấy tính chất vô dụng của chánh sách – hay chương trình tranh cử. Chỉ vì thế giới không vận hành theo các chánh sách xuất phát từ những bộ não cứ tưởng là ưu tú nhất.

Chánh sách là sản phẩm của trí tưởng tượng về thực tế, với tham vọng cải tạo thực tế - theo định nghĩa của người cộng sản hay của Obama về chữ “cải tạo”. Còn thực tế về địa dư, chiến lược hay ngoại giao, kinh tế của thế giới lại xoay chuyển theo nhiều hướng khác, thường thì khá bất ngờ và bất lường. Chỉ vì thế giới không chỉ có Hoa Kỳ hay ứng cử viên Tổng thống Mỹ, mà các nước khác hay lãnh tụ xứ khác cũng căn cứ trên địa dư, lịch sử hay chiến lược về quyền lợi của họ để hành xử và đặt ra những bài toán hay thách đố mới cho Hoa Kỳ.

Khi ấy, bài toán ngàn đời hay trăm năm của lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn là làm sao để không cường quốc - hay lãnh tụ anh minh hoặc chế độ hung đồ nào - cho thể đe dọa quyền lợi của nước Mỹ. Chánh sách “chuyển trục” của Barack Obama chứng tỏ là ông chậm hiểu thực tế của địa dư lịch sử, hoặc lầm tin vào tài hùng biện của mình để làm thay đổi bộ mặt thế giới. Nếu Obama không lầm tưởng thì nhiều người trong chúng ta lại lầm tin vào cái trục đó.

Nhìn từ bên ngoài, xin nói về chuyện ngắn hạn và gần gũi đã.


***

Liên hiệp Âu châu là một tập thể các quốc gia bán đảo hay quần đảo nằm tại vùng cực Tây của đại lục địa Âu-Á, tiếp cận với Trung Đông ở phía Nam, Liên bang Nga ở phía Đông và xa hơn nữa thì có Trung Quốc trên vùng Viễn Đông hay Đông Á. Sản lượng kinh tế của khối này đã vượt 18 ngàn Mỹ kim một năm, cao hơn sản lượng của Hoa Kỳ và hơn sản lượng tổng cộng của Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Sức nặng kinh tế ấy là bài toán về địa dư vả chính trị cho Hoa Kỳ.

Nói cho gọn, nước Mỹ chẳng dễ dàng chuyển trục từ Tây Âu về Đông Á.

Việc thay đổi tầm nhìn, sức tập trung hay phương tiện để chuyển trục về từ Tây Âu về Đông Á là điều bất khả vì bất lợi cho quyền lợi của nước Mỹ khi tập thể thống nhất và mạnh nhất Tây Âu là Liên Âu đang bị cùng lúc bốn cuộc khủng hoảng: 1) của khối Euro; 2) của di dân; 3) của khủng bố xuất phát từ Trung Đông; và 4) sự vẫy vùng trong tuyệt vọng của Liên bang Nga khi tấn công Georgia năm 2008 rồi Ukraine năm 2014 và đưa quân vào Syria từ Tháng Chín năm ngoái. Bốn vụ khủng hoảng nhồi làm một có thể gây phân hóa cho Liên Âu đang mất dần lý tưởng tự do dân chủ, và làm Tây Âu rã thành nhiều mảnh. Khi ấy, Minh ước NATO do Hoa Kỳ lập ra từ sau Thế chiến II sẽ là gì? Và Đông Bán Cầu của nước Mỹ trôi về đâu?

Vì vậy, khi chúng ta còn điểm quân đếm tiền xem Obama chuyển trục ra sao về Đông Á thì Chính quyền Obama đã dự chi gần 800 triệu đô la trong tài khóa 2016 cho Sáng kiến Trấn an Âu châu (European Reassurance Initiative - ERI). Sáng kiến được Quốc hội chuẩn chi từ năm 2014 sau khi Vladimir Putin tấn công Ukraine và thôn tính bán đảo Crimea. Hôm mùng hai Tháng Hai, Chính quyền Obama còn thông báo sẽ dự chi ba tỷ tư (ba ngàn 400 triệu đô la) cho sáng kiến ERI trong tài khóa 2017. Tức là khi ông Obama chuẩn bị về hưu thì đã tăng cường bảo vệ cái trục Âu Châu của Mỹ gấp hơn bốn lần. Nước Mỹ không bấn chút nào về chuyện Trung Quốc tại Đông Á nên vẫn giữ cái trục Âu Châu. Chẳng những vậy, tin từ Ngũ Giác Đài cho biết Bộ Quốc Phòng chuẩn bị đưa thêm một hai lữ đòan tác chiến vào Âu Châu, trong và ngoài khuôn khổ của sáng kiến ERI.

