Thứ Ba, tháng 3 01, 2016

Hoa Kỳ Bí Hiểm



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160229
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Nước Mỹ vừa bí vừa hiểm mới đáng sợ! 

 * Eo ơi! Trung Cộng xưng hùng tại Biển Đông? *


Hoa Kỳ là quốc gia rất lạ. Nhờ sức sáng tạo của cả xã hội quân và dân sự, người ta không biết sẽ có những gì trong năm năm tới, vì cứ năm năm lại có cái gì đó rất mới.

Chỉ năm năm trước thôi, ít ai biết cuộc cách mạng về thuật lý khai thác dầu khí, là “fracking”, lại nâng sản lượng của Mỹ, làm đảo lộn thị trường dầu thô, đánh sụt giá dầu khiến các đại gia như Saudi Arabia, Liên bang Nga hay Venezuela và cả khối OPEC điêu đứng. Chiến lược của thế giới bị đảo lộn vì người Mỹ có cách gạn cát ra dầu! Giá dầu sút giảm cũng hạ thấp phí tổn sản xuất của doanh nghiệp và dẫn tới cuộc cách mạng về quản trị kinh doanh với hậu quả ra sao thì chưa ai biết được.

Việc ứng dụng và thường trực cải tiến các phương tiện thông tin, sản xuất hay y học - mới chỉ phát minh từ 15 năm trở lại - đang mở ra  chân trời mới, và sẽ thay đổi nếp sinh hoạt của nhiều người. Những ai bắt kịp đà tiến hóa thì có mức sống cao hơn. Nếu không kịp thì bị đào thải, thất nghiệp hoặc phải nhận việc có lương thấp hơn khả năng, chỉ vì khả năng đó tụt hậu, bị “lỗi thời hóa” quá nhanh.

Sự thay đổi quá rộng và quá mau làm nhiều người chóng mặt. Nếu chửa biết những gì sẽ xảy ra trong năm năm tới thì ta khó làm chủ cuộc sống, nên nhiều người hoang mang, bất mãn…. Tình trạng dồn ép tâm lý ấy đang chi phối cuộc tranh cử tổng thống và mở ra lý luận mị dân.

Để hốt phiếu cử tri, các ứng cử viên phải vạch mặt chỉ tên thủ phạm. Thủ phạm là bọn chính khách chuyên nghiệp cùng đám tài phiệt - và gạch nối giữa hai thành phần này là doanh nghiệp vận động hành lang chính trị, bọn “lobby” giấu mặt. Không, thủ phạm của nạn tụt hậu chính là bộ máy thư lại bao cấp, hay nghiệp đoàn giáo chức vốn chỉ là công chức về giáo dục, hoặc các di dân đã “cướp việc làm” của người Mỹ. Thủ phạm cũng là truyền thông báo chí, có dụng tâm ủng hộ “gà nhà” mà không cho thấy sự xoay vần đến hoa mắt của khoa học, kỹ thuật, hay kinh tế thị trường, v.v….

Thật ra, mọi lý luận mị dân đều phải có một phần sự thật, nhưng chỉ một phần thôi.

Vì vậy, mọi giải pháp đề nghị đều sẽ thất bại vì chỉ giải quyết một phần vấn đề, lại gây ra loại hậu quả bất lường, nhưng các ứng cử viên bất cần. Nhu cầu của họ là chứng minh tài nghệ tranh cử, tài hùng biện và nghề tổ chức, hơn là khả năng lãnh đạo sau này nếu như đắc cử. Trường hợp lý tưởng là người sẽ làm tổng thống giỏi phải trước hết là người giỏi tranh cử. Vì lý tưởng nên hơi hiếm. Nhiều người có thể là tổng thống giỏi đã rụng như ruồi vì tranh cử quá dở! Cựu Thống đốc Jeb Bush là một thí dụ mà không duy nhất! Mất tiền mất tiếng là phải….

Nổi danh như cồn thì có con vịt The Donald, nỗi lo của đảng Cộng Hòa và nhiều người khác. Ông Trump này mà đắc cử thì thế giới sẽ loạn to!

Trong một thế giới mà tương lai năm năm còn mù mờ thì năm tháng tranh cử sắp tới, cho đến khi Đại hội đảng chính thức giới thiệu liên danh thụ ủy, sẽ là cơ hội bằng vàng cho báo chí tường thuật. Vừa giật gân bán báo vừa thu tiền quảng cáo chính trị của các ứng cử viên. Vì vậy, con Donald là sản phẩm ăn khách trên thị trường Hoa Kỳ làm thế giới giật mình ngao ngán.

