Thứ Bảy, tháng 1 05, 2013

Thi Đua Hoa-Ấn


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130104

Vì sao Trung Quốc sẽ thua Ấn Độ?


 * Biên giới Hoa-Ấn: ngồi canh chừng trên tảng đá hòa bình! *


Trả lời cuộc phỏng vấn đầu năm 2013 của mục Tạp Chí Kinh Tế trên đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI tại Paris, về trận đua kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, người viết tỏ vẻ hoài nghi những dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ để đứng đầu thế giới. Và còn nói ngược rằng có khi Trung Quốc lại bị Ấn Độ bắt kịp! Độc giả có thể thắc mắc về cơ sở của lý luận này. Nhân dịp đầu năm, xin nhắc lại chuyện Ấn-Hoa....


Tương lai không nhất thiết là một dự phóng vạch ra từ quá khứ, nhiều đột biến bất ngờ vẫn có thể xảy ra và làm thay đổi cục diện của các quốc gia. Nhưng nhìn trong trường kỳ, một số chuyển động chậm rãi âm thầm cũng dẫn tới những đổi thay trong từng nước và chi phối tương quan giữa các quốc gia với nhau. Vì vậy, dự báo là điều cần thiết, nhưng phải trong thế động...

Kể về mệnh giá, sản lượng kinh tế Trung Quốc vừa vượt Nhật Bản vào năm 2010 để đứng hạng nhì thế giới và thực tế thì còn sớm hơn cả chục năm nếu kể về tỷ giá mãi lực hay sức mua của đồng bạc tại hai nơi khác nhau. Trong các nền kinh tế thuộc loại đang phát triển, Trung Quốc là một thị trường lớn và đông dân nhất địa cầu, thực tế là một trung tâm chế biến của toàn cầu, nên được chú ý, thậm chí ngợi ca. Trong phần ngợi ca ấy có rất nhiều điều nhảm nhí, đôi khi còn vì dụng tâm! Chuyện dụng tâm ấy, xin gác qua một bên

Với khác biệt về đà tăng trưởng hàng năm – 7% so với 2% của Hoa Kỳ - thì Trung Quốc có thể bắt kịp Mỹ nếu ta phóng lên hai đường tuyến từ quá khứ vào tương lai. Nhiều dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hay gần đây nhất, của Hội đồng Tư vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National Intelligence Council), đều nói tới chuyện bắt kịp và vượt qua, vào thời điểm 2016 hay 2030, tùy cách tính.

Nhưng thế giới con người lại không đơn giản như vậy.

Là quốc gia đông dân nhất địa cầu, Trung Quốc có một tỷ 350 triệu dân, hơn Ấn Độ cỡ trăm triệu. Nhưng, do chủ trương kế hoạch hóa gia đình (chính sách "mỗi hộ một con") được áp dụng từ năm 1978, đà tăng trưởng dân số đã bắt đầu chậm lại và Trung Quốc sẽ sớm gặp hiện tượng "lão hóa dân số", với lớp cao niên chiếm một tỷ trọng lớn hơn và nâng cao "tỷ số lệ thuộc", của thành phần lệ thuộc vào sức sản xuất của những người trẻ hơn.

Ấn Độ sẽ sớm bắt kịp Trung Quốc về dân số, với "tỷ số lệ thuộc" thấp hơn nhờ dân số trẻ hơn. Tức là về lượng lẫn phẩm, Ấn có ưu thế cao hơn nếu chỉ tính đến dân số. Hệ thống giáo dục và đào tạo của Ấn còn có ưu thế khác - kể cả di sản về tổ chức của Đế quốc Anh - nên đạt năng suất và cơ hội lao động cao hơn. Đấy là một lẽ.

Sau khi giành lại độc lập năm 1947 và dưới sự lãnh đạo của đảng Quốc Đại theo xu hướng xã hội chủ nghĩa, Ấn Độ học thói Xô viết và đòi quốc hữu hóa nền kinh tế. Điều may mắn là xứ này đã ngay từ đầu áp dụng chế độ dân chủ và tinh thần đa nguyên, nên khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ấn đã kịp xoay mà không bị loạn. Ấn đã cải cách kinh tế và chuyển hướng theo quy luật thị trường và 20 năm sau, khu vực quốc doanh chỉ kiểm soát được có 14% của Tổng sản lượng, so với 50% tại Trung Quốc.