Bước qua chuyện Trung Đông, xưa nay, nhiều người lầm tưởng Hoa Kỳ can thiệp vào Trung Đông vì nguồn lợi dầu khí. Sự thật nó rắc rối hơn gấp bội vì khu vực này tiếp cận với Âu Châu, khối Hồi giáo và cả lục địa Phi Châu, ở giữa có biển nóng Địa Trung Hải, một cửa thông thương của Đế quốc Nga.

Năm năm trước, Chính quyền Hoa Kỳ muốn thi hành chánh sách “đi vái tứ phương” của ứng cử viên Obama, là nhận lỗi về những can thiệp của nước Mỹ để cải thiện quan hệ với khối Hồi giáo và sẽ triệt thoái khỏi hai chiến trường Iraq và Afghanistan. Sau hai bài diễn văn mang tính chất hòa giải để hòa hợp với các nước Hồi giáo của Tổng thống Obama tại Cairo của Ai Cập và Ankara của xứ Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Clinton trong bài tiểu luận vừa nhắc trên tờ Foreign Policy cũng nói đến việc rút quân. Và thế giới bèn kết luận rằng Hoa Kỳ chuyển trục về Đông Á.

Ngày nay, Hoa Kỳ vẫn duy trì một số đơn vị tác chiến tại Afghanistan sau khi chấm dứt nhiệm kỳ Obama và đang thực tế tham chiến tại Iraq, Syria mà chưa biết làm sao giải quyết chế độ hiếu sát Bashar al Assad tại Syria, hay làm sao cứu vãn nổi tình hình Lybia sau khi dại dột can thiệp để lật đổ chế độ Muamar Ghadaffi. Còn mối nguy khủng bố Hồi giáo thì vẫn nguyên vẹn và gia tăng cường độ với sự xuất hiện và tung hoành của lực lượng ISIL. Chính quyền Obama đã lấy rủi ro lớn hơn Chính quyền Bush 43 (George W. Bush) khi vừa đối thoại vừa đối đầu với xứ Iran và sau khi kết ước với Tehran thì gây hoài nghi cho các đồng minh trong khu vực là Saudi Arabia, Jordan và Israel.

Hi vọng bất ngờ của Obama – nằm ngoài chánh sách Hồi giáo nguyên thủy, là xứ Turkey của dân Thổ, theo hệ phái Hồi giáo Sunny, sẽ gánh thêm trách nhiệm để ổn định Syria, chặn đường tiến của Nga và tái cân bằng lực lượng với Iran trong mâu thuẫn gia tăng giữa Iran và Saudi Arabia cùng Israel.

Ngày nay, Hoa Kỳ đang thành một đại gia dầu khí – biến cố nằm ngoài chánh sách đối ngoại hay kinh tế và trái với sự mơ ước của Barack Obama – mà chưa thể chuyển trục khỏi Trung Đông. Ngược lại, mâu thuẫn giữa chánh sách (là tránh đổ quân vào trận địa) và thực tế là bán cái cho các nước Hồi giáo giải quyết lấy các xung đột trong khu vực sẽ là một “di sản Obama”, được trao lại cho vị Tổng thống thứ 45.

Khi ấy, ta trở về cái trục long đong kia: Châu Á.