Nhưng việc ai người ấy làm.

Tuần qua, khi dư luận hào hứng theo dõi vòng bỏ phiếu sơ bộ và các cuộc tranh luận chính tri trên truyền hình, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lặng lẽ giới thiệu một ám khí sắp ra lò, qua một tấm hình mơ hồ mà ác liệt. Đó là oanh tạc cơ mới chỉ có mã hiệu là B-21. Chưa có mặt nên chưa đặt tên.

Nhờ tấm hình, ta biết đấy là một phi cơ! Vì có thể dội bom được nên ta gọi là oanh tạc cơ, với mã hiệu là chữ B của “bomber”. Nhờ kinh nghiệm thì mình đoán thêm rằng đấy là oanh tạc cơ có khả năng tàng hình, “stealth”, vì tránh được radar hay phương tiện phòng không của địch. Tránh tới cỡ nào thì chưa biết. May ra, năm năm nữa sẽ biết!

Dĩ nhiên, oanh tạc cơ chưa ra lò sẽ chở võ khí tinh khôn với sức “phóng lực” – power projection – vô cùng chuẩn xác, ở rất xa, với tốc độ rất nhanh. Và trong bộ não, chiếc B-21 này có khả năng… mưu sinh thoát hiểm siêu hạng.  Chỉ vì mỗi chiếc sẽ tốn 500 triệu đô la.

Một máy điện tử giết người, có thể di động trên không gian nhanh hơn vận tốc của âm thanh, lại trị giá nửa tỷ bạc như vậy thì chẳng thể là võ khí tầm thường. Mà Hoa Kỳ dự trù chế tạo một trăm chiếc, với phí tổn là 50 tỷ, chưa kể các chi phí điều hành lặt vặt khác. Tức là làm sao?

Trong khi cử tri và dư luận còn đắn đo với chuyện chọn mặt gửi vàng vào ngày Thứ Ba mùng tám Tháng 11, giới hữu trách về an ninh vẫn chuẩn bị việc phóng chiếu sức mạnh Hoa Kỳ vào một môi trường còn nhiễu nhương và phức tạp gấp bội! Khi ấy, trở lại quy luật “chưa biết năm năm tới sẽ là gì”, những ai có trách nhiệm bảo vệ Hoa Kỳ đã chuẩn bị, từ trong viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm ra các nhà máy bí mật, việc chế tạo ám khí cho một trận địa chưa có.

Trận địa ấy không chỉ là chiến xa hay chiến hạm mà là các công xưởng sản xuất chiến cụ, hay các trung tâm tiếp liệu, liên lạc và chỉ huy của những đối phương chưa có tên.

Đấy là lúc ta nhớ tới hội nghị Hoa Kỳ cùng 10 nước ASEAN của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á tại Rancho Mirage vào hai ngày 15-16 tháng Hai.

Hội nghị kết thúc trong tẻ nhạt, Tổng thống Mỹ chẳng dám một lời nhắc tới Trung Cộng ở biển Đông. Nhưng hôm 16, đài Fox News nổi tiếng bảo thủ lại tiết lộ việc Bắc Kinh thiết trí hỏa tiễn loại Hồng Kỳ lớp 9 trên đảo nhân tạo Phú Lâm mà Trung Cộng chiếm đoạt của Việt Nam trong trận Hải Chiến Hoàng Sa năm 1974. Sau Fox là đài CNN thiên tả rồi cả thông tấn xã Reuters cũng nhập cuộc với hình ảnh và tường thuật đầy đủ.

Reuters còn dẫn lời phát biểu của Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Quân khu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Rằng “Trung Cộng đang quân sự hóa vùng biển Đông Nam Á và phải lầm tượng rằng địa cầu là mặt phẳng thì mới nghĩ khác.” Từ một ông tướng chỉ huy lực lượng quân sự Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương thì lời phát biểu hiển nhiên có trọng lượng quốc tế, làm thế giới xôn xao.

Nhưng chìm sâu ở cuối bản tin của Reurters là một câu nói khác của Đô đốc Harris: “Hoa Kỳ có khả năng quân sự để làm việc phải làm, nếu chuyện ấy xảy ra”. Phiên dịch cho dễ hiểu: “Trung Cộng chưa có ký lô nào!” Chưa là mối nguy quân sự cho nước Mỹ.

Cho nước khác thì nước khác phải lo…. Nếu cần thì cứ mua võ khí của Hoa Kỳ, với điều kiện.

Thế thì nhìn từ bên ngoài thì ta giải thích làm nào về nước Mỹ? Tinh hoa của sáng tạo, tinh ma của chính trị, bén nhạy trên doanh trường mà khật khùng trong chính trường vào mùa tranh cử?Hoa Kỳ có tất cả những yếu tố ấy, mà còn có khả năng kinh hãi hơn vậy: ai cũng nói thật, một phần của sự thật đầy mâu thuẫn, đầy nghịch lý và nghịch nhĩ. Thế thì người Mỹ muốn gì?

Hình như cái gì cũng muốn dù chẳng biết cái đó là cái gì!

Sự thật có khi lại đơn giản hơn vậy.

Nước Mỹ bí hiểm chỉ vì có xã hội cởi mở, đa nguyên và tôn trọng quyền tự do, kể cả quyền tự do nói nhảm của mọi người. Vì vậy, cái gì cũng nói, hoặc cũng đòi làm. Trước một đối thủ đầy vẻ “thiên thủ thiên nhãn,” có ngàn tay ngàn mắt, tay nào cũng đòi nắm bắt thiên hạ, hoặc phóng ám khí trị giá nửa tỷ đô la qua nửa vòng trái đất, thì các nước tính sao? Hoa Kỳ đến hồi mạt vận? Hay đang giả điên với một con vịt khùng?

Cái hiểm của nước Mỹ nằm trong cái bí đang được phơi bày cho bàn dân thiên hạ cùng thấy! Vì vậy, người viết này không sợ Tổng thống Trump, chỉ tòe loe như hiện tượng trumpet.

Mà sợ chuyện khác….

14 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa !
    Trong bài viết bác có nói " Ông Trump này mà đắc cử thì thế giới sẽ loạn to " . Nhưng trong nhiều bài phân tích, bình luận trước đó bác có nhắc tới quyền lực của Tổng thống Mỹ không nhiều khi bị chi phối và ràng buộc với quyền lực của Quốc hội, quyền lực của Tòa án tối cao, của Ngân hàng TW, rồi đến cấp tiểu bang....và quyền lực của Tổng thống Mỹ thực sự chỉ phát huy ở lĩnh vực đối ngoại nhưng ở lĩnh vực này thì Tổng thống Mỹ vẫn phải cân nhắc khi quyết định tham gia vào những vấn đề nóng trên thế giới.

    Vậy bác cho cháu hỏi là hai khẳng định trên của bác có mâu thuẫn với nhau không ạ ?

    Và bác cho chảu hỏi thêm là những ứng cử viên theo đường lối cực hữu bên Cộng hòa và cực tả bên Dân chủ nếu lên làm Tổng thống có thực hiện những tuyên bố của mình trước đó khi đi ra tranh cử với đường lối đầy cực đoan, bảo thủ và mị dân không ạ ?

    Cháu cảm ơn bác !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. - Các quốc gia đều biết là sát cánh với Hoa Kỳ thì có thể bị quân khủng bố tấn công nên cần thấy quyết tâm của Tổng thống Mỹ. Barack Obama không đem lại niềm tin ấy cho nhiều nước và sự yếu kém của Hoa Kỳ trước thái độ hung hằng của các chế độ hung đồ là một vấn đề. Nhưng nếu danh hài Donald Trump mà là Tổng thống thì Mỹ sẽ mất hết đồng minh, từ Âu Châu qua Trung Đông và trong khối đang phát triển Á-Phi. Khi ấy, làm sao mà thế giới không loạn được? Đảng Cộng Hòa đang tự sát trước mặt thế giới, và con người giảo hoạt như Hillary Clinton lại là giải pháp?

      Nước Mỹ này vui thật!

      Xóa
    2. Thưa bác Nghĩa !

      Hiện nay FBI đang điều tra bà Hillaty về việc bà sử dụng email cá nhân trong công việc, và thông tin gần nhất thì FBI khám phá ra hàng chục email chứa những thông tin " tuyệt mật " .

      Vậy bác có thể " giải ảo " thêm cho cháu về vấn đề này được không ạ ? Nếu bà Hillary bị kết tội trước khi ngày bầu cử thì có ảnh hưởng gì đến kết quả bầu cử Tổng thống không ạ ?

      Và đặt giả thiết nếu bà Hillay đắc cử Tổng thống nhưng sau đó FBI mới công bố kết quả điều tra là bà Hillaty bị kết tội thì theo Hiến pháp Mỹ bà Hillaty có bị tước danh hiệu Tổng thống không ạ ? Và các kịch bản tiếp theo là như thế nào vậy ạ ?

      Cháu cảm ơn bác !

      Xóa
    3. Tôi chưa biết được, nhưng có mộtt chút hy vọng.
      Hôm Thứ Hai 29, Tổng trưởng Tư Pháp Loretta Lynch cho biết thêm chi tiết về cuộc điều tra những vi phạm của Hillary Clinton, và khẳng định rằng không một ai ở ngoài Bộ này, kể cả Phủ Tổng thống, được biết gì về cuộc điều tra do cơ quan FBI đang tiến hành.

      Nếu đúng như vậy, bà Lynch đáng kính hơn vị tiền nhiệm là Eric Holder, một kẻ ra sức dùng chức vụ công quyền để bảo vệ Tổng thống và chính quyền.

      Nhưng từ đó mà cho rằng FBI sẽ truy tố Hillary trước Đại hội đảng Dân Chủ hay ngày bỏ ohiếu thì hơi lạc quan vì thủ tục rất nhiêu khê và tang vật là cả nghìn trang Email.

      Từ xưa (1992), tôi vẫn đánh giá Hillary là lưu manh và độc ác chứ không tử tế hay thương dân bằng ông chồng đa tình. Bây giờ nước Mỹ mà phải chọn giữa Hillary và Trump thì quả là không may!

      Xóa
  2. Thưa bác Nghĩa,
    Cuối bài bác có bỏ ngỏ "Mà sợ chuyện khác....", bác có thể tiết lộ một chút là chuyện khác ở đây là chuyện gì được không ạ?
    Giả sử, trong trường hợp Donald Trump và Hillary Clinton ra tranh cử tổng thống...thì theo bác ai là lựa chọn ít tệ hơn? Liệu có phải là Hillary Clinton hay là ta lựa chọn nằm nhà miễn đi bầu ạ?
    Cháu xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  3. Neu phai lua chon giua Clinton va Trump, toi se bau cho Clinton vi it ra ba con co kinh nghiem ung pho voi the gioi, thay vi chi phat bieu nhung loi noi "dao to bua lon" cua Trump, ma khong co mot ke sach ro rang.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa cô Bích Uyên,
      Theo cháu đúng là Hillary có kinh nghiệm hơn nhưng là kinh nghiệm đen, tức điểm âm về chính sách đối ngoại thời làm ngoại trưởng nên xét cho cùng lại thua ông Donald Trump (điểm 0 về mọi mặt).
      Obama quá tệ vì mắc chứng "tự mê bản thân" hay nói theo kiểu cộng sản là duy ý chí vì ông ta được giáo dục theo kiểu tư duy cực tả Á-Phi nên mọi kế hoạch của các cố vấn tốt đẹp đều bị ông ta gạt bỏ. Thực tế, Donald Trump...vẫn có thể là tổng thống lẫy lừng (nếu đắc cử) nếu chịu làm theo lời các cố vấn tài giỏi.
      Ôi chuyện tương lai có vẻ khó đoán và khá nhức đầu.

      Xóa
    2. Tôi có một cách nhìn hơi khác. Nếu ta lùi về xem chuyện này như một vở hài kịch - nước Mỹ vui thật! - thì đào lẳng như Trump hay đào thương như Hillary đều nhập vai hề! Biết đâu sẽ có một bài hý lộng quỷ thần như vậy? Và ai cũng cười cho tới ngày bỏ phiếu!

      Xóa
  4. http://cnnmon.ie/1L7wB1S

    Thưa bác Nghĩa, nếu như tay này đắc cử liệu có dám thực hiện hay k, hay chỉ là hứa suông kiếm phiếu?

    Trả lờiXóa
  5. Mục tuêu của các ứng cử viên khi đi tranh cử là đắc cử. Sau đó là chuyện khác. Donald Trump là ứng cử viên xuất sắc trong việc khai thác nỗi bất mãn và sự giận dũ của các cử tri, nên hứa hẹn đủ chuyện mâu thuẫn từ tả sang hữu, mà bất chấp thực tế, rồi sẽ bội ước. Nguy hiểm hơn cả là quan niệm của anh ta về quyền lực tổng thống, khác hẳn tinh thần của Hiến pháp, nên sẽ làm các đồng minh thất vọng và các đối thủ khinh thường, thương hại. Vì vậy, đảng Cộng Hòa đang cố chặn đà tiến của nhân vật nguy hiểm này, và càng gây rạn nứt trong đảng cho tới D8ại hội ở Clevenland vào Tháng Bảy này va sau đó...

    Trả lờiXóa
  6. Thưa bác Nghĩa, vậy bác có nhận xét thế nào về nhân vật cực tả thân cộng là Bernie Sanders này?
    Cháu thấy ông ta luôn nói về Bắc Âu nhưng bản thân ông ấy quên 2 điều: thứ nhất, một số lĩnh vực hay quy định về luật lệ Bắc Âu còn tự do kinh tế hơn cả Mỹ; thứ hai, sự trợ cấp, bao cấp vô tội vạ thông qua hệ thống an sinh nhà nước đang tạo ra sức ì cho các quốc gia này tăng trưởng kinh tế và gây thêm nợ, đó là chưa kể nền tư bản thân tộc cấu kết nhờ đặc quyền đặc lợi trong việc tăng chi của nhà nước trong khi doanh nghiệp tư doanh chết kẹt vì thuế cao lẫn sự bất công trong cạnh tranh (dù đỡ hơn mấy nước khác trong khối nhiều nhưng nó vẫn là dấu trừ).
    Cháu không hiểu tại sao giới trẻ, loại có ăn có học lại đi ủng hộ những tư tưởng rất cộng sản, liệu đó có phải do tính tuyên truyền thiên vị của nền giáo dục phổ thông thiên tả như bác đã đề cập?
    Cháu xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói riêng về giới trẻ, thế hệ "Millennium"(sinh vào khoảng 1982-2004) là nạn nhân của nhiều hiện tượng:

      1/ giáo dục thiên tả của thầy cô; 2/ mắc bệnh quên trí nhớ nên không sợ vì chẳng biết gì về tai họa của "xã hội chủ nghĩa" (cộng sản) trên thế giới; 3/ chánh sách kinh tế bao cấp vừa qua, khiến họ vay tiền đi học mà kiếm không ra việc, mắc nợ, về sống bám vào cha mẹ; 4/ rồi oán thán xã hội đã bất công tước đoạt đặc quyền của họ; 5/ mà không biết rằng họ là nạn nhân của cái nhà nước bao cấp theo kiểu xã hội chủ nghĩa; 6/ và trong khi đòi hỏi quyền tự do tuyệt đối cho cá nhân lại chẳng biết rằng định nghĩa của "xã hội chủ nghĩa" là trật tự do một tập thể đặt ra để giới hạn quyền tự do cá nhân.

      Khi nào họ có việc làm, và gia đình, thế hệ trẻ sẽ biết đời nhiều hơn và một số sẽ thoát khỏi cái bệnh thanh xuân ấy. Trong hiện tại thì hồ hởi với tư tưởng hão huyền nhưng... lười đi bầu. Một số tương đối khá hơn thì thiên về Hillary.

      Về hiện tượng Bernie Sanders thì xin để kỳ khác, nhưng ta không quên rằng nước Mỹ vẫn còn nhiều giáo sư, trí thức hay nghệ sĩ tôn sùng chủ nghĩa cộng sản và thù ghét tư bản lẫn toàn cầu hóa. Tuổi trẻ của Barack Obama đã hấp thụ những kiến thức mê muội ấy, và nếu không có Quốc hội thì Obama cũng muốn thực hiện nhiều chủ trương "cải tạo" kiểu Bernie.

      Nước Mỹ này hay lắm vì cho tự do bán bạc giả trên chợ trời của tư tưởng!

      Xóa
  7. Chào bác Nghĩa,
    Bác chỉ giúp cháu: “phóng lực” – power projection hay là "phỏng lực".
    Cháu cảm ơn bác nhiều và chúc bác dồi dào sức khỏe.

    Trả lờiXóa
  8. Tôi nghĩ rằng chữ phóng lực để dia64n tả khái niệm power projection là dễ hiểu và chính xác. Phóng lực là từ chỗ của mình mà đưa sức mạnh tới nơi xa hơn để tạo ra sự thay đổi có lợi cho mình. Sức mạnh ấy có thể là hòn đá, mũi tên, viên đạn, hỏa tiễn, chiếm hạm hay nhiều thứ vô hình khác.... Cũng có người dịch là "viễn chinh" làm ta nghĩ đến lực lượng chinh chiến ở xa, expeditionary force.

    Trả lờiXóa