Chẳng những vậy, Ấn Độ có truyền thống kinh tế tự do hơn các nước lớn đã áp dụng chế độ độc tài, như Trung Quốc hay Liên bang Nga. Nhờ vậy, tư doanh Ấn có những tổ hợp lớn với sức cạnh tranh đáng kể trên trường quốc tế. Trung Quốc thì chưa vì tập đoàn nào cũng bị nhà nước chi phối, từ ngân hàng đến công nghiệp và dịch vụ, để thực thi chánh sách của đảng, đã kém khả năng cạnh tranh mà còn gây lãng phí và chỉ là hang ổ của tham nhũng.

Nói về tập đoàn tài chánh ngân hàng và khả năng điều tiết kinh tế, các ngân hàng của Ấn phải cạnh tranh bằng tổ chức và năng suất, trong khi Ngân hàng Trung ương là có thẩm quyền tương đối độc lập về chánh sách. Hệ thống Trung Quốc lại khác. Thống đốc Ngân hàng Trung ương có thể bị đá ra khỏi Trung ương đảng - số phận của Chu Tiểu Xuyên – và bề nào cũng chẳng kiểm soát được các ngân hàng thương mại của nhà nước mà còn bị nhiều ủy ban của đảng chi phối để thi hành chánh sách của đảng.

Hậu quả là Trung Quốc chủ quan áp dụng lãi suất rẻ, các ngân hàng của nhà nước phải tài trợ các doanh nghiệp cũng nhà nước qua biện pháp ưu đãi và gây rủi ro, lãng phí trong hệ thống quốc doanh là nơi thu hút một phần tư dân số lao động. Chánh sách điều tiết về tín dụng và tiền tệ của Trung Quốc thật ra còn quá thô sơ so với Ấn Độ. Đòn bẩy sử dụng là biện pháp hành chánh và mức dự trữ pháp định là loại khí cụ thô thiển, lạc hậu và thực tế chỉ là sự phân bố tín dụng nhờ sự can thiệp của nhà nước, hay nhờ quan hệ thân tộc của các đảng viên cao cấp.

Đã vậy, Bắc Kinh còn dọa thiên hạ là sẽ thả nổi đồng Nguyên vào năm 2015 để nâng đồng bạc vào loại "ngoại tệ dự trữ" và ganh đua với các ngoại tệ mạnh. Thực tế thì Bắc Kinh vẫn kiểm soát hối suất để tìm lợi thế cạnh tranh nhờ tiền rẻ và tránh biến động tiền tệ lẫn động loạn xã hội nếu đồng bạc lên giá. Trong khi ấy, đồng Rupee của Ấn được tương đối tự do lên xuống theo quy luật cung cầu chứ không do quyết định của nhà nước. Và hệ thống kiểm soát luồng giao dịch tư bản của xứ này cũng được giải toả, giới đầu tư quốc tế có thể tham gia vào thị trường cổ phiếu của Ấn chứ không bị hạn chế như tại Trung Quốc.

Kết quả chung cuộc về chánh sách là tiêu thụ chiếm 58% Tổng sản lượng Ấn Độ so với 38% của Trung Quốc: kinh tế Trung Quốc vẫn lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư (47%) và xuất cảng (29%), mà xuất cảng của xứ này lại thuộc vào loại chế biến, có thể thăng giáng theo chu kỳ trong khi đa số xuất cảng của Ấn lại là loại dịch vụ, rất ít bị ảnh hưởng.

Tiêu thụ mà chiếm một tỷ trọng cao thì cũng có nghĩa là người dân được quyền hưởng, và quyền chọn, và doanh nghiệp phải cạnh tranh để phục vụ sở thích của khách hàng.

Thế giới cứ nói về sức tiết kiệm của người dân Trung Quốc. Đấy là cách nhìn bằng một mắt nên kém chiều sâu: vì Trung Quốc thiếu mạng lưới an sinh và phúc lợi nên ai cũng phải dằn túi thủ thân. Dân Ấn Độ có mức tiết kiệm cũng bằng 30% lợi tức, nhưng vẫn có sức tiêu thụ cao hơn người dân Hoa lục. Mà về khả năng tiêu thụ ấy, họ còn có quyền chọn lựa trong một thị trường then chốt là thông tin và báo chí.

Báo chí Ấn Độ có quyền tự do chứ không bị kiểm soát, dân trí cũng vậy! Trong nền kinh tế tri thức của nhân loại, đấy là một lợi thế của Ấn mà Trung Quốc không có. Huống hồ dân Ấn - rất trẻ, xin nhắc lại – còn có khả năng vượt trội về thuật lý, technology. Và lại thông thạo ngôn ngữ chủ yếu của thế giới hiện đại là Anh ngữ!

Đế quốc Anh không chỉ để lại loại di sản vô hình như ngôn ngữ, bộ máy hành chánh công quyền, hạ tầng cơ sở luật lệ, chế độ dân chủ đại nghị hoặc tinh thần đa nguyên. Vì nhu cầu của họ, người Anh còn sớm phát triển mạng lưới hỏa xa toả rộng trong lãnh thổ Ấn. Hệ thống giao thông ấy là lợi thế cho việc vận chuyển người và vật trong một lãnh thổ rộng lớn, là điều Trung Quốc chưa có và chưa thể có.

Là một xã hội đa nguyên, từng đã bị khủng bố tấn công, Ấn Độ không nhân danh quyền ổn định và thống nhất quốc gia mà đàn áp dân thiểu số, kể cả những người theo đạo Hồi là tôn giáo xưa kia đã từng thống trị xứ này. Tại Trung Quốc, các sắc tộc thiểu số chỉ là phó thường dân. Và xứ này không thể ổn định nếu ngơi tay đàn áp - mà càng đàn áp thì càng dễ gây ra sức bật!

Sau cùng, xin nhường lời cho một bậc thầy về kinh tế chính trị học.

Milton Friedman là kinh tế gia khét tiếng thuộc trường phái tiền tệ với chủ trương nhiệt liệt đề cao tự do kinh tế. Ông cũng đã từng được mời qua Bắc Kinh diễn thuyết về kinh tế thị trường và quyền tự do chọn lựa của người dân. Ông mất vào tháng 11 năm 2006, ở tuổi 95. Trước khi tạ thế mấy tháng, ông được tờ Wall Street Journal phỏng vấn và bài phỏng vấn này được tờ báo phổ biến trong số ra ngày 22 tháng Giêng năm 2007. Ghi như vậy để những người tò mò có thể tìm đọc lại, khi Friedman được tờ báo mời ông so sánh Trung Quốc và Ấn Độ.

Câu trả lời phải làm chúng ta giật mình:

"Trung Quốc vẫn duy trì chế độ tập thể về chính trị và nhân sự trong khi giải phóng dần nền kinh tế thị trường. Tới nay thì điều đó có thành công, nhưng sẽ dẫn tới xung đột vì không thể dung hợp kinh tế tự do với chính trị tập thể. Ấn Độ thì duy trì chế độ dân chủ chính trị nhưng lại quản lý một nền kinh tế tập thể. Bây giờ họ mới bắt đầu giải phóng kinh tế nên sẽ gia tăng mọi quyền tự do, vì vậy xứ này có vị trí khả quan hơn Trung Quốc".

Milton Friedman không là kinh tế gia bình thường, ông nhìn sự việc khác thiên hạ nên là nhân vật hiếm hoi không tỏ vẻ gì là bị mê hoặc về huyền thoại Trung Quốc mà còn tiên báo điều nghịch lý. Có lẽ vì ông nhìn vào nội lực thật của Trung Quốc. Chúng ta nên thử tìm hiểu về nội lực đó khi cả thế giới cứ nói hoài là khi Trung Quốc tỉnh giấc, thiên hạ sẽ bị chấn động.  

Thiên hạ có thể chấn động khi Trung Quốc bị Ấn Độ qua mặt và bên trong lại bị động loạn và gặp lại cảnh tam phân. Không thành ngũ đại thì cũng ra thập quốc....

3 nhận xét:

  1. Kính chúc bác Nghĩa và gia đình luôn mạnh khỏe và bình an.Mong bác viết đều blog đều tay để lũ hậu sinh được mở mang tâm trí.

    Câu này "Đế quốc Anh chỉ không để lại loại di sản..."

    ý bác Nghĩa là "Đế quốc Anh không chỉ để lại... mà còn để lại..." có phải ko ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Metal. Đã sửa lại chữ viết sai ở trên, "không chỉ để lại"... NXN

    Trả lờiXóa
  3. Cháu những mong những bài viết của chú từ lý luận đến thực tế nền kinh tế Viêt Nam. Giới trẻ ở Việt Nam chúng cháu rất cần những kiến thức cơn bản cũng như chuyên sâu về kinh tế để được khai tâm và khai trí. Cháu rất mong, qua blog này, chú giúp chúng cháu có cơ hội học tập!

    Cháu cảm ơn chú nhiều!

    Trả lờiXóa