Sau thời lập quốc đúng 140 năm, Hoa Kỳ đã cắm trục tại Á Châu sau khi khuất phục một cường quốc Âu Châu là Đế quốc Tây Ban Nha năm 1898 và chiếm lấy thuộc địa Phi Luật Tân. Khi Thế chiến I bùng nổ, Hoa Kỳ đã giao tranh với Hải quân Đức trên vùng biển Thái Bình Dương rồi đại thắng quân Nhật cũng trên vùng biển này từ 1941 đến 1945, và can dự vào hai cuộc chiến lớn trong khu vực là Chiến tranh Cao Ly trên bán đảo Triều Tiên (1950-1953) và Chiến tranh Việt Nam (1965-1975). Ngày nay, Hoa Kỳ vẫn có những hiệp ước giao kết với các nước bản đảo hay quần đảo Á Châu như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Úc, Singapore, Phi Luật Tân, và cả Ấn Độ, v.v....

Về thực tế địa dư chiến lược, Hoa Kỳ có khả năng quân sự kiểm soát được mọi ngả thông thương trên biển của đại cường lục địa đang muốn thành đại cường hải dương là Trung Quốc.

Y như lãnh đạo Liên bang Nga là Vladimir Putin, lãnh đạo Bắc Kinh là Tập Cận Bình hiện gặp rất nhiều mối nguy trong nội bộ, về cả kinh tế lẫn xã hội và chính trị, nên bán cho người dân “ảo giác đại cường” để củng cố ngôi vị của mình. Ảo giác ấy có vẻ hiện thực, giống như thật, vì sự loay hoay lúng túng của Chính quyền Obama khi nói tới trục này rồi nắm lấy trục khác mà cứ xoay như chong chóng. Không chỉ hiện thực, ảo giác ấy là một rủi ro lớn vì hai chế độ Nga Tầu đều bị suy yếu ở bên trong nên có những tính toán phiêu lưu tới bất ngờ. Bất ngờ trước tiên là cho Chính quyền Hoa Kỳ sau khi Obama hòa gỉải với Putin về hồ sơ Syria từ năm 2011, lao vào Ukraine năm 2014 rồi tháo chạy khỏi Syria sau sáu tháng tưng bừng. Gây bất ngờ hơn nữa là sau khi Obama tin vào lời hão huyền của Tập Cận Bình về Đông Hải vào năm 2014.

Thực lực của hai chế độ này chưa thể trực tiếp thách đố nước Mỹ về quân sự hay kinh tế, nhưng đe dọa các quốc gia bị kẹt ở giữa và nếu mâu thuẫn dẫn tới xung đột và tranh chấp thì sau cùng, Hoa Kỳ vẫn phải nhập cuộc. Rủi ro lớn nhất không phải là cho nước Mỹ mà cho các nước khác.

***

Y như Nghị sĩ Obama năm xưa, các ứng viên tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ năm nay có thể nói này nói khác về chánh sách họ sẽ áp dụng nếu đắc cử. Khi đắc cử, họ vẫn phải thấy ra một thực tế: Hoa Kỳ là một cái trục.

Đấy là trung tâm nằm giữa bánh xe có những nan hoa chĩa ra tứ hướng và xoay vần theo những động lực mà lãnh đạo giỏi thì phải cố gắng kiểm soát được, là trường hợp của Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, Franklin Roosevelt, Harry Truman, Dwight Eisenhower, Ronald Reagan và cả George W. H. Bush (ông Bush 41). Họ đều dám lấy những quyết định đảo điên và đi ngược những lý tưởng đã đề cao là tìm thế quân bình dù bất ổn nhưng có lợi cho nước Mỹ. Hai vị sau này là thần tượng về đối ngoại của Barack Obama như ông ta đã xác nhận.

Nếu các chính khách lại chủ quan duy ý chí nhìn vào mọi sự từ chánh sách của mình thì sẽ có “hiện tượng Obama”, như người ta có thể đọc thấy trên tờ The Atlantic tuần qua, trong một bài phỏng vấn dài tới mấy chục trang của Jeffrey Goldberg. Như tên tựa của bài viết, “Chủ thuyết Obama” là điều rỗng rang

Và “tai họa Obama” đang chờ đợi các ứng cử viên đang gây sóng gió trên chính trường và đường phố Hoa Kỳ…. Còn tai họa cho xứ khác? - Không là một ưu tiên của nước Mỹ, nhất là trong mùa bầu cử!